Hotline 24/7
08983-08983

Người có bệnh tim mạch cần làm xét nghiệm gì để ngăn chặn nguy cơ đột tử?

Theo BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh - Trưởng khối Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, gói khám sức khỏe tổng quát cơ bản có thể phát hiện được 50 - 60% các trường hợp bệnh tim mạch. Những bệnh nhân tim mạch cần được dự phòng tiên phát, dự phòng thứ phát để giảm nguy cơ đột tử.

1. Cần có biện pháp để phát hiện sớm, ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng đột tử trong cộng đồng

Thưa BS, có thể nói ngừng tim ngoại viện vẫn là một thách thức lớn trên thế giới. Vậy có thể làm gì để cho người nghi ngờ bị đột tử được gia tăng cơ hội cứu sống nếu bắt gặp tình trạng này ạ?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Từ các số liệu có thể thấy mặc dù có các chương trình tuyên truyền trong cộng đồng, những chương trình đào tạo sức khỏe ban đầu cũng như huấn luyện về kỹ năng hồi sức - cấp cứu cơ bản, mặc dù đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, dù ở các nước phát triển, tỷ lệ tử vong do đột tử vẫn còn ở mức 70%, chỉ có 30% trường hợp sống sót.

Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong lên đến 90%, chỉ khoảng 10% bệnh nhân sống sót. Vậy làm sao để có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng càng nhiều càng tốt? Chúng ta phải ngăn ngừa trước khi bệnh nhân bị đột tử. Đây chính là vai trò của chương trình kiểm soát, tầm soát, điều trị các bệnh lý về tim mạch. Vì các nhóm bệnh tim mạch chính là nguyên nhân gây đột tử nhiều nhất.

Do đó, cần có biện pháp để có thể phát hiện bệnh sớm, ngăn ngừa, không để xảy ra những trường hợp đột tử trong cộng đồng, vì khi đã xảy ra đột tử, hầu như đều sẽ có tiên lượng rất xấu. Mặc dù đôi khi vẫn có thể cứu sống được, nhưng đời sống và chất lượng cuộc sống sau đó của bệnh nhân sẽ rất kém.

Đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ tim mạch cao hoặc với những trường hợp đã được chẩn đoán về bệnh lý tim mạch, việc đi khám định kỳ ở những trung tâm tim mạch, đột quỵ có uy tín và có trang thiết bị đầy đủ sẽ giúp người bệnh có thể lên một kế hoạch điều trị cũng như kiểm soát ngăn ngừa đột tử trong tương lai.

Tại chuyên khoa tim mạch, những bệnh nhân thăm khám về các vấn đề tim mạch sẽ được các bác sĩ tại đây đánh giá một cách toàn diện, từ mức yếu tố nguy cơ cho đến đánh giá, phát hiện các bệnh lý về tim mạch, nhất là trường hợp bệnh nhân hẹp nặng mạch vành. Đây chính là những đối tượng điều trị nội khoa, song song với việc có thể cân nhắc về tái thông, giúp giảm nguy cơ đột tử trong tương lai cho bệnh nhân.

2. Tầm soát nguy cơ đột quỵ, đột tử trên những người có sẵn bệnh lý tim mạch như thế nào?

Với những người mắc các bệnh lý về tim mạch nói trên, chúng ta cần làm gì để phát hiện nguy cơ bị đột tử trong tương lai? Mỗi lần thăm khám định kỳ thì người bệnh nên thực hiện những gì? Bản thân người bệnh cần trao đổi điều gì với bác sĩ?

- Ngoài vấn đề là phải khám sức khỏe định kỳ thì việc tầm soát các nguy cơ đột tử trên những người có sẵn bệnh lý tim mạch sẽ được tiến hành như thế nào?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Chương trình khám sức khỏe tổng quát trong cộng đồng, các công ty và trường học được thực hiện là những gói khám sức khỏe tổng quát cơ bản. Có thể phát hiện được 50 - 60% các trường hợp bệnh tim mạch và là những trường hợp bệnh đã có tiến chuyển tương đối nặng và muộn. Chúng ta có thể phát hiện được suy tim, thiếu máu cơ tim mức độ nặng.

Các xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm máu đánh giá các chức năng gan, chức năng thận, mỡ máu, đường huyết, công thức máu. Đôi khi trong một số trường hợp có thể làm thêm 1 số xét nghiệm khác. Trong xét nghiệm máu đánh giá thêm được độ căng thẳng của cơ tim cũng như đánh giá men tim, có tổn thương cơ tim hay không, đánh giá các chỉ số viêm. Đó là những chỉ điểm của bệnh lý tim mạch.

Song song với xét nghiệm máu, bệnh nhân cũng sẽ được thực hiện các xét nghiệm cơ bản khác, trong đó có điện tim, siêu âm tim, X-quang phổi để đánh giá bóng tim. Đây chính là những đánh giá cơ bản để đánh giá cho hầu hết các đối tượng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp có nguy cơ tim mạch cao như bệnh nhân có tiền căn gia đình hoặc những người bệnh với xét nghiệm cơ bản phát hiện những yếu tố nguy cơ, việc các bác sĩ tầm soát sâu hơn như có thể làm điện tâm đồ gắng sức hoặc chụp CT để chẩn đoán các bệnh lý rõ ràng hơn cho bệnh nhân. Từ đó, có chiến lược cụ thể hơn, để giúp ngăn ngừa các trường hợp đột tử trong tương lai cho người bệnh.

Đối với những trường hợp bệnh nhân đã có bệnh lý tim mạch, đã được đặt stent hoặc chưa, đây là những đối tượng có nguy cơ biến cố bệnh trong tương lai rất cao. Việc đi khám và theo dõi định kỳ rất quan trọng. Nếu bệnh nhân đi thăm khám, các bác sĩ sẽ đặt ra những mục tiêu cho bệnh nhân, đặt mục tiêu về mặt đường huyết, huyết áp, kiểm soát lối sống (trong đó có thời gian tập thể dục, cân nặng, chỉ số BMI, chức năng gan, chức năng thận, mỡ máu). Tất cả những mục tiêu này khi trao đổi với bệnh nhân, bác sĩ đều bàn bạc và thảo luận về các mục tiêu, khuyến khích người bệnh theo dõi những mục tiêu này xem có đạt được hay không.

Khi bệnh nhân và các bác sĩ cùng nhau hợp tác, cùng mong muốn đạt được những mục tiêu như vậy, nguy cơ biến cố, đột tử trong tương lai sẽ giảm đi rất rõ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng biết được mình đang cùng tham gia vào quá trình cải thiện, nâng cao sức khỏe cho chính bản thân mình, chúng tôi cũng đã nhận được những phản hồi rất tốt từ bệnh nhân.

3. Vai trò của CT photon trong việc chẩn đoán nguyên nhân đột tử

Máy CT photon vừa mới được khai trương tại S.I.S Cần Thơ có hữu ích như thế nào trong trường hợp chúng ta nhận biết, phân biệt đột tử và những nguyên nhân khác cũng như tầm soát các nguy cơ đột quỵ, đột tử cho bệnh nhân tim mạch, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Đối với những bệnh nhân đột tử đã nhập viện, trong những trường hợp có hồi phục, các bác sĩ sẽ xem xét đến vấn đề chẩn đoán nguyên nhân đột tử. Nếu bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoàn toàn không có tim trở lại, ở những trường hợp này các bác sĩ cũng không thể xác định được chẩn đoán.

Còn những trường hợp nhập viện có tim trở lại tuy nhiên gần như sống đời sống thực vật, lúc này các bác sĩ sẽ có thời gian nhận định nguyên nhân đột tử do đâu. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định dựa trên các xét nghiệm cơ bản, ví dụ là xét nghiệm máu, điện tim, siêu âm tim, X-quang. Trên những trường hợp này chúng tôi sẽ không thực hiện CT photon để chẩn đoán nguyên nhân đột tử cho bệnh nhân khi đã nằm viện.

Đối với CT photon, cần đặc biệt lưu ý về vai trò rất lớn cho những đối tượng bệnh nhân trước nhập viện, đó là những đối tượng bệnh nhân trước đặt stent hoặc sau đặt stent.

Với bệnh nhân trước đặt stent, chụp CT photon có vai trò khảo sát, chẩn đoán. Còn đối với những bệnh nhân sau đặt stent, vai trò của CT photon sẽ giúp các bác sĩ phát hiện sớm những trường hợp tái hẹp trong stent, ở những vị trí nguy cơ cao như thân trung động mạch vành trái hoặc nhánh liên thất trước đoạn gần, những vị trí chỗ chia… Đó là những quy trình chẩn đoán và điều trị của chúng tôi và những chỉ định liên quan đến CT photon.

4. Người có bệnh lý về tim mạch cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ đột tử?

Thưa BS, bên cạnh việc tái khám định kỳ và tầm soát, người bệnh tim mạch cần làm những gì để ngăn chặn nguy cơ bị đột tử? Lưu ý những gì trong dinh dưỡng, sinh hoạt và việc sử dụng thuốc ạ?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Trong y học, mức độ dự phòng sẽ được chia ra thành 3 mức, đối với những trường hợp bệnh nhân đã có các bệnh lý, đã bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ sẽ được dự phòng thứ phát. Các trường hợp này là những chỉ định điều trị bắt buộc và mang lại rất nhiều lợi ích.

Kế đến là dự phòng tiên phát, nghĩa là bệnh nhân chưa có nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tuy nhiên bệnh nhân lại có nhiều yếu tố nguy cơ hoặc là có những bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh nhân hút thuốc lá, ít vận động, có chỉ số BMI cao, có những tình trạng tăng nguy cơ về bệnh lý tim mạch, đây được gọi là ngăn ngừa nguyên phát. Việc ngăn ngừa nguyên phát có vai trò của việc tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch và tầm soát có bệnh mạch vành hay không.

Nhắc đến y học dự phòng, hiện nay đã nâng lên một tầm cao mới, là y học dự phòng nguyên thuỷ, ngay từ khi một người sinh ra, từ lúc bé chưa có bệnh lý gì, làm sao để chúng ta giảm được gánh nặng bệnh tật trong cộng đồng cũng như là trong từ cá thể.

Vai trò quan trọng nhất trong ngăn ngừa nguyên thuỷ chính là chế độ sinh hoạt, làm việc. Có thể thấy 80% các bệnh lý tim mạch, người bệnh có thể hoàn toàn ngăn ngừa. Chính vì vậy với một chế độ sống, sinh hoạt hoàn toàn lành mạnh, có thể ngăn ngừa đến 80% các bệnh lý về tim mạch.

Chế độ sinh hoạt, làm việc như thế nào là lành mạnh? Là một chế độ ăn uống, tập thể dục, dinh dưỡng của người bệnh, góp một phần rất lớn vào việc giảm gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân.

5. Những thiết bị, máy móc nào thuận tiện cho việc theo dõi sức khỏe tim mạch ngay tại nhà?

Cuối cùng, nhờ BS có thể chia sẻ một số thiết bị, máy móc dễ tìm kiếm, chi phí thấp cho người bệnh tim mạch thuận tiện theo dõi tim mạch ngay tại nhà, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Để đề cập đến các gánh nặng bệnh tật về các bệnh lý tim mạch, có thể đề cập đến những bệnh lý thường gặp và các yếu tố nguy cơ. Đầu tiên nếu bệnh nhân có hút thuốc lá nên bỏ ngay, vấn đề này sẽ không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ thiết bị, máy móc nào.

Hai là bệnh nhân đái tháo đường, là một yếu tố nguy cơ tim mạch rất cao. Đối với đối tượng bệnh nhân đái tháo đường, hầu hết các bệnh nhân khi đến thăm khám, tôi đều khuyên nên mua máy thử đường, để có thể theo dõi đường huyết của bản thân tại nhà và biết được chỉ số đường huyết bao nhiêu, đây chính là mục tiêu chúng tôi đưa ra để bệnh nhân cố gắng phấn đấu đạt được, dưới 130mg/dL khi đói.

Một bệnh lý thường gặp khác là tăng huyết áp, với tỷ lệ ở người lớn tuổi mắc phải khoảng 30 - 40%. Vì vậy, việc mua một máy đo huyết áp để theo dõi chỉ số cho những người bệnh tăng huyết áp và ngay cả những người nghĩ mình không bị tăng huyết áp, việc đo huyết áp để xem chỉ số của mình đạt bao nhiêu cũng rất quan trọng. Máy đo huyết áp chính là một thiết bị sức khỏe cần thiết nên có trong gia đình.

Ngoài ra, một số đối tượng đặc biệt khác như người thừa cân, cần có một chiếc cân ở nhà để theo dõi cân nặng của mình và xem với một chế độ ăn như hiện tại thì có giảm cân được hay không.

Đây đều là những thiết bị, máy móc dễ tìm kiếm, chi phí thấp mà tất cả mọi người nên trang bị tại nhà để có thể tự theo dõi các yếu tố nguy cơ, tình trạng sức khỏe của bản thân. Có thể tự đánh giá về vấn đề ăn uống, sinh hoạt và tập luyện của bản thân có phù hợp, có mang lại lợi ích hay chưa.

Phần 1: 80% trường hợp đột tử xuất phát từ nguyên nhân tim mạch

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X