BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bé bị dị ứng đạm sữa bò thì cho uống sữa gì?
Dị ứng sữa thực chất là biểu hiện dị ứng với chất protein (chất đạm) có trong sữa bò và sữa hộp. Hàm lượng cao protein trong các loại sữa này (đặc biệt là sữa bò) chưa được xử lý có thể làm trẻ khó tiêu hóa; các chất điện giải (muối) trong đó cũng gây khó khăn cho thận chưa hoàn toàn trưởng thành của trẻ.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Tỷ lệ trẻ dị ứng đạm sữa bò ở Việt Nam khá phổ biến, đây cũng là nỗi lo của các cha mẹ khi vừa cai sữa cho con, chuyển sang sữa công thức. Xin BS cho biết dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có những biểu hiện như thế nào ạ?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Tỷ lệ trẻ dị ứng đạm sữa bò ở Việt Nam khá phổ biến, theo nghiên cứu của Hội Nhi Khoa Việt Nam, có khoảng 2% dị ứng và 13% nghi ngờ dị ứng với đạm sữa bò, đây cũng là nỗi lo của các cha mẹ khi vừa cai sữa cho con, chuyển sang sữa công thức.
Sau khi uống sữa bò 2-4 giờ trẻ sẽ có các biểu hiện phản ứng dị ứng nhanh như ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù. Ngoài ra, các biểu hiểu hiện của phản ứng dị ứng chậm như quấy khóc, tiêu chảy, nôn trớ, đầy hơi, tăng cân chậm bụp do hệ thống miễn dịch của trẻ đang phản kháng lại các thành phần trong sữa.
2. Những triệu chứng nào cho biết trẻ bị dị ứng đạm sữa bò ở mức độ nặng và cần đi bệnh viện? Các BS sẽ điều trị cho bé thế nào ạ?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Dị ứng đạm sữa bò thường có triệu chứng sau khi uống sữa bò từ 2-4 giờ. Khi đó, trẻ thường có những, triệu chứng như sau:
Trẻ nổi mề đay, phát ban, mẩn ngứa khắp cơ thể nhất là các vùng da mỏng, viêm da cơ địa, môi sưng phồng, mí mắt sưng.
Đường tiêu hóa: trẻ thường bị nôn trớ và trào ngược dạ dày. Con trở nên xanh xao, thiếu máu cũng như tiêu hóa không tốt, lại tiêu chảy kéo dài 5- 7 ngày. Trẻ chăn ăn mệt mỏi.
Trẻ thường xuyên khó thở, thở khò khè do sổ mũi, đờm trong họng và ho kéo dài nhưng lại không phải bệnh cảm cúm thông thường, thì đó cũng là dấu hiệu cho tình trạng dị ứng đạm sữa bò.
Những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò sẽ có những triệu chứng khác nhau ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Do đó, khi trẻ có 1 trong những dấu hiệu trên nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám xác định nguyên nhân, chẩn đoán đúng và điều trị thích hợp.
Nếu nghi ngờ trẻ quấy khóc là do dị ứng sữa, nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi (với bác sĩ chuyên khoa khác, bệnh dễ bị bỏ qua, xem là không nghiêm trọng và dễ chẩn đoán nhầm). Bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử gia đìnhcó dị ứng hay không dung nạp với những loại thức ăn nào, khám thực thể trẻ, cho làm một số xét nghiệm như thử phân (thường lẫn máu nếu trẻ bị dị ứng với protein của sữa). Trường hợp trẻ không dung nạp với đường lactoza thì phân có độ toan do có đường không tiêu hóa được.
Test dị ứng trên da cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện (thường nổi mẩn đỏ vùng thử), nhưng test này không đặc hiệu vì nhiều trẻ lớn không bị dị ứng với protein của sữa cũng cho kết quả dương tính.
Test dị ứng trên da cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện (thường nổi mẩn đỏ vùng thử), nhưng test này không đặc hiệu vì nhiều trẻ lớn không bị dị ứng với protein của sữa cũng cho kết quả dương tính.
3. Các dấu hiệu của dị ứng đạm sữa bò có thể dễ nhầm với bệnh nào khác không, thưa BS?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Các dấu hiệu của dị ứng đạm sữa bò có thể dễ nhầm với các bệnh như: tiêu hóa, cảm cúm, viêm da cơ địa, suy dinh dưỡng, bất dung nạp đường lactose,…
4. Khi chuyển sang uống sữa công thức, một số trẻ hay bị táo bón là do nguyên nhân gì ạ? Nếu bé táo bón nhiều thì có thể nghi ngờ là dị ứng đạm sữa bò không ạ?
4. Khi chuyển sang uống sữa công thức, một số trẻ hay bị táo bón là do nguyên nhân gì ạ? Nếu bé táo bón nhiều thì có thể nghi ngờ là dị ứng đạm sữa bò không ạ?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Khi chuyển sang uống sữa công thức, một số trẻ hay bị táo bón là do nhiều nguyên nhân như:
- Do nhiệt độ pha sữa không đúng quy định: Nếu pha sữa với nước quá nóng, sẽ làm nhiều dưỡng chất trong sữa như vitamin nhóm B, lysin, acid folic,... bị hư không còn tác dụng. Nếu pha sữa bằng nước quá nguội, sữa không tan được trong nước, sữa dễ bị vón cục khiến các dưỡng chất không được hấp thụ vào cơ thể trẻ, làm cho trẻ đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Ngoài ra, các hãng sữa thường đưa một số chủng lợi khuẩn vào sữa. Các vi khuẩn có lợi này giúp cho ống tiêu hóa của trẻ khỏe hơn. Tuy nhiên các vi khuẩn có lợi chỉ sống và phát huy vai trò của mình trong khoảng nhiệt độ quy chuẩn từ 40-60 độ C, nhiệt độ cao hơn, hoặc thấp hơn đều bị mất tác dụng khiến quá trình tiêu hóa của trẻ trở nên nặng nề. Dẫn đến táo bón ở trẻ. (Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng Hoa Kỳ).Vì vậy cha mẹ nên pha sữa đúng nhiệt độ quy định.
- Do cách pha sữa không đúng chỉ định trên bao bì: Pha sữa ít nước làm sữa đặc, trẻ sẽ có nguy cơ bị mất nước, gây ra tình trạng táo bón. Vậy để trẻ uống sữa công thức mà không bị táo bón, cha mẹ chỉ cần pha sữa đúng tỷ lệ.
- Nhiều gia đình nghĩ pha sữa lẫn với nước trái cây sẽ bổ sung thêm chất xơ và vitamin sẽ giúp con khỏe mạnh hơn nhưng thực tế là làm cho trẻ táo bón hơn vì sự kết hợp giữa sữa và nước trái cây sẽ làm sữa mất đi nhiều thành phần dinh dưỡng do một số loại trái cây có tính axit (như cam, chanh, dưa, xoài...).Ngoài ra, khi pha sữa với nước trái cây, chất casein trong protein của sữa sẽ kết tủa, khi đó protein trong sữa bị biến chất gây khó hấp thụ của trẻ, đầy bụng, khó tiêu hóa. Vì vậy cha mẹ không nên pha kết hợp giữa sữa và nước trái cây.
- Nhiều gia đình pha sữa với nước cơm, nước cháo loãng vì nghĩ như vậy sẽ giúp trẻ khỏe hơn. Nhưng đây là một sai lầm lớn bởi vì trong sữa có nhiều vitamin A, còn nước cháo, nước cơm thì lại chứa chủ yếu là tinh và chất lipoxidase, chất này phá hủy vitamin A. Ngoài ra, tinh bột có trong nước cháo, nước cơm sẽ cản trở quá trình hấp thụ canxi, dẫn đến thiếu canxi và gây chậm tăng trưởng chiều cao, rối loạn tiêu hóa đặc biệt là táo bón do phình giãn đại tràng.
- Cha mẹ còn có thói quen trộn nhiều loại sữa với nhau tưởng như vậy là tốt cho trẻ nhưng làm như vậy một là làm mất đi tính cân đối của mỗi loại sữa, hai là sữa dễ bị nhiễm khuẩn. Với sự mất cân bằng đó, trẻ dễ dàng bị táo bón mà nhiều bậc cha mẹ không thể ngờ tới do hệ tiêu hóa của trẻ còn khá non nớt, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi, việc xử lý hỗn hợp này khiến trẻ bị mất nước và gây táo bón cho trẻ.
- Ngoài ra, việc sử dụng bình sữa không hợp vệ sinh là yếu tố làm tăng vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa của trẻ. Do vậy, trước khi pha sữa cha mẹ cần phải tiệt trùng bình để loại bỏ vi khuẩn gây hại.
- Nếu bé táo bón nhiều mà ngoài các nguyên nhân kể trên thì có thể nghi ngờ là trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.
5. Ngoài việc gây ra tình trạng dị ứng thì việc không dung nạp được đạm sữa bò có thể gây bất lợi gì cho sự phát triển của trẻ không?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Ngoài việc gây ra tình trạng dị ứng thì việc không dung nạp được đạm sữa bò có thể gây bất lợi cho sự phát triển của trẻ như dễ nhiễm bệnh khi bị vi khuẩn xâm nhập cơ thể, bị suy dinh dưỡng do không hấp thụ chất dinh dưỡng được.
6.Dị ứng sữa bò và tình trạng bất dung nạp đường lactose giống và khác nhau như thế nào, thưa BS?
6.Dị ứng sữa bò và tình trạng bất dung nạp đường lactose giống và khác nhau như thế nào, thưa BS?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Trẻ có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa. Do một số triệu chứng của tình trạng dị ứng sữa và không dung nạp sữa là tương tự giống nhau, nên khó có thể khó phân biệt chúng. Thông thường dị ứng đạm sữa bò có cùng biểu hiện với bất dung nạp lactose ở chỗ bị tiêu chảy, đi ngoài ra máu. Các triệu chứng này có thể đến ngay sau khi uống sữa bò, hoặc bú mẹ mà mẹ có uống sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò.
Trẻ có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa có các biểu hiện khác nhau là:
- Dị ứng sữa liên quan đến phản ứng miễn dịch đối với một hoặc nhiều chất đạm có trong sữa. Dị ứng sữa bò thì phản ứng dị ứng nhanh ngay trong vòng 2-4 giờ sau khi trẻ uống sữa bò thì có biểu hiện lâm sàng nổi mẩn đỏ và ngứa, da nổi chàm, phát ban, sưng mặt, nôn trớ, tiêu chảy, thở khò khè, khó ngủ, quấy khóc,… Trường hợp phản ứng dị ứng chậm sau khi sử dụng sữa vài ngày: chàm, nôn trớ, tiêu chảy nhiều khi có lẫn máu, hen, suy dinh dưỡng… Các bé bú sữa công thức ngay khi sinh có nguy cơ dị ứng sữa bò cao hơn các bé được bú sữa mẹ.
- Trong khi không dung nạp sữa thì không liên quan đến hệ miễn dịch mà do hệ tiêu hóa không đủ men. Tình trạng không dung nạp sữa xảy ra do trẻ không có khả năng tiêu hóa các chất có trong sữa, như lactose chẳng hạn do hệ tiêu hóa trẻ hoàn toàn không sản xuất được hoặc sản xuất không đủ men lactase để tiêu hóa lactose. Lactose không tiêu hóa được sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, đầy hơi và ợ hơi.
7.Với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì loại sữa nào là phù hợp ạ?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
- Dị ứng sữa bò chủ yếu dị ứng protein trong sữa bò. Vì vậy, có thể cho trẻ uống các loại sữa thủy phân, khi đó các protein sữa đã được phân cắt thành các phần nhỏ hơn, dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng hơn. Để khắc phục tình trạng dị ứng sữa này thì tùy theo mức độ dị ứng nhiều hay ít mà cha mẹ có thể cho trẻ giảm lượng uống đến mức thấp nhất mà cơ thể trẻ không biểu hiện dị ứng rồi tăng dần theo thời gian. Nếu trẻ có biểu hiện dị ứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe thì ngừng sử dụng sữa ngay. Ngoài ra, các loại sữa công thức amino acid, không chứa bất kì một chuỗi protein nào, có thể được sử dụng nếu trẻ khó sử dụng sữa thủy phân.
- Thật khó để trả lời cụ thể là loại sữa nào phù hợp khi trẻ bị dị ứng với sữa bò. Bởi vì tùy thuộc vào từng trẻ có thể trạng khác nhau, khả năng hấp thụ khác nhau vì thế mà sữa nào phù hợp tốt cho trẻ nhất, trẻ hấp thụ tốt nhất chính là sữa tốt nhất cho con em mình.
- Tuy nhiên, để trẻ có thể hấp thụ tốt, cha mẹ không nên thay đổi sữa liên tục sẽ làm cho trẻ không thích nghi kịp thời, nhưng cũng không nên cho trẻ uống suốt một loại sữa. Khi mua sữa cho trẻ phải mua ở những cửa hàng uy tín, chất lượng, còn hạn sử dụng, nhãn mác còn nguyên vẹn.
- Cha mẹ trong suốt quá trình chăm sóc trẻ nên chọn loại sữa tốt nhất, phù hợp giúp trẻ dễ tiêu hóa hấp thụ, hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa của trẻ, có nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu, nhiều chất xơ và men vi sinh hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ giúp hỗ trợ miễn dịch, phát triển tốt hệ xương và chiều cao, giúp phát triển não bộ, thị giác tốt hơn, tăng khả năng nhận thức và học hỏi của trẻ giúp cho trẻ có 1 cơ thể khỏe mạnh.
8. Và trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cần kiêng những món ăn nào? Có cần kiêng sữa chua và phô mai luôn không ạ? Nếu phải kiêng thì có những thực phẩm nào để thay thế?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
- Khi trẻ bị dị ứng với protein trong sữa bò, chúng cũng sẽ có khả năng bị dị ứng với sữa dê và sữa cừu. Do đó, trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì cần thay đổi chế độ ăn. Những thực phẩm cần kiêng bao gồm: sữa, sữa chua, kem, bơ và phô mai, đường sữa, lactose, sữa đặc, protein sữa, sữa đậu nành, sữa pha chế, sữa bột tách kem, sữa đặc không béo, chất béo làm từ bơ,…
- Những thực phẩm thay thế đạm sữa bò dùng cho trẻ như: sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa yến mạch, sữa bắp, sữa hạt sen,… Nếu trẻ trên 6 tháng thì cho trẻ ăn dặm đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng không cho trẻ ăn thịt bò, uống thêm nước trái cây, ăn trái cây,….
9. Dị ứng đạm sữa bò có thể điều trị khỏi được không, thưa BS? Và khi trẻ lớn lên thì tình trạng dị ứng này có thể thay đổi, cải thiện không ạ?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
- Khi trẻ còn nhỏ bị dị ứng với đạm sữa bò nhưng theo thời gian trẻ lớn dần lên sẽ khỏi.
- Khi trẻ được 1 tuổi thì 50% trẻ sẽ hết dị ứng đạm sữa bò.
- Khi trẻ 2 tuổi thì 70% trẻ sẽ hết dị ứng đạm sữa bò.
- Khi trẻ 3 tuổi thì 85% trẻ sẽ hết dị ứng đạm sữa bò.
- Khi trẻ trên 4 tuổi thì tình trạng dị ứng đạm sữa bò sẽ khỏi.
10. Tình trạng dị ứng đạm sữa bò có di truyền không? Và nếu đứa con thứ nhất bị dị ứng đạm sữa bò thì đứa con thứ 2 có thể bị tương tự không ạ?
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:
Dị ứng đạm sữa bò có liên quan đến di truyền, nếu trẻ có cha mẹ đã mắc các chứng bệnh dị ứng thì nguy cơ dị ứng của trẻ là rất cao.
- Nếu cha hoặc mẹ mắc dị ứng đạm sữa bò thì nguy cơ dị ứng của trẻ là 20-40%.
- Nếu cả cha và mẹ bị dị ứng hoặc một trong cha mẹ bị dị ứng và một anh chị em ruột bị dị ứng, thì nguy cơ dị ứng của đứa con thứ 2 là 40-50%.
- Nếu cha và mẹ bị dị ứng cùng một bệnh thì nguy cơ dị ứng của trẻ là 50-80%.
- Trẻ có cả cha và mẹ bị dị ứng và một anh chị em bị dị ứng, nguy cơ dị ứng là 85%.
-Trường hợp cha mẹ không bị dị ứng, trẻ vẫn có nguy cơ dị ứng là 5-15%.
Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình