Rối loạn tiền đình: Làm sao phân biệt với đột quỵ, điều trị thế nào để ngăn chặn tái phát?
Bạn đã từng cảm thấy đầu óc xoay tròn hoặc chóng mặt khi thay đổi tư thế? Triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, từ rối loạn tiền đình hoặc nghiêm trọng hơn gây đột quỵ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề này, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp.
1. Phân biệt chóng mặt, rối loạn tiền đình và thiếu máu não
Thưa BS, nhiều người nhầm lẫn ba khái niệm chóng mặt, rối loạn tiền đình và thiếu máu não là một. Nhờ BS giải thích thêm về các bệnh lý này ạ?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời:
Về cơ bản, chóng mặt có 4 loại chính:
Thứ nhất là chóng mặt do rối loạn tiền đình, hay gặp trong chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Biểu hiện chủ yếu khiến bệnh nhân có cảm giác xoay tròn khi thay đổi tư thế. Ví dụ như chuyển từ nằm sang ngồi, hoặc ngồi sang đứng.
Thứ hai là chóng mặt xây xẩm. Ví dụ hôm trước mất ngủ, lo lắng; sang hôm sau các tế bào thần kinh mệt mỏi, gây ra tình trạng xây xẩm mặt mày.
Thứ ba là chóng mặt liên quan đến tiền ngất. Trường hợp này cũng có thể liên quan đến các bệnh lý của tim như trường hợp chóng mặt muốn xỉu.
Thứ tư là dạng chóng mặt gây loạng choạng, đi đứng như người say rượu. Chóng mặt này do tổn thương tiểu não hay chóng mặt trung ương do nguyên nhân trung ương.
Vấn đề chóng mặt thường gặp nhất là cảm giác xoay tròn, nhà cửa đảo ngả nghiêng diễn ra tích tắc trong vài giây và tăng khi thay đổi tư thế.
Rối loạn tiền tình:
Tiền đình là cơ quan giúp giữ thăng bằng cho cơ thể, nằm ở ống tai ngoài. Rối loạn tiền đình hay hội chứng rối loạn tiền đình chủ yếu liên quan đến bệnh lý của cơ quan này. Triệu chứng của rối loạn tiền đình gây ra chóng mặt.
Rối loạn tiền đình chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra chóng mặt.
Thiếu máu não:
Thiếu máu não là một thuật ngữ chung.
Thiếu máu não hay thiểu năng tuần hoàn não rất hay gặp. Nhưng nhìn chung, thiếu máu não đề cập trong bệnh cảnh đột quỵ não, một trong hai dạng đột quỵ não là nhồi máu não. Vì vậy, nếu bệnh nhân cho rằng mình thiếu máu não nhưng vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường, không yếu liệt tay chân, không nói ngọng, không liệt mặt thì không gọi là thiếu máu não hay nhồi máu não.
Trong trường hợp này, có thể bệnh nhân mắc bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, những vấn đề liên quan đến tuổi tác gây ra chóng mặt, đau đầu. Khi đi khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng xơ vữa mạch, hoặc tìm các vấn đề có thể làm giảm lưu lượng dòng máu lên não. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ mang ý nghĩa tương đối, không gây ảnh hưởng hay làm bệnh nhân có khiếm khuyết về thần kinh như đột quỵ, thiếu máu não hay nhồi máu não.
2. Đột ngột liệt nửa người, nói khó, méo miệng là biểu hiện của đột quỵ
Rối loạn tiền đình, đột quỵ giống và khác nhau ở điểm nào? Người bệnh có thể phân biệt tại nhà hay không, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Rối loạn tiền đình gây ra triệu chứng chóng mặt. Bệnh nhân cần phân biệt chóng mặt trung ương và chóng mặt ngoại biên.
Chóng mặt trung ương do tổn thương não bộ như tiểu não, thân não. Loại này làm bệnh nhân đi loạng choạng, không thể sử dụng đồ vật theo ý muốn của mình. Trường hợp này chóng mặt nhiều khả năng do tiểu não, thân não, có thể đột quỵ não, đột quỵ nhồi máu não hoặc đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên cũng có thể do nguyên nhân khác gây ảnh hưởng, tổn thương đến cơ quan này của não bộ.
