Hotline 24/7
08983-08983

4 thói quen cực kỳ xấu hình thành cục máu đông, nguy cơ đột quỵ, đột tử

Cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não với tỷ lệ 80%. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã chia sẻ với bạn đọc AloBacsi những kiến thức cơ bản nhất về nguyên nhân hình thành cục máu đông và những cách phòng ngừa hiệu quả.

Uống rượu bia, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Xin BS cho biết huyết khối, cục máu đông là gì, hình thành do đâu? Những thói quen xấu nào làm gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Cục máu đông hình thành do 2 nguyên nhân.

- Nguyên nhân đầu tiên là do các mạch máu như mạch máu tim, mạch máu não,... bị xơ vữa gây ra hẹp lòng mạch. Những mạch máu bị xơ vữa rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là trường hợp mạch máu xơ vữa bị đứt, gãy, nứt. Khi mạch máu bị xơ vữa sẽ xuất hiện những tế bào tiểu cầu, tế bào hồng cầu kết tụ lại một chỗ tạo thành cục máu đông hay còn gọi là huyết khối. Đó là bệnh cảnh của các bẹnh lý như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

- Nguyên nhân thứ hai là do bệnh nhân bị hẹp van tim, hẹp van hai lá hoặc rung nhĩ, rối loạn nhịp tim. Cơ tim co bóp không tốt sẽ dẫn đến dòng máu lưu thông trong cơ thể cũng không tốt, dễ bị đọng lại ở các vị trí ngóc ngách trong buồng tim. Đặc biệt tiểu nhĩ trái là nơi dòng máu đi chậm, càng dễ kết tụ tạo thành những cục máu đông.

Cục máu đông gây ra tình trạng đột quỵ như đột quỵ não. Khi huyết khối di chuyển đến các vị trí khác, ví dụ di chuyển đến mạch máu ngoại biên sẽ làm tắc mạch máu ngoại biên, một số trường hợp hiếm gặp còn bị tắc cả mạch vành. Đó là cơ chế hình thành của cục máu đông.

Các thói quen xấu dẫn đến hình thành cục máu đông có thể kể đến là:

- Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có rất nhiều chất độc, chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến việc chuyển hóa của cơ thể, tăng khả năng xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông, huyết khối.

- Uống rượu, bia nhiều: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới. Rượu, bia làm rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dẫn đến xơ vữa hẹp mạch máu và nhiều bệnh lý khác.

- Chế độ ăn nhiều cholesterol: Chế độ ăn luôn đòi hỏi sự cân đối giữa chất đạm, chất xơ, chất béo và dầu mỡ,... Những người có thói quen nhậu nhẹt, ăn thức ăn chứa nhiều chất béo, nồng độ cholesterol cao, thường xuyên ăn đồ nướng làm phát sinh tình trạng rối loạn chuyển hóa, rối loạn lipid máu. Hậu quả là mạch máu bị xơ vữa, bị hẹp.

- Ít vận động: Nhân viên văn phòng ngồi lâu một chỗ, những người thường xuyên bị stress căng thẳng,... làm cơ thể ít vận động. Việc này làm xuất hiện nhiều bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, là căn nguyên của bệnh lý tim mạch, đột quỵ, mạch máu não,...

TOP những người nguy cơ hình thành huyết khối

Những ai thuộc độ tuổi, ngành nghề nào có nguy cơ hình thành cục máu đông, huyết khối cao hơn, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động là nhóm dễ hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, bệnh nhân có các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý về mạch máu như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Những người bị rối loạn nhịp tim dạng rung nhĩ hay còn gọi là tim loạn nhịp hoàn toàn là nhóm dễ hình thành cục máu đông trong tim và có thể gây đột quỵ, đột tử bất cứ lúc nào.

Về độ tuổi, theo quan sát cũng như theo y văn chứng minh, những người trung niên, người già, người lớn tuổi có tỷ lệ mắc bệnh lý về huyết khối, xơ vữa, rối loạn nhịp tim cao hơn. Những người này có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Thời gian gần đây, tình trạng xuất hiện cục máu đông và xơ vữa mạch ở giới trẻ cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên do lối sống, thói quen sinh hoạt và môi trường tác động. Đó là lý do xu hướng các bệnh lý tim mạch, đột quỵ ngày càng trẻ hóa và gia tăng.

Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gây ra bởi cục máu đông

Cục máu đông từ vị trí nào có thể di chuyển đến tim và não gây đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Trong cơ thể, chỗ nào có mạch máu và có xuất hiện cục máu đông đều nguy hiểm. Cục máu đông trong tim gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Cục máu đông hình thành trong các buồng tim như tiểu nhĩ trái, hoặc trường hợp nhồi máu cơ tim gây phình vách làm cho cơ tim ở vách trái vô động, dẫn đến cục máu đông trong các buồng thất cũng rất nguy hiểm.

Trong quá trình co bóp của tim, chỉ cần một cục máu đông nhỏ đi vào trong tuần hoàn là có thể đi đến não, đến các cơ quan tạng, thận, chi dưới,... và gây tắc mạch ở những vùng đó. Đặc biệt cục máu đông di chuyển lên não có thể gây tắc cấp mạch não và gây đột quỵ kèm theo tai biến, biến chứng nặng nề.

Dù ít gặp nhưng cục máu đông đi vào trong động mạch vành cũng rất nguy hiểm. Nếu mạch máu ở một vị trí nào đó hẹp dần dần thì cơ thể có thể tự động bù trừ qua lại, mạch máu ở những vị trí khác phát triển thêm. Đây được gọi là tuần hoàn bàng hệ. Tuy nhiên, tắc cấp do cục máu đông từ tim là trường hợp nặng, nếu không được can thiệp cứu chữa kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Cục máu đông hình thành tại tim, não có khác biệt gì so với cục máu đông chạy từ vị trí khác đến các cơ quan trọng yếu này hay không?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Cục máu đông hình thành trong tim thường xuất hiện ở tiểu nhĩ trái. Bệnh nhân bị hẹp van hai lá hoặc bệnh nhân rối loạn nhịp tim dạng rung nhĩ, loạn nhịp hoàn toàn là những người dễ hình thành cục máu đông trong tim nhất. Khi tim co bóp, các cục máu đông này theo đó di chuyển lên não, có thể gây ra đột quỵ não. Đột quỵ não do tình trạng tác cục máu đông có tỷ lệ tai biến, biến chứng, tàn tật rất cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Điều này để lại một gánh nặng y tế rất lớn.

Cục máu đông có phải nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ não?

Cục máu đông, huyết khối ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Làm thế nào mà cục máu đông có thể gây đột quỵ não và cục máu đông có phải là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ não không?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Phần lớn cục máu đông được hình thành từ tim do bị hẹp van hai lá, tình trạng rung nhĩ hoặc bệnh lý nhồi máu cơ tim làm tim vô động, kém hoạt động. Chưa có thống kê nào về việc cục máu đông trong tim chiếm bao nhiêu phần trăm nguyên nhân gây đột quỵ nhưng theo quan sát, khi có cục máu đông trong tim, tỷ lệ bị đột quỵ rất cao, đặc biệt là đột quỵ não, lên đến 70 - 80%. Trường hợp cục máu đông trong tim không ổn định và không được điều trị hoàn toàn có thể dẫn đến đột quỵ não.

Ngoài đột quỵ não, cục máu đông đi đến đâu cũng gây ra ảnh hưởng ở vị trí đó. Cục máu đông di chuyển xuống động mạch thận gây tắc động mạch thận, tổn thương thận cấp, nhồi máu thận. Cục máu đông di chuyển đến các mạch máu ngoại biên như mạch chi dưới, mạch chi trên làm tắc mạch chi cấp ở tay hoặc chân, thiếu máu nuôi mạch máu tay, chân dẫn đến hoại tử. Nếu không can thiệp hút cục máu đông ra còn có thể gây đoạn chi. Cục máu đông đến ruột có thể gây hoại tử ruột, có ca phải mổ và cắt đoạn ruột.

Khi phát hiện cục máu đông, phải ngay lập tức tìm cách giải quyết. Có thể sử dụng phương pháp hút huyết khối để lấy bớt cục máu đông, sau đó dùng các thuốc kháng đông để giảm sự hình thành huyết khối và tái tưới máu một phần để tìm cơ hội phục hồi. Nếu không phát hiện kịp thời và điều trị tích cực sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề. 

Cục máu đông đi đến đâu hại đến đó (Ảnh minh họa)

Chẩn đoán và đánh giá các cục máu đông thông qua siêu âm và chụp CT

Có những dấu hiệu nào để nhận biết và phát hiện ra cục máu đông trong cơ thể?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Cục máu đông hình thành do nhiều nguyên nhân: Bệnh nhân bị rung nhĩ; Nhồi máu cơ tim làm kém vận động vùng cơ tim; Rối loạn nhịp tim;... Để phát hiện được các loại cục máu đông trong tim, có thể áp dụng một số phương pháp sau:

- Siêu âm tim là một phương pháp rất hữu hiệu để tìm cục máu đông trong buồng tim. Khi sêu âm tim thành ngực phát hiện nghi ngờ sẽ tiếp tục làm các phương pháp siêu âm tim chuyên sâu hơn như siêu âm tim qua thực quản: Đặt đầu dẫn dò siêu âm tim qua vùng thực quản để quan sát, tìm từ phía sau ra, lúc này hình ảnh cục máu đông từ mặt cắt sẽ được nhìn rõ hơn.

- Chụp CT, chụp MRI tim để xem trong buồng tim có nguy cơ hình thành cục máu đông hay không.

Những bệnh nhân có tình trạng hẹp mạch vành (hẹp mạch não, hẹp mạch vùng tạng, ngoại biên,...) từ 70 - 80% trở lên do nguyên nhân xơ vữa là đối tượng có nguy cơ tiến triển gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch và hình thành cục huyết khối. Điện tim, siêu âm tim và các phương pháp can thiệp xâm lấn hơn như CT động mạch vành đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát, đánh giá tình trạng mạch máu tim có bị hẹp hoặc bị xơ vữa mức độ nhiều hay không. CT mạch vành có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ hẹp của mạch máu và đánh giá nguy cơ xuất hiện cục máu đông, nhồi máu cơ tim.

Thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu đột quỵ não trong thời điểm “vàng”

Phải xử trí như thế nào khi phát hiện cục máu đông? Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ, khi bệnh nhân có cục máu đông sẽ được đánh giá, theo dõi ra sao, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Khi phát hiện cục máu đông, việc điều trị có vai trò rất quan trọng. Người bệnh sẽ được dùng các loại thuốc chống đông có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông tiến triển thêm. Cơ thể sẽ tiết ra những chất làm cục màu đông dần teo đi. Hiện nay vẫn có thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông nhưng chỉ được dùng trong một số trường hợp cụ thể như đột quỵ não do cục máu đông.

Loại thuốc này chỉ có thể dùng trong tình huống khẩn cấp, trong “giờ vàng”. Ngoài ra chỉ có thể dùng phương pháp nội khoa, dùng thuốc chống đông để hỗ trợ cơ thể làm cục máu đông không tiến triển, dần dần thoái triển. Việc dùng thuốc cũng có mặt trái: Nguy cơ xuất huyết của các bệnh nhân dùng thuốc chống đông cao hơn so với người bình thường, đặc biệt là những người dùng thuốc giảm đau kéo dài, bị đau dạ dày, bị xuất huyết tiêu hóa. Chính vì vậy, bắt buộc phải dùng đúng thuốc, dù đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ để giảm tỷ lệ biến chứng và nâng cao hiệu quả điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có đầy đủ phương tiện để xử trí các cục máu đông. Cục máu đông trong giai đoạn cấp gây đột quỵ não sẽ được dùng thuốc tiêu sợi huyết trong giờ vàng. Nếu sau giờ vàng, chủ yếu điều trị bằng thuốc kháng đông đường uống hoặc đường tiêm để ổn định cục máu đông sau đó dùng các phương pháp điều trị tích cực.

Làm gì để phòng cục máu đông, ngăn đột quỵ?

Khi đã có cục máu đông trong cơ thể, người bệnh cần làm gì để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, đột tử? Những loại thực phẩm, đồ uống nào nên ăn nhiều hoặc nên kiêng cử, hạn chế?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Phòng ngừa cục máu đông nắm vai trò quan trọng hơn điều trị bệnh, bởi vì khi đã xuất hiện cục máu đông trong tim, việc điều trị rất khó khăn, nan giải và nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngăn ngừa.

Đầu tiên, cần xác định được những đối tượng nguy cơ hình thành cục máu đông. Điển hình là các bệnh nhân có tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rối loạn nhịp tim dạng rung nhĩ, loạn nhịp tim hoàn toàn... Không nên bỏ qua các bệnh nhân có bệnh lý về van tim như hẹp van hai lá. Đó là những trường hợp được đặt trong “nhóm đối tượng nguy cơ”, có thể chỉ định dùng thuốc.

Tình trạng rung nhĩ có thể phải dùng các loại thuốc chống đông để dự phòng, góp phần ngăn ngừa hiệu quả việc hình thành cục máu đông. Các trường hợp dùng thuốc dự phòng phải có loại thuốc phù hợp và liều lượng thấp hơn để an toàn cho người uống.

Giống như các bệnh lý khác, để phòng ngừa cục máu đông nên hạn chế rượu bia, thuốc lá. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh lý tim mạch, làm tăng nguy cơ huyết khối, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não mà còn tăng nguy cơ ung thư và các bệnh lý ở phổi.

Gần đây có rất nhiều bộ môn chạy bộ, vận động, tập yoga phát triển. Chúng ta nên thay đổi, cải thiện lối sống: tập thể dục, thường xuyên vận động để có sức khỏe tốt hơn, tăng cường sức đề kháng, giảm tỷ lệ bệnh tật.

Nên xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế đạm động vật, tăng cường bổ sung các loại protein từ cá. Đó là những biện pháp giảm tỷ lệ các bệnh lý về chuyển hóa như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì,... từ đó giảm nguy cơ bệnh lý do hình thành cục máu đông, huyết khối trong tim hoặc ở các vùng khác trên cơ thể.

Khi nào và bao lâu nên tầm soát cục máu đông định kỳ?

Những người có nguy cơ cao bị cục máu đông có cần tầm soát định kỳ không? Nếu cần thì bao lâu nên thực hiện một lần? Xét nghiệm cơ bản nào có thể đánh giá tình trạng cục máu đông và giá cả như thế nào, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời: Những người có nguy cơ hình thành cục máu đông, cụ thể là những người có tiền sử bị rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, người có bệnh lý về van tim, nên dùng thuốc để dự phòng, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong khi dùng thuốc cần có sự theo dõi kỹ càng vì dù dùng thuốc có thể giảm tỷ lệ hình thành huyết khối nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ xuất huyết. Hiện có những loại thuốc kháng đông thế hệ mới. Quan trọng nhất là phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, uống đúng liều, đúng giờ.

Một số trường hợp dùng thuống kháng đông kháng vitamin K thế hệ cũ cần phải thực hiện xét nghiệm mỗi tháng 1 lần để theo dõi sự hiệu quả trong điều trị. Các xét nghiệm máu cũng có giá khá rẻ.

Trường hợp dùng thuốc kháng đông thế hệ mới, bệnh nhân vẫn tiếp tục uống thuốc lâu dài và theo dõi xem có tình trạng xuất huyết như chảy máu răng, bầm tay chân nhiều, xuất huyết trong tiêu hóa (đi cầu phân đen, đi cầu ra máu), xuất huyết não,... hay không. Xuất huyết não có thể khiến bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, nhức đầu.

Về điều trị lâu dài, có thể dùng siêu âm tim, đo điện tim để đánh giá mức độ của bệnh, theo dõi nguy cơ hình thành và tiến triển cục máu đông để có hướng điều trị tích cực theo từng trường hợp. Tần suất thực hiện là từ 3 - 6 tháng/lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X