Hotline 24/7
08983-08983

SARS-CoV-2 và đại dịch COVID-19 sẽ đi về đâu?

Một năm rưỡi sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất, đến nay chúng ta vẫn đuổi theo loại virus này và virus cũng đang đuổi theo chúng ta. Điều này khiến nhiều người lo lắng đặt ra câu hỏi, đại dịch COVID-19 bao giờ sẽ đi đến hồi kết?

Theo GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền, hiện nay với những chiến dịch tiêm chủng rộng khắp trên thế giới và với nhiều loại vắc xin có hiệu quả cao, nhiều người hy vọng rằng virus gây bệnh COVID-19 sẽ biến mất.

Song, vị Giáo sư thỉnh giảng về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford nhận định, có hai lý do làm cho ngọn lửa hy vọng này giảm cường độ. Một là độ bao phủ vắc xin trên toàn cầu không đồng đều (do bất cân xứng trong phân phối cũng như phong trào e ngại vắc xin). Hai là vắc xin tuy giảm bớt gánh nặng bệnh tật nhưng không ngăn cản được sự lây truyền của virus. Thêm vào đó, triển khai vắc xin có thể là dấu hiệu đại dịch sắp chấm dứt nhưng đại dịch kết thúc không có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại của SARS-CoV-2.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền - “cây đại thụ” của ngành nhiễm trùng

Khả năng lây truyền và độc lực của SARS-CoV-2 sẽ tăng hay giảm?

Khi virus tiến hóa thì khả năng lây truyền và độc lực đều thay đổi. Với virus gây bệnh ở đường hô hấp thì khả năng lan truyền có liên quan đến sự phát triển và sự bài tiết virus ở đường hô hấp trên, trong khi đó độc lực lại liên quan đến khả năng xâm nhập và nhân lên ở đường hô hấp dưới. Virus có thể đột biến giúp gia tăng khả năng lan truyền ở đường hô hấp trên và giảm bớt độc lực.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền dẫn chứng, các thực nghiệm với virus H5N1 (cúm gà) trên chồn sương cho thấy sự thay đổi các thụ thể (receptor) giúp virus phát triển ở đường hô hấp trên (tính lây lan) lại giới hạn sự phát triển của virus ở đường hô hấp dưới (độc tính).

“Với virus SARS-CoV-2 sử dụng angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) như một thụ thể để xâm nhập tế bào và thụ thể này có ở cả hai phần của đường hô hấp, có thể làm gia tăng cả tính lây truyền và độc lực. Nhưng khi đột biến để gia tăng thích ứng với đường hô hấp trên (nhiệt độ 33oC) thì ở phổi (nơi có nhiệt độ 37oC) khiến virus lại bị ức chế.

Với hai đột biến D614G chủng virus SARS-CoV-2 đã có tính lây truyền cao hơn thành chủng chiếm ưu thế từ đầu vụ dịch và tiếp theo là B1.1.7 (alpha) đã tạo khả năng lây mạnh khắp nơi. Vì thế tiên đoán virus gây COVID-19 sẽ gia tăng độc lực khi sự lan truyền đã gia tăng rõ là một điều khó tiên liệu vì độc lực không phải là kiểu hình được chọn lựa để gia tăng sự thích ứng sinh học của virus” - GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cho biết.

Bài học từ đại dịch 1918/1919 giúp ta hiểu thêm về sự tiến hoá của SARS-CoV-2. Sau khi hoành hành trong 2 năm ấy virus H1N1 vẫn tiếp tục gây những trận dịch nhỏ hơn cho mãi đến 1950 và được thay thế bằng virus cúm H2N2. Trong thời gian đó H1N1 vẫn gây một số vụ dịch nhỏ có độc lực cao do thay đổi kháng nguyên (antigenic drift).

Với SARS-CoV-2 thì độc lực có thể giảm do miễn dịch cộng đồng ngày gia tăng do tiêm chủng và nhiễm tự nhiên. Tình trạng này có thể giúp con người tránh được những đại dịch trong tương lai do những virus có cấu trúc di truyền giống nhóm coronavirus khác đang lưu hành trong tự nhiên. Cũng có khả năng SARS-CoV-2 trở thành “lưu hành thường trực” (endemic) với độc lực giảm nhưng cần thời gian nhiều thập kỷ.

“Thật là ngây thơ để tiên đoán một cách chắc chắn về sự thay đổi độc lực của virus này trong bối cảnh phức tạp như vậy” - GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền nói.

SARS-CoV-2 tích lũy đột biến nhanh, có khả năng “gom hết các đột biến” vào một chủng

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cũng cho rằng, sự xuất hiện liên tục các biến thể từ alpha (B.1.1.7) cho đến delta (B.1.617.2) cho thấy có khả năng SARS-CoV-2 có thể tiến hoá làm cho các cố gắng kiểm soát đại dịch thất bại.

Họ Coronaviridea là những virus có đặc tính bảo tồn trong khi phát triển cao nhất trong các virus RNA do sở hữu hệ thống “chỉnh sửa bản thảo” proofreading. Do vậy các khoa học gia nghĩ rằng sự tiến hoá của SARS-CoV-2 sẽ giới hạn và vì vậy vắc xin và thuốc vẫn có tác dụng bền vững giúp con người có thể chấm dứt đại dịch.

“Tuy nhiên dẫu có tốc độ tiến hoá chậm hơn virus cúm nhưng SARS-CoV-2 vẫn tích lũy các đột biến nhanh hơn người ta dự đoán (2 đột biến/tháng) và ngoài ra virus còn có khả năng “tái tổ hợp” nên có thể “gom hết các đột biến” vào một chủng - nếu có một người bị đồng nhiễm (đã xảy ra trên một phụ nữ nhiễm cả alpha và beta bên Anh).

Mặc dù corona virus có bộ gen là một chuỗi (+ssRNA) chứ không phải các đoạn như virus influenza, chúng ta cũng không loại trừ khả năng tái tổ hợp với các virus corona khác trên người khi nhiều chủng virus cùng nhiễm vào một vài cá thể nào đó” - GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền nhấn mạnh.

Đại dịch rồi sẽ ra sao?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cho rằng sẽ có 3 kịch bản để trả lời cho câu hỏi về cách đại dịch sẽ tiếp diễn. Thứ nhất và đáng lo nhất là tình huống sẽ không kiểm soát được nhanh chóng và phải đối mặt với những thể bệnh trầm trọng với số lượng bệnh lớn.

Thứ hai, là kịch bản chuyển từ đại dịch sang các đợt dịch theo mùa (seasonal epidemic) như cúm. Điều trị bằng các loại thuốc có hiệu quả cao như kháng thể đơn dòng, thuốc diệt virus trực tiếp, sẽ giảm được tỷ lệ tử vong xuống hơn 70-85% so với ban đầu. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng số tử vong của cúm mùa hàng năm vào khoảng 250.000 đến 600.000 và tập trung ở người cao tuổi >65. Nhưng GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền nhận định đây là kịch bản sáng sủa nhất.

Kịch bản thứ ba là chuyển đổi thành tình trạng bệnh lưu hành (endemic) như những virus corona khác hiện nay nhưng độc lực kém hơn SARS-CoV-2 - những coronavirus trên người HCoVs: HCoV-229E [alpha coronavirus], HCoV-OC43 [betacoronavirus], HCoV-NL63 [alphacoronavirus] hay HKU1 [betacoronavirus, lineage A]... Nhưng vì thiếu thông tin về những virus corona khác nên cũng không chắc chắn là virus SARS-CoV-2 sẽ giảm độc lực khi thích ứng với con người.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền đánh giá, hiện nay chúng ta vấn còn những câu hỏi bị bỏ ngỏ. Chẳng hạn như về virus học, khả năng vượt qua hàng rào đặc hiệu theo loài (species-specificity) của SARS-CoV-2; vì đã phát hiện virus gây bệnh trên một số động vật như dơi, mèo, chó, chồn và linh trưởng không phải người; và người lây nhiễm cho động vật như chó mèo hay sư tử, hổ, beo... trong những sở thú. Động vật hoang dã sẽ là nơi trú ẩn cho virus để tiến hoá và thay đổi rồi xâm nhập trở lại con người. Thứ nữa là về miễn dịch học, tiêu chuẩn nào để tiêm chủng ngừa lại hay tiêm nhắc...

Vì vậy, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền kiến nghị những người có trách nhiệm về sức khoẻ trên thế giới cần thật tỉnh táo nhận định về con đường tiến hoá của đại dịch trong việc xây dựng chính sách và cách tiếp cận được sử dụng để đối phó với đại dịch trong tương lai gần. Đồng thời để xây dựng và phát triển một cấu trúc y tế xã hội hiệu quả hơn nhằm đảm bảo rằng những đáp ứng với đại dịch trong tương lai xa sẽ hiệu quả và công bằng vì - như đã nêu ở trên - đại dịch kết thúc không có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại của SARS-CoV-2.

________________________________________

Bài tham khảo:

-Efficacy of the ChAdOx1 nCoV-19 Covid-19 Vaccine against the B.1.351 Variant N Engl J Med 2021; 384:1885-1898

- Transmission of SARS-CoV-2 on mink farms between humans and mink and back to humans. Science 371, 172-177

- Estimated transmissibility and impact of SARS-CoV-2 lineage B.1.1.7 in England. Science  09 Apr 2021: Vol. 372, Issue 6538

- Projecting the transmission dynamics of SARS-CoV-2 through the post-pandemic period. Science 368, 860-868

- The persistent legacy of the 1918 influenza virus. N Engl J Med 361, 225-229,

- Relative Severity of Common Human Coronaviruses and Influenza in Patients Hospitalized With Acute Respiratory Infection: Results From 8-Year Hospital-Based Surveillance in Quebec, Canada. J Infect Dis 223, 1078-1087

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X