TOP 9 điều ba mẹ cần biết về “nợ miễn dịch” ở trẻ
Nợ miễn dịch trở thành điều đáng lo ngại sau COVID-19, vấn đề này gây tình trạng nhiễm dịch bệnh ở trẻ kéo dài. Vậy cần làm gì để trẻ “trả nợ miễn dịch” nhanh? Phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách nào? BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM giải đáp vấn đề này.
1. Trẻ không tiếp xúc với cộng đồng sẽ không có miễn dịch với nhiều virus gây bệnh
Thưa BS, việc trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, ốm do virus có phải là hậu quả “nợ miễn dịch” sau thời gian COVID-19 kéo dài?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề này có thể đúng, trên thế giới, sau tác động của COVID-19, giãn cách xã hội, từ đó mức độ giao thương của con nít giảm rất nhiều.
2 cách để cơ thể có được miễn dịch là tiêm ngừa và tiếp xúc với virus ở mức độ nhất định. Thời gian giãn cách xã hội, chỉ ở trong nhà, con người sẽ ít tiếp xúc với virus. Đặc biệt là trẻ em, phải tiếp xúc với virus mới có được miễn dịch, nhất là với những bệnh không có vắc xin. Do đó, 3 năm COVID-19 là thời gian trẻ em không có được miễn dịch từ việc tiếp xúc.
Tính đến nay, rất nhiều trẻ không có miễn dịch. Ví dụ, bình thường trong 10 trẻ, 3 trẻ có miễn dịch, khi bị bệnh, 3 đứa trẻ đó sẽ không lây bệnh sang trẻ khác. Còn hiện nay, cả 10 trẻ đều không có miễn dịch nên bệnh sẽ lây nhiễm rất nhiều.
Do đó, thời điểm này, những bệnh dịch thường quy đều tăng nhanh vì nhiều trẻ chưa có miễn dịch, tỷ lệ mắc tăng và kéo dài do còn nhiều trẻ chưa mắc bệnh.
Tóm lại, “trả nợ miễn dịch” là một khái niệm mới có sau này. Cả thế giới đều thấy hiện tượng này, không riêng gì Việt Nam.
2. Tình trạng bệnh kéo dài do trẻ chưa có miễn dịch
“Nợ miễn dịch” có phải là nguyên nhân khiến các dịch bệnh bùng phát trong thời gian vừa qua như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh lý hô hấp do virus adeno… kéo dài hơn và làm cho trẻ lâu khỏi bệnh hơn, thưa BS?
- Vì sao “nợ miễn dịch” lại khiến các bệnh dịch này kéo dài hơn ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này có khả năng cao vì dịch bệnh có theo đợt, nhưng thời điểm này dịch bệnh kéo dài do tổng số trẻ chưa hết bệnh.
Trước đây, sau khi trẻ mắc bệnh, tỷ lệ giảm rất nhanh nhưng hiện tại, tình trạng trẻ mắc bệnh kéo dài hơn do chưa có miễn dịch, trong thời gian ngắn không kịp bù dẫn tới bệnh lâu hơn.
Khi mắc bệnh, trẻ vẫn phải đến trường, điều này xảy ra vấn đề trẻ vừa khỏi bệnh này sẽ tiếp tục lây nhiễm bệnh khác cho tới khi ổn định, tình trạng bệnh mới có thể giảm xuống.
3. Những trẻ sinh ra hoặc chưa đến trường thời điểm COVID-19 đều nợ miễn dịch
Trẻ từ độ tuổi nào là “nợ miễn dịch” nhiều nhất trong giai đoạn này, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Miễn dịch có được khi trẻ tiếp xúc với môi trường khoảng 2-3 năm, những trẻ sinh ra trong dịch COVID-19 năm 2019 hoặc trẻ 1-2 tuổi chưa đến trường, nhóm trẻ này đều “nợ miễn dịch”.
Trong đó, một năm, Việt Nam có hơn 1 triệu bé được sinh ra, tính trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ trẻ nợ miễn dịch còn rất nhiều.
