Rượu thuốc có phải ngâm càng lâu càng tốt, uống bao nhiêu cũng được?
Rượu thuốc, rượu ngâm, rượu pha huyết được nhiều gia đình trọng dụng và tin rằng đây đều là những liều thuốc quý. Thực hư ra sao? Chuyên gia về Y học cổ truyền - BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ đã giải đáp nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này cho bạn đọc trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên liệu thường sử dụng khi ngâm rượu làm thuốc là gì?
BS có thể cho biết trong y học cổ truyền có thường sử dụng rượu ngâm làm thuốc hay không, thường thì sử dụng những nguyên liệu gì, cách dùng ra sao, có công dụng gì ạ?
Từ thời cổ đại người dân đã phát hiện và từng bước phát triển phương pháp điều trị bệnh bằng rượu thuốc trên cơ sở uống rượu có tác dụng chữa bệnh. Theo Y học cổ truyền, rượu là chất dẫn thuốc, nếu trong thuật ngữ “quân-thần-tá-sứ” thì rượu được gọi là sứ. Sứ có tác dụng đưa thuốc đến nơi có bệnh để tập trung tác dụng trị liệu và điều hòa các vị thuốc trong một phương thuốc. Rượu giống như một “sứ giả” trong điều trị bệnh. Nếu dùng rượu thuốc điều độ và hợp lý, rượu dẫn thuốc làm cho tạng phủ, tinh, khí, thần tốt lên. Dùng thuốc là chính, rượu dẫn để quy nạp về tạng phủ.
Trong sách Trung dược phương tễ học, rượu thuốc còn gọi là tửu tễ (thang thuốc ngâm rượu) là dùng rễ, thân cây, lá, hoa, quả thực vật và toàn thân hoặc nội tạng động vật và cả một số thành phần khoáng vật theo những tỷ lệ nhất định, dùng rượu cồn, rượu trắng, rượu vàng hoặc rượu nho với nồng độ thấp, ngâm thuốc vào đó, làm cho các thành phần có hiệu quả của thuốc hòa tan trong rượu, sau một thời gian nhất định, loại bỏ cặn bã sẽ thành rượu thuốc, cũng có một số rượu thuốc thông qua phương pháp gây men rồi thành.
Rượu thuốc được định nghĩa là dạng thuốc lỏng được điều chế bằng cách hoà tan, chiết xuất dược liệu thực vật và động vật đã chế biến theo yêu cầu, với rượu hoặc ethanol có nồng độ thích hợp, có thể thêm các chất làm thơm, làm ngọt, dùng để uống hoặc đôi khi dùng ngoài. Khác với cồn thuốc, rượu thuốc thường có nồng độ cồn thấp hơn. Công thức rượu thuốc theo các bài thuốc cổ truyền hoặc theo đơn nên thành phần có nhiều dược liệu khác nhau.
- Dược liệu thảo mộc: Thường dùng các dược liệu đã đạt tiêu chuẩn và ít dùng dược liệu độc. Thường là lá, vỏ rễ cây, củ… (Ba kích, Hà thủ ô, Sâm các loại, Quế, Đương quy, Dâm dương hoắc,…)
- Dược liệu động vật: Rắn, Rết, Tắc kè, Hải mã, Hải long, Bào ngư, Bìm bịp,… có thể là cao động vật (cao Hổ cốt), cũng đạt được tiêu chuẩn theo Dược điển.
- Dung môi: Rượu Ethylic, độ cồn dùng từ 30 - 90 độ tùy theo dược liệu. Trong thực tế thường dùng rượu ngũ cốc (tốt nhất là rượu tăm), độ rượu từ 40 - 50 độ. Với nguyên liệu là động vật thường dùng rượu có độ cồn cao hơn.
- Chất điều vị: Dùng đường hoặc xiro để rượu có vị ngọt dễ uống, thêm bổ dưỡng, tăng độ nhớt, bảo quản tốt hơn, hạn chế tủa của tạp chất và giảm kích ứng của cồn.
- Chất điều hương: Thường dùng tinh dầu (Quế, Cam), có thể cho thêm Trần bì để lấy hương thơm trong rượu, cũng có thể dùng hóa chất (Vanilin),
- Chất màu: Dùng đường cháy (caramen) để tạo màu cho rượu. Màu cánh gián được cho là đẹp mắt.
