Hotline 24/7
08983-08983

Tai ơi, đừng tuyệt vọng!

"Thời gian vàng" để điều trị điếc đột ngột là từ 24 - 48 tiếng, nhưng nhiều trường hợp sau 14 ngày điều trị vẫn cho một số kết quả.

Tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân hốt hoảng than với bác sĩ: "Bác sĩ ơi, sáng nay ngủ dậy sao tôi tự dưng không nghe được nữa!" Làm sao không hốt hoảng khi mới hôm qua họ còn nghe được mọi âm thanh của cuộc sống từ tiếng con thơ, tiếng tivi, tiếng chó sủa mèo kêu… thậm chí cả tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường, vậy mà sáng nay ngủ dậy xung quanh im ắng như tờ.

Do ráy hay SHL

Có hai nguyên nhân gây ra "thảm hoạ" ấy: một do bệnh thông thường, và một thuộc bệnh cấp cứu của chuyên khoa tai mũi họng.

Trường hợp đầu tiên là ráy tai quá nhiều, khi tắm gội để nước vào tai làm ráy nở ra bít kín ống tai ngoài ngăn cản âm thanh truyền đến màng nhĩ, khiến không còn nghe được gì. Trường hợp này dễ xử lý nhất: bác sĩ chỉ cần lấy sạch ráy tai cho bệnh nhân là họ nghe lại bình thường ngay lập tức.

Trường hợp thứ hai là bị "điếc đột ngột" (Sudden hearing loss - SHL) được định nghĩa là giảm nghe lớn hơn 30dB ít nhất ở ba tần số liền kề trong vòng 72 giờ hoặc ít hơn. Nó xảy ra nhiều nhất ở nhóm tuổi 30 - 60, nam nữ như nhau.

Mặc dầu được gọi là "điếc đột ngột", thính lực dường như không giảm tức thì mà thường xảy ra trong vài giờ. SHL có thể ảnh hưởng rất khác nhau ở từng người. SHL thường bị một bên (chỉ ảnh hưởng đến một bên tai) và kèm theo ù tai, chóng mặt, hoặc cả hai triệu chứng. Mức độ giảm thính lực có thể khác nhau, và ảnh hưởng đến các phần khác nhau của dải tần số nghe.

SHL có thể bị tạm thời hoặc vĩnh viễn. Khoảng 1/3 người bị SHL khi thức dậy vào buổi sáng. Có 20 - 60% bệnh nhân điếc đột ngột có kèm theo chóng mặt (theo nghiên cứu của Rambold và cộng sự, 2005).

Do những nguyên nhân khác

Những nguyên nhân khác có thể kể đến:

- Các bệnh nhiễm virút như viêm tai, viêm tiền đình, viêm thần kinh thính giác, viêm não, màng não, quai bị, rubella, thuỷ đậu, giang mai, HIV/AIDS…

- Chấn thương đầu, tai.

- Các bệnh mạch máu như thiếu máu, co thắt mạch máu, xơ cứng mạch máu, thuyên tắc mạch máu do máu cục, xuất huyết tai trong…

- Các bệnh ung thư thần kinh thính giác, ung thư di căn…

- Các bệnh thần kinh như đa xơ cứng, bệnh meniere, migrain.

- Các bệnh tự miễn, ngộ độc như bị rắn độc cắn...

- Do các loại thuốc gây ngộ độc tai…

Các nguyên nhân này làm giảm hoặc ngăn máu và không khí đến tai trong, khiến các tế bào thần kinh thính giác có rất nhiều ở đây bị thương tổn. Ở trẻ nít, mạch máu rất nhỏ nên động mạch tai trong khi bị co thắt dễ dẫn đến tình trạng thần kinh tai trong không được nuôi dưỡng, gây điếc.

Trị càng sớm càng tốt

"Thời gian vàng" để điều trị điếc đột ngột là từ 24 - 48 tiếng, nhưng nhiều trường hợp sau 14 ngày điều trị vẫn cho một số kết quả.

Bệnh có tỷ lệ tự hồi phục tương đối cao. Công trình nghiên cứu của Mattox và Simmons (1977) báo cáo tỷ lệ phục hồi tự phát "các mức độ nghe chức năng" là 65%. Công trình của Byl cũng báo cáo một tỷ lệ phục hồi khoảng 69% (năm 1984). Những người hồi phục 50% nghe trong hai tuần đầu tiên sau SHL có tiên lượng tốt hơn so với những người không hồi phục ở tỷ lệ này (Ito và cộng sự, 2002). Các kháng thể tế bào antiendothelial huyết thanh liên quan với một tiên lượng nghèo nàn (Cadeni và cộng sự, 2003). Tái phát của SHL hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra (Furohashi và cộng sự, 2002).

Tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn nếu chỉ giảm nhẹ thính lực, không chóng mặt, và điều trị nhanh chóng (trong vòng một tuần).

Như vậy nếu không may "bỗng dưng bị điếc", tốt nhất là nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay. Nếu chỉ vì ráy tai thì sau khi lấy ráy sẽ hết khó chịu; nếu bị bệnh "điếc đột ngột" thì kịp thời cứu chữa, tiên lượng khỏi bệnh sẽ cao hơn.

AloBacsi.vn
Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Bích Thuỷ - SGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X