4. Phòng ngừa bệnh đúng cách, bù miễn dịch từ từ
“Nợ miễn dịch” có biểu hiện qua các triệu chứng để chúng ta nhận biết không thưa BS? Nếu không thì làm thế nào để nhận biết trẻ “nợ miễn dịch” để có giải pháp cụ thể hơn ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu “nợ miễn dịch”, phải “trả nợ xong mới hết nợ”. Đối với những bệnh có vắc xin, chỉ cần cho trẻ đi chích là hết nợ miễn dịch. Còn với những bệnh không có vắc xin, phải đợi sau khi mắc bệnh, trẻ mới hết nợ miễn dịch.
Tuy nhiên, cha mẹ cần để trẻ mắc bệnh trong kiểm soát, biện pháp phòng ngừa vẫn bắt buộc phải làm, bao gồm: rửa tay sạch với xà phòng, mang khẩu trang khi cần, ăn sạch, uống sạch. Vài năm sau, trẻ bù đắp miễn dịch bằng cách mắc bệnh nhẹ từ từ, ngoài ra, không còn cách nào khác bù lại “nợ miễn dịch”.
5. Nợ miễn dịch gây vấn đề gì cho sức khỏe của trẻ?
Ngoài việc khiến dịch bệnh kéo dài và làm trẻ lâu khỏi hơn, “nợ miễn dịch” còn có thể dẫn đến các vấn đề nào khác cho sức khỏe của trẻ, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, sau một đợt bệnh, trẻ sẽ có được miễn dịch. Tuy nhiên, trong lúc bệnh, trẻ có thể bị bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác, khiến dinh dưỡng kém, từ đó giảm các chất bổ sung kháng thể giúp ích cho đề kháng của trẻ. Việc này tạo ra một vòng luẩn quẩn, gây bệnh liên tục cho trẻ, chỉ có một cách duy nhất là phòng ngừa bệnh.
6. Làm gì để trẻ “trả nợ miễn dịch” nhanh?
Vậy, có những cách nào để trẻ “trả nợ miễn dịch” nhanh, hiệu quả, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không có cách nào để trả nợ miễn dịch nhanh, ngoài tiêm ngừa thì với những bệnh chưa có vắc xin, trẻ chỉ có thể bị bệnh để có miễn dịch.
Vấn đề là cần phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị cho trẻ, tránh ảnh hưởng tính mạng và cuộc sống lâu dài. Ngoại trừ trường hợp trẻ không ra môi trường nhưng điều đó là không thể.
7. 4 đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Trẻ ăn uống trong giai đoạn này cần tăng cường bổ sung chất gì? Và cần hạn chế những loại thực phẩm nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường sức đề kháng của trẻ con cần đảm bảo uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và tập luyện đủ, ngoài ra không còn phương pháp khác.
8. Cúm, rubella, phế cầu, 6 trong 1 là các vắc xin quan trọng cần cho trẻ chích ngừa
Tiêm chủng bổ sung cho trẻ - hiểu sao cho đúng và tiêm sao cho đủ, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, tiêm chủng có một lứa tuổi, nếu do dịch bệnh hoặc các lý do khác không thể đi chích, trẻ cần được đi chích bù và chích tiếp theo các mũi đã chích.
Lứa tuổi đã lớn nếu không chích ngừa phải tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, vắc xin trong tiêm chủng mở rộng không đủ. Do đó, những người có điều kiện có thể tìm hiểu, cần bổ sung những mũi chích ngừa nào mà trong dịch bệnh không được chích.
Lứa tuổi trẻ đã lớn, cần phải chích các mũi nhắc lại thì nên đưa trẻ đi chích ngừa. Trong đó, những vắc xin quan trọng như: cúm, phế cầu, vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, thủy đậu, rubella,…
9. Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo kháng thể
Các chất nào, hay vitamin và khoáng chất nào cần thiết để xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ trong giai đoạn “nợ miễn dịch” này, thưa BS? Và nên bổ sung sao cho đúng cách để “trả nợ miễn dịch” nhanh, hiệu quả ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước đây, các nghiên cứu cho rằng vitamin C quan trong nhất. Tuy nhiên, sau COVID-19, thấy rằng vitamin D là loại vitamin quan trọng, ngoài việc hấp thu canxi, vitamin D đóng vai trò khá lớn trong việc tạo miễn dịch. Trong quá trình tạo kháng thể, cần vitamin D.
Việc bổ sung vitamin D được thực hiện như thường quy, nếu trẻ ít ra nắng phải bổ sung thường xuyên, mỗi ngày. Còn đối với người cao tuổi có thể sử dụng loại vitamin D liều cao.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình