Hotline 24/7
08983-08983

Sau đột quỵ, lịch tái khám thế nào, có được đi máy bay, xe khách?

Những thắc mắc này của nhiều bệnh nhân sau đột quỵ đã được BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu và BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm đến từ Bệnh viện Gia An 115 giải đáp trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc theo dõi.

1. Lưu ý những gì trong cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

Có thể thấy cơn đột quỵ là khởi đầu cho 1 cuộc “trường kỳ kháng chiến” của bệnh nhân và người nhà với di chứng mà đột quỵ để lại. Để đạt được tiêu chuẩn vàng thì việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không chỉ bao gồm cấp cứu nhanh, xử lý kịp thời mà điều trị phục phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ cũng vô cùng quan trọng. Vậy tại Bệnh viện Gia An 115, quy trình điều trị chuyên biệt phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ được tiến hành như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm - khoa Nội  thần kinh - Đột quỵ Bệnh viện Gia An 115: Điều trị phục hồi cho bệnh nhân tai biến có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ cho người bệnh.

Sau khi bị đột quỵ, các chức năng cơ thể bị ảnh hưởng. Khi đó, cơ yếu đi và có thể liệt nửa người. Điều này gây trở ngại cho sự thăng bằng, gây mệt mỏi và giảm vận động; khó khăn trong việc nuốt; tầm nhìn bị thay đổi; khó khăn trong việc tiểu tiện và đại tiện, loét do liệt nằm lâu ngày. Các chức năng thần kinh cao cấp cũng bị ảnh hưởng như rối loạn giao tiếp, suy giảm trí nhớ và tư duy, thay đổi cảm xúc, thay đổi hành vi, giảm các kỹ năng xã hội, các hoạt động cá nhân hàng ngày.

Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần lưu ý:

Giảm nguy cơ đột quỵ tái phát: Một bệnh nhân đã bị đột quỵ sẽ có nguy cơ tái phát nếu không được điều trị thích hợp và thiếu kiểm soát.

Điều trị ngay khi phát hiện trầm cảm: Khoảng 30-50% bệnh nhân sẽ bị trầm cảm tại một số thời điểm trong quá trình phục hồi. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân. Khi người bệnh có những dấu hiệu trầm cảm như cảm thấy tuyệt vọng, mất hứng thú trong các sở thích trước đây, những thay đổi trong sự thèm ăn và rối loạn giấc ngủ... cần điều trị chuyên khoa ngay.

Áp dụng vật lý trị liệu là bắt buộc đối với đa số trường hợp sau đột quỵ để phòng ngừa các biến chứng hô hấp, khuyến khích đặt tư thế trị liệu, vận động sớm giúp giảm nguy cơ loét tì đè và thuyên tắc mạch do nằm lâu. Test nuốt để phát hiện các trường hợp bệnh nhân khó nuốt, gây nuốt sặc làm viêm phổi.

Bệnh viện Gia An 115 rất chú trọng vấn đề phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não, kết hợp với điều trị nội khoa giúp cải thiện chức năng thần kinh cho người bệnh.

Khoa vật lí trị liệu bệnh viện có 8 phòng và 1 phòng lớn, áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra bệnh viện có 2 phòng vật lý trị liệu và ngôn ngữ trị liệu tại khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ. Tư vấn cho người bệnh và thân nhân về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và cộng đồng.

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu và BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trong chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề về đột quỵ trên AloBacsi

2. Lịch tái khám sau can thiệp mạch máu não điều trị đột quỵ

Thưa BS, với bệnh nhân đã được can thiệp mạch máu não như nong, đặt stent, đặt coil… thì họ có lịch tái khám như thế nào ạ? Nhiều người cũng thắc mắc không biết là những vị trí này có bị tắc lần nữa hay không, có thể phát sinh thêm chỗ khác sẽ bị hẹp/phình hay không… nhờ BS giải đáp.

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu - Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu não - Bệnh Gia An 115: Đối với người bệnh đã bị đột quỵ và được điều trị thì lịch tái khám sẽ là định kì sau xuất viện là 1 tuần, tiếp tục sau 1 tháng và định kỳ mỗi tháng 1 lần.

Đặc biệt, người bệnh sẽ phải được chụp CT hoặc MRI sọ não để đánh giá sau 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng để đảm báo vấn đề tắc hẹp của các vật tư đã can thiệp trước đó hoặc can thiệp ngay khi có tình trạng tắc hẹp và vấn đề nguy hiểm khác, đồng thời cũng tầm soát - phát hiện các bệnh lý phình hẹp mới hoặc di chứng tái phát.

3. Sau đặt stent, coil có được đi máy bay, xe khách?

BS có lời căn dặn cho những bệnh nhân đã có “vật thể lạ” trong mạch máu như stent, coil… khi trở về nhà, trở lại sinh hoạt thường ngày, họ cần lưu ý gì ạ? (VD: Đi máy bay được không, chọn môn thể dục nào…)

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hậu: Dĩ nhiên sau khi được điều trị và tái khám theo dõi định kì thì bác sĩ sẽ đánh giá sự hồi phục của người bệnh theo các thang điểm mRs. Nếu thang điểm này <2 thì bệnh nhân có cuộc sống sinh hoạt và di chuyển hoàn toàn bình thường, nếu thang điểm này >4 - 5 thì mọi vấn đề của bệnh nhân cần phải có người chăm sóc xuyên suốt. Ngoài ra, vấn đề di chuyển bằng các phương tiện hàng không hoặc đường bộ… thì không có chống chỉ định nếu không có bệnh lý đi kèm.

*mRs: Đánh giá độ hồi phục của người bệnh.

Kỳ trước: Trong đại dịch COVID-19, cần cảnh giác cao độ với đột quỵ


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X