Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường: Nguyên nhân và cách khắc phục

Tiểu đường trong thời gian dài có thể gây ra rất nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe, trong đó có tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Điều đáng nói là trong số những người gặp phải tình trạng ấy, rất ít người biết cách khắc phục rối loạn cương dương ở người mắc bệnh đái tháo đường nên phải chịu nhiều hệ lụy phiền phức.

I. Rối loạn cương dương do tiểu đường là như thế nào?

Rối loạn cương dương là thuật ngữ được dùng để miêu tả tình trạng rối loạn chức năng tình dục nam với biểu hiện đặc trưng là nam giới không thể duy trì lâu thời gian cương cứng dương vật hoặc không thể cương cứng được.

Trong số các bệnh nhân bị tiểu đường thì số lượng nam giới mắc chứng rối loạn cương dương chiếm khoảng 35 - 75%. Đặc biệt, bệnh nhân nam bị tiểu đường type 2 sẽ bị rối loạn cương dương trong khoảng 10 - 15 năm. Thêm vào đó, thời gian bị tiểu đường càng dài thì nguy cơ bị rối loạn cương dương càng tăng.

II. Nguyên nhân gây rối loạn cương dương do tiểu đường?

Nguyên nhân của rối loạn cương dương có khá nhiều, đôi khi các yếu tố nguy cơ đan xen hoặc phối hợp nhau tạo nên bệnh lý rất phức tạp. Trong đó ở người bệnh tiểu đường có thể xếp 4 nhóm nguyên nhân chính: Bệnh lý mạch máu, nội tiết, thần kinh, tâm thần.

Nguyên nhân do bệnh lý mạch máu: Tiểu đường không được kiểm soát thường dẫn tới xơ vữa dẫn tới hẹp thậm chí là tắc các mạch máu vùng chậu và nuôi dưỡng dương vật.

Nguyên nhân nội tiết: Các bệnh lý tiểu đường và hội chứng chuyển hóa nói chung thường có cơ chế bệnh sinh riêng biệt gây đề kháng insulin, kháng leptin, tăng tiết aromatase mà hậu quả dẫn tới suy sinh dục thứ phát, giảm nồng độ Testosterone, đây là hormon giữ vai trò chủ đạo chức năng hoạt động tình dục nam giới do tác dụng kích thích vỏ não dẫn tới tăng tiết NO gây giãn động mạch dương vật làm cho dương vật cương cứng.

Nguyên nhân thần kinh: Bệnh nhân tiểu đường nhất là những bệnh nhân lạm dụng rượu, kiểm soát đường máu rồi thường bị tổn thương hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm ngoại vi dẫn tới mất khả năng gây cương cứng dương vật.

Nguyên nhân tâm thần: Người bệnh tiểu đường xu hướng dễ bị stress căng thẳng tinh thần, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... làm ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động tình dục

Như vậy, rối loạn cương dương có thể không nguy hiểm nhưng sẽ là dấu hiệu sớm để báo động về sự hiện diện của các biến chứng nguy hiểm do bệnh tiểu đường.

III. Chẩn đoán bệnh rối loạn cương dương do tiểu đường như thế nào?

Người bệnh ngay khi có dấu hiệu: Dương vật khó hoặc không cương cứng được trong “cuộc yêu”; suy giảm ham muốn tình dục,... nam giới cần đến gặp bác sĩ.

Khi thăm khám, tìm nguyên nhân gây rối loạn cương dương, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số biện pháp giúp chẩn đoán đúng bệnh như: Xét nghiệm các rối loạn chuyển hóa: đường máu, mỡ máu, acid uric; siêu âm tinh hoàn; trao đổi để thăm dò tâm lý của người bệnh; kiểm tra chức năng gan, thận và nồng độ hormone nội tiết: testosterone, FSH, LH, Estradiol.

IV. Khắc phục rối loạn cương dương ở người tiểu đường như thế nào?

Khi mắc rối loạn cương dương do tiểu đường, việc phát hiện sớm là vô cùng cần thiết do để càng lâu khả năng điều trị phục hồi rối loạn cương dương ở người bệnh tiểu đường càng thấp. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn cương dương là do đa yếu tố phối hợp như nội tiết, thần kinh, mạch máu, tâm thần. Chính vì vậy, điều trị rối loạn cương dương trên bệnh nhân tiểu đường cần có sự tác động lên đa yếu tố nguy cơ, kiểm soát toàn diện các biến chứng và phối hợp đa chuyên khoa:

Điều chỉnh chế độ ăn, lối sống: Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường hoạt động thể lực, chế độ ăn lành mạnh

Điều chỉnh glucose máu: Bằng thuốc uống hay tiêm insulin là trọng tâm trong quá trình điều trị

Điều trị các biến chứng mạch máu: Điều chỉnh cholesterol, sử dụng các thuốc giãn mạch, chống tắc mạch, chống xơ vữa

Điều trị các biến chứng thần kinh, tâm thần (nếu có)

Sử dụng các biện pháp điều trị đặc hiệu: Điều trị thay thế Testosterone, thuốc ức chế 5 - Phosphodiesterase, liệu pháp sóng xung kích, hút áp lực âm, thuốc tiêm tại chỗ...

Xem thêm: Biến chứng bệnh tiểu đường có thể gây liệt dương?

Bên cạnh những biện pháp điều trị này thì có thể khắc phục rối loạn cương dương ở người mắc bệnh đái tháo đường bằng các biện pháp hỗ trợ cải thiện sinh lý và sức khỏe như: Có một chế độ ăn hợp lý, đều đặn, giúp giảm glucose trong máu; thường xuyên tập thể dục, nhất là các bài tập có tác động tốt cho tim mạch và tăng sản xuất testosterone; dừng những thói quen xấu ảnh hưởng đến chức năng cương dương như: dùng chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá,...; giảm cân với những người bị béo phì, thừa cân; thư giãn đầu óc, tạo năng lượng cho bản thân bằng các hoạt động tích cực.

Cũng bởi việc điều trị phức tạp như vậy, người bệnh cần đi khám sớm, cần được thăm khám và đánh giá toàn diện bởi bác sĩ chuyên khoa và cần tích cực thay đổi lối sống nhằm khắc phục một trong những biến chứng rất phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X