Cách dùng: Dùng để uống (Rượu bổ, rượu rắn, rượu Tắc kè,…) hoặc đôi khi dùng ngoài (cồn xoa bóp, rượu Rết,…). Liều lượng và cách sử dụng cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng sức khỏe cụ thể của người sử dụng, theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.
Công Dụng: Vì rượu có tác dụng thông mạch máu, phát huy hiệu quả của thuốc, ấm đại tràng và dạ dày, chế ngự phong hàn, cho nên phối hợp rượu và thuốc có thể tăng cường hiệu lực của thuốc, có thể phòng và chữa bệnh, lại có thể dưỡng sinh, làm đẹp dung nhan, kéo dài tuổi thọ, vì vậy đã được các nhà y học ở nhiều thời đại rất coi trọng, trở thành một phương pháp chữa bệnh quan trọng trong y học cổ truyền, nhiều cách ngâm ủ rượu thuốc tốt, có giá trị lại hiệu quả, vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay, hiện nay nhiều nhà y học vẫn sử dụng để chữa bệnh.
Lưu ý rằng việc sử dụng rượu thuốc nên có sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn và tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể hoặc có đang dùng thuốc khác.
2. Rượu ngâm càng lâu có càng tốt?
Hiện nay trong cộng đồng, các loại rượu thuốc, rượu ngâm vô cùng phong phú. Nhiều gia đình cất giữ hũ rượu ngâm từ năm này qua năm khác. Theo BS, có phải những loại rượu này ngâm càng lâu càng tốt?
Thời gian ngâm rượu là khác nhau tùy từng loại thảo dược, tủy theo số lượng, mức độ phân chia của dược liệu. Ngâm từ 10 - 100 ngày hoặc hơn. Thời gian ngâm có thể ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng rượu, nhưng không nhất thiết làm tăng giá trị dinh dưỡng hay lợi ích sức khỏe.
- Mỗi loại rượu có yêu cầu khác nhau về thời gian ủ, có loại ngâm càng lâu càng tốt (rượu vang), có loại có thể yêu cầu thời gian ủ ngắn hơn nên dùng ngay không nên để lâu (rượu hoa quả,…).
- Rượu càng ngâm lâu các tinh chất có trong dược liệu càng được tiết ra. Thời gian ngâm quá lâu có thể dẫn đến việc chiết xuất các chất độc tố từ một số nguyên liệu thảo mộc, tăng nguy cơ ngộ độc khi uống.
- Rượu ngâm nếu điều kiện lưu trữ không tốt, thời gian quá dài sẽ ở một mức độ nào đó làm cho ethanol bay hơi, khiến nồng độ giảm thấp, tác dụng kháng khuẩn sẽ giảm đi, thảo dược có thể sinh ra nấm mốc, khi uống có thể gây ngộ độc rượu.
Chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng uống loại rượu càng ngâm lâu năm sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Quan trọng là uống một lượng rượu có giới hạn, cân nhắc tình hình sức khỏe cụ thể của bản thân và hỏi thầy thuốc đông y về loại rượu thuốc mà mình uống.
3. Uống rượu giúp tăng cường sinh lý, sự thực hay tin đồn?
Nhiều quý ông tin rằng uống rượu thuốc giúp tăng cường sinh lý, điều này có đúng không ạ?
Việc sử dụng rượu ngâm cùng các loại dược liệu tự nhiên quý hiếm giúp bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực cho nam giới từ xa xưa đã được sử dụng phổ biến. Hiện nay, nhiều người thường có thói quen dùng rượu ngâm có nguồn gốc từ động vật với mong muốn bồi bổ sinh lực cho cơ thể như: tắc kè, rắn, cá ngựa, bìm bịp, hải mã, hải sâm… Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể và tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng của các loại rượu ngâm (có nguồn gốc động vật, thực vật) giúp tăng cường sinh lý, trị “rối loạn cương”.
Một số nam giới có thể trải nghiệm cảm giác tăng cường sinh lý ngắn hạn sau khi uống rượu, thấy ham muốn tình dục cũng như bản lĩnh đàn ông tăng lên. Nguyên nhân là do khi dùng rượu với lượng nhỏ có thể gây kích thích hệ thần kinh, tăng tiết dopamine - là chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng gây ham muốn, tăng hứng thú trong chuyện tình dục. Tuy nhiên, đây thường chỉ là tác động tạm thời và có thể biến mất khi hiệu ứng của rượu giảm đi.
