Hotline 24/7
08983-08983

Sử dụng kháng sinh thế nào để hệ vi sinh vật đường ruột luôn khỏe mạnh?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội tổng quát 2 - Bệnh viện Nhi đồng 1 hướng dẫn cách sử dụng kháng sinh hiệu quả nhằm tránh những ảnh hưởng xấu lên hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

1. Hệ vi sinh ruột là gì? Hệ sinh có vai trò như thế nào với sức khỏe?

Trước tiên xin hỏi BS, hệ vi sinh ruột là gì? Vai trò của nó như thế nào đối với sức khỏe đường tiêu hóa, cũng như cơ thể của chúng ta? Vai trò của hệ vi sinh vật, đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là 3 năm đầu đời?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Đây là hệ rất thú vị. Chúng ta thường nói hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ thần kinh, đó là những cơ quan mà mình có thể sờ, cầm nắm được, ví dụ hệ tim mạch có trái tim, hệ hô hấp có phổi, hệ thần kinh có não. Còn hệ vi sinh đường ruột là những vi sinh vật rất nhỏ và có mặt ở khắp mọi nơi trong cơ thể, ví dụ như trên bề mặt da, có rất nhiều vi sinh đang bám, nhưng đường ruột là nơi chứa nhiều vi sinh nhất.

Người ta ước tính rằng đường ruột chứa khoảng 2kg hệ vi sinh. Vi sinh bao gồm vi khuẩn, virus, vi nấm,... khoảng nhiều hơn 500 loài. Ví dụ như tôi 68kg thì thực tế tôi chỉ 66kg, còn 2kg là là hệ vi sinh.

Hệ vi sinh không ngủ yên mà hoạt động rất dữ dội, nó như nhà máy, liên tục chuyển hóa và tương tác với cơ thể chúng ta. Nó như người ở trọ trong cơ thể chúng ta. Số lượng những vi sinh này nhiều gấp 10 lần số lượng tế bào của cơ thể.

Nó liên tục trao đổi với cơ thể, do đó nếu hệ vi sinh tốt thì sẽ đem lại những điều tốt cho cơ thể và ngược lại, nếu phần lớn vi sinh là có hại thì sẽ đem lại những điều không tốt cho cơ thể.

Mỗi người sẽ có số lượng và thành phần hệ vi sinh thì sẽ có một hệ vi sinh khác nhau, giống như dấu vân tay của mỗi người, không ai giống ai. Như vậy, ở đâu mà chúng ta có hệ vi sinh đó? Hệ vi sinh được thiết lập từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, khi ra đời và 3 năm đầu đời. Do đó, người ta nói rằng 3 năm đầu đời rất quan trọng.

3 năm đầu đời là thời gian để chúng ta thiết lập và hoàn thiện hệ sinh, sau thời gian này thì khó có thể thay đổi hệ vi sinh và nó sẽ ổn định đến khi lớn. Do đó, nếu mình hiểu đúng về nó, chủ động điều chỉnh cho con mình có hệ vi sinh tốt trong 3 năm đầu đời thì có thể an tâm. Nhưng nếu chẳng may mình làm gì đó ảnh hưởng không tốt đến hệ vi sinh đường ruột của con thì trẻ sẽ có hệ vi sinh không tốt và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về sau.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Bộ môn Nhi, ĐH Y Dược TPHCM; Trưởng khoa Nội Tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1

2. Hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh là như thế nào?

Thưa bác sĩ, hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh là như thế nào? Hồng Phượng có nghe đến khái niệm là “Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật ruột” và “Rối loạn hệ vi sinh vật ruột”, vậy sự khác nhau giữa 2 khái niệm này là thế nào xin bác sĩ chia sẻ thêm?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Hệ vi sinh đường ruột gồm 3 thành phần là virus, vi khuẩn, vi nấm. Trước giờ chúng ta nghe rất quen thuộc về vi khuẩn gây bệnh và virus trong đại dịch COVID-19. Hệ vi nấm cũng chiếm một phần của hệ vi sinh và đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Nhưng may mắn là hơn 500 loại vi sinh thì phần lớn là vi sinh vật có lợi, phần có hại chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Do đó, vi sinh vật có hại bị vi sinh vật có lợi lấn át, giành thức ăn và vị trí trong cơ thể.

Các vi sinh vật hầu như co lại, nằm yên để “chờ thời”. Nhưng nếu cơ thể chúng ta có những thay đổi, ví dụ sử dụng kháng sinh bừa bãi thì sẽ làm cho hệ vi sinh mất cân bằng, dẫn đến rối loạn hệ vi sinh đường ruột, gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài.

3. Sự hình thành và thay đổi của hệ vi sinh ruột theo từng lứa tuổi chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nào?

Thưa Bác sĩ, như vậy sự hình thành và thay đổi của hệ vi sinh ruột theo từng lứa tuổi chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nào? và nó có vai trò như thế nào đối với sức khỏe, sự phát triển của mỗi người, đặc biệt là ở trẻ em?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Sự hình thành và thay đổi của hệ vi sinh ruột theo từng lứa tuổi chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Người ta thường nghĩ là sau khi ra đời thì em bé mới có thể bổ sung hệ vi sinh. Nhưng thực ra không phải, sức khỏe người mẹ mang thai rất quan trọng. Người ta thấy rằng, bằng cách truyền qua nhau thai thì người mẹ có thể định hình hệ vi sinh cho em bé trong những giai đoạn rất sơ khai.

Do đó, người phụ nữ Việt Nam phải chăm sóc sức khỏe cho mình trước và trong khi mang thai. Ví dụ, người phụ nữ mang thai mà bị béo phì thì mang trong mình hệ vi sinh không tốt và cũng ấn định cho con mình hệ vi sinh không tốt. Phụ nữ hay có tâm lý là khi biết có thai rồi mới chú ý đến sức khỏe, ăn uống bồi bổ, đi đứng nhẹ nhàng; nhưng thực ra chúng ta cần làm những điều này trước khi mang thai.

Thời điểm khi sinh đứa bé, ai cũng biết sinh thường tốt hơn sinh mổ, nhưng nói về hệ vi sinh thì điều này càng rõ nét hơn. Khi sinh thường, em bé đi theo đường dưới của người mẹ, trên đường đi ra khỏi cơ thể mẹ, em bé sẽ nuốt được những vi sinh vật có lợi từ người mẹ. Nghe có vẻ hơi sợ nhưng thực ra rất vệ sinh. Khi em bé được sinh mổ, em bé sẽ không được hưởng những vi sinh vật có lợi từ người mẹ.

Sau khi chào đời, em bé phải được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không sử dụng thêm sữa khác, không uống nước, ít nhất trong 6 tháng đầu. Sau đó, mẹ phải cho em bé ăn dặm đúng cách, nghĩa là đa dạng bữa ăn, phải có thịt, rau, thức ăn lên men. Ngoài ra, những gia đình đông con thì hệ vi sinh đường ruột sẽ tốt, bởi vì khi các bé chơi với nhau thì sẽ truyền hệ vi sinh qua. Tuy nhiên phải thường xuyên vệ sinh đồ chơi và cho em bé rửa tay sau khi chơi xong.

Khi lơn lên, việc chúng ta có khỏe mạnh không, thường xuyên nhập viện, sử dụng kháng sinh thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Bên cạnh đó, stress cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Hệ vi sinh nằm ở ruột những có đường dây liên kết với não, gọi là trục não ruột, do đó nếu chúng ta bị stress thì sẽ làm hệ vi sinh xấu đi, và ngược lại hệ vi sinh xấu thì sẽ ảnh hưởng xấu đến não.

Do đó, sự hình thành và thay đổi của hệ vi sinh ruột theo từng lứa tuổi chịu ảnh hưởng bởi thời gian trong bụng mẹ, sinh bằng cách nào, có bú mẹ hay không, ăn dặm có tốt hay không, đông con hay ít con, có dùng kháng sinh bừa bãi hay không.

4. Biểu hiện của rối loạn hệ vi sinh ruột trên cơ thể

Ở phần trước Hồng Phượng và quý khán giả đã biết được hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Như vậy, xin Bs chia sẻ thêm các nguyên nhân, cũng như các biểu hiện của rối loạn hệ vi sinh ruột trên cơ thể là thế nào? Hậu quả tác động trên cơ thể chúng ta?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Vai trò quan trọng của hệ sinh là làm cho chúng ta có sức đề kháng khỏe mạnh. Do đó biểu hiện đầu tiên của rối loạn hệ vi sinh ruột là em bé hay mắc bệnh.

Chức năng thứ hai của hệ vi sinh là giúp cơ thể tiêu hóa, tạo axit béo chuỗi ngắn cho mình thêm năng lượng để cơ thể khỏe mạnh, tiêu hóa các chất trong cơ thể.  Ví dụ như bất dung nạp đường lactose, nghĩa là khi uống sữa vào cơ thể sẽ bị đau bụng, tiêu chảy. Hệ vi sinh đường ruột sẽ hỗ trợ tiêu hóa đường lactose, những người có hệ vi sinh không tốt thì sẽ gặp vấn đề trong tiêu hóa đường lactose.

Như vậy, rối loạn hệ vi sinh đường ruột sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng, tiêu hóa và trẻ hay bị bệnh. Còn ảnh hưởng lâu dài thì rất ghê gớm.

Nhiều người cứ nghĩ rằng, khi ăn thức ăn bổ dưỡng thì cơ thể hấp thu được càng nhiều càng tốt. Nhưng thực ra điều này là không đúng. Đường ruột của chúng ta như hàng rào, những gì tốt thì sẽ cho qua, những gì không tốt thì giữ lại. Hệ vi sinh đường ruột giúp cho hàng rào ruột vững chãi, nếu hệ vi sinh không tốt thì sẽ không sàng lọc được những chất ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Khi lớn lên, chúng ta sẽ mắc một số bệnh như dễ bị dị ứng, dễ bị thừa cân, béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư,...

Tạm chia thành 2 nhóm hậu quả:

- Trước mắt: ảnh hưởng tới sức đề kháng, tiêu hóa

- Lâu dài: dễ mắc các bệnh lý không lây

Người ta đã nghiên cứu khi các em bé lớn lên, họ sẽ lấy phân của em bé bình thường và em bé bị béo phì để xem hệ vi sinh như thế nào, kết quả cho thấy khác nhau hoàn toàn. Ở em bé béo phì thì hệ vi sinh rất đặc biệt, phần lớn là những con vi sinh không tốt, những em bé có cân nặng bình thường thì có cân nặng rất tốt.

Nếu điều chỉnh chế độ ăn nhưng tình trạng không cải thiện thì ở nước ngoài họ sẽ thực hiện chuyển phân. Họ sẽ lấy hệ vi sinh trong phân của em bé khỏe mạnh để chuyển cho em bé béo phì, với hy vọng giúp em bé đó điều chỉnh được chuyển hóa trong ruột của em đó. Hiện tại họ đã thực hiện thành công phương pháp này ở động vật.

Đối với những em bé trong giai đoạn ăn dặm thì sao biết được bé hợp với thực phẩm nào. Làm sao hệ vi sinh đường ruột dễ dàng hoặc không dễ dàng tiếp nhận thực phẩm đó, thưa BS?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Nó sẽ chia theo từng độ tuổi. Ngay cả khi em bé còn sơ sinh thì chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng của hệ vi sinh, mặc dù giai đoạn này hệ vi sinh còn rất hoang sơ. Tuy nhiên nếu giai đoạn này em bé bị sinh non hoặc có sử dụng kháng sinh thì có thể dẫn đến tình trạng viêm ruột hoại tử rất nặng, em bé có thể bị viêm ruột, đi cầu ra máu, thậm chí là thủng ruột.

Ở giai đoạn ăn dặm, sự tăng cân, phát triển chiều cao, sức khỏe chung, sự phát triển trí não của em bé cũng gián tiếp cho thấy rằng vấn đề tiêu hóa của em bé là ổn hay không ổn.

Chúng ta sẽ nhìn lại quá trình người mẹ mang thai, sinh em bé bằng cách nào, có chích kháng sinh vì viêm phổi, vì nhiễm trùng không, mẹ có bị mất sữa không, em bé có được bú mẹ hay bú bình.

Từ những điều đó sẽ chẩn được được em bé bị rối loạn hệ vi sinh đường ruột và buộc phải can thiệp để lập lại thế cân bằng. 3 năm đầu đời là giai đoạn mình có thể điều chỉnh, qua giai đoạn này sẽ rất khó điều chỉnh.

Em bé 15 tháng tuổi của Phượng, khoảng 2 tháng gần đây thì không lên cân, không phát triển chiều cao nhưng vẫn vui chơi bình thường, ít ăn và uống nhiều sữa. Vậy điều này có liên quan gì đến hệ vi sinh đường ruột của bé không ạ?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Nó liên quan đến nhiều thứ, có thể là liên quan đến hệ vi sinh, nhưng chỉ một phần. Còn lại là liên quan đến sự hấp thu, lựa chọn thức ăn, bé có kén ăn hay không,... Hệ vi sinh đường ruột như một mắc xích trong nhiều mắc xích.

6. Ảnh hưởng của kháng sinh đến hệ vi sinh ruột

Thưa bác sĩ, như bác sĩ đã chia sẻ thì trong các yếu tố có thể gây rối loạn hệ vi sinh đường thì KHÁNG SINH là tác nhân làm thay đổi nặng nề và cần quan tâm nhất. Vậy thì ảnh hưởng của kháng sinh là thế nào đến hệ vi sinh ruột của chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Hệ vi sinh đường ruột có 2 yếu tố: số lượng và thành phần. Số lượng và thành phần này ở trong trạng thái cân bằng. Hệ vi sinh trong cơ thể chúng ta cũng được sắp xếp theo trạng thái cân bằng động, nếu có 1 yếu tố nào đó đụng vào thì có thể sụp đổ cả hệ thống. Kháng sinh là 1 trong những yếu tố làm thay đổi hệ thống này.

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng, phải sử dụng kháng sinh lâu dài và liều cao thì mới ảnh hưởng đến hệ vi sinh. Nhưng thực tế cho thấy không phải vậy. Có một số người vừa uống kháng sinh buổi sáng thì buổi tối đã tiêu chảy. Đó là do sự cân bằng hệ vi sinh rất mong manh, chỉ cần 1 tác nhân đụng nhẹ thì có thể sụp cả hệ thống.

Điều đáng buồn, Việt Nam là 1 trong 10 nước sử dụng kháng sinh nhiều nhất trên thế giới, phần lớn là sử dụng khi không cần thiết. Ví dụ điển hình là trẻ nhỏ hay bị ho, sốt, sổ mũi và đa số bệnh là do virus và sẽ tự khỏi trong 3-5 ngày sau. Chỉ cần cha mẹ cho trẻ uống hạ sốt, uống nhiều nước, rửa mũi sạch sẽ thì tự khỏi. Nhưng nhiều phụ huynh đòi hỏi phải mua được kháng sinh để cho trẻ uống, hoặc là do áp lực của bệnh nhân thì bác sĩ phải kê kháng sinh. Do đó, nước ta sử dụng kháng sinh rất bừa bãi, dẫn đến rất nhiều hậu quả trên hệ vi sinh đường ruột.

Một trong những hậu quả đó là bệnh tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, tức là bị tiêu chảy do uống kháng sinh. Người ta thấy rằng, nếu 10 người sử dụng kháng sinh thì có 3 người bị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh. Nếu cần thiết thì chúng ta vẫn phải sử dụng kháng sinh, nhưng vấn đề là hiện nay chúng ta sử dụng quá rộng rãi, chưa thấy lợi ích nhưng đã thấy hại.

Bệnh lý viêm đại tràng giả mạc do vi khuẩn Clostridium difficile, đây là vi khuẩn có hại và nằm yên trong cơ thể chúng ta nhưng bình thường sẽ không gây bệnh. Khi chúng ta sử dụng kháng sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già, thì sẽ làm mất cân bằng và vi khuẩn này sẽ trỗi dậy, tiết ra độc tố, khiến cơ thể bị tiêu chảy do viêm đại tràng giả mạc.

Bệnh sẽ làm cơ thể bị đau bụng, đi cầu phân nhầy, có máu, nhiễm trùng huyết,...

Khi trẻ bị bệnh do trái gió trở trời thì bác sĩ cũng tư vấn sử dụng kháng sinh và sau khi bé uống kháng sinh 3-4 ngày thì bé bị đi cầu phân nhầy, phân lỏng. Thưa BS, vậy uống kháng sinh trong 3-4 ngày thì có đảm bảo hệ vi sinh không bị tác động xấu hay không?

Nếu trường hợp sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và trẻ có tiền căn tiêu chảy do kháng sinh thì nên uống kèm men vi sinh với kháng sinh. Sau khi ngưng sử dụng kháng sinh thì phải uống men vi sinh thêm ít nhất 1 tuần nữa. Chúng ta thường sai lầm khi ngưng uống men vi sinh cùng lúc với kháng sinh.

Kháng sinh làm rối loạn hơn 500 loài vi sinh thì phải cần thời gian 1-2 tuần mới có thể cân bằng được. Do đó, sau khi ngưng uống kháng sinh thì nên tiếp tục sử dụng men vi sinh thêm 1-2 tuần.

7. Có phải tất cả các loại kháng sinh đều có thể gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

Thưa bác sĩ, có phải chúng ta chỉ cần lưu ý đến một số kháng sinh có phổ rộng như bác sĩ mới đề cập hay tất cả các loại kháng sinh đều có thể gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Người ta sẽ phân ra 3 loại kháng sinh:

- Kháng sinh dễ gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột

- Kháng sinh gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột vừa phải

- Kháng sinh ít dễ gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột

Nếu bác sĩ kê cho trẻ loại kháng sinh dễ gây rối loạn thì họ sẽ chủ động kê thêm men vi sinh. Trước khi kê thuốc tôi sẽ thường hỏi phụ huynh xem bé uống kháng sinh xong có dễ bị tiêu chảy không. Nếu bác sĩ biết được điều đó thì sẽ chủ động kê men vi sinh. Nhiều bà mẹ biết rõ những loại kháng sinh mà con mình uống vào sẽ bị tiêu chảy.

8. Hậu quả của việc sử dụng 3-4 loại kháng để điều trị bệnh HP

Vâng thưa bác sĩ, vậy những trường hợp mà phải dùng nhiều loại kháng sinh để điều trị như trường hợp bệnh nhân nhiễm Helicobacter pylori (HP) có ít nhất 3 hoặc 4 loại kháng sinh thì hậu quả sẽ thế nào?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Người ta ước tính rằng, khoảng 50% người Việt Nam bị nhiễm Helicobacter pylori. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp bị nhiễm đều phải điều trị. Nếu những người bắt buộc phải điều trị thì thường uống bộ 3, gồm 2 thuốc kháng sinh và 1 thuốc ức chế axit trong bao tử.

Thông thường, uống 1 loại kháng sinh thì cơ thể đã gặp vấn đề, huống chi giờ phải uống 2 loại, thêm vào đó là thuốc ức chế axit cũng có tác dụng không mong muốn. Những người điều trị HP, do dùng nhiều kháng sinh nên rất dễ xảy ra tác dụng không mong muốn như đau bụng, tiêu chảy, khó chịu. Điều nguy hiểm là khi họ cảm thấy khó chịu thì sẽ ngưng thuốc, và việc điều trị HP sẽ thất bại. Nếu người điều trị HP tự ý ngưng thuốc, uống thuốc không điều độ hoặc tự ý đổi thuốc thì vi khuẩn HP sẽ không chết. Nguy hiểm hơn là vi khuẩn HP sẽ kháng thuốc nếu bệnh nhân tự ý ngưng thuốc khi chưa hết thời gian điều trị, lần sử dụng thuốc tiếp theo sẽ không diệt được vi khuẩn HP.

Do đó, những người điều trị HP thì chúng tôi sẽ kết hợp thêm men vi sinh, với mục đích giảm tác dụng phụ, bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe mạnh, không bị đau bụng, không tiêu chảy, không khó chịu. Từ đó, họ tuân thủ điều trị rất tốt, uống đúng cữ và tỷ lệ bệnh nhân điều trị thành công sẽ tăng. Men vi sinh có tác dụng giảm bớt tác dụng phụ của thuốc điều trị HP, nhờ đó tăng tỷ lệ điều trị HP.

9. Các biện pháp phòng ngừa và phục hồi khi có biểu hiện của rối loạn hệ vi sinh đường ruột

Quay trở lại với đề tài đang trao đổi thật sự mang đến nhiều kiến thức bổ ích về hệ vi sinh ruột, nguyên nhân cũng như hậu quả của sự rối loạn hệ vi sinh ruột này cùng PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi muốn BS chia sẻ thêm với quý khán giả đang theo dõi buổi livestream ngày hôm nay về các biện pháp phòng ngừa và phục hồi khi có biểu hiện của rối loạn hệ vi sinh đường ruột như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Người ta thường nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng; cho nên nếu mẹ biết được đường ruột của con mình như thế nào thì nên báo với bác sĩ. Bác sĩ khi khám và đặc biệt là khi kê kháng sinh thì luôn hỏi kỹ tiền căn của đứa trẻ để chủ động phòng ngừa rối loạn hệ vi sinh đường ruột.

Nếu chúng ta phải sử dụng kháng sinh thì tốt nhất nên sử dụng men vi sinh ngay từ đầu. Lưu ý rằng, khi ngưng sử dụng kháng sinh thì nên tiếp tục dùng men vi sinh thêm 1-2 tuần để tái lập sự cân bằng đường ruột của trẻ.

Nếu những ai có ý định sinh con thì nên chủ động phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách chăm sóc sức khỏe bản thân, ăn uống đều đặn, ăn nhiều thức ăn lên men như yaourt, phô mai, dưa chua, kim chi,... thì sẽ có nhiều vi sinh tốt.

Nếu 2 đứa đầu sinh mổ thì đứa con thứ 3 vẫn có thể sinh thường được.

Nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, ít nhất trong 6 tháng đầu và đến khi trẻ 2 tuổi. Cho trẻ ăn dặm đúng cách. Cho các con chơi với nhau nhiều hơn. Hạn chế sử dụng kháng sinh bừa bãi. Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe thì nên đưa đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng kháng sinh.

Đó là 2 phương pháp phòng ngừa: phòng ngừa tức thời và phòng ngừa bằng cách lập trình hệ vi sinh đường ruột cho em bé.

Bản chất của men vi sinh là được làm từ vi khuẩn có lợi. Nghĩa là họ sẽ chọn lựa những vi sinh vật tốt nhất trong đường ruột để tạo nên men vi sinh. Nhưng bản chất của kháng sinh là diệt vi khuẩn nên mình phải uống xa thời gian uống kháng sinh, ví dụ nếu 7h uống kháng sinh thì 10h sẽ uống men vi sinh.

Nhưng trẻ em rất khó uống thuốc, nên nhiều khi tôi phải giảm cữ thuốc tối đa trong ngày cho các bé. Nhưng ngoài vi khuẩn thì còn có hệ nấm men, hệ nấm men không chịu ảnh hưởng của kháng sinh, do đó có thể uống chung 2 loại này cùng lúc. Do đó, rất thuận tiện, trẻ không phải uống thêm cữ men vi sinh. Điều này rất phù hợp cho trẻ em, đối tượng khó uống thuốc.

Hiện tại có một loại nấm men đã được nghiên cứu rất nhiều, đây là men vi sinh của Pháp. Điều đó nói lên, Pháp là nơi có kinh nghiệm lâu năm phát triển về dược. Men vi sinh này là Saccharomyces boulardii CNCM I-745. Đây là chủng được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới.

10. Men vi sinh dạng nấm Saccharomyces boulardii CNCM I-745 giúp ngăn ngừa bệnh nào ở người trưởng thành?

Một điều rất thú vị khi được bác sĩ chia sẻ là ngoài việc phòng ngừa các tác hại của KS trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa hoặc RLHVSR thì men vi sinh dạng nấm Saccharomyces boulardii chủng CNCM I-745 của Pháp còn giúp ngăn ngừa những bệnh nào ở người trưởng thành?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Hàng năm sẽ có những tổ chức khoa học trên toàn toàn cầu sẽ đưa ra hướng dẫn dựa trên những nghiên cứu. Họ sẽ gom những nghiên cứu trên toàn cầu, hội đồng sẽ đọc và sàng lọc những nghiên cứu chất lượng. Ví dụ, đau bụng sẽ dùng loại men vi sinh nào, stress sẽ dùng loại men vi sinh nào,... Men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 được dùng để điều trị tiêu chảy cấp, phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh, điều trị viêm đại tràng giả mạc, hỗ trợ điều trị vi khuẩn HP và điều trị hội chứng ruột kích thích.

Xã hội càng phát triển, chúng ta rất dễ bị hội chứng ruột kích thích, ví dụ ngày mai thi lái xe thì tối nay có thể bị tiêu chảy. Men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 đã được chứng minh là có thể điều trị được hội chứng này.

GIAO LƯU CÙNG KHÁN GIẢ:

Câu 1. Có nên sử dụng kháng sinh sớm cho trẻ?

Bé em là con đầu lòng, được 5 tháng tuổi, mấy nay bé đến giai đoạn mọc răng, đề kháng giảm và bị sổ mũi. Vợ chồng em chưa có kinh nghiệm, lo lắng quá nên đưa con lên bệnh viện khám, bác sĩ kê toa có kháng sinh và men vi sinh, bé đang uống hết thuốc của ngày thứ hai, còn 1 ngày nữa là đến lịch hẹn tái khám và may quá bé chưa bị tiêu chảy. Em nghe bác sĩ trình bày về việc không nên sử dụng kháng sinh sớm cho bé. Em có nên cho bé tiếp tục uống kháng sinh hay cần ngưng liền? Bé đỡ sổ mũi rồi ạ.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Trước tiên xin cảm ơn phụ huynh đã gửi câu hỏi về cho chương trình. Đây là tình trạng các bé ở độ tuổi này rất hay gặp, trẻ hay bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, tối không ngủ được. Như vậy, nếu đã dùng kháng sinh thì phải sử dụng ít nhất là 5 ngày, không nên ngưng kháng sinh sớm. Bởi vì như vậy sẽ làm cho vi khuẩn lờn với thuốc, sau này muốn dùng lại kháng sinh này thì không được. Do đó, ít nhất là phải sử dụng kháng sinh từ 5-7 ngày và sau đó ngưng.

Ngoài ra, nếu dùng kháng sinh nhưng sợ em bé bị tiêu chảy thì nên tiếp tục sử dụng men vi sinh song song với kháng sinh. Tùy vào loại men vi sinh chúng ta đã dùng là loại gì, nếu loại men vi sinh là vi khuẩn thì phải uống xa thời gian uống kháng sinh, nếu là men vi nấm thì uống chung với kháng sinh.

Sau khi bác sĩ nói ngừng uống kháng sinh thì phải tiếp tục uống men vi sinh ít nhất là 1 tuần nữa để tái lập sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Câu 2. Làm thế nào để nhận biết trong toa thuốc có kê kháng sinh?

Bé trai nhà em 21 tháng 3 tuần tuổi, từ ngày cho đi mẫu giáo là bệnh lên bệnh xuống, bé còn nhỏ nên thường đưa đi bác sĩ khám, lâu lâu cũng bị tiêu chảy sau 2-3 ngày uống thuốc, làm thế nào để nhận biết trong toa thuốc có kê kháng sinh để men vi sinh uống kèm như bác sĩ đã tư vấn? Có sản phẩm men vi sinh nào uống cùng một lúc với các thuốc khác được không vì đôi khi cô giáo bận, không thể nhớ uống thuốc nào trước thuốc nào sau?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Trước tiên xin cảm thông với bé là vì phải thường xuyên uống thuốc. Phụ huynh không thể nhận biết được đâu là kháng sinh, mà nên hỏi trực tiếp người bác sĩ. Bác sĩ sẽ có nhiệm vụ tư vấn và hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách.

Như tôi vừa chia sẻ thì có men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 của Pháp thì có thể uống chung với kháng sinh. Đây là men vi sinh từ nấm nên không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh, kháng sinh không thể tiêu diệt được. Nhờ vậy, chúng ta có thể rút ngắn số lần uống thuốc, không cần chia nhiều cữ uống, có thể cho trẻ uống tại nhà, không phải đưa thuốc cho cô giáo.

Câu 3. Có cần thiết phải sử dụng men vi sinh sau uống kháng sinh?

Bé gái em học lớp lá, có đợt bị chảy mũi xanh, đờm đặc thì được bác sĩ kê kháng sinh kèm men vi sinh, bé uống theo toa và không bị tiêu chảy kháng sinh, như vậy có cần thiết phải sử dụng men vi sinh thêm một thời gian sau khi uống kháng sinh như bác sĩ trình bày không?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Đây là câu hỏi rất hay. Khi sử dụng kháng sinh thì chúng ta đã chủ động sử dụng men vi sinh ngay từ đầu và em bé không bị tiêu chảy. Nhưng điều đó không có nghĩa là em bé dùng kháng sinh là an toàn. Nếu ngưng men vi sinh thì tỷ lệ tiêu chỉ là 30%-33%, tức là 10 em sử dụng kháng sinh thì có 3-4 em bị tiêu chảy. Vì vậy, chúng ta không biết được trẻ có nằm trong tỷ lệ đó hay không.

Do đó, nếu đã dùng men vi sinh rồi thì nên tiếp tục sử dụng song song với kháng sinh, khi ngưng kháng sinh thì nên dùng men vi sinh thêm 1 tuần nữa. Bởi có những kháng sinh khi uống vào cơ thể chỉ ảnh hưởng nhẹ, mình không thể thấy được và nghĩ rằng không có ảnh hưởng gì. Do đó, sử dụng kháng sinh thêm 1 tuần nữa sẽ giúp tái lập cân bằng hệ vi sinh cho em bé.

Câu 4. Men vi sinh nào giúp đường ruột khỏe mạnh?

Chồng tôi 38 tuổi, bị viêm loét dạ dày HP, sau đợt điều trị kháng sinh kéo dài thì hệ đường ruột yếu hẳn, thường xuyên lình xình bụng, và tiêu chảy. Nhờ bác sĩ tư vấn men vi sinh để giúp cho đường ruột khỏe mạnh trở lại? Cách dùng, liều dùng và tôi có thể mua sản phẩm đó ở đâu? Cảm ơn bác sĩ

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Trong điều trị tiệt trừ HP thì chúng ta dùng kháng sinh 2 tuần, do đó đương nhiên phải uống men vi sinh ít nhất 2 tuần. Sau đó, tôi khuyên rằng nên tiếp tục uống men vi sinh để ổn định đường ruột. Triệu chứng của chồng bạn hiện tại thì có thể đã bị ảnh hưởng bởi kháng sinh hoặc bị hội chứng ruột kích thích. Men vi sinh vừa giúp hồi phục hệ vi sinh đường ruột sau khi dùng kháng sinh kéo dài vừa giúp ổn định hội chứng ruột kích thích là men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 của Pháp. Người ta đã chứng minh và hướng dẫn rằng loại men này có thể sử dụng cho 2 chỉ định đó. Chồng bạn đang có 2 vấn đề này nên tối nghĩ lựa chọn men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 là tốt nhất.

Câu 5. Bụng yếu mỗi khi căng thẳng, phải làm sao?

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 28 tuổi, nữ làm việc văn phòng, đã có gia đình, bụng tôi yếu, cứ mỗi khi lo lắng con bệnh, quấy khóc hay công việc căng thẳng, tôi dễ bị tiêu chảy, chạy ngày mấy bận. Tôi có thể sử dụng men vi sinh để phục hồi hệ vi sinh đường ruột, bụng khỏe hơn được không ạ?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Với triệu chứng này thì có vẻ như chị đang bị hội chứng ruột kích thích. Để điều trị hội chứng ruột kích thích thì phải phối hợp nhiều yếu tố.

Đầu tiên là yếu tố dinh dưỡng, các bác sĩ sẽ khuyên chị không nên ăn quá nhiều những thực phẩm nào. Thứ hai là tâm lý, ở nước ngoài, đội ngũ điều trị hội chứng này còn có cả bác sĩ tâm lý. Họ sẽ có những buổi trò chuyện để tìm hiểm về công việc của chúng ta và trấn an để chúng ta có tâm lý ổn định.

Thứ ba là thuốc, nếu chúng ta tiêu chảy thì bác sĩ sẽ cho dùng thuốc tiêu chảy. Có một số người bị hội chứng ruột kích thích thì biểu hiện bằng táo bón, cho nên tùy biểu hiện sẽ dùng loại thuốc phù hợp.

Thứ tư là men vi sinh, men vi sinh là thứ nên sử dụng nhưng không phải là duy nhất. Nó là 1 trong những biện pháp hỗ trợ khi chúng ta điều trị hội chứng viêm ruột kích thích

Câu 6. Kháng sinh tác động thế nào lên hệ vi sinh đường ruột?

Ngoài tiêu chảy thì ảnh hưởng của kháng sinh lên hệ vi sinh đường ruột là gì?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Hầu như ai cũng biết rằng, mình dùng kháng sinh thì sẽ bị tiêu chảy. Tuy nhiên, ảnh hưởng lâu dài của kháng sinh là rất nhiều.

- Nó sẽ huấn luyện những vi trùng có hại trong cơ thể kháng thuốc

- Hàng rào ruột khỏe mạnh thì chúng ta mới khỏe mạnh được. Nếu hàng rào ruột bị phá hủy thì lâu dài sẽ khiến cơ thể bị stress, béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư và những bệnh lý khác. Chúng ta thường nghĩ uống vài viên kháng sinh sẽ không sao nhưng nếu việc này lặp đi lặp lại nhiều thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên cơ thể chúng ta.

Câu 7. Dấu hiệu nào cho thấy bổ sung đủ lợi khuẩn hệ vi sinh?

Uống nhiều kháng sinh một lúc như kháng sinh điều trị HP thì có cần kéo dài thời gian điều trị men vi sinh hay không? Kéo dài đến khi nào? Dấu hiệu nào cho thấy mình bổ sung đủ lợi khuẩn hệ vi sinh ạ?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Thời gian lý tưởng kéo dài sử dụng men vi sinh là 2 tuần, ít nhất là 1 tuần. Ví dụ, sử dụng kháng sinh để điều trị HP thì nên sử dụng men vi sinh trong 2 tuần. Sau đó, nếu chúng ta không tiêu chảy, ăn uống ngon miệng thì sẽ ngưng men vi sinh. Nếu lúc đó, bệnh nhân đi phân lỏng, bụng lình xình thì sẽ dùng men vi sinh lâu hơn.

Không có giới hạn dùng men vi sinh đến khi nào thì phải ngưng. Nếu sử dụng men vi sinh nhưng triệu chứng không hết và nặng hơn thì nên hỏi lại ý kiến bác sĩ xem sử dụng có hợp lý chưa, có cần đổi không, có điều trị đúng hướng chưa.

Nhìn chung, các men vi sinh khá an toàn. Tôi không nói là an toàn 100% nhưng so với các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, thuốc hen suyễn,... thì nó an toàn hơn nhiều. Chính vì vậy, men vi sinh được bán mà không cần toa của bác sĩ. Trường hợp em bé sinh non (dưới 1.5kg), em bé bị nhiễm trùng nặng, người suy giảm miễn dịch thì chống chỉ định dùng men vi sinh. Hầu hết mọi người nên sử dụng men vi sinh.

Câu 8. Bé bao nhiêu tuổi thì được sử dụng kháng sinh?

Bé bao nhiêu tuổi thì được sử dụng kháng sinh, thưa bác sĩ?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể sử dụng kháng sinh. Vấn đề là có cần thiết sử dụng kháng sinh hay không. Một số em bé sinh được 2-3 ngày đã bị bệnh nặng như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết, viêm màng não thì chúng tôi phải sử dụng kháng sinh. Khi sử dụng kháng sinh thì phải sử dụng đúng, như vậy sẽ cứu sống đứa trẻ, sử dụng bừa bãi thì sẽ làm bệnh tình xấu đi.

Câu 9. Kháng sinh nào tác động đến hệ vi sinh nhiều nhất?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Như tôi đã chia sẻ, có 3 nhóm kháng sinh: loại dễ ảnh hưởng, loại ảnh hưởng vừa, loại ít ảnh hưởng. Có thể kể đến là kháng sinh penicillin. Đây là kháng sinh phổ rộng, có thể tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn có lợi và làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhóm kháng sinh thứ hai là cephalosporin.

Nhóm kháng sinh phổ rộng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ vi sinh đường ruột. Do đó, các bác sĩ sẽ chọn những loại kháng sinh tốt nhất và ít tác dụng phụ nhất cho chúng ta.

Câu 10. Men vi sinh và men tiêu hóa giống nhau hay khác nhau?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Hai loại này là khác nhau và khác hoàn toàn. Khi chúng ta ăn thì sẽ có chất đạm, chất đường, chất béo; đó là những chất lớn, cơ thể muốn hấp thu thì phải tách nhỏ những chất này. Men tiêu hóa sẽ có chức này.

Tuyến nước bọt, tuyến tụy sẽ có những men tiêu hóa giúp tiêu hóa chất đường bột, chất đạm.

Men vi sinh là những vi khuẩn, vi nấm, giúp tăng cường sức đề kháng, chuyển hóa cơ thể, tinh thần thoải mái, minh mẫn,...

Câu 11. Sau khi ngừng kháng sinh thì ngừng luôn men vi sinh?

Uống men vi sinh đến khi nào, sau khi dùng kháng sinh? Có phải sau khi ngừng kháng sinh thì ngừng luôn men vi sinh?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Sau khi sử dụng kháng sinh thì tiếp tục sử dụng men vi sinh từ 1-2 tuần nữa.

Trân trọng cảm ơn Nấm men vi sinh Bioflora đã đồng hành cùng chương trình!


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X