Hotline 24/7
08983-08983

Phần 1: Suy giảm nhận thức làm tăng tỷ lệ tàn phế, tái phát và tử vong ở bệnh nhân đột quỵ

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện TWQĐ 108 nhấn mạnh tình trạng và hậu quả nghiêm trọng của suy giảm nhận thức. Đặc biệt, suy giảm nhận thức sẽ làm ảnh hưởng quá trình hồi phục sau đột quỵ, tăng tỷ lệ tái phát và tử vong ở nhóm bệnh nhân này.

1. Các loại suy giảm nhận thức phổ biến hiện nay

Trước tiên nhờ BS chia sẻ cho người nghe về tình trạng suy giảm nhận thức ở người cao tuổi hiện nay. Các nguyên nhân dẫn đến suy giảm nhận thức là gì ạ?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Có nhiều mức độ suy giảm nhận thức khác nhau: suy giảm nhận thức nhẹ là MCI, còn suy giảm nhận thức nặng gọi là sa sút trí tuệ.

Tình trạng suy giảm nhận thức khá phổ biến ở người cao tuổi. Trong đó, nhóm người trên 65 tuổi chiếm khoảng 10%; trên 75 tuổi chiếm khoảng 20%, và trên 85 tuổi chiếm khoảng 30%; bệnh nhân trên 95 tuổi chiếm khoảng 50%.

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm nhận thức phổ biến ở người cao tuổi là các bệnh lý về thoái hóa não (alzheimer) chiếm khoảng 60%. Sau đó đến các vấn đề bệnh lý sa sút trí tuệ mạch máu chiếm khoảng 20%, sa sút trí tuệ hỗn hợp chiếm khoảng 10%, còn lại các trường hợp hiếm gặp khác chiếm khoảng 10%.

Tuy nhiên tỷ lệ sa sút trí tuệ mạch máu hay sa sút trí tuệ mạch máu não phụ thuộc vào từng vùng khác nhau. Ví dụ như tỷ lệ này tại Mỹ và châu Âu thấp hơn các vùng châu Á. Tại Nhật Bản, sa sút trí tuệ mạch máu chiếm khoảng 50% số bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ. Như vậy sa sút trí tuệ mạch máu khá phổ biến tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

2. Sa sút trí tuệ mạch máu là hậu quả của đột quỵ não

- Ngoài các nguyên nhân trên, còn có các vấn đề nào về suy giảm nhận thức liên quan đến biến chứng sau khi xảy ra một số triệu chứng hoặc căn bệnh lý hay không ạ?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Sa sút trí tuệ mạch máu chính là hậu quả của đột quỵ não.

- Như vậy có mối liên quan giữa suy giảm nhận thức và đột quỵ và mối liên quan như thế nào, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Bệnh lý mạch máu não là một trong các nguyên nhân gây ra suy giảm nhận thức. Cụ thể sau khi biến cố đột quỵ xảy ra, một trong những hậu quả gây ra là sa sút trí tuệ (sa sút trí tuệ mạch máu não).

Các tiêu chuẩn chẩn đoán sa sút trí tuệ mạch máu não bao gồm: phải xảy ra sau đột quỵ não cấp; xảy ra sa sút trí tuệ; có mối liên quan giữa đột quỵ não và tình trạng sa sút trí tuệ, thường xảy ra trong vòng 3 tháng sau đột quỵ. Như vậy, ngoài vấn đề đột quỵ xảy ra, hậu quả để lại có thể khiến bệnh nhân bị tàn phế do những vấn đề như mất khả năng vận động, khả năng ngôn ngữ, khả năng rối loạn nuốt… Bên cạnh đó sa sút trí tuệ mạch máu não cũng là gánh nặng nhưng chưa được để ý đến một cách đúng mức.

3. Khoảng 30% bệnh nhân tàn phế sống sót sau đột quỵ mắc sa sút trí tuệ mạch máu não

Nhờ BS chia sẻ về tình hình đột quỵ não và t lệ suy giảm nhận thức trên các bệnh nhân đột quỵ hiện nay tại Việt Nam ạ.

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Đột quỵ là vấn đề sức khỏe toàn cầu, tỷ lệ ngày càng trẻ hóa và gia tăng theo thời gian. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, hậu quả là có khoảng 11.000 bệnh nhân tử vong, và khoảng 100.000 bệnh nhân bị tàn phế. Trong số bệnh nhân tàn phế còn sống sót có khoảng 30% mắc sa sút trí tuệ mạch máu não. 

4. Sa sút trí tuệ nguy hiểm ra sao?

Như vậy có thể nói suy giảm nhận thức là biến chứng hay gặp sau đột quỵ sẽ để lại những gánh nặng ra sao cho người bệnh, gia đình và xã hội? Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hồi phục của bệnh nhân đột quỵ, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Tỷ lệ tàn phế ở bệnh nhân đột quỵ khá cao với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi vì đột quỵ là bệnh lý xảy ra do tổn thương các mạch máu trong não. Bình thường mạch máu đóng vai trò nuôi các vùng não chức năng, khi các vùng não này bị tổn thương sẽ để lại hậu quả tàn phế nặng nề cho người bệnh. 

Trong số các bệnh nhân còn sống sót sau đột quỵ, có đến 40% bị tàn phế ở nhiều mức độ khác nhau như: bệnh nhân bị liệt một bên người, mất trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, co cứng cơ… trong số đó có khoảng 30% bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

Khi bệnh nhân tàn phế mắc sa sút trí tuệ sẽ làm tăng tình trạng tàn phế ở bệnh nhân, vì sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ, các tri giác, hành vi và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.

Sa sút trí tuệ cũng làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của bệnh nhân. Sau đột quỵ não, khi bệnh nhân đang trong quá trình tập luyện hồi phục tốt, nếu mắc sa sút trí tuệ sẽ làm chậm quá trình phục hồi chức năng của người bệnh. Đồng thời, bệnh nhân bị sa sút trí tuệ làm ảnh hưởng đến quá trình luyện tập và phục hồi, do đó tỷ lệ tái phát đột quỵ cao hơn, tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân đột quỵ này.

Như vậy, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ lên bệnh nhân đột quỵ khá nặng nề.

5. Nhận biết bệnh nhân bị suy giảm nhận thức qua dấu hiệu cảnh báo nào?

Như vậy, đâu là những dấu hiệu cảnh báo sớm suy giảm nhận thức trên bệnh nhân, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Rất khó nhận biết dấu hiệu cảnh báo sớm sa sút trí tuệ trên bệnh nhân. Tuy nhiên, ở người chăm sóc bệnh nhân hàng ngày nếu chú ý có thể nhận biết được các dấu hiệu bất thường.

Thứ nhất, sa sút trí tuệ mạch máu não là biến cố xảy ra sau đột quỵ cấp.

Thứ hai, bệnh nhân bị suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, tri giác, ngôn ngữ một cách đột ngột trong quá trình phục hồi sau đột quỵ. Lưu ý, đây không phải là hậu quả của đột quỵ, vì hậu quả là ngay sau khi bị đột quỵ bệnh nhân sẽ gặp vấn đề đó. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang nói bình thường nhưng sau 1-2 tháng, người bệnh đột ngột nói khó khăn, trí nhớ giảm sút, khả năng đi đứng hạn chế, tất cả các diễn biến bất thường này thường xảy ra trong 3 tháng sau đột quỵ, đây là biểu hiện của sa sút trí tuệ.

Thứ ba, suy giảm nhận thức được chẩn đoán khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của sa sút trí tuệ mạch máu não: sa sút trí tuệ xảy ra sau đột quỵ và có bằng chứng tổn thương nhu mô não trên hình ảnh học. Để xác định được các chẩn đoán này bệnh nhân phải được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra qua thăm khám, test lâm sàng để chẩn đoán.

Tuy nhiên đối với những người chăm bệnh nhân hàng ngày có thể nhận biết được dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Bởi vì sa sút trí tuệ sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ của người bệnh. Bệnh nhân đột ngột xuất hiện tình trạng mất trí nhớ tạm thời trong thời gian ngắn. Nhiều trường hợp sau đột quỵ vẫn có thể diễn đạt, giao tiếp tốt, nhưng sau một thời gian bệnh nhân đột ngột diễn đạt và hiểu lời khó khăn. Đặc biệt, có bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ, hành vi, đi lạc đường và quên lối về, khó khăn trong thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tự phục vụ…

Do đó, người nhà nên lưu ý có thể bệnh nhân bị sa sút trí tuệ nếu người bệnh có các bất thường trên. Nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dự phòng diễn tiến của sa sút trí tuệ. Thông thường bệnh nhân và bác sĩ rất ít chú ý đến sa sút trí tuệ sau đột quỵ vì họ cho rằng đó là hậu quả của đột quỵ, không xem đó là biến chứng của đột quỵ gây nên. Từ đó chủ quan và không can thiệp kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc, trong khi bệnh nhân có thể phục hồi nếu phát hiện sớm và điều trị.

6. Các giải pháp cải thiện suy giảm nhận thức sau đột quỵ

Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán suy giảm nhận thức sau đột quỵ, trong khi điều trị bệnh nhân cần chú ý điều gì?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Đầu tiên, cần phát hiện được bệnh nhân có sa sút trí tuệ sau đột quỵ, sau đó có nhiều biện pháp can thiệp khác nhau bao gồm biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Trong đó, biện pháp không dùng thuốc cần chú ý các điểm chính sau:

Bệnh nhân sau đột quỵ phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, đủ chất. Nếu bệnh nhân thiếu các chất như protein, vitamin, chất khoáng… có thể ảnh hưởng đến vấn đề hồi phục thần kinh. Bên cạnh đó việc đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân còn đóng vai trò dự phòng đột quỵ tái phát, vì người bệnh đã bị đột quỵ thường gặp các vấn đề về rối loạn chuyển hóa như mỡ máu, huyết áp cao… Như vậy, khi đảm bảo chất dinh dưỡng cho bệnh nhân cần hợp lý, đủ cân đối, nhưng phải tránh các nguy cơ dẫn đến tăng mỡ máu, tăng huyết áp. Bệnh nhân có chế độ ăn nhạt, chọn các loại thực phẩm chứa axit béo không bão hòa từ thực vật, tránh axit béo bão hòa như mỡ động vật.

