Hotline 24/7
08983-08983

“Rối loạn chuyển hóa và tim mạch như hình với bóng”

Đây là nhận định quan trọng được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật thường niên năm 2024 của Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức vào sáng ngày 18/9/2024. Chương trình là cơ hội để các báo cáo viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch - chuyển hóa bàn luận, chia sẻ những cập nhật mới về kiến thức y khoa cũng như kinh nghiệm lâm sàng. Sau đây là những nội dung nổi bật được đề cập trong chương trình.

BS.CK2 Lê Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Tình hình kinh tế phát triển khiến vấn đề rối loạn chuyển hóa nổi trội lên. Rối loạn chuyển hóa và tim mạch như hình với bóng, khi bị rối loạn chuyển hóa thì vấn đề tim mạch là hậu quả đầu tiên. Thừa cân, tăng cholesterol gây xơ vữa mạch vành và đưa đến bệnh tim thiếu máu cục bộ".

CDC Hoa Kỳ: Vắc xin phế cầu được khuyến cáo cho tất cả người trưởng thành có bệnh lý tim mạch

Trong báo cáo Dự phòng vắc xin phế cầu trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch”, khi đề cập đến gánh nặng bệnh tật, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM nhận định: “Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính của viêm phổi mắc phải cộng đồng. Viêm phổi mắc phải cộng đồng do mọi nguyên nhân tạo nên gánh nặng đáng kể cho người lớn tuổi trên khắp thế giới”.

Khi nhiễm phế cầu, đặc biệt ở người lớn, có 2 trường hợp xảy ra: 25% ở dạng xâm lấn gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết và 75% ở dạng không xâm lấn gây viêm tai, viêm xoang. Phần lớn các trường hợp viêm phổi do phế cầu khuẩn ở người lớn không kèm nhiễm trùng huyết.

Bàn về hậu quả nghiêm trọng của viêm phổi trên người lớn, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân dẫn chứng một nghiên cứu tại Hoa Kỳ (2014 - 2016): Trên hơn 8.200 bệnh nhân nhập viện do viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (CAP), trong vòng 2 năm, có khoảng 9% người bệnh tái nhập viện vì đợt mới; 13% tử vong trong vòng 30 ngày sau khi nhập viện; 31% tử vong trong vòng 1 năm.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân cho biết, nguy cơ mắc CAP tăng cao trên những bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc, cụ thể báo cáo đề cập đến bệnh phổi mạn, bệnh tim mạn, đái tháo đường.

Có khoảng 25% bệnh nhân viêm phổi cấp nhập viện mắc các biến chứng tim mạch nặng và làm tăng 60% nguy cơ tử vong nội viện trong thời gian điều trị nội trú. Khi bệnh nhân tim mạch có viêm phổi cấp, họ cần được đánh giá lại biến chứng tim mạch cũng như ngưng sử dụng các loại thuốc không cần thiết.

Nghiên cứu hệ thống về biến cố tim mạch sau viêm phổi mắc phải tại cộng đồng cho thấy, vắc xin cúm làm giảm 36% nguy cơ tương đối biến cố tim mạch trong 12 tháng theo dõi. Hiệu quả của vắc xin tích cực hơn trên bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp (ACS): giảm 55% biến cố tim mạch bất lợi (MACE).

Vắc xin phế cầu còn làm giảm 23% biến cố ACS ở bệnh nhân trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, vắc xin phế cầu và cúm được chứng minh làm giảm tử vong do suy tim và nhập viện vì suy tim.

Dự phòng vắc xin phế cầu mang lại nhiều lợi ích về lâm sàng, kinh tế và tiên lượng bệnh nền. Chính vì thế, năm 2024, vắc xin phế cầu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo cho tất cả người người thành có bệnh lý tim mạch nếu chưa được chủng ngừa trước đó nhằm mục đích giảm các biến chứng liên quan đến nhiễm phế cầu và các biến cố tim mạch.

Điều trị đồng thời OSA và hội chứng chuyển hóa giúp giảm nguy cơ tim mạch

Từ báo cáo "Rối loạn giấc ngủ/ngưng thở khi ngủ và rối loạn chuyển hóa", PGS.TS.BS Phạm Như Vinh - Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TPHCM - Trưởng Trung tâm Bác sĩ gia đình, Trường Đại học Y Dược TPHCM khuyến cáo tầm soát hội chứng chuyển hóa ở những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ/ngưng thở khi ngủ để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc.

Theo PGS.TS.BS Phạm Như Vinh, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một trong những rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất, đặc trưng bởi xẹp một phần hay hoàn toàn đường hô hấp trên khi ngủ. Thống kê ghi nhận 9 - 38% người lớn bị ngưng thở khi ngủ nhưng 70 - 80% trường hợp chưa được chẩn đoán.

Không chỉ tạo ra gánh nặng kinh tế do chi phí điều trị cao, OSA còn để lại gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong không hề thấp.

Yếu tố nguy cơ của OSA và hội chứng chuyển hóa được cho là có liên quan đến béo phì (đặc biệt là béo bụng); lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn uống không lành mạnh; di truyền và tiền sử gia đình; lão hóa.

PGS.TS.BS Phạm Như Vinh cho biết, nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn 37% ở những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn 46% ở những người dành thường xuyên ngủ ngủ dưới 90% độ bão hòa oxy.

58 - 86% bệnh nhân đái tháo đường có thể bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. 15 - 30% các trường hợp ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có bệnh đái tháo đường type 2, tỷ lệ này thậm chí cao hơn ở những người OSA nặng.

Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TPHCM cảnh báo, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể bị nhiều biến chứng hơn, chẳng hạn bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh võng mạc và bệnh thận.

PGS.TS.BS Phạm Như Vinh - Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TPHCM - Trưởng Trung tâm Bác sĩ gia đình, Trường Đại học Y Dược TPHCM

Đã có nghiên cứu chứng minh, thở áp lực dương liên tục (CPAP) đều đặn kéo dài làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, với điều kiện đã điều chỉnh các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và cân nặng.

Thông điệp được đưa ra sau báo cáo là điều trị đồng thời OSA và hội chứng chuyển hóa giúp giảm nguy cơ tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bệnh mạch vành là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ: 90% phụ nữ có ít nhất một yếu tố nguy cơ để phát triển bệnh tim mạch

Báo cáo của BS.CK2 Lê Hiền Cẩm Thu - Trưởng khoa Tim mạch 3, Bệnh viện Nguyễn Trãi xoay quanh chủ đề "Bệnh lý mạch vành theo từng giai đoạn phụ nữ".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim thiếu máu cục bộ được xếp đầu tiên trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (2021). Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng bệnh mạch vành là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ: 90% phụ nữ có ít nhất một yếu tố nguy cơ để phát triển bệnh tim mạch.

Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành ở nam cao hơn nữ khoảng 5 lần, nhưng tỷ lệ tử vong giảm dần theo tuổi. Nguyên nhân của sự khác biệt này được cho là có liên quan đến kích thước và cấu trúc tim. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh tim ở các động mạch nhỏ hơn của tim, được gọi là bệnh vi mạch vành, làm cho bệnh khó xác định hơn và gây ra sự chậm trễ trong điều trị.

BS.CK2 Lê Hiền Cẩm Thu - Trưởng khoa Tim mạch 3, Bệnh viện Nguyễn Trãi 

Sự thay đổi nội tiết tố, các yếu tố nguy cơ tim mạch, tuổi tác và căng thẳng là những yếu tố tác động đến các dạng bệnh tim thiếu máu cục bộ ở phụ nữ.

Cơ chế bệnh sinh được xác định có thể do nguyên nhân: Nứt vỡ mãng xơ vữa, co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch vành, bệnh lý vi mạch, huyết khối, mất cung cầu đơn thuần…

Phụ nữ mang thai và sau sinh có nguy cơ mắc bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) cao do áp lực thai kỳ và khi chuyển dạ gây tăng áp lực trên mạch máu đã yếu. Mục tiêu điều trị SCAD là phục hồi dòng chảy, kiểm soát đau ngực, huyết áp (bằng nitrate và chẹn canxi), dự phòng tái phát và dùng aspirine giảm nguy cơ.