Rượu thuốc sẽ có lợi cho sức khoẻ nếu đúng chỉ định và điều độ trong sử dụng. Uống rượu quá mức có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể và cả sức khỏe tình dục, gây nhiều tác hại đến sinh lý nam giới hơn là lợi ích. Nó có thể dẫn đến suy giảm hormone sinh dục nam testosterone, giảm ham muốn, tinh trùng dị dạng. Việc sử dụng rượu kéo dài có thể gây xơ hóa, tổn thương mạch máu dương vật, giảm tưới máu dương vật dẫn đến rối loạn cương dương. Ngoài ra, uống nhiều rượu còn khiến nam giới không đủ tỉnh táo làm chủ bản thân và có thể xảy ra quan hệ tình dục không an toàn.
Do đó, mặc dù một số người có thể có cảm giác tăng cường ham muốn tình dục tạm thời sau khi uống các loại rượu (rượu ngâm), nhưng uống rượu không phải là phương pháp lâu dài và hiệu quả để cải thiện sinh lý. Ngược lại, uống quá mức có thể gây hại cho sức khỏe và khả năng tình dục. Người bệnh nếu có bất kỳ vấn đề nào về sinh lý thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra thể trạng sức khỏe, tư vấn và điều trị phù hợp. Hoặc nếu có nhu cầu sử dụng và ngâm các loại rượu thuốc thì cần có bác sĩ thăm khám và hướng dẫn cụ thể về cách chế biến, liều lượng dùng một cách hợp lý, không vì tâm lý chủ quan mà sử dụng rượu quá mức, vừa không có tác dụng như mong muốn mà còn gây hại cho sức khỏe bản thân và hạnh phúc gia đình.
4. Những nguy cơ khi dùng rượu thuốc, rượu ngâm sai cách là gì?
BS có thể chỉ ra các nguy cơ khi dùng rượu thuốc, rượu ngâm sai cách là gì ạ?
* Cách sử dụng không đúng:
Người xưa dạy rằng: “Nước tải thuyền, nước lại dìm thuyền”. Mối quan hệ của rượu với sức khỏe cũng giống như triết lý của bài học cổ xưa ấy, việc sử dụng rượu thuốc, rượu ngâm quá mức, không đúng cách có thể mang lại một số nguy cơ và tác động tiêu cực đối với sức khỏe, sẽ hại cho gan, tim, não, tổn thương hệ thống thần kinh, gây ra nhiều loại bệnh tật, hơn nữa có thể rút ngắn tuổi thọ của con người.
- Ngộ độc rượu: Rượu thuốc là rượu kết hợp với thuốc, uống lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc do quá liều của thuốc.
- Đột quỵ cấp, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp,…
- Gây nghiện: Rượu là một chất gây nghiện, và sử dụng nó không đúng cách có thể dẫn đến nghiện rượu. Nghiện rượu có thể tạo ra nhiều vấn đề sức khỏe và xã hội. Uống rượu thuốc lượng vừa phải là một lạc thú, có thể giúp khai vị, kích thích ăn ngon miệng,… nhưng uống lâu dài hoặc uống quá nhiều dẫn đến nghiện rượu là một nỗi đau tinh thần, có thể gây ra rối loạn thần kinh, mất kiềm chế.
- Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần: có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như stress, lo lắng, và trầm cảm, thay đổi nhân cách, tinh thần bất ổn, trí nhớ kém đi,… Những nhà nghiên cứu phát hiện thấy: Khi nồng độ cồn trong cơ thế con người đạt tới 0,03-0,05% biểu hiện thấy vẻ hân hoan thú vị và tăng thêm nhiều động tác, khi đạt tới 0,06-0,1% thì gia tăng hưng phấn gọi là say rượu nhẹ, khi đạt tới 0,2% là say rượu mức trung bình, biểu hiện bước đi khó khăn, ngôn ngữ hàm hồ, khi đạt tới 0,3-0,5% có thể mất hết sự nhịp nhàng thăng bằng, tri giác bị trở ngại, hôn mê hoặc tử vong.
- Tổn thương gan: viêm gan, xơ gan, ung thư gan,…
- Nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ: Làm tăng chất béo nội tạng, huyết áp cao, tăng đường huyết (nguy cơ gây đái tháo đường), bệnh tim, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.
- Ảnh hưởng tình dục: Sử dụng rượu không đúng cách có thể gây ra vấn đề về sinh lý, giảm ham muốn tình dục và khả năng cương cứng.
- Tương tác với thuốc khác: rượu và một số thuốc (dược liệu) trong rượu thuốc có thể tương tác với các thuốc khác đang sử dụng, làm tăng/giảm hiệu quả của thuốc hoặc tạo ra các tác dụng phụ không mong muốn.
* Dùng rượu thuốc ngâm sai cách: Tự ý chế tác rượu thuốc mù quáng, không biết rõ tính chất của thuốc, lượng thuốc, nguồn gốc, không hiểu những điều thường thức về rượu thuốc, lại không tham khảo ý kiến của thầy thuốc đông y trước khi ngâm và sử dụng rượu ngâm, nguy cơ có thể dẫn đến ngộ độc.
Vì vậy, khi sử dụng loại rượu thuốc hoặc rượu ngâm nào, nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế, người có chuyên môn để đảm bảo rằng việc sử dụng là an toàn và hợp lý với tình trạng sức khỏe bản thân. Đồng thời, quản lý lượng rượu sử dụng và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng.
5. Ngộ độc rượu ngâm, nguyên nhân do dâu?
Có một số trường hợp ngộ độc rượu ngâm, mặc dù đó là nguyên liệu quen thuộc đã được sử dụng lâu đời, vậy nguyên nhân ngộ độc là do đâu, thưa BS?
- Dùng không đúng cách: quá liều hoặc không tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, thầy thuốc, sử dụng tùy tiện, thích là đem ra uống, thậm chí uống đến say túy lúy, có thể dẫn đến ngộ độc. Lấy loại “rượu dùng ngoài” để uống dẫn đến ngộ độc.
Ngâm rượu sai cách:
- Nguyên liệu ngâm rượu không đảm bảo an toàn (rượu dởm, rượu có chất phụ gia, nguyên liệu ngâm chưa đạt chuẩn: bị nhiễm các chất độc tố như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, hoặc các chất khác) có thể gây ngộ độc
- Điều kiện lưu trữ không tốt: ở nhiệt độ không ổn định hoặc trong môi trường không an toàn, điều kiện bảo quản không tốt, có thể tạo điều kiện cho sự hình thành của các vi khuẩn hoặc nấm mốc gây độc tố.
- Thời gian ngâm rượu quá lâu.
- Trong trường hợp nghi ngờ về ngộ độc từ rượu ngâm, người dùng nên ngưng sử dụng ngay, và cần đến ngay bác sĩ để được kiểm tra và điều trị.
6. Rượu pha huyết động vật có thực sự bổ?
Bên cạnh rượu thuốc, rượu ngâm thì rượu pha huyết động vật cũng được nhiều người cho là rất bổ. Theo BS, rượu pha huyết động vật có thật sự bổ hay không?
Cần lưu ý gì khi uống? Rượu pha huyết động vật (rượu được kết hợp với các thành phần từ huyết động vật như nội tạng, xương, hoặc thịt, huyết,…). Các loại rượu huyết thường thấy như rượu huyết rắn, dê, bồ câu, ba ba, kỳ đà…
Có thật sự bổ hay không? Hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh rằng rượu pha huyết động vật có thể mang lại những lợi ích sức khỏe, làm thuốc bổ. Các ý kiến và quan điểm về tác dụng bổ của nó thường phản ánh niềm tin và truyền thống văn hóa. Thực tế, y học cổ truyền hầu như không dùng huyết sống để trị bệnh cũng như rất ít đề cập đến việc sử dụng máu động vật làm thuốc bổ (bổ thận tráng dương). Hơn nữa, huyết tính lạnh nên không phải ai dùng cũng tốt, nhất là với người thuộc thể hàn (hay sợ lạnh, ăn kém, huyết áp thấp, hay đầy bụng, chậm tiêu, đi lỏng).
Rượu pha huyết động vật được nhiều người cho là rất bổ, chỉ là lời đồn, thậm chí nguy hại cho sức khỏe. Việc sử dụng huyết động vật không qua kiểm soát và chế biến đúng cách có thể mang lại nguy cơ về an toàn thực phẩm và độc tố. Đã có nhiều trường hợp ngộ độc rượu pha huyết, rượu ngâm con vật hay rễ cây. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phù não, di chứng hoặc tử vong. Huyết động vật có thể chứa nhiều vi khuẩn, virus, sán... Người uống có thể bị tiêu chảy hoặc nhiễm giun sán, ký sinh trùng. Các loại ký sinh trùng, vi trùng có rất nhiều bên trong và bên ngoài cơ thể động vật. Khi lấy máu để pha rượu, người ta phải lấy qua da, nơi có nhiều mầm bệnh mà mắt thường không nhìn thấy như tụ cầu, liên cầu, cúm, lở mồm long móng,… Máu còn là thành phần rất dễ bị nhiễm trùng, phân hủy. Ngoài ra, việc uống rượu huyết dễ dẫn đến dị ứng, phá hủy tế bào gan, gây xơ gan, trụy tim mạch.
Lưu ý khi uống:
- Kiểm tra nguồn gốc, uống lượng hạn chế: Nếu có ý định thử nghiệm rượu pha huyết động vật, quan trọng nhất là kiểm tra nguồn gốc của nguyên liệu và uống trong phạm vi an toàn, lượng vừa phải.
- Chế biến an toàn: Dùng rượu đảm bảo chất lượng, lưu trữ bảo quản đúng cách, pha chế an toàn đúng cách, vệ sinh. Ở các quán nhậu, rượu huyết được pha chế một cách bừa bãi, lưu trữ không đúng cách, rượu không đảm bảo, dẫn đến những hậu quả khó lường.
- Người thuộc thể hàn (hay sợ lạnh, ăn kém, huyết áp thấp, hay đầy bụng, chậm tiêu, đi lỏng), dễ dị ứng, có vấn đề sức khỏe liên quan đến dạ dày, gan, hoặc tim mạch nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
7. Thời gian ngâm và cách sử dụng rượu thuốc thế nào là phù hợp?
BS có thể kể một số loại rượu ngâm thông dụng, thời gian ngâm và liều lượng an toàn mà các gia đình có thể sử dụng?
Rượu thuốc: Sâm Dương đại bổ tửu - Giúp Đại bổ khí huyết, tăng cường sinh lực.
Rượu thuốc: Khí Huyết đại bổ tửu - Giúp Điều hòa khí huyết, tăng cường miễn dịch.
Mỗi ngày chỉ nên dùng 1 đến 2 lần, mỗi lần 20 - 30ml trong hoặc sau bữa ăn để có tác dụng tốt nhất. Không nên lạm dụng rượu thuốc. Sản phẩm không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 15 tuổi, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của của rượu thuốc.
8. Dùng rượu trắng ngâm rượu thuốc cần tuân thủ những tiêu chí nào?
Riêng loại rượu trắng dùng để ngâm cần có những tiêu chí gì ạ?
Rượu trắng là loại rượu thường được sử dụng với các thành phần dược liệu khác để tạo ra các sản phẩm như rượu ngâm thảo mộc hay rượu ngâm quả. Một số tiêu chí và yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn của rượu trắng để ngâm là:
Chất lượng rượu: Chọn một loại rượu trắng chất lượng cao, không có chất phụ gia hay tạp chất. Rượu trắng có thể làm từ ngũ cốc (gạo, lúa mạch,…) hoặc các thành phần khác.
Độ cồn: Chọn rượu trắng với độ cồn phù hợp với mục đích sử dụng. Độ cồn dùng từ 30 -90 độ, tùy theo dược liệu. Trong thực tế thường dùng rượu ngũ cốc (tốt nhất là rượu tăm), độ rượu từ 40 - 50 độ. Với nguyên liệu là động vật thường dùng rượu có độ cồn cao hơn. Đối với việc ngâm thảo mộc, rượu với độ cồn 40% trở lên thường được ưa chuộng.
Không chứa phụ gia độc hại: như chất bảo quản hay màu nhân tạo
Tỷ lệ dược liệu và rượu để ngâm phù hợp. Tỷ lệ giữa dược liệu và rượu:
- Dược liệu không độc, tỷ lệ 1:5
- Dược liệu có chứa chất độc bảng A hoặc B, tỷ lệ 1:10
9. Những lưu ý cần nhớ khi lựa chọn bình, hũ ngâm rượu
Có cần lưu ý gì trong việc lựa chọn bình, hũ… không, thưa BS?