Bên cạnh chế độ ăn, bệnh nhân cần lưu ý chế độ luyện tập. Các bệnh nhân đột quỵ việc tập phục hồi chức năng và tập thể dục hàng ngày rất quan trọng, giúp hồi phục nhanh và dự phòng đột quỵ tái phát. Đồng thời giúp bệnh nhân giảm sa sút trí tuệ nếu người bệnh luyện tập hàng ngày một cách tích cực.

Bệnh nhân cần luyện tập trí não. Hiện nay có rất nhiều trò chơi dành cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, hỗ trợ bệnh nhân tham gia luyện tập phục hồi chức năng về trí não. Người bệnh nên đọc sách, xem thời sự và giao tiếp, nói chuyện với mọi người…

Người bệnh cần tránh stress tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng, vì stress là một trong các yếu tố dẫn đến sa sút trí tuệ. Sau đột quỵ người bệnh thường mặc cảm và luôn ở trong nhà, dễ dẫn đến trầm cảm, tỷ lệ mắc vấn đề này sau đột quỵ khá cao, đó là các biến cố đặc biệt xảy ra ở người trẻ tuổi.

Đảm bảo cho bệnh nhân có chế độ ngủ nghỉ đủ giấc.

Đối với biện pháp dùng thuốc, các thuốc bảo vệ tế bào thần kinh hay các thuốc bổ não cũng góp phần cho quá trình hồi phục và tăng cường trí nhớ cho bệnh nhân, làm hạn chế được sa sút trí tuệ tiến triển và cải thiện được sa sút trí tuệ cho bệnh nhân sau đột quỵ.

Cải thiện sa sút trí tuệ bằng biện pháp không dùng thuốc

7. Thuốc bảo vệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong dự phòng suy giảm nhận thức

Thưa BS, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán suy giảm nhận thức sau đột quỵ, có thể sử dụng thêm các loại thuốc dinh dưỡng thần kinh để có thể bổ trợ cho quá trình này không ạ?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Ngoài điều trị còn vấn đề dự phòng với hai biện pháp dùng thuốc và không dùng thước. Trong đó dùng thuốc bảo vệ tế bào thần kinh (thuốc dinh dưỡng thần kinh) đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay có rất nhiều các loại thuốc bảo vệ dinh dưỡng thần kinh có thể dùng cho bệnh nhân.

- Như BS vừa chia sẻ, trong các loại thuốc dinh dưỡng thần kinh hiệu quả trong điều trị suy giảm nhận thức. Trong đó có Ginkgo Biloba EGb 761, đây là chiết xuất từ lá bạch quả. Vậy Ginkgo biloba EGb 761 khác như thế nào với các chiết xuất Ginkgo biloba khác, thưa bS?

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Về tác dụng chung của Ginkgo Biloba EGb 761 rất tốt cho việc phục hồi trí nhớ. Đây là một nhóm thuốc bảo vệ thần kinh, làm hoạt hóa tăng cường tuần hoàn não. Bên cạnh đó còn chống oxy hóa và chống gốc tự do, vì vậy được chỉ định cho các trường hợp sa sút trí tuệ. Đặc biệt là các bệnh mạch máu nhỏ khi có tổn thương, máu lên não kém, nhóm thuốc này giúp hoạt huyết, và phục hồi trí nhớ cho bệnh nhân sau đột quỵ.

Một số bệnh nhân bị hẹp động mạch chi có thể sử dụng Ginkgo Biloba EGb 761; bệnh nhân thoái hóa võng mạc; biến chứng sau tiểu đường, thoái hóa hoàng điểm của bệnh nhân cao tuổi; chóng mặt; ù tai… đều có thể sử dụng Ginkgo Biloba EGb 761.

Bên cạnh đó Ginkgo Biloba EGb 761 có nguồn gốc thảo dược nên rất an toàn cho bệnh nhân sử dụng, ít tác dụng phụ và có thể dùng kéo dài. Bởi vì sa sút trí tuệ là bệnh lý mạn tính có thể diễn tiến theo thời gian, không thể dùng thuốc trong 1-2 tháng sau đó ngưng và mong bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe.

Sa sút trí tuệ là bệnh mạn tính nên lựa chọn loại thuốc ít tác dụng phụ, nguồn gốc thảo dược và có thể sử dụng kéo dài. Đó là các yếu tố phù hợp đối với nhóm bệnh nhân này.

Cảm ơn TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện TWQĐ 108, Công ty Gigamed, nhãn hàng Tebonin đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

Phần 2: Suy giảm nhận thức làm tăng tỷ lệ tàn phế, tái phát và tử vong ở bệnh nhân đột quỵ 

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt.

Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X