Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát ung thư vú: Độ tuổi nào là thích hợp nhất để thực hiện tầm soát?

Ung thư vú là một bệnh lý thường gặp và phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, là một trong những căn bệnh khiến nhiều người tử vong hiện nay. Tầm soát ung thư là phương án quan trọng để phát hiện và tiếp nhận điều trị ung thư kịp thời. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS Phạm Hoàng Quân - Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ mang đến những thông tin hữu ích về tầm soát ung thư vú.

1. Nhóm đối tượng nào có nguy cơ cao mắc ung thư vú?

Thưa BS, những chị em nào có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn ạ? Công việc nào có ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc căn bệnh này hơn cả, thưa BS?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Những người phụ nữ có tiền căn gia đình mắc ung thư vú hoặc người mang trong mình đột biến gen BRCA (viết tắt của Breast Cancer gene), đây là nhóm những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú.

Hiện nay, theo nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành, không có bất kỳ một công việc cụ thể nào làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Chính vì vậy, tất cả các chị em phụ nữ đều phải quan tâm và chú ý đến tuyến vú của mình.

2. Độ tuổi nào là phổ biến nhất ở phụ nữ Việt khi phát hiện ung thư vú?

Chị em phụ nữ Việt Nam thường phát hiện ung thư vú ở độ tuổi nào là phổ biến nhất ạ? Trong quá trình thăm khám, độ tuổi trẻ nhất phát hiện ung thư vú mà BS gặp phải là bao nhiêu và lớn nhất là bao nhiêu ạ?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Tại Việt Nam, độ tuổi mắc ung thư vú cũng tương tự như các nước khác trên thế giới, thường gặp nhất rơi vào khoảng 50-60 tuổi.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược, bệnh nhân trẻ tuổi nhất tôi phát hiện ung thư vú là 24 tuổi. Trường hợp này là một em sinh viên vừa tốt nghiệp, khi đi khám sức khỏe đã tình cờ phát hiện mình bị mắc ung thư vú.

Bệnh nhân lớn tuổi nhất tôi từng tiếp nhận điều trị là một bà cụ 85 tuổi và rất yêu đời. Sau khi tiếp nhận điều trị, bà vẫn khỏe mạnh hoàn toàn.

3. Tầm quan trọng trong việc tầm soát ung thư vú hiện nay?

Nhờ BS chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của việc tầm soát ung thư vú là gì? Việc tầm soát ung thư vú có nên thực hiện đại trà trong cộng đồng và vì sao?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Xin khẳng định việc tầm soát ung thư vú có ý nghĩa rất quan trọng. Tầm soát ung thư vú giúp cho chị em phụ nữ phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Việc tầm soát bệnh ở giai đoạn sớm đồng nghĩa với việc người phụ nữ sẽ tiếp nhận điều trị hiệu quả, từ đó kéo dài cuộc sống và chất lượng sống của người bệnh.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc tầm soát ung thư được triển khai đại trà trong cộng đồng. Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có chương trình tầm soát cụ thể. Tuy nhiên, mong rằng các chị em phụ nữ sau khi xem và tìm hiểu những chương trình về sức khỏe sẽ hình thành nên ý thức để có thể chủ động trong việc đi tầm soát bệnh lý về tuyến vú định kỳ hàng năm.

Xem thêm: Những ai nên tầm soát ung thư vú?

4. Tầm soát ung thư vú nên thực hiện vào độ tuổi nào?

Theo BS, từ độ tuổi nào các chị em nên bắt đầu tầm soát ung thư vú ạ? Và việc tầm soát này nên thực hiện đến độ tuổi nào thì phái đẹp có thể ngừng ạ?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Theo khuyến cáo, độ tuổi có thể bắt đầu tầm soát ung thư vú là từ 40 tuổi trở lên cần phải tầm soát bệnh lý ở tuyến vú định kỳ mỗi năm. Việc tầm soát ung thư vú sẽ kéo dài liên tục và hiện tại chưa có ngưỡng tuổi nào được đưa ra cho việc ngưng tầm soát. Do ung thư vú có thể xuất hiện ở những độ tuổi rất trẻ.

5. Giữa người có nguy cơ cao và người không có nguy cơ, việc tầm soát ung thư vú có điểm gì khác?

Việc tầm soát ung thư vú có khác nhau giữa người có nguy cơ và người chưa/ không có nguy cơ ạ? Và nếu có thì khác nhau thế nào?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Hai nhóm đối tượng này sẽ có những điểm tương đối khác nhau trong việc tầm soát bệnh. Ở những phụ nữ có nguy cơ cao, ví dụ sinh ra trong một gia đình có nhiều người bị ung thư vú. Độ tuổi tầm soát bệnh lý sẽ sớm hơn, từ khoảng 30 - 35 tuổi có thể bắt đầu chương trình tầm soát định kỳ mỗi năm.

Phương tiện tầm soát cũng sẽ khác so với những người chưa hoặc không có nguy cơ. Ngoài phương tiện siêu âm nhũ ảnh thường được sử dụng ở những trường hợp không có nguy cơ, ở người phụ nữ có nguy cơ cao sẽ được chụp MRI vú định kỳ.

6. Quy trình tầm soát ung thư vú được thực hiện như thế nào?

Thông thường, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một quy trình tầm soát ung thư vú sẽ được thực hiện như thế nào? Quy trình này có khác nhau ở mỗi giai đoạn/ độ tuổi của các chị em phụ nữ?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khi chị em phụ nữ đến khám tầm soát ung thư vú, đa phần người bệnh sẽ đến khám tổng quát, nếu có nhu cầu về tầm soát ung thư vú sẽ được các bác sĩ chỉ định đi siêu âm vú. Sau khi siêu âm, nếu xuất hiện những đặc điểm bất thường trên kết quả, người bệnh sẽ được tư vấn đến khám tại phòng khám vú. Tại đây, người bệnh sẽ được gặp bác sĩ chuyên khoa về vú và được thăm khám.

Sau đó, bác sĩ sẽ phân tích nguy cơ của người bệnh, tuỳ vào kết quả siêu âm và tình trạng bệnh trước đó, có thể người bệnh sẽ được chỉ định đi chụp nhũ ảnh hoặc chụp MRI vú.

7. Sau khi tầm soát ung thư vú, khoảng bao lâu nên tầm soát lại?

Thưa BS, bao lâu các chị em nên thực hiện tầm soát ung thư vú một lần khi kết quả của lần trước bình thường ạ?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Điều quan trọng của việc tầm soát ung thư vú không phải là  việc chỉ đi khám tầm soát 1 lần hay dựa vào việc chúng ta gặp chuyên gia nào. Cần phải tầm soát lập lại định kỳ ở mỗi năm. Do đó việc tầm soát nên được lặp đi lặp lại như một thói quen.

8. Tầm soát ung thư vú vào thời điểm nào là tốt nhất?

Thời điểm tầm soát ung thư vú tốt nhất là khi nào (có bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt...)? Khi đi tầm soát ung thư vú cần chú ý những vấn đề gì (có cần ngừng thuốc, kiêng cữ quan hệ tình dục…)?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Việc tầm soát ung thư vú là tầm soát cho những người hoàn toàn khỏe mạnh, không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Tuy nhiên, tuyến vú là một tuyến liên quan, ảnh hưởng đến nội tiết, ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt.

Do đó, theo các khuyến cáo, thường chị em phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú từ 7 - 10 ngày sau khi sạch kinh. Ở giai đoạn này tuyến vú của người phụ nữ mềm mại nhất, dễ dàng cho các bác sĩ phát hiện ra những bất thường.

Khi đi tầm soát ung thư vú, chị em phụ nữ không cần phải kiên cử quá nhiều, nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Khi đến thời gian được khuyến cáo có thể đến gặp bác sĩ để tầm soát ung thư một cách an toàn nhất.

Xem thêm: Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI tầm soát ung thư vú

9. Trước khi đi tầm soát cần chuẩn bị những gì?

Ngoài ra, khi đi tầm soát ung thư vú, các chị em cần cung cấp những thông tin gì cho bác sĩ (tiền sử gia đình…)?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Thường những thông tin liên quan đến tầm soát, bác sĩ sẽ chủ động thăm hỏi người bệnh, nên chủ động cung cấp những thông tin chính xác nhất về bệnh sử của bản thân. Ví dụ, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm hỏi trong gia đình người bệnh có ai từng bị mắc bệnh lý về ung thư vú chưa?

Sau đó, đến tiền sử bệnh lý của người bệnh, trước giờ đã từng khám về tuyến vú chưa? Có những thông tin về siêu âm và nhũ ảnh trước đây hay không? Hoặc những bệnh lý về tuyến vú người bệnh đã từng mắc trong quá khứ.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tất cả những chị em phụ nữ khi đến thăm khám về tuyến vú, những thông tin trong quá trình thăm khám bệnh, siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh, MRI vú dều sẽ được lưu trữ trên hệ thống máy tính. Do đó, tạo thuận lợi cho người bệnh cũng như bác sĩ để theo dõi quá trình tầm soát của bệnh nhân.

10. Những lưu ý quan trong việc tầm soát ung thư vú

Thưa BS, bác có thể đúc kết lại những thông tin quan trọng nhất trong chủ đề “Tầm soát ung thư vú, độ tuổi nào” cần thực hiện và nên lưu ý những vấn đề gì thưa BS?

ThS.BS Phạm Hoàng Quân trả lời: Một số điều cần lưu ý trong tầm soát ung thư vú, đầu tiên là về thói quen, quan trọng nhất phải giữ được thói quen lập đi lập lại việc tầm soát định kỳ mỗi năm 1 lần. Bắt đầu ở độ tuổi 40 trở đi, chị em phụ nữ nên đến khám tầm soát ung thư vú bằng các phương tiện như siêu âm hoặc nhũ ảnh đối với những phụ nữ có nguy cơ cao, trong gia đình có nhiều người mắc ung thư vú nên đi tầm soát sớm hơn từ 35 tuổi trở đi.

ThS.BS Phạm Hoàng Quân hiện đang công tác tại tại khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Là một vị bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn cao với nhiều kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến vú. BS Phạm Hoàng Quân luôn là một người có trách nhiệm, giàu y đức và tận tâm với nghề.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X