Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Không có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% người tiêm

Những nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã dấy lên những lo lắng, vì sao chủng ngừa vẫn nhiễm bệnh? GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cho rằng, mặc dù không có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% người tiêm, song việc chủng ngừa mang lại nhiều giá trị trong chiến lược ứng phó với COVID-19.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đơn vị chủ lực trong việc tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, tạm thời bị phong tỏa vào chiều 12/6 sau khi phát hiện có 22 nhân viên làm việc tại bệnh viện bị nghi nhiễm COVID-19.

Nhận định về tình hình này, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cho rằng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang ở những thời khắc khó khăn khi phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Song cần bình tĩnh để nhận định tình hình, trong đó có những điểm mà chúng ta cần chú ý.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền công tác tại Bệnh viện Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ năm 1978, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc vào năm 1989. Giáo sư dành cả đời để nghiên cứu chống lại bệnh sốt rét và là một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống SARS, cúm A/H5N1 tại Việt Nam - Ảnh: AloBacsi

Thứ nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là nơi tập trung nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng và tương đối nặng. Hơn nữa, sắp tới đây sẽ là cơ sở y tế điều trị COVID-19 của thành phố, nghĩa là sẽ tập trung nhiều người mắc COVID-19.

Thứ hai, hầu như toàn bộ nhân viên của bệnh viện đã được tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin AstraZeneca từ hơn 1 tháng trước. Nhưng GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền nhấn mạnh rằng, không có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% người tiêm, kể cả vắc xin nói chung và vắc xin COVID-19 của AstraZeneca nói riêng.

“Theo thông tin mới nhất sau khi theo dõi thực tế (real world data) không phải trong nghiên cứu, thì những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca (ChAdOx1-S) hiệu quả bảo vệ là 60% sau 28 ngày. Đây là khảo sát trên dân số thực hiện ở Anh Quốc từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 khi chủng B1.1.7 (alpha) đang nổi lên, bằng RT-PCR, trên 159.930 người lớn từ 70 tuổi trở lên” - GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền dẫn chứng.

Ngoài ra, trong phần kết luận của tài liệu công bố trên The Lancet vào ngày 8/12/2020 có nói rằng, vắc xin AstraZeneca có một độ an toàn chấp nhận được và có hiệu quả làm giảm các trường hợp nhiễm virus COVID-19có triệu chứng, không có trường hợp nào phải nhập viện hay trầm trọng trong nhóm tiêm chủng so với nhóm chứng (giảm tử vong và bệnh nặng).

Về vấn đề ngăn ngừa lây nhiễm thì trong khi nghiên cứu vắc xin AstraZeneca người tham gia đã được phết mũi họng mỗi tuần và thấy rằng nhóm vắc xin có giảm 49,5% các trường hợp nhiễm không triệu chứng so với nhóm chứng.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cũng dẫn chứng một số liệu khác, tính đến ngày 7/6/2021 trên 139 triệu người ở nước Mỹ đã được tiêm đầy đủ vắc xin chống COVID-19. Trong thời gian này US-CDC nhận được báo cáo có 3.459 người bị "nhiễm đột phá” (breakthrough infection = được định nghĩa là phát hiện virus hay kháng nguyên SARS-CoV-2 sau 14 ngày, ở đường hô hấp của người đã hoàn tất tiêm vắc xin chống COVID-19 như khuyến cáo của FDA).

Trong đó, phái nữ 1.691 (49%), trên 65 tuổi 2.642 (76%), không triệu chứng 617 (18%), nhập bệnh viện 3.275 ca (95%), tử vong 603 (17%). Đây là số liệu của US-CDC thu thập thụ động nên có thể chưa đầy đủ, và ở Mỹ đa số là vắc xin mRNA.

Như vậy tiêm vắc xin COVID-19 giúp chúng ta được gì?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền cho rằng, không thể đòi hỏi vắc xin hiệu quả trên tất cả mục tiêu và 100%. Kể cả với hai loại vắc xin tốt nhất hiện nay ở Mỹ và trên thế giới là Moderna và Pfeizer vẫn có những trường hợp thất bại xảy ra. Tỷ lệ tai biến của vắc xin với nhiều hình thái lâm sàng là tuy nhiên rất thấp và nguy cơ đó vẫn thấp hơn nhiều so với nguy cơ tử vong do COVID-19.

Vì vậy, việc chủng ngừa COVID-19 mang lại nhiều giá trị trong chiến lược ứng phó với COVID-19:

  • Thứ nhất, vắc xin giúp những người bị nhiễm virus SARS-Cov-2 không bị nặng hay tử vong. Đây là điều quan trọng nhất, ở mức từ 60-70% (với vắc xin mRNA cao hơn, có thể 95%).
  • Thứ hai, vắc xin giúp giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng và cũng ở mức 50-60% (đang chờ nhiều khảo sát để củng cố).
  • Thứ ba, qua hai lợi ích đó vắc xin sẽ tạo ra một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho dân chúng khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80%.

Như thế, ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin nếu có xảy ra những trường hợp RT-PCR dương tính ở mức độ 5-10% thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng. Theo thông tin đáng tin cậy thì những người dương tính ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là những người đang làm việc được phết họng và dương tính (chỉ có một số cảm thấy mệt mõi hay sốt nhẹ)...

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền - “cây đại thụ” của ngành nhiễm trùng cho rằng, điều bây giờ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cần làm là giới hạn tối đa sự lây lan cho gia đình, bạn bè và nhất là cho bệnh nhân trong viện. Điều này Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chắc chắn đã biết và sẽ làm tốt.

Một lần nữa, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền nhấn mạnh, tác động tốt của vắc xin không thể chối cãi được đang được chứng tỏ ở Mỹ, Anh Quốc, Do Thái... và con đường duy nhất để thoát đại dịch là tiêm vắc xin có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt. Đây là sự kỳ vọng có cơ sở khoa học: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sẽ vượt qua thử thách này!

[DAP]

Đôi nét về GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp Đại Học Y Dược TPHCM năm 1978 và nhận bằng Tiến sĩ tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford và Đại học Mở Vương quốc Anh năm 2004.

Ông làm Giáo sư thỉnh giảng về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford và là thành viên của Bác sĩ Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2004.

Từ năm 2008, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền là Thành viên Ban đánh giá về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học trên người Bộ Y Tế và từ năm 2010, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nghiên cứu Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại Học Oxford Anh Quốc.

Trước đó, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền công tác tại Bệnh viện Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ năm 1978. Ông kinh qua nhiều vị trí quan trọng của bệnh viện, đầu tiên là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, sau đó vào năm 1985 là Trưởng khoa Sốt rét và vào năm 1987 là Trưởng phòng Y vụ. Ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc vào năm 1989.

Năm 2011, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền được Hiệp hội Hoàng gia về Y tế và Vệ sinh Nhiệt đới trao Huy chương Mackay năm 2010 vì những thành tích nổi bật trong điều trị các bệnh lây nhiễm tại Việt Nam.

Giáo sư dành cả đời để nghiên cứu chống lại bệnh sốt rét và là một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống SARS, cúm A/H5N1 tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn đóng góp nhiều tài liệu quý giá cho nền y tế nước nhà cũng như quốc tế về bệnh lao phổi, bệnh viêm màng não, bệnh bạch hầu, bệnh dịch hạch.

Chỉ tính riêng các báo cáo ở hội nghị quốc tế, ông đã tham gia vào 53 bài thuyết trình, chủ yếu về bệnh sốt rét. Ngoài ra, ông còn là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 200 ấn phẩm.

Nhiều thế hệ sinh viên Y khoa được GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền giảng dạy, hướng dẫn trân trọng gọi ông là “bậc thầy của những người thầy”. Trong số những người từng được ông hướng dẫn, nay đã trở thành những bác sĩ giỏi, kế thừa và phát huy tốt những thành tựu y học nước nhà.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X