Chúng ta có thể phân biệt đột quỵ não bằng dấu hiệu thường nghe trong những năm gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng như: đột ngột yếu liệt nửa người, nói khó, méo miệng. Những triệu chứng này diễn ra rất đột ngột, trước đó chưa từng trải nghiệm. Những khiếm khuyết thần kinh này có thể là đột quỵ.
Chóng mặt cũng có thể là đột quỵ, trong trường hợp chóng mặt ảnh hưởng đến tiểu não, do nguyên nhân mạch máu não, xuất huyết não hoặc nhồi máu não gây ra.
Tuy nhiên, không phải chóng mặt nào cũng là đột quỵ. Ví dụ như chóng mặt lành tính như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, chóng mặt ngoại biên, chóng mặt muốn xỉu, chóng mặt xây xẩm mặt mày. Những chóng mặt dạng này không phải là đột quỵ.
3. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính không phải là đột quỵ
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có nằm trong bệnh lý rối loạn tiền đình hay không, thưa BS? Tình trạng này xảy ra đột ngột với cường độ mạnh làm sao để phân biệt với đột quỵ ạ?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là chóng mặt ngoại biên thường gặp. Nguyên nhân do sỏi tai hình thành, tồn tại ở ống bán khuyên. Những ống bán khuyên này giúp cơ thể cân bằng ở không gian ba chiều. Nhưng vì lý do nào đó, sỏi tai rơi vào một ống bán khuyên, ví dụ như ống bán khuyên sau, gây ra tình trạng mất thăng bằng, dẫn đến chóng mặt.
Chóng mặt trong chóng mặt tư thế kịch phát lành tính rất dữ dội, thấy nhà cửa chao đảo, xoay tròn. Cơn chóng mặt này diễn ra rất nhanh, từ vài giây đến một phút, tăng lên khi thay đổi tư thế, xoay đầu hoặc chuyển đổi tư thế.
Còn đột quỵ nguyên nhân chủ yếu do tổn thương mạch máu não, nhồi máu não, huyết khối thuyên tắc gây tắc mạch não. Hoặc cũng có thể do xuất huyết não khiến mạch máu não bị vỡ, dòng máu đi ra ngoài gây ra khối máu tụ làm khiếm khuyết thần kinh. Vì vậy, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính không phải là đột quỵ theo đúng bản chất của nó.
4. Rối loạn tiền đình có dẫn đến đột quỵ hay không?
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính và rối loạn tiền đình có dẫn đến đột quỵ hay không, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Như đã nói, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính do sự bất thường của hệ thống ống bán khuyên. Khi chúng ta điều trị bằng thuốc, bằng nghiệm pháp tái định vị sỏi tai, bệnh nhân sẽ khỏi. Rõ ràng, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính khác hẳn nguyên nhân của đột quỵ. Do đó, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính gần như không thể gây ra đột quỵ nếu xét về mặt bản chất của bệnh.
Còn tiền đình là cơ quan ở ốc tai, nằm trong xương đá, ở dây thần kinh số 8. Trong trường hợp rối loạn tiền đình hay hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên, nguyên nhân do ngoại biên chứ không phải mạch máu não. Do vậy, rối loạn tiền đình hay hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên không thể gây đột quỵ não.
Chỉ có trường hợp chóng mặt như: chóng mặt trung ương, tiền đình trung ương khiến bệnh nhân loạng choạng, không thể điều khiển đồ vật, tay chân không theo ý muốn của mình mới là đột quỵ.
Như vậy, chóng mặt tư thế kịch phát, rối loạn tiền đình hay hội chứng rối loạn tiền đình, hay chóng mặt ngoại biên không thể gây ra tình trạng đột quỵ. Trừ trường hợp chóng mặt trung ương, với tỷ lệ rất nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ, nghĩa là đột quỵ là một trong những phần rất nhỏ của nguyên nhân gây ra chóng mặt.
5. Rối loạn tiền đình sẽ không để lại di chứng nếu điều trị đúng
Rối loạn tiền đình và đột quỵ sẽ để lại những di chứng nào cho bệnh nhân, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Khi không tìm được nguyên nhân, chúng ta không thể chữa trị tốt. Bệnh nhân không thể làm việc bình thường khi lúc nào cũng trong trạng thái lơ lửng, chóng mặt. Nếu điều trị chóng mặt không tốt, chúng ta không thể nào hòa nhập, làm việc bình thường, gây ảnh hưởng từ lái xe, đi lại, hiệu suất, hiệu năng công việc. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng về sức khỏe, giấc ngủ, tâm lý.
Đầu tiên, rối loạn tiền đình hay hội chứng rối loạn tiền đình, cần phải xác định rõ nguyên nhân gây ra. Những vấn đề về ngoại biên hoàn toàn có thể chữa trị được, lúc này không để lại di chứng, không ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.
Còn đột quỵ, tùy theo tình trạng có thể gây yếu liệt, vấn đề về nuốt, về nói. Những vấn đề về tâm lý, cảm xúc, giấc ngủ, ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh. Vì vậy, cần nhận diện đột quỵ sớm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa. Di chứng đột quỵ có thể để lại: bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân, những vấn đề về nuốt, về nói, tăng nguy cơ hít sặc, có thể tăng tỷ lệ tử vong.
Việc phục hồi chức năng sau đột quỵ rất quan trọng, giúp người bệnh quay trở về với cuộc sống thông thường. Đột quỵ sẽ để lại di chứng ảnh hưởng lâu dài. Nhưng với chóng mặt, chỉ cần điều trị đúng, thời gian khỏi bệnh rất nhanh, người bệnh có thể nhanh chóng quay lại với cuộc sống thông thường.
6. CT, MRI sọ não chẩn đoán chóng mặt trung ương, tiền đình trung ương
Những phương pháp chẩn đoán rối loạn tiền đình là gì? Dấu hiệu nào cần đến bệnh viện nhanh nhất có thể, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Có nhiều phương pháp chẩn đoán rối loạn tiền đình hay hội chứng rối loạn tiền đình.
Đầu tiên là thăm khám lâm sàng, nhận diện triệu chứng. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu rối loạn tiền đình hay chóng mặt, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất. Tùy theo loại chóng mặt của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có cách khảo sát phù hợp.
Ví dụ như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, đây là một loại chóng mặt có thể khảo sát bằng cách đo chuyển động nhãn cầu, đây là cận lâm sàng đã triển khai tại một số cơ sở y tế. Nếu dương tính, bệnh nhân sẽ được thực hiện các nghiệm pháp tái định vị sỏi tai như nghiệm pháp Epley.
Đối với nguyên nhân chóng mặt do tai mũi họng, ví dụ như viêm thần kinh mê nhĩ, viêm thần kinh tiền đình, viêm ống tai trong, lúc này cần có thêm thăm khám chuyên khoa tai mũi họng. Bác sĩ có thể nội soi, đo tính lực đồ.
Trong trường hợp chóng mặt trung ương hay tiền đình trung ương do nguyên nhân tổn thương tiểu não, thân não, cần có khảo sát về hình ảnh học như CT sọ não, MRI sọ não.
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị tùy theo loại chóng mặt và triệu chứng mà người bệnh mắc phải.
7. Nghiệm pháp Epley có thể hữu hiệu hơn rất nhiều so với thuốc
Điều trị rối loạn tiền đình sẽ diễn ra như thế nào, tỉ lệ hồi phục hoàn toàn có cao không, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Với rối loạn tiền đình hay chóng mặt ngoại biên, tùy theo từng giai đoạn bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc. Trong giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc ức chế tiền đình. Sang giai đoạn sau có thể chỉnh liều thành thuốc kích thích tiền đình. Nếu bệnh nhân chóng mặt xây xẩm, khi chuyển đổi tư thế ngồi sang đứng, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp bệnh nhân.
Ngoài thuốc điều trị còn có nghiệm pháp về phục hồi chức năng tiền đình. Trong đó, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, khi thực hiện nghiệm pháp Epley để tái định vị sỏi tai đôi khi hữu hiệu rất nhiều so với thuốc. Bệnh nhân nên gặp chuyên gia thần kinh, chuyên gia phục hồi chức năng thần kinh, các bác sĩ sẽ có chiến lược để nhanh chóng lấy lại thăng bằng.
Nghiệm pháp Epley trong việc điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
8. Đột quỵ trên tiền sử rối loạn tiền đình, có gây khó khăn cho việc điều trị?
Nếu điều trị bệnh nhân đột quỵ có tiền sử rối loạn tiền đình, việc điều trị sẽ khó khăn như thế nào, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Bệnh nhân có tiền sử hay tiền căn rối loạn tiền đình ngoại biên, đã được xác định và điều trị khỏi rất ít gây khó khăn cho công tác chẩn đoán đột quỵ.
Do đột quỵ cấp là những khiếm khuyết thần kinh xuất hiện đột ngột, khiến bệnh nhân yếu liệt nửa người, không nói được hoặc nói khó, nuốt khó. Bác sĩ phải tìm nguyên nhân gây ra đột quỵ, giải quyết nguyên gây xuất huyết não, nhồi máu não, kiểm tra tiền sử rối loạn tiền đình có ảnh hưởng không? Tuy nhiên, tiền đình ngoại biên không gây quá khó khăn cho bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bác sĩ thần kinh.
Trừ trường hợp lần này bệnh nhân chóng mặt khác so với chóng mặt lần trước. Ví dụ: Lần trước bị tiền đình, bác sĩ chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Lần này cũng chóng mặt, nhưng đặc điểm không giống chóng mặt lần trước, chóng mặt như người say rượu, đi đứng loạng choạng. Trường hợp này có thể gây khó khăn cho người bệnh, vì họ không thể phân biệt, dẫn đến đi bệnh viện trễ. Lúc này có thể gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị.
Bệnh đột quỵ nếu đến bệnh viện càng sớm, chiến lược điều trị càng rõ ràng, mạch lạc, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay trở về với cuộc sống bình thường. Còn khó khăn chỉ có ở những ca đột quỵ chuyên biệt như tổn thương ở tiểu não, thân não, tổn thương cấu trúc giúp điều hòa thăng bằng cho cơ thể.
9. Tập vật lý trị liệu giúp rút ngắn quá triều điều trị rối loạn tiền đình
Tập vật lý trị liệu có giúp ích cho bệnh nhân rối loạn tiền đình hay không, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Phục hồi chức năng, đặc biệt là phục hồi chức năng tiền đình có vai trò rất quan trọng cho bệnh nhân rối loạn tiền đình. Những bài tập rất đơn giản như nghiệm pháp Epley, bệnh nhân có thể tự tập tại nhà.
Ngoài ra cũng có các bài tập, dụng cụ chuyên sâu khác để phục hồi chức năng tiền đình. Việc này bổ trợ trong khi dùng thuốc, các phương pháp điều trị khác làm rút ngắn quá trình điều trị, giúp bệnh nhân hết chóng mặt.
10. Xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa rối loạn tiền đình
Làm sao để ngăn ngừa tiền đình tái phát, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Đầu tiên, bệnh nhân nên có lối sống lành mạnh, cân bằng từ gia đình, công việc, đến mối quan hệ bạn bè. Chóng mặt có 4 loại, khi giảm căng thẳng trong cuộc sống đã có thể giảm nguy cơ chóng mặt xây xẩm.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính khiến bệnh nhân xoay tròn, nhà cửa quay xung quanh, xuất hiện nhanh từ vài giây đến một phút, tăng khi thay đổi tư thế. Khi có các triệu chứng này nên đến bệnh viện, bác sĩ tiến hành điều trị bằng các nghiệm pháp tái định vị sỏi tai, bệnh nhân sẽ hết bệnh và trở lại với cuộc sống. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu khi điều trị căn nguyên của chóng mặt này.
Thứ ba là chóng mặt như muốn xỉu. Bệnh nhân phải đi gặp chuyên gia thần kinh, tham vấn bác sĩ tim mạch để được tư vấn.
Cuối cùng là chóng mặt do đột quỵ vì tổn thương tiểu não, thân não. Khi triệu chứng xảy ra, bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay.
Bệnh nhân có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng một lối sống cân bằng, tập thể dục 30 phút/lần, tập tối đa 3-4 lần/tuần. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng giữa đạm, đường, mỡ, rau xanh, vitamin và khoáng chất. Hạn chế rượu bia, chất béo, thực phẩm có cholesterol cao gây xơ vữa mạch.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần kiểm tra tình trạng tim mạch, đường máu, gan thận, tim hoạt động có tốt không. Khi phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ có tư vấn và can thiệp về lối sống, nếu không thể can thiệp sẽ chuyển sang dùng thuốc.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình