Hotline 24/7
08983-08983

Triệu chứng dễ nhận biết và dễ bỏ sót của bệnh hẹp động mạch vành

TS.BS Trần Hòa - Phó trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Tổng thư ký Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam cho biết, tình trạng xơ vữa động mạch chính là nguyên nhân dẫn đến hẹp động mạch vành và tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.

1. Hẹp động mạch vành là gì?

Trước tiên, nhờ BS giải thích cho khán thính giả thiểu rõ thêm: Hẹp động mạch vành là gì? Thực trạng căn bệnh này ở nước ta như thế nào ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Hẹp động mạch vành nói riêng và những bệnh lý về động mạch nói chung chính là tình trạng chít hẹp lòng của động mạch vành. So với những điểm mạch máu đang lưu thông sẽ thấy có những đoạn bị xơ vữa và tăng sinh lên, bên trong đó có những mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch vành. Tuỳ thuộc vào mức độ hẹp lòng động mạch vành, có thể gây ra các bệnh lý trên lâm sàng. Chính vì vậy, có thể gọi chung tình trạng bệnh lý là bệnh động mạch vành.

Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh động mạch vành không thông qua tình trạng xơ vữa. Ví dụ như co thắt động mạch vành, là tình trạng động mạch vành bình thường nhưng đôi lúc lại thắt vào, gây hẹp mạch máu tim, tuy nhiên không phải do xơ vữa. Hoặc có những trường hợp huyết khối từ những chỗ khác đến gây tắc động mạch vành đó.

Tóm lại, do rất nhiều nguyên nhân nhưng khi tác động gây hẹp, chít hẹp lòng động mạch vành do xơ vữa hay không do xơ vữa cũng sẽ gây ra nhóm bệnh lý chung liên quan đến bệnh động mạch vành.

2. Mảng xơ vữa chính là một trong những nguyên nhân gây ra hẹp động mạch vành

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra hẹp động mạch vành là gì, thưa BS? Các bệnh lý nào tác động đến khả năng dẫn đến hẹp động mạch vành nhanh hơn, sớm hơn ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Có rất nhiều yếu tố góp phần hình thành nên tình trạng xơ vữa động mạch và chính những yếu tố gây xơ vữa này sẽ làm hẹp và dẫn đến bệnh động mạch vành. Những người càng lớn tuổi sẽ dễ mắc các bệnh lý về động mạch vành. Theo các nghiên cứu cho thấy, về giới, phần lớn nam giới sẽ dễ mắc phải bệnh mạch vành hơn so với nữ.

Một số trường hợp cho thấy liên quan đến vấn đề về mặt di truyền hay gia đình, bệnh tim hay bệnh mạch vành có thể liên quan đến gen. Gần đây chúng ta cũng thường nghe đến những bệnh lý về rối loạn chuyển hóa lipid máu liên quan đến di truyền. Ví dụ như tình trạng tăng nồng độ lipoprotein (a) hay những tình trạng tăng nồng độ LDL - cholesterol máu, đây là những trường hợp được nhận biết rất rõ.

Bên cạnh đó, một số bệnh lý mắc phải cũng sẽ gây xơ vữa động mạch, ví dụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá hay có lối sống thiếu vận động thể lực, đây chính là những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch vành và hình thành bệnh lý.

3. Độ tuổi nào bị hẹp động mạch vành?

Thực tế trong thăm khám, BS nhận thấy, ai và từ độ tuổi nào bị hẹp động mạch vành phổ biến nhất ạ? Nhiều người cho rằng, hẹp động mạch vành chỉ xảy ra khi vào trung niên, thực hư điều này như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Theo như ghi nhận, bệnh lý mạch máu nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng là các bệnh lý thường gặp ở nhóm người lớn tuổi. Tuy nhiên, ở nhóm người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Những trường hợp nhồi máu cơ tim, trên 5 người sẽ có 1 người trẻ dưới 40 tuổi. Có thể thấy tỷ lệ người trẻ mắc những bệnh lý đột quỵ hay nhồi máu cơ tim cũng chiếm 20%.

Ngày nay, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay những bệnh lý về tim mạch đang ngày một trẻ hóa và có thể gặp ngay cả những người trẻ ở lứa tuổi 20 - 40, đã có xuất hiện những biến cố về mặt tim mạch, đây chính là những vấn đề cần lưu ý.

4. Hẹp động mạch vành nguy hiểm trên những nhóm người nào?

Nhờ BS đề cập thêm: Diễn tiến của hẹp động mạch vành thông thường sẽ như thế nào? Hẹp động mạch vành nguy hiểm trên những nhóm người nào, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Diễn tiến của bệnh động mạch vành chính là diễn tiến của mảng xơ vữa. Thông thường mảng xơ vữa được phát hiện ra ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trẻ tuổi vào viện với những biến cố nhồi máu cơ tim và thường không nhận ra mảng xơ vữa trong cơ thể mình được hình thành từ lúc nào.

Đôi khi các y bác sĩ cũng không thể nào lý giải và xác định được mảng xơ vữa trên người bệnh nhân xuất hiện từ lúc nào. Chính vì vậy, trong vấn đề điều trị hay dự phòng những bệnh lý này, gần như cần nhận diện được những trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc những bệnh lý này, để có thể dự phòng.

Về diễn tiến của bệnh hẹp động mạch vành, thông thường ban đầu chỉ là những vệt mỡ nhỏ, dần dần sẽ tích tụ những yếu tố viêm, cholesterol và canxi, theo thời gian sẽ tăng dần lên về mức độ hẹp. Nếu độ hẹp ở mức ổn định, tại mảng xơ vữa có một nắp đậy một cách vững vàng, thường sẽ không gây ra những biến cố lâm sàng.

Nếu mảng xơ vữa bị bong tróc sẽ hình thành những cục máu đông, chạy trong khắp cơ thể và tích tụ dần dần theo thời gian, tạo thành một mảng huyết khối. Chính những mảng xơ vữa có chứa huyết khối được đánh giá là nguy hiểm hay ác tính, vì đây là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim. Mảng xơ vữa này ở trên động mạch cảnh hay trên não có thể gây ra đột quỵ cho người bệnh.

5. Triệu chứng hẹp động mạch vành nào dễ nhận biết và dễ bỏ sót?

Như vậy, đâu là những dấu hiệu cảnh báo hẹp động mạch vành mà chúng ta cần lưu ý ạ? Theo BS, những triệu chứng nào người bệnh thường dễ bỏ sót nhất ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Bệnh động mạch vành được chia ra thành 2 nhóm, bệnh động mạch vành mạn tính, ổn định và hội chứng mạch vành cấp tính.

Bệnh động mạch vành mạn tính, ổn định là khi mảng xơ vữa tăng dần kích thước, nếu chưa đạt đến mức nặng, có thể người bệnh mắc bệnh mạch vành nhưng không có triệu chứng.

Nhưng nếu mảng xơ vữa tăng kích thước và gây hẹp nặng lòng động mạch vành, người bệnh sẽ có những triệu chứng đau ngực. Đặc biệt, ở một số bệnh nhân khi làm một việc gì nặng sẽ bị đau ngực khi gắng sức, khi nghỉ ngơi lại hết đau. Trong cơn đau nhói, người bệnh sẽ cảm giác rất mệt, đôi khi có vã mồ hôi, triệu chứng đau ngực liên tiếp lặp đi lặp lại khi người bệnh cố gắng sức, được gọi là các bệnh lý mạch vành mạn tính ổn định.

Hội chứng mạch vành cấp tính: Đối với mảng xơ vữa không ổn định, trên nền mảng xơ vữa có hình thành những cục máu đông (huyết khối), lúc này người bệnh sẽ có những cơn đau ngực dữ dội, đột ngột đau khiến cho cơ thể không thể chịu đựng nổi.

Cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi (đau ngực khi nghỉ ngơi), ngủ hay ngồi chơi, cơn đau ngực cấp tính làm cho người bệnh không chịu nổi chính là một trong những dấu hiệu gợi ý cho chúng ta về nhồi máu cơ tim. Lúc này, người gặp tình trạng trên cần đi khám, cấp cứu ngay tức thời. Vì khi nhồi máu cơ tim, tình trạng tắc mạch máu tim không được giải quyết kịp thời, người bệnh có thể đột tử.

Một trong những nguyên nhân gây đột tử chính là vấn đề tắc những mạch máu tim, một số trường hợp khi đến thăm khám cũng có bệnh lý về nhồi máu cơ tim nhưng không đau ngực. Chính vì vậy, cần lưu ý trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim nhưng xuất hiện những triệu chứng không phải đau ngực.

Ví dụ đột ngột khó thở và cảm thấy nghẹn bên trong lồng ngực, không phải biểu hiện đau, người bệnh có cảm giác nghẹn nặng ở vùng ngực, một số người bệnh khi đến khám sẽ đau vùng hàm, một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ đau vùng ngực và lan lên cằm và cánh tay trái nhưng không có biểu hiện đau ngực. Ở những trường hợp này, đôi khi khiến các bác sĩ lầm tưởng rằng bệnh nhân bị đột quỵ, không phải bị nhồi máu cơ tim. Do bệnh nhân có biểu hiện đau ngực không rõ, nhưng triệu chứng đau cánh tay bên trái lại nổi bật hơn.

Một số trường hợp, bệnh nhân vào viện do nhồi máu cơ tim, không đau ngực, không khó thở nhưng lại xuất hiện triệu chứng đau ở dưới vùng thượng vị, ở vị trí chấn thủy và kèm theo vã mồ hôi.

Một trong những điều chúng tôi đã ghi nhận là những trường hợp đau ngực, đau thượng vị kèm theo vã mồ hôi, đây chính là các dấu hiệu nguy hiểm, cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

6. Hẹp động mạch vành điều trị bằng những phương pháp nào?

Hiện nay chúng ta có những phương pháp nào điều trị hẹp động mạch vành, thưa BS?

- Căn bệnh này, điều trị nội khoa (thuốc…) có thể kiểm soát được không, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đối với bệnh động mạch vành, tùy theo mức độ bệnh, tùy vào từng giai đoạn, tùy theo thể bệnh mà người bệnh chọn lựa và điều trị bằng thuốc, nghĩa là điều trị nội khoa hay phải mổ bắc cầu, hoặc có thể phải can thiệp đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân.

Nhưng dù thực hiện phương pháp nào, đối với các y bác sĩ, vấn đề điều trị nội khoa vẫn là nền tảng trong tất cả những phương pháp điều trị khác, dù có mổ hay đặt stent cho bệnh nhân thì vẫn phải điều trị nội khoa.

Trong điều trị nội khoa, người bệnh cần phải thay đổi lối sống của mình để cho phù hợp với thể trạng bệnh. Ví dụ nếu có hút thuốc lá, bắt buộc người bệnh phải ngưng ngay, cần siêng năng tập thể dục và phải kiêng ăn, kiêng những chất béo...

Bên cạnh đó, sẽ có những loại thuốc điều trị cho bệnh mạch vành, gần như bệnh nhân nào cũng cần điều trị gồm thuốc kháng đông hay kháng kết tập tiểu cầu, thuốc làm giảm nồng độ cholesterol máu. Một số trường hợp, các bác sĩ sẽ thêm thuốc để điều trị hạ huyết áp, kiểm soát nhịp tim, kiểm soát lượng đường huyết của bệnh nhân.

Một số bệnh nhân có những cơn đau thắt ngực cũng sẽ có thuốc điều trị, giúp làm giảm cơn đau ngực cho người bệnh.

Phần 2: Hẹp động mạch vành khi nào cần đặt stent?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X