Bệnh co thắt mạch vành khá phổ biến ở nữ giới, thường xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt, khi nồng độ estradiol thấp. Khi lượng estrogen suy giảm sẽ dẫn đến rối loạn quá trình sản xuất oxit nitric (NO) - một hợp chất giãn mạch giúp giảm co thắt mạch vành. Trong tình huống này, bổ sung nội tiết tố có lợi được xem là một phương pháp có thể áp dụng.

Vi tuần hoàn mạch vành (<0,5 mm) chiếm 70% kháng lực mạch vành trong bệnh mạch vành và không dễ dàng thấy được trên hình ảnh học cũng như không thể điều trị bằng phương pháp tái thông mạch. Rối loạn chức năng vi mạch có thể góp phần vào cơ chế sinh lý bệnh của nhồi máu cơ tim không tắc nghẽn động mạch vành (MINOCA) và được chia thành rối loạn chức năng phụ thuộc hoặc không phụ thuộc nội mô.

Điều trị rối loạn chức năng vi mạch còn nhiều hạn chế. Thuốc cải thiện chức năng nội mô (L-arginine, statin, enalapril) hoặc thúc đẩy sự giãn mạch của vi mạch (dipyridamole, ranolazine) hoặc thông qua giảm đau nội tạng (imipramine, aminophylline) chứng minh có hiệu quả.

Huyết khối hoặc thuyên tắc vi mạch do ly giải một phần huyết khối trong động mạch vành thượng tâm mạc dẫn đến không tắc nghẽn trên hình ảnh chụp động mạch vành. Bệnh lý này nên được nghi ngờ trong trường hợp nhồi máu cơ tim cấp xảy ra cùng với giảm tiểu cầu và thiếu máu tán huyết, khi có các mảnh của tế bào hồng cầu trên phết tế bào máu ngoại vi.

Huyết khối mạch vành thường được điều trị bằng liệu pháp chống huyết khối và chống kết tập tiểu cầu.

Nhồi máu cơ tim type 2 được phân loại với cơ chế bên dưới là thứ phát từ thiếu máu cục bộ. BS.CK2 Lê Hiền Cẩm Thu cho biết, chẩn đoán nhồi máu cơ tim type 2 trái ngược với tổn thương cơ tim, đòi hỏi các bằng chứng xác thực khác.

Điều trị MINOCA gây ra bởi sự mất cân bằng giữa cung và cầu sẽ chủ yếu tập trung vào việc điều trị hoặc đảo ngược nguyên nhân khởi phát. Chuyên gia khuyến cáo, các liệu pháp bảo vệ tim mạch bổ sung nên được cá nhân hóa cho từng tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

BS.CK2 Lê Hiền Cẩm Thu kết luận: “Bệnh lý động mạch vành ở phụ nữ không giống với nam giới. Những dấu hiệu cảnh báo thường bị bỏ sót khiến việc điều trị cũng như gây khó khăn trong việc chẩn đoán ban đầu".

Sáng 18/9/2024, Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức Hội nghị Khoa học Kỹ thuật năm 2024. Hội nghị Khoa học là một trong những sự kiện lớn trong năm của Bệnh viện Nguyễn Trãi, được tổ chức thường niên, đề cập đến nhiều vấn đề sức khỏe nổi trội. 

Khác với năm trước, thay vì đề cập đến nhiều chuyên khoa, năm 2024, nội dung hội nghị tập trung bàn luận và cập nhật chuyên sâu về chủ đề “Tối ưu hóa chăm sóc người bệnh Tim mạch - Chuyển hóa”. Đây cũng là cơ hội để các y bác sĩ gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kiến thức y khoa cập nhật, cũng như những kinh nghiệm thực hành lâm sàng.

Hội nghị năm nay đón tiếp 250 đại biểu tham dự là các chuyên gia, bác sĩ từ nhiều bệnh viện trong thành phố và bác sĩ khách mời từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nguyễn Trãi và Đại học Y Dược TPHCM...

>>> Hội nghị Khoa học BV Nguyễn Trãi 2024: Bàn luận chuyên sâu bệnh lý Tim mạch - Chuyển hóa

>>> Toàn cảnh Hội nghị Khoa học Kỹ thuật thường niên 2024 của Bệnh viện Nguyễn Trãi

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X