Việc lựa chọn bình, hũ, hoặc nơi ngâm rượu là một phần quan trọng trong quá trình chế biến và bảo quản sản phẩm. Rượu thuốc để lâu thường có cặn, phải đóng chai đầy (chai có màu thì tốt nhất) hoặc lưu trữ trong bình, hũ, nút kín, để nơi mát, tránh ánh sáng.
- Nên chọn bình hũ làm từ chất liệu không gây tác động độc hại cho rượu và an toàn cho sức khỏe như: thép không gỉ, thủy tinh chịu nhiệt, gốm sứ…
- Chọn những bình, hũ kín đáo để tránh việc rượu bị ô nhiễm hoặc mất mùi nếu ngâm rượu trong thời gian dài.
- Chọn kích thước phù hợp: với lượng rượu và thành phần ngâm rượu.
- Bình, hũ được làm sạch và an toàn vệ sinh trước khi sử dụng.
- Chọn bình, hũ có màu sắc đậm để giảm thiểu tác động của ánh sáng ảnh hưởng đến rượu.
- Chọn bình, hũ có kích thước và thiết kế phù hợp (nếu có thể) để dễ dàng đặt và lấy các thành phần một cách thuận tiện.
10. Cách giải rượu hiệu quả
Trường hợp người uống lỡ quá chén, say xỉn thì có thể sử dụng những cách giải rượu nào hiệu quả, nhờ BS hướng dẫn?
Các triệu chứng thường thấy ở một người say rượu bao gồm: Đau đầu sau khi uống rượu; Chóng mặt; Giảm tập trung chú ý; Dễ lo lắng, xúc động; Tính tình thay đổi, thường trở nên khó tính hơn; Mệt mỏi, buồn ngủ; Nhức mỏi cơ bắp toàn thân; Da toàn thân đỏ ửng, hay gặp nhất là da mặt; Hơi thở có mùi rượu; Nước bọt tiết ra nhiều hơn; Nhịp tim tăng nhanh; Đau bụng; Buồn nôn, nôn mửa; Rối loạn tiêu hóa; Sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng
Thông thường, các biểu hiện của di chứng say rượu sẽ tự biến mất mà không cần bất kỳ biện pháp can thiệp nào.
Sau đây là một số cách giải rượu giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu khi say rượu theo kinh nghiệm của y học cổ truyền:
Chanh tươi 1 quả, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.
Giải rượu với trái cây:
- Trái Quýt: sau khi uống rượu bia, ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu, giảm say rất hay
- Dưa hấu: ăn thịt trái dưa hấu hai và dùng vỏ quả dưa hấu xay lấy nước mà uống sẽ giúp giải rượu rất nhanh.
Giải rượu với rau má: Rau má tươi 100g, 2 trai chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, uống 1-2 cốc (150 - 300ml). Hoặc chỉ dùng rau má, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy nước cốt, hoà thêm nước chín nguội, uống 2-3 cốc (200 - 300ml).
Giải rượu bằng của địa liền tươi: Củ địa liền tươi, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy 100ml uống 1 lần.
Nên làm gì khi có các di chứng say rượu?
- Uống nhiều nước: rượu khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu dẫn đến tình trạng mất nước. Uống nước giúp cơ thể giữ nước và giảm triệu chứng khô miệng, đau đầu và mệt mỏi. Lưu ý: không uống nhiều nước quá nhanh.
- Ngủ đủ giấc: Nghỉ ngơi và ngủ sâu là biện pháp giúp khôi phục cơ thể và giảm nhẹ các biểu hiện khó chịu của say rượu.
- Ăn uống đầy đủ: rượu khiến lượng đường trong máu giảm vì vậy những người sử dụng rượu cần ăn uống đủ để phòng tránh biến chứng hạ đường huyết. Ăn nhẹ và dễ tiêu hóa giúp cung cấp năng lượng và giảm cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, lớp thức ăn lót dạ dày này còn giúp bảo vệ niêm mạc, tránh kích ứng và giảm tốc độ hấp thu rượu vào cơ thể.
Tuy nhiên, những người gặp phải các triệu chứng say rượu nên đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm sau: Khó thở hoặc rối loạn nhịp thở; Da, niêm mạc nhợt nhạt, tím; Rối loạn nhịp tim; Lơ mơ, hôn mê, gọi hỏi không trả lời đúng; Co giật, động kinh; Nôn mửa nhiều lần.
Xin cảm ơn BS!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình