Hotline 24/7
08983-08983

Súc họng sát khuẩn - Liệu pháp tại chỗ trong điều trị viêm họng

Viêm họng là bệnh thường gặp ở khí hậu gió mùa nóng ẩm như ở Việt Nam. Tuy là bệnh phổ biến nhưng không có nghĩa là ai cũng biết cách chữa trị nó một cách hiệu quả và an toàn. Bài viết dưới đây với sự tư vấn của PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp chấm dứt sự khó chịu do căn bệnh này gây ra.

1. Viêm họng, khi nào cần dùng kháng sinh?

Với khí hậu và thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, viêm họng là bệnh thường gặp vào cả mùa đông và mùa hè. Bất kỳ ai cũng có khả năng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt, những người có sức đề kháng yếu càng dễ bị "tấn công" là trẻ em, thanh thiếu niên và người cao tuổi.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Viêm họng là tình trạng viêm ở khu vực phía sau cổ họng. Nguyên nhân của bệnh rất đa dạng, có thể là do vi khuẩn, virus, la hét hoặc nói chuyện trong thời gian dài, viêm họng do dị ứng, không khí khô hanh, viêm amiđan, cảm lạnh hoặc cúm, khói thuốc và hoá chất, trào ngược dạ dày thực quản… Nếu viêm họng do vi khuẩn hoặc virus thì bệnh có thể lây qua đường hô hấp. Vì thế nên tiếp xúc với những người bị cảm lạnh, cảm cúm sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh”.

Triệu chứng chính của bệnh viêm họng là cảm giác đau ở cổ họng kèm ngứa rát khó chịu, đặc biệt là khi người bệnh nuốt. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh như sốt, đau nhức đầu, đau cơ khớp, phát ban trên da, sưng hạch cổ…

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Phó trưởng bộ môn Tai Mũi Họng - Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Điều lo lắng hiện nay là thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh. Rất nhiều trường hợp khi thấy xuất hiện các triệu chứng của viêm họng, việc làm đầu tiên không phải tìm đến bác sĩ mà thường đến hiệu thuốc mua một vài liều với hy vọng nhanh chóng vượt qua cảm giác khó chịu.

Nhưng thực tế, nguyên tắc trong điều trị bệnh là cần phải xác định được nguyên nhân, từ đó có hướng xử trí phù hợp. PGS Lâm Huyền Trân khẳng định, thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả trong trường hợp viêm họng do nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, không thể dùng kháng sinh để điều trị viêm họng nếu nguyên nhân do virus.

Nếu viêm họng là do virus, việc cần làm là nâng tổng trạng, tăng cường đề kháng để cơ thể tự chống lại với virus, cụ thể là ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, bổ sung vitamin C. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc để hỗ trợ giảm triệu chứng như thuốc giảm đau, thuốc súc họng để sát khuẩn và giảm đau tại chỗ...” - PGS Lâm Huyền Trân cho biết.

2. Liệu pháp tại chỗ: Đến đúng vị trí, tấn công sát khuẩn trực diện, giảm đau nhanh chóng

Ngày nay, liệu pháp tại chỗ càng chiếm ưu thế trong vấn đề điều trị các bệnh lý tai mũi họng. Bởi tai mũi họng là các lỗ tự nhiên của cơ thể, khi áp dụng liệu pháp tại chỗ thuốc sẽ dễ dàng được đưa trực tiếp đến bộ phận cần điều trị.

Liệu pháp tại chỗ trong điều trị viêm họng giúp thuốc đến đúng vị trí, tấn công sát khuẩn trực diện, giảm đau nhanh chóng (Ảnh minh họa)

Đặc biệt với bệnh lý viêm họng, liệu pháp tại chỗ sẽ mang lại 4 ưu điểm rõ nét. Thứ nhất liệu pháp tại chỗ giúp giảm đau trực tiếp tại khu vực viêm, loại bỏ các khó chịu liên quan vùng họng. Thứ hai, giảm nguy cơ tác dụng toàn so với thuốc dạng uống. Thứ ba, tác dụng tấn công sát khuẩn nhanh ngay khi bắt đầu sử dụng thuốc. Và cuối cùng, liệu pháp tại chỗ hiệu quả trên nhiều dạng khác nhau của bệnh lý viêm họng” - PGS Lâm Huyền Trân nhấn mạnh.

Hiện, có nhiều liệu pháp điều trị tại chỗ cho vùng họng như súc họng, bôi họng, khí dung họng… Trong đó, súc họng là phương pháp tiện lợi và dễ dàng nhất. Đặc biệt trong mùa dịch này, súc họng sát khuẩn không chỉ giúp hỗ trợ điều trị viêm họng mà còn là một phương pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh.

3. “Tiêu chuẩn vàng” để lựa chọn thuốc súc họng

Theo PGS Lâm Huyền Trân, các loại thuốc súc họng thường chứa nhiều loại hoạt chất khác nhau trong thành phần. Vì vậy, khi mua thuốc súc họng, điều quan trọng nhất là chú ý đọc các thành phần của thuốc. Thông thường, các hoạt chất có tác dụng điều trị tại chỗ thường gặp đó là Chlohexidin, Povidone-iodine, các tinh dầu như Thymol, Eucalyptol, Menthol và Methyl salicylate, Fluoride, Biotene, cồn…

Đặc biệt, thành phần Chlorhexidine thường được xem là “tiêu chuẩn vàng” so với các hoạt chất súc họng diệt khuẩn khác. Chlohexidin có tác dụng diệt khuẩn nhanh mạnh với hầu hết các vi khuẩn gây bệnh vùng hầu họng,  nấm, virus; duy trì tác dụng diệt khuẩn trong 6 - 12 giờ.

Khi dùng tại chỗ (như trên da, khoang miệng), Chlorhexidin có tác dụng ngăn cản vi khuẩn, virus nhạy cảm tăng trưởng trở lại. Trong các thuốc súc họng, Chlorhexidin có nồng độ khoảng 0,12 - 0,2%. Loại 0,2% được chứng minh là có hiệu quả cao hơn” - PGS Lâm Huyền Trân thông tin.

Lựa chọn thuốc súc họng và áp dụng đúng giúp nhanh chóng đẩy lùi bệnh viêm họng (Ảnh minh họa)

Việc dùng thuốc súc họng cũng cần phải đúng cách mới hiệu quả. Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, súc họng chứ không súc miệng, nghĩa là để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà chính mình có thể chịu được.

Theo PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân, trong một lần súc họng, các bạn nên ngậm 5 - 10ml thuốc súc họng khoảng 1 phút trong đó có 3 lần súc sâu xuống họng trong 15 giây. Bạn nên súc họng vào cùng thời điểm trong ngày, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần, tốt nhất là sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ. Súc họng xong thì nhổ thuốc ra ngoài và không được nuốt.

Trong những đợt có dịch bệnh đường hô hấp, bạn cũng có thể súc họng tăng cường thêm, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm.

Bên cạnh súc họng bằng dung dịch sát khuẩn có tác dụng giảm số lượng vi khuẩn, để tăng cường biện pháp phòng bệnh viêm họng nói riêng và bệnh lý đường hô hấp nói chung thì chúng ta cần tuân thủ biện pháp rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn, đeo khẩu trang… là thật sự quan trọng và cần thiết.

Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện đầy đủ 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khoảng cách, Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế và tăng cường súc họng là những việc làm có ích cho bản thân và cho cộng đồng.

Mời bạn xem thêm clip hướng dẫn súc họng đúng cách:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X