Hotline 24/7
08983-08983

Người bị u vú, ung thư vú có nên kiêng đậu nành và ăn nhiều củ dền để bổ máu?

Vấn đề dinh dưỡng cho người có u vú lành tính và ung thư vú vẫn luôn là mối quan tâm thường trực của người bệnh và thân nhân, trong đó nổi bật là việc ăn đậu nành, thịt đỏ, củ dền… bởi vì người bệnh ung thư cần có lượng máu đầy đủ thì việc điều trị mới hiệu quả.

Tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu, diễn ra ngày 19/10/2023 với chủ đề “Ung thư vú - tầm soát, chẩn đoán và điều trị”, bên cạnh những câu hỏi về những triệu chứng sau khi hóa trị thì vấn đề dinh dưỡng cho người có u vú lành tính và ung thư vú vẫn luôn là mối quan tâm thường trực.

BS.CK1 Nguyễn Thanh Thủy Trang - khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TPHCM lần lượt giải đáp với các cô bác chuyện ăn gì kiêng gì, ăn sao để bổ máu…

Theo BS Thủy Trang, người có u vú lành tính (kết quả khám không nghi ngờ K vú) chỉ cần giữ cân nặng lý tưởng, ví dụ một người cao 1m50 thì cân nặng 49.5-50kg, 1m55 thì nặng 53kg (chiều cao thêm 5cm cộng thêm 3kg).

Để giữ cân nặng lý tưởng, nhiều người lựa chọn ăn thiên về thực vật nhưng không có nghĩa chỉ có rau mà còn có củ quả, nấm, rong biển… Bên cạnh đó cần có chế độ vận động và tập thể dục hợp lý, tùy theo mục tiêu tăng cơ giảm mỡ hay đang suy dinh dưỡng cần lên cân, bệnh nhân nên liên hệ khoa Dinh dưỡng để được tư vấn.

Chỉ khi có bệnh mạn tính kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy gan, suy thận… thì sẽ kiêng cữ theo những bệnh lý phối hợp này. Chẳng hạn: nếu có bướu mỡ thì hạn chế chất béo, vận động hợp lý; bướu liên quan đến nội tiết thì phải kiểm soát nội tiết; một số bướu không rõ nguyên nhân thì bệnh nhân nên duy trì ăn uống điều độ.

Đậu nànhthịt đỏ luôn được các cô bác quan tâm, không chỉ với ung thư vú mà nhiều bệnh lý khác, mọi người cũng hay hỏi về 2 thực phẩm này.

BS.CK1 Nguyễn Thanh Thủy Trang cho biết, một người bình thường có thể ăn 2-3kg đậu nành mỗi tháng (chưa tính đến việc chế biến thành đậu hũ hay sữa đậu nành).

Đậu nành chứa nhiều acid amin cần thiết mà cơ thể không tổng hợp được, đây được xem là thực phẩm cơ bản đối với người ăn chay. Đậu nành chứa chất isoflavone gần giống với estrogen nhưng không phải là nội tiết tố nữ estrogen, hoạt tính của nó rất nhẹ, do đó khi phát hiện có bướu vú, cô bác vẫn sử dụng đậu nành như bình thường 

Mỗi ngày chúng ta có thể ăn 1-2 bìa đậu hũ hoặc 1-2 ly sữa đậu nành nhưng không có nghĩa ngày nào cũng ăn như vậy mà nên luân phiên các loại đậu, ví dụ: nay đậu nành, mai đậu xanh, mốt đậu phộng…

Một trong những câu hỏi được đặt ra tại buổi sinh hoạt là ăn sao để bổ máu, có phải ăn nhiều củ dền sẽ giúp bổ máu hay không

BS Thủy Trang trả lời: Trong củ dền có chất sắt, cần thiết cho việc bổ máu nhưng tỷ lệ sắt không cao, và chất sắt trong củ dền rất khó hấp thu, cho dù nấu chín hay ép nước uống. 

Để tạo ra một tế bào máu, không chỉ cần chất sắt mà còn cần chất đạm, vitamin C, acid folic, magiê… Vì vậy nếu chỉ tiêu thụ củ dền thì sẽ không đủ để bổ máu. Chưa kể, nếu sử dụng củ dền quá nhiều còn có thể gây độc.

Vì vậy, để bổ máu, trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên ăn thịt đỏ, đậu hạt (đậu đen, đậu đỏ), trứng, sữa, nấm mèo, nấm đông cô… 

Đối với mục tiêu bổ máu thì thịt đỏ sẽ tốt hơn củ dền. Một người chưa bị bệnh, để hạn chế nguy cơ bị các bệnh mạn tính: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, ung thư… thì nên giữ cân nặng lý tưởng, tránh để thừa cân béo phì, chỉ ăn dưới 300gr thịt đỏ mỗi tuần. 

Còn với bệnh nhân ung thư cần bổ máu mà lại đang ăn uống kém thì cần lượng thịt đỏ 300gr - 500gr mỗi tuần. Khi bác sĩ thông báo bệnh nhân bị thiếu máu, nên ăn 500gr thịt đỏ/tuần. Cho đến khi điều trị thành công, sức khỏe trở lại bình thường thì lượng thịt đỏ cũng nên giảm lại như người bình thường (300gr/tuần).

Ngoài thịt đỏ, các thực phẩm sau cũng giúp bổ máu: gan, huyết, sò huyết, sữa, trứng… giúp bổ máu tốt hơn củ dền.

Song song đó cần chú ý những chất hỗ trợ hấp thu chất sắt, do đó chế độ ăn nên đa dạng các thực phẩm chứ không chỉ chăm chú vào thực phẩm giàu chất sắt. Ví dụ: bổ sung vitamin C từ khoai tây, ớt chuông, ổi, cam…; bổ sung magiê từ rau xanh; đạm từ thịt…

BS.CK1 Nguyễn Thanh Thủy Trang - khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TPHCM lần lượt giải đáp các câu hỏi về đậu nành, củ dền, ăn sao để bổ máu...

Khi bệnh nhân ung thư vào hóa chất có lượng máu đầy đủ thì điều trị mới có hiệu quả, vì trong máu có những chất “dẫn” thuốc vào khối u. Nếu bệnh nhân bị thiếu máu thì phải xét nghiệm máu xem là thiếu bao nhiêu, nếu thiếu nhiều thì bệnh nhân sẽ được truyền máu.

Nếu bệnh nhân bị thiếu máu vừa phải thì cần tìm nguyên nhân vì sao: do thiếu sắt, thiếu vitamin B12, thiếu acid folic, do tác dụng phụ của thuốc hóa chất hay do chế độ ăn, tùy theo nguyên nhân mà có cách điều chỉnh phù hợp.

Ví dụ: thiếu máu do tác dụng phụ của thuốc thì người bệnh nên uống nhiều nước để lượng thuốc dư nhanh chóng đào thải ra ngoài. Nếu thiếu máu do chế độ ăn thì bệnh nhân sẽ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn.

Trường hợp thiếu máu nhẹ/ít thì bệnh nhân có thể ăn uống đầy đủ, chờ đợi khoảng 1-2 tuần sẽ hồi phục.

Lưu ý: Với bệnh nhân đang hóa trị thì mỗi ngày nên uống 2 lít nước để thải độc. Nếu dư cân thì uống nước trắng, nếu nhẹ cân thì uống thêm sữa, ngũ cốc… Nếu nôn ói nhiều cần bù điện giải. Nếu ăn trái cây không được thì uống sinh tố, nước ép…

Khi cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì cơ thể mới tạo máu được chứ chúng ta không chỉ chờ đợi cơ thể hồi phục.

Những câu hỏi khác của cô bác như: hóa trị xong cảm thấy yếu người, bị tê tay chân sau hóa trị, có phải càng lớn tuổi nguy cơ ung thư vú càng cao, bướu sợi tuyến vú khi nào nên mổ… đã được các bác sĩ: BS.CK2 Trần Thị Xuân, TS.BS Nguyễn Hoàng Quý, BS.CK2 Phạm Huỳnh Anh Tuấn giải đáp cụ thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X