Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao cánh tay lại sưng to, phù mạch bạch huyết sau phẫu thuật điều trị ung thư vú?

Phẫu thuật ung thư vú có thể để lại những di chứng khó chịu, điển hình là tình trạng sưng to cánh tay do phù mạch bạch huyết. Vậy điều gì gây ra hiện tượng này, bệnh nhân có thể làm gì để cải thiện? BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn, Phó khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình tại Bệnh viện Nhân Dân 115 đã giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao bệnh nhân ung thư vú thường có tình trạng phù mạch bạch huyết?

Thưa BS, sau phẫu thuật ung thư vú, nhiều bệnh nhân bị sưng to cánh tay và được chẩn đoán phù mạch bạch huyết. Vì sao lại có hiện tượng này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Bạch huyết là dịch ngoài cơ thể, các dịch này luôn luôn luân chuyển. Bạch huyết là nơi hấp thu dịch ngoại bào như protein, lipit, dưỡng chất cũng như vi khuẩn ngoại bào đưa vào hệ thống hạch bạch huyết làm sạch, sau đó quay lại cơ thể. Chính vì dịch luôn luân chuyển, khi hạch bạch huyết tổn thương hoặc bị ngưng trệ sự lưu thông sẽ dẫn đến tình trạng phù. Lúc này ngoại biên không thể lưu thông, giống như dòng nước bị ngăn phía trên nên không thể quay lại cơ thể dẫn đến phù ngoại biên. Đặc biệt với bệnh nhân ung thư vú, sau khi nạo nhóm hạch ở vùng nách, nhóm dịch bạch huyết phía ngoài không quay trở lại dẫn đến tình trạng phù tay.

2. Phù mạch bạch huyết sau điều trị ung thư vú có thể gặp ở những vị trí nào?

Thưa BS, sau phẫu thuật ung thư vú bao lâu bệnh nhân sẽ gặp bị phù mạch bạch huyết ạ? Và liệu chỉ gặp ở cánh tay hay còn gặp ở vị trí nào khác không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tùy giai đoạn, tùy từng người bệnh mà phù mạch bạch huyết xuất phát từ 3-6 tháng khi lượng dịch ứ trệ nhiều mà không có sự hồi lưu. Ngoài phù cánh tay còn có thể phù vùng 1/4 trên ngoài của ngực, lan rộng lên vùng thượng đòn.

3. Phân biệt phù sưng đau do phù mạch bạch huyết và do nguyên nhân khác

Thưa BS, làm sao để phân biệt sưng đau do phù mạch bạch huyết và do nguyên nhân khác ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Sưng, đau, phù có rất nhiều nguyên nhân. Chấn thương, viêm, các bệnh lý nội khoa như suy gan, suy thận, bệnh lý nhiễm trùng cũng gây phù. Do đó, triệu chứng phù đều có nguyên nhân cụ thể.

Phù mạch bạch huyết thường xảy ra sau phẫu thuật ung thư vú, vì nạo hết hạch ở vùng nách dẫn đến tình trạng phù. Các bệnh lý suy thận, suy tim đều có nguyên nhân riêng mà không liên quan đến phẫu thuật. Chấn thương cũng là nguyên nhân gây phù tại chỗ. Các nguyên nhân gây phù đều rất rõ ràng. 

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Phó khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân Dân 115

4. Các phương pháp điều trị phù mạch bạch huyết

Hiện nay có những phương pháp nào để khắc phục tình trạng phù mạch bạch huyết ạ? Khi nào bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Có 2 phương pháp điều trị phù mạch bạch huyết: điều trị bảo tồn và phẫu thuật.

Có nhiều cách phẫu thuật điều trị phù mạch bạch huyết:

- Thực hiện vi phẫu nối bạch mạch với tĩnh mạch bằng nhiều cầu nối để giảm phù tại chỗ.

- Lấy hạch ở nơi khác trên cơ thể (thường là ở cổ, dưới cằm, vai, bẹn) ghép vào chỗ phù, tạo dòng chảy mới cho bạch huyết lưu thông.

Một phương pháp khác không liên quan đến phẫu thuật vi phẫu là hút mỡ ở chi phù. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng ở độ 1 và độ 2, đối với độ 3 hơi khó can thiệp. Bệnh nhân phù mạch bạch huyết độ 3 sẽ nổi mụn cóc, bì hóa da nhiều nên không thể áp dụng các biện pháp trên. Vì thế, bác sĩ sẽ tiến hành cắt giảm thiểu da và ghép da để giảm tình trạng phù.

Có thể thấy, người bệnh sau phẫu thuật ung thư vú bị phù tay ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, vì đi đâu cũng phải mang phương tiện hỗ trợ. Ví dụ đi xe ngồi lâu hay xách nặng cũng gây phù. Đa số người Việt Nam sẽ chấp nhận vấn đề này vì họ ngại phẫu thuật.

Tuy nhiên, vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt phụ nữ sẽ thấy mặc cảm, tự ti, dễ stress. Tại nước ngoài, nếu bệnh nhân bị phù mà điều trị nội khoa vài lần thất bại sẽ tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật sớm ở mức độ 1, mức độ 2 chức năng trở lại rất cao. Còn ở giai đoạn 3 trở lên, phẫu thuật chỉ mang tính cứu cánh, không thể đưa lại chức năng sinh lý bình thường. Chức năng sinh lý có nghĩa là khi máu bị tắc phía trên sẽ cần đường ống khác đưa vào cơ thể, tuy không bằng đường ống cũ nhưng khi đưa vòng khác nối vào, dòng chảy sẽ quay trở lại. Nếu để quá muộn, các ống xung quanh đã hỏng, da lúc này dày, bì hóa và xơ cứng nên việc tạo vị trí sinh lý ở nơi mới rất khó khăn.

Vì vậy, nếu người bệnh phù mạch bạch huyết điều trị nội khoa, tập vật lý trị liệu thất bại, hãy nghĩ đến phương pháp phẫu thuật để cải thiện chức năng cuộc sống.

5. Sau phẫu thuật phù mạch bạch huyết bao lâu vị trí phù sẽ xẹp?

Thưa BS, sau phẫu thuật bao lâu vị trí phù sẽ xẹp ạ? Và liệu nó có trở về vị trí ban đầu không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Điều này còn tùy vào loại phẫu thuật và mức độ bệnh. Ở độ 1, sau khi nối bạch mạch và tĩnh mạch, khoảng 2-3 tháng tình trạng phù sẽ xẹp bớt. Nếu nối, ghép hạch kèm phẫu thuật da, trong khoảng 3-6 tháng cánh tay sẽ xẹp theo thời gian.

6. Phù mạch bạch huyết nếu điều trị tốt có thể phục hồi bình thường

Thưa BS, nhiều người lo ngại sau khi phẫu thuật, tình trạng phù mạch bạch huyết sẽ tái phát. Điều này có đúng không ạ? Nếu có thì làm sao để ngăn tái phát ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tình trạng phù mạch bạch huyết có thể tái phát sau phẫu thuật. Sau khi nối bạch mạch, tĩnh mạch hoặc nối ghép hạch, cũng có trường hợp viêm tắc lại chỗ đã nối dẫn đến phù lại.

Do đó, vấn đề khó khăn nhất của phù mạch bạch huyết là chăm sóc sau khi phẫu thuật tránh tình trạng viêm mô tế bào và ảnh hưởng đến da. Tuy nhiên, nếu tình trạng phù được điều trị tốt vẫn có thể phục hồi như trước đây.

7. Phù mạch bạch huyết không chỉ xuất hiện ở bệnh nhân ung thư vú

Thưa BS, tình trạng phù mạch bạch huyết chỉ xuất hiện ở bệnh nhân ung thư vú hay còn xuất hiện ở những ai ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Bệnh nhân ung thư vú chỉ phù ở tay sau khi nạo nhóm hạch ở nách. Ung thư quàng quang, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng khi nạo hết hạch phía bên chân gây phù chân. Nếu nạo hết hạch vùng cổ sẽ phù đầu, mặt, cổ. Bên cạnh đó còn một số hạch phía trong. Do đó, mạch bị chi phối và tắc vùng nào sẽ gây phù vùng đó.

8. Cách phòng tránh và cải thiện tình trạng phù mạch bạch huyết

Nhờ BS hướng dẫn cách để bệnh nhân ung thư có thể phòng tránh và cải thiện tình trạng phù mạch bạch huyết ạ!

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Bệnh nhân phù mạch bạch huyết cần lưu ý một số điều sau đây:

- Chăm sóc bản thân

- Sử dụng băng ép

- Tập vật lý trị liệu

- Hạn chế gây tổn thương da

- Không làm móng, mang vật nặng, tránh những nơi quá nắng hoặc quá lạnh

- Tránh lấy máu, đo huyết áp để tránh viêm mô tế bào.

Ngoài băng ép, bệnh nhân có thể tập các bài tập bằng tay bằng một số động tác sau:

- Đặt tay ở bụng và tập hít sâu

- Tập nâng vai lên, xuống, ra sau và đếm đến 10.

- Đưa tay ra sau đầu, người ưỡn nhẹ 10 nhịp.

- Gấp, duỗi khuỷu tay,  gấp cổ tay, ngón tay

Mỗi động tác tập 10 nhịp một cách nhẹ nhàng, không quá sức.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X