Phần 2: Suy giảm nhận thức làm tăng tỷ lệ tàn phế, tái phát và tử vong ở bệnh nhân đột quỵ
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện TWQĐ 108 nhấn mạnh tình trạng và hậu quả nghiêm trọng của suy giảm nhận thức. Đặc biệt, suy giảm nhận thức sẽ làm ảnh hưởng quá trình hồi phục sau đột quỵ, tăng tỷ lệ tái phát và tử vong ở nhóm bệnh nhân này.
8. Ginkgo Biloba EGb 761 an toàn, có thể sử dụng kéo dài với sự theo dõi của bác sĩ
Ginkgo Biloba EGb 761 có tác dụng bảo vệ thần kinh, tốt cho người lớn tuổi, giúp phòng ngừa và điều trị suy giảm nhận thức. Người bệnh nên sử dụng ra sao cho đúng và dùng trong bao lâu ạ?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đều cần được bác sĩ theo dõi, không nên tự ý mua thuốc về dùng kéo dài, vì có thể chỉ tác dụng tốt cho một số trường hợp, tương tự với các loại thực phẩm do sự đáp ứng của mỗi người là khác nhau. Thực tế có trường hợp bệnh nhân sử dụng tốt nhưng khi theo dõi chức năng thận hoặc gan bị ảnh hưởng.
Riêng Ginkgo Biloba EGb 761, khi theo dõi tất cả các bệnh nhân sử dụng kéo dài vẫn chưa thấy tác dụng phụ, vì đây là loại thuốc khá an toàn. Tuy nhiên cần lưu ý cho bệnh nhân vì không có loại thuốc nào có thể sử dụng suốt đời, nên được theo dõi bởi bác sĩ.
9. Dự phòng và xử trí đúng cách để giảm gánh nặng sau đột quỵ
Đâu là những khó khăn, thách thức mà gia đình thường đối diện khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cũng như bệnh nhân suy giảm nhận thức ạ?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Có đến 40% bệnh nhân sống sót sau đột quỵ để lại các hậu quả tàn phế khác nhau. Trong đó các bệnh nhân này bị ảnh hưởng đến chức năng và vận động, bệnh nhân có thể liệt nửa người, khả năng tự vận động bị hạn chế, vì vậy việc chăm sóc người bệnh đột quỵ rất khó khăn.
Hơn nữa, nếu bệnh nhân đột quỵ có thêm sa sút trí tuệ sẽ không hợp tác với người nhà trong vấn đề chăm sóc, phục hồi chức năng, dùng thuốc, sinh hoạt hàng ngày… Đây là vấn đề gây ra khó khăn, từ đó làm tăng chi phí về y tế để phục vụ cho bệnh nhân sau đột quỵ, đây cũng là một gánh nặng.
Vì vậy, việc tốt nhất hiện tại được các bác sĩ mong muốn là mọi người có các kiến thức dự phòng và phòng tránh đột quỵ. Đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng nếu biết được yếu tố nguy cơ. Tình trạng này cũng có thể điều trị nếu phát hiện sớm, xử trí đúng cách, đưa đến bệnh viện chuyên khoa có khả năng cấp cứu đột quỵ, hạn chế được tối đa các di chứng cho bệnh nhân sau đột quỵ. Sau khi các hậu quả của đột quỵ đã được hạn chế, việc khắc phục sẽ trở nên đơn giản hơn.
Nếu việc xử trí ban đầu không đúng cách, để lại tàn phế rất nặng nề thì quá trình phục vụ và chăm sóc bệnh nhân sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho gia đình và xã hội. Một bệnh nhân bị tàn phế cần có một người chăm sóc, bản thân bệnh nhân không thể lao động, sống lệ thuộc, tăng gánh nặng chi phí về thuốc hàng tháng và cần thêm người chăm sóc… Đó là những vấn đề gây nặng nề đối với bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội.
10. Sau đột quỵ cần tầm soát chức năng nhận thức tại cơ sở y tế chuyên khoa
Người bệnh sau đột quỵ có cần tầm soát chức năng nhận thức và nếu có thì kiểm tra tình trạng này bằng cách nào?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Bệnh nhân khi đã bị đột quỵ sẽ được chăm sóc y tế và khám định kỳ tại một cơ sở bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, mạch máu não. Các bác sĩ chuyên khoa có kiến thức về tầm soát sa sút trí tuệ sau đột quỵ sẽ test nhận thức, thăm khám lâm sàng, từ đó phát hiện các triệu chứng bệnh nhân sa sút trí tuệ, và điều trị các bệnh kèm theo.
Sa sút trí tuệ chỉ là một trong các biến chứng sau đột quỵ, còn rất nhiều các bệnh lý khác cần điều trị như tiểu đường, huyết áp cao, đột quỵ tái phát… Khi đó bệnh nhân sẽ đến các cơ sở y tế đang thăm khám và theo dõi, từ đó bác sĩ có thể khám và tầm soát thêm sa sút trí tuệ, bệnh nhân được can thiệp kịp thời.
11. Dự phòng đột quỵ để phòng ngừa suy giảm nhận thức
Phòng ngừa suy giảm nhận thức sau đột quỵ, liệu có khả thi? Và nếu có, thì gia đình có thể trợ giúp bằng cách nào để ngăn ngừa tình trạng này ạ?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Đầu tiên, về phòng ngừa đột quỵ. Từ trước đến nay mọi người đều nghĩ đột quỵ là một vấn đề không thể phòng ngừa. Song có những nguyên nhân mà chúng ta có thể khắc phục được, giúp dự phòng đột quỵ. Tương tự, sa sút trí tuệ cũng có thể dự phòng nếu bệnh nhân phòng ngừa được đột quỵ, hạn chế tổn thương do đột quỵ gây ra.
Sa sút trí tuệ là nguyên nhân từ mạch máu não, do đó cần dự phòng tốt vấn đề này. Ví dụ bệnh nhân bị vữa xơ mạch, mạch vữa xơ hẹp dần gây thoái hóa não và nhồi máu ổ khuyết, lâu ngày gây sa sút trí tuệ, mạch máu vữa xơ gây tắc và đột quỵ tái phát.
Bên cạnh đó nếu bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng cao huyết áp, mỡ máu cao, không tập luyện, uống thuốc dự phòng sẽ làm quá trình tổn thương mạch máu não tăng lên, dẫn đến sa sút trí tuệ.
Tóm lại sa sút trí tuệ đều có cơ chế, nguyên nhân, cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, khi dự phòng được đột quỵ tái phát, làm bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ nhanh hơn thì có thể dự phòng được sa sút trí tuệ.
12. Người thân đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ
Gia đình của bệnh nhân có thể trợ giúp cụ thể bằng những cách nào để giúp người bệnh ngăn ngừa sa sút trí tuệ, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Thông thường, bệnh nhân sau đột quỵ rất cần sự giúp đỡ của người thân, chia sẻ tinh thần, vật chất, giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày. Đây là vấn đề tâm lý, nếu chia sẻ cùng bệnh nhân không tốt có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu, mất nghị lực sống trong rèn luyện, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Vì vậy, người thân khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ sẽ có rất nhiều yếu tố giúp ích cho người bệnh với các biện pháp không dùng thuốc. Đó là vai trò của người thân và không ai có thể thay thế họ trong việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.
13. Có thể phục hồi sau đột quỵ nếu được xử trí đúng cách từ đầu
Thưa BS, tình trạng sau đột quỵ có hồi phục lại được hay không ạ?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Đột quỵ là một bệnh lý có thể điều trị được nếu phát hiện sớm qua các dấu hiệu đột quỵ, sau đó đưa người bệnh đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ. Nếu đưa vào bệnh viện kịp thời trong “giờ vàng”, các bệnh nhân đột quỵ hoàn toàn có thể cứu được. Thực tế rất nhiều bệnh nhân đột quỵ hôn mê, liệt nửa người, đến bệnh viện được đưa vào can thiệp, lấy huyết khối, tái thông mạch bị tắc, bệnh nhân có thể tỉnh táo trở lại và xuất viện sau 3-4 ngày.
Ví dụ bệnh nhân có thể tắc mạch nhỏ, liệt nửa người, bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông, bệnh nhân đang liệt nửa người có thể phục hồi hoàn toàn sau khi được truyền thuốc. Như vậy vấn đề hồi phục còn phụ thuộc vào việc phát hiện sớm và xử lý đúng cách, từ đó có thể sự phòng và điều trị được đột quỵ.
Sau khi dự phòng và điều trị tốt giai đoạn cấp, hậu quả của đột quỵ sẽ giảm rất nhiều. Ví dụ bệnh nhân có nguy cơ bị liệt hoàn toàn, nếu được cấp cứu và điều trị đúng, tỷ lệ liệt của bệnh nhân có thể giảm xuống, tổn thương nhẹ. Như vậy việc khắc phục hậu quả đột quỵ sẽ rất nhẹ nhàng, để làm được điều đó việc xử lý ban đầu phải đúng cách.
Tất cả những vấn đề trên phụ thuộc vào tất cả mọi người, trong đó có vai trò của truyền thông y tế, cần tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao kiến thức về dự phòng bệnh đột quỵ và biến chứng sau đột quỵ, trong đó có sa sút trí tuệ.
14. Nhận biết đột quỵ bằng dấu hiệu B.E.F.A.S.T
Thưa BS, dấu hiệu nào có thể nhận biết cơn đột quỵ?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là bệnh xảy ra đột ngột do tổn thương mạch máu trong não. Cụ thể, mạch máu có vai trò đi nuôi các nhu mô não tại các vùng chức năng khác nhau, khi mạch máu bị tổn thương tại vùng chức năng nào sẽ biểu hiện ra triệu chứng đó.
Vì vậy, trên thế giới đã khái quát các dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm bằng dấu hiệu F.A.S.T: F (Face) - bệnh nhân liệt mặt, mặt đột nhiên méo xuống; A (Arm) - tay bệnh nhân đột nhiên yếu xuống; S (Speech) - bệnh nhân đột nhiên nói khó. Cuối cùng là chữ T (Time) nhấn mạnh về thời gian, khi có một trong các dấu hiệu trên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở có cấp cứu đột quỵ nhanh nhất.
Gần đây có bổ sung thêm dấu hiệu B.E.F.A.S.T. Trong đó B (Balance) - bệnh nhân mất thăng bằng, chóng mặt đột ngột, có thể bệnh nhân đã tắc mạch máu nuôi vùng tiểu não; E (Eye) - người bệnh mất thị lực một bên. Như vậy, bản thân người bệnh phải có ý thức về các dấu hiệu này, do đó cần tuyên truyền dấu hiệu B.E.F.A.S.T để mọi người cùng nhận biết dấu hiệu đột quỵ.
Đôi khi các dấu hiệu này rất kín đáo, nếu đến bệnh viện không có bác sĩ chuyên khoa vẫn có thể bỏ sót. Ví dụ một số biểu hiện thực tế có thể là đột quỵ như: bệnh nhân mất thị lực một bên; chóng mặt quay cuồng; người bệnh cầm bút viết đột ngột ngượng lại và rớt cây bút hoặc chỉ tê một bên nửa người; một người đang đi bộ đột ngột thấy một bên chân yếu, vẫn đi được nhưng yếu hơn bên còn lại…
Vì vậy, có thể tuyên truyền dấu hiệu B.E.F.A.S.T cho bệnh nhân nhận biết, các biểu hiện này đều xảy ra đột ngột, do đó cần cảnh giác và xử lý nhanh nhất. Nhấn mạnh “thời gian là não”, thời gian chậm bao nhiêu thì não tổn thương bấy nhiêu.
15. Làm gì để phòng ngừa đột quỵ tái phát?
Thưa BS, đột quỵ có tái phát không? Phòng ngừa đột quỵ có những phương pháp nào?
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến trả lời: Đột quỵ có khả năng tái phát rất cao, thực tế nhiều bệnh nhân được cấp cứu đột quỵ, điều trị khỏi nhưng chủ quan, tự ý ngưng thuốc khi về nhà gây tái phát trở lại. Đặc biệt, nếu tái phát trở lại rất khó điều trị vì đột quỵ lần hai sẽ nặng hơn lần đầu tiên.
Bởi vì nguyên nhân gây ra đột quỵ do bệnh lý mạch máu não, bệnh lý này có nguyên nhân và nếu không thể khắc phục thì đột quỵ có thể tái phát. Cụ thể, đột quỵ nhồi máu não có hai nhóm nguyên nhân:
Thứ nhất là đột quỵ từ tim do bệnh nhân có rung nhĩ, hình thành cục máu đông từ tim lên trên não. Khi bệnh nhân được đưa vào bệnh viện bác sĩ sẽ tiến hành lấy cục máu đông hoặc dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, nguyên nhân gốc là từ tim, bệnh nhân vẫn còn tình trạng rung nhĩ, cục máu đông vẫn có thể hình thành lên não và gây tái phát. Như vậy bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông để hình thành cục máu đông trong tim mới có thể dự phòng.
Vì vậy tỷ lệ tái phát của bệnh nhân rất cao nếu không dùng thuốc.
Thứ hai là xơ vữa mạch máu não, nguyên nhân do tuổi, cơ địa, theo biến cố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, tiểu đường… tất cả các yếu tố nguy cơ này làm tổn thương mạch máu mang tính chất hệ thống. Các mạch máu khác bị vữa xơ nên khi người bệnh vào viện, bác sĩ phải thực hiện tái thông mạch máu bị tắc để giúp bệnh nhân hồi phục hoặc để lại di chứng nhẹ do các mạch máu khác cũng gặp tình trạng vữa xơ.
Nếu không kiểm soát tốt, ngăn chặn nguy cơ tổn thương mạch máu tiếp theo thì mạch máu sẽ tiếp tục tắc. Vì vậy nên tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân sau đột quỵ rất cao.
Khuyến cáo các bệnh nhân đột quỵ cần chú ý dự phòng tái phát. Ngoài việc được bác sĩ thăm khám và theo dõi thường xuyên cần có thêm phác đồ dự phòng. Việc dự phòng ở giai đoạn sau đột quỵ rất quan trọng, vì nếu chỉ tập trung điều trị mà không dự phòng đột quỵ tái phát thì việc điều trị không có hiệu quả.
Cảm ơn TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện TWQĐ 108, Công ty Gigamed, nhãn hàng Tebonin đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.
Phần 1: Suy giảm nhận thức làm tăng tỷ lệ tàn phế, tái phát và tử vong ở bệnh nhân đột quỵ
Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt. Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình