Hotline 24/7
08983-08983

80% trường hợp đột tử xuất phát từ nguyên nhân tim mạch

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh - Trưởng khối Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: ở bệnh nhân trẻ tuổi, đa số nguyên nhân đột tử là do bất thường bẩm sinh hoặc di truyền liên quan đến rối loạn nhịp tim, bệnh nhân trên 35 tuổi nguyên nhân thường gặp là bệnh mạch vành.

1. Tình trạng đột tử có phổ biến không?

Trước tiên, nhờ BS lý giải rõ hơn: đột tử là gì? Tình trạng này có phổ biến hay không? Những nguyên nhân nào dẫn đến đột tử, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Theo định nghĩa của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, đột tử là những trường hợp bệnh nhân tử vong trước khi vào viện, được ghi nhận hoàn toàn bình thường trong vòng 24 giờ qua và lần cuối cùng có thể nhìn thấy bệnh nhân là hơn 1 giờ trước đó.

Các thống kê cũng cho thấy rằng trên 80% các trường hợp đột tử xuất phát từ nguyên nhân tim mạch, tần suất gặp phải đột tử trong cộng đồng vào khoảng 50 trường hợp trên 100.000 dân và chiếm đến 20% các nguyên nhân tử vong trong cộng đồng.

Qua những con số thống kê trên, cho thấy gánh nặng của đột tử khá lớn đối với cộng đồng. Làm sao để giảm nguy cơ và ngăn ngừa tình trạng đột tử? Có 2 mốc để ngăn ngừa đột tử hiện nay, đầu tiên là làm sao để phát hiện sớm trước khi bệnh nhân bị đột tử. Thứ hai là đối với những trường hợp bệnh nhân ngay trong thời điểm bị đột tử được cấp cứu kịp thời và phù hợp để giảm được gánh nặng, di chứng về sau.

2. Những bệnh lý tim mạch nào có liên quan nhiều đến đột tử?

Những bệnh lý tim mạch nào có liên quan nhiều đến đột tử? Do đâu mà những căn bệnh này có thể đem đến kết cục là một cái chết đột ngột, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Đột tử được chia ra thành rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên tình trạng này sẽ được phân chia dựa trên nhóm tuổi.

Ở những đối tượng bệnh nhân trẻ tuổi, dưới 35, đa số các nguyên nhân đột tử là do những bất thường bẩm sinh hoặc di truyền và phần lớn các trường hợp có liên quan đến tình trạng rối loạn nhịp. Với những trường hợp này, nên tầm soát về yếu tố gia đình, cũng như thực hiện tầm soát các bệnh lý về tim mạch khi còn trẻ.

Ở những đối tượng bệnh nhân trên 35 tuổi, nguyên nhân thường gặp nhất là do bệnh mạch vành. Một nhóm bệnh lý khác cũng liên quan đến nguy cơ đột tử là đột quỵ. Trong trường hợp xuất huyết não do túi phình rất lớn hoặc xuất huyết tại vị trí thân não cũng có thể gây đột tử. Tuy nhiên, tỷ lệ nguy cơ sẽ không cao như bệnh lý về mạch vành.

Nhóm bệnh lý thứ hai cũng có thể gây đột tử, chính là tình trạng rối loạn nhịp, thường gặp phải ở những người lớn tuổi. Ví dụ như bệnh nhân bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim hoặc bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm do thoái hóa những dẫn truyền trong tim, đây chính là những nguyên nhân gây đột tử thường gặp nhất, theo thống kê của các tổ chức y tế thế giới.

3. Đột tử gia tăng ở nhóm người nào, thời điểm nào?

Thưa BS, trong nhóm bệnh lý tim mạch, đột tử sẽ thường gia tăng trên những nhóm người nào? Và thường có xu hướng gia tăng vào thời điểm nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Theo thống kê của Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhóm bị đột tử nhiều nhất là những đối tượng bệnh nhân trên 50 tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất cũng là do bệnh mạch vành. Như đã đề cập ở các chuyên đề trước, bệnh mạch vành là cả một quá trình, xuất hiện từ khi bệnh nhân còn ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Quá trình tích tụ mảng xơ vữa, tiến triển dần theo thời gian và khi đến lứa tuổi 50 - 60, mức độ hẹp bắt đầu có ý nghĩa từ 50 - 60% trở lên, đặc biệt là trên 70% và trên 90% khi mạch máu tim tắc hoàn toàn. Lúc này, một là tim không đập nữa, hai là xuất hiện rối loạn nhịp, gây ngưng tim, đây chính là nguyên nhân gây đột tử nhiều nhất ở những đối tượng lớn tuổi.

4. Tỷ lệ tử vong lên đến 90% ở những quốc gia chưa đào tạo nhiều về hồi sức - cấp cứu ban đầu

Khi nhắc đến đột tử, nhiều người cho rằng khi xảy ra sẽ cầm chắc cái chết. Vậy cơ hội nào cho người bệnh nếu điều này thực sự xảy ra, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Khi ngưng tim ở ngoài cộng đồng, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao, đây cũng chính là mục tiêu quốc gia để làm sao giảm được nguy cơ đột tử ở ngoài cộng đồng. Làm thế nào để chúng ta có một chương trình đào tạo cho y tế cộng đồng? Cũng như đào tạo về những vấn đề về chăm sóc ở tuyến đầu, làm sao để nhận diện được những trường hợp ngưng tim ngoài cộng đồng.

Chúng ta cần có một chương trình về hồi sức tim mạch cơ bản cũng như hồi sức ban đầu ngoài cộng đồng để giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Các chuyên gia nhận thấy đối với những quốc gia chưa được đào tạo nhiều về hồi sức cấp cứu ban đầu thì những trường hợp tử vong trước khi nhập viện sẽ lên đến trên 90%.

Tuy nhiên, đối với những quốc gia phát triển, khi được đào tạo bày bản về chăm sóc sức khỏe ban đầu, hồi sức cơ bản, tỷ lệ tử vong đã giảm đi được phần nào, chỉ còn khoảng 70% và 30% số bệnh nhân được cứu sống.

Điều quan trọng nhất là chúng ta nên nhận diện sớm các triệu chứng của đột tử. Yếu tố quan trọng thứ hai là thực hiện hồi sức phù hợp. Thứ ba là trong cộng đồng nên trang bị máy khử rung, để có thể sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, ngưng tim do nhồi máu cơ tim xuất hiện ngoài cộng đồng.

5. Làm thế nào để phân biệt các biểu hiện của đột quỵ và đột tử?

Các dấu hiệu nào cho thấy đó dấu hiệu của một cơn đột tử? Biểu hiện này có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nào khác và làm sao để có thể dễ dàng phân biệt, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Thông thường chúng ta hay nhầm lẫn giữa 2 tình trạng đột quỵ và đột tử trong cộng đồng.

Đối với những trường hợp đột quỵ, bệnh nhân có thể mất tri giác, không tỉnh táo về mặt tri giác. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân vẫn còn những nhịp hô hấp và tuần hoàn và có thể đánh giá được ngoài cộng đồng, có thể bắt mạch của bệnh nhân ở tay, ở cổ hoặc ở bẹn, nếu bệnh nhân còn mạch nghĩa là nguyên nhân không phải do đột tử. Thứ hai là nhận thấy bệnh nhân còn thở, tình trạng này chưa phải là đột tử.

Đối với những trường hợp bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức, khi bắt mạch không cảm nhận được nhịp đập và nhận thấy bệnh nhân không còn thở, lúc này bệnh nhân có biểu hiện của đột tử, có biểu của ngưng tim và cần được hồi sức tim phổi càng sớm càng tốt, ngay tại nơi xảy ra cơn đột tử.

Song song với đó, người hỗ trợ cần gọi báo trung tâm cấp cứu để bệnh nhân được hồi sức, cấp cứu nâng cao hơn khi có đội ngũ chuyên nghiệp đến hỗ trợ cho nhóm hồi sức tại chỗ trong khu vực địa phương.

Phần 2: Người có bệnh tim mạch cần làm xét nghiệm gì để ngăn chặn nguy cơ đột tử?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X