Hotline 24/7
08983-08983

Suy tuyến yên ở trẻ em liệu có đáng lo?

Suy tuyến yên là bệnh lý hiếm gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tình trạng này thường kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống khỏe mạnh và ổn định. Do đó, để hỗ trợ cho quá trình điều trị, việc trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh là vô cùng cần thiết, đặc biệt là suy tuyến yên ở trẻ em.

1. Suy tuyến yên ở trẻ em là gì?

Tương tự như người lớn, suy tuyến yên ở trẻ em là hiện tượng tuyến yên suy giảm hoạt động, dẫn đến thiếu hụt các hormone cần thiết cho cơ thể.

Tuyến yên là tuyến quan trọng giúp sản xuất ra khoảng 8 loại hormone khác nhau. Các hormone này giúp điều hòa và duy trì các chức năng của cơ thể, bao gồm:

- Kích thích sự tăng trưởng và chuyển hóa chất.

- Điều hòa huyết áp và sự cân bằng nước - chất điện giải.

- Kiểm soát tình trạng suy giáp.

Nồng độ hormone dưới mức cho phép là khởi đầu do nhiều vấn đề sức khỏe về sau. Suy tuyến yên ở trẻ em có thể diễn ra âm thầm hoặc đột ngột. Do đó, ba mẹ nên chú ý theo dõi sức khỏe con để kịp thời liên hệ bác sĩ.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến suy tuyến yên ở trẻ em

Nguyên nhân suy tuyến yên ở trẻ em thường do bẩm sinh hoặc ảnh hưởng của khối u. Tuy nhiên, đôi khi các bác sĩ cũng không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.

a. Do bẩm sinh

Tuyến yên ở trẻ không phát triển được có thể do khiếm khuyến ở bộ máy di truyền. Bé bị loạn sản thị giác có khả năng cao bị suy tuyến yên. Tình trạng này không chỉ cản trở chức năng tuyến yên mà còn gây khó khăn cho các cấu trúc khác ở não.

Một số trẻ em có tuyến yên hoạt động kém từ khi mới sinh ra. Ở hội chứng Kallman, do có đủ lượng hormone để kích thích buồng trứng hoặc tinh trùng, giai đoạn dậy thì của con thường đến khá muộn.

b. Khối u

Khối u có thể phát triển ở trong hoặc ngoài tuyến yên. Sự hiện diện này đã chèn ép các mô lành và dẫn đến suy tuyến yên. Nhiều phụ huynh lo lắng rằng khối u xuất hiện đồng nghĩa với ung thư. Song các chuyên gia y tế đã phủ nhận nhận định trên.

Xem thêm: Top 5 bác sĩ điều trị suy tuyến yên giàu kinh nghiệm tại TPHCM

c. Những nguyên nhân khác

Những yếu tố sau đây cũng có thể gây nên suy tuyến yên ở trẻ em:

- Nhiễm khuẩn ở não.

- Chấn thương ở não.

- Từng xạ trị ở não, vùng mặt hoặc cổ.

- Tuyến yên bị chảy máu.

- Các bệnh lý miễn dịch khác.

- Đối tượng có nguy cơ cao bị suy tuyến yên

Suy tuyến yên ở trẻ em thường gây khó khăn cho y học do không để lại các triệu chứng đặc hiệu. Do đó, ba mẹ nên đưa trẻ đi xét nghiệm nếu nhận thấy con có các yếu tố sau:

- Có khối u ở tuyến yên.

- Bị chấn thương ở vùng đầu.

- Nhiễm khuẩn vỏ não hoặc tủy sống (viêm màng não).

3. Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị suy tuyến yên là gì?

Biểu hiện của suy tuyến yên thường khác nhau tùy theo loại hormone thiếu hụt. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm:

- Bé trai có dương vật kém phát triển, bé gái có kinh nguyệt không đều.

- Mức đường huyết thấp.

- Tăng trưởng chậm, vóc dáng thấp bé.

- Trẻ mới sinh có da và mắt bị vàng.

- Chán ăn.

- Tăng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Nhạy cảm với nhiệt độ thấp, khó giữ ấm.

- Mặt sưng phù.

- Đau đầu dữ dội, tầm nhìn mờ nếu tuyến yên bị tổn thương đột ngột.

- Luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ bị stress.

Song những dấu hiệu trên khá tương tự với những bệnh lý khác. Nếu nhận thấy con không khỏe, ba mẹ hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Có các phương pháp chẩn đoán suy tuyến yên nào ở trẻ?

Để chẩn đoán suy tuyến yên ở trẻ em, con sẽ được hỏi nhiều về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh. Ba mẹ cũng nên cung cấp thông tin về sức khỏe của các thành viên trong gia đình để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone.

- Chụp X-quang: sử dụng một lượng nhỏ phóng xạ để thu hình ảnh của các mô trong cơ thể. X-quang giúp dự đoán độ tuổi của xương. Trẻ bị suy tuyến yên thường có tuổi xương nhỏ hơn tuổi thật sự.

- Chụp CT: giúp thể hiện hình ảnh của xương, cơ, mỡ và nội tạng. Chụp CT thường cho hình ảnh chi tiết hơn chụp X-ray.

- MRI: phương pháp này có thể tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mà không cần sử dụng tia X.

Xem thêm: Dinh dưỡng cho người bệnh tuyến yên

5. Điều trị suy tuyến yên ở trẻ em ra sao?

a. Thay thế hormone

Mục tiêu điều trị suy tuyến yên ở trẻ em là thay thế các hormone mà tuyến yên không sản xuất được. Phương pháp này mô phỏng hoạt động sản xuất hormone của cơ thể. Một số lựa chọn điều trị hiện có là:

- Levothyroxine để phòng ngừa suy tuyến giáp.

- Hormone tăng trưởng: tiêm mỗi ngày.

- Hydrocortisone: uống 2 - 3 viên/ngày. Prednisone và dexamethasone có thể là lựa chọn thay thế cho hydrocortisone.

- Hormone giới tính: bổ sung testosterone cho bé trai và estrogene cho bé gái. Bé gái có thể đổi sang dạng thuốc phối hợp estrogene và progesterone khi giai đoạn dậy thì gần kết thúc.

- Hormone chống bài niệu: desmopressin dạng xịt hoặc dạng uống đều cho thấy hiệu quả ở trẻ em. Trẻ sơ sinh bị đái tháo nhạt nên dùng chlorothiazide để làm giảm lượng nước tiểu.

b. Liệu pháp dành cho khối u

Một số khối u sẽ đáp ứng tốt với thuốc. Song phần lớn khối u cần được can thiệp bởi phẫu thuật. Thông thường, tình trạng thiếu hụt hormone vẫn tiếp diễn sau phẫu thuật. Do đó, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định liệu pháp hormone.

Sau khi được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hoặc phẫu thuật, con trẻ vẫn nên nhận được sự chăm sóc kĩ lưỡng từ phụ huynh. Liều dùng của thuốc hormone sẽ thay đổi để phù hợp với thể trạng và nhu cầu của bé. Gia đình nên chú ý theo dõi sức khỏe của con và thông báo cho bác sĩ.

Suy tuyến yên ở trẻ em là bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng lại khó điều trị. Tình trạng này cần sự phối hợp giữa bác sĩ, người nhà và cả con trẻ để có được kết quả tốt nhất. Khi được chữa trị đúng cách, bé vẫn có thể phát triển bình thường và khỏe mạnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X