Hotline 24/7
08983-08983

Polyp đại trực tràng theo dõi thế nào, điều trị ra sao để không chuyển thành ung thư?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu - Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân cho biết, Polyp đại trực tràng có thể chuyển thành ung thư nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Những người có yếu tố nguy cơ cao cần theo dõi và tầm soát với bác sĩ tiêu hóa để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của polyp đại trực tràng.

1. Polyp đại trực tràng gây ra biểu hiện gì?

Polyp đại trực tràng là bệnh lý gì? Có thể gây ra triệu chứng gì ở người bệnh, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Đại trực tràng được định nghĩa là đoạn cuối của đường tiêu hóa, chiều dài khoảng từ 1m-1,5m ở người lớn. Chức năng của đại trực tràng là hấp thu nước, chất dinh dưỡng, tạo phân và tống xuất phân ra ngoài.

Polyp đại trực tràng là các khối u tăng sinh trong lòng đại tràng hoặc trực tràng, kích thước vài milimet tới vài centimet. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân polyp đại trực tràng không có triệu chứng. Tuy nhiên thời gian dài có thể xuất hiện các triệu chứng như xuất huyết (chảy máu trên polyp), biểu hiện của bệnh nhân là đi cầu phân đen giống bã cà phê, nặng hơn là đi cầu phân màu đỏ.

Bên cạnh đó bệnh nhân bị thiếu máu, mệt mỏi, một số trường hợp polyp lớn làm tắc đại tràng, bệnh nhân sẽ bị kẹt lại, đau bụng, phân không ra được bụng sẽ trương lên. Đó là một số triệu chứng điển hình của polyp khi to hoặc gây ra biến chứng.

2. Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để phát hiện polyp

Có những cách nào để bệnh nhân phát hiện bản thân có đang mắc polyp đại trực tràng hay không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Theo y học hiện đại và các trung tâm lớn về tiêu hóa, cách tốt nhất để phát hiện polyp là nội soi đại tràng.

Nội soi đại tràng là đưa ống soi qua hậu môn đi lên trực tràng và đại tràng, đi hết khung đại tràng của bệnh nhân. Hiện nay tại các trung tâm có phương pháp nội soi không đau, bệnh nhân được tiêm thuốc tiền mê, giúp bệnh nhân ngủ nhẹ, sau đó được nội soi hết khung đại tràng.

Bác sĩ nội soi sẽ quan sát hết trong lòng khung đại tràng để xem có xuất hiện polyp hay không. Nếu bệnh nhân có polyp bác sĩ sẽ xác định kích thước, vị trí và tư vấn cách điều trị polyp.

Một phương pháp gián tiếp là có thể nội soi ảo, bác sĩ cho bệnh nhân uống một viên thuốc, thực chất đó là con chip đưa vào đường tiêu hóa qua đường họng, đây là phương pháp không xâm lấn. Sau đó bác sĩ sẽ ghi hình khi viên thuốc chạy hết trong ruột non đến đại tràng. Cuối cùng viên thuốc sẽ đi ra ngoài theo đường hậu môn, phần mềm vi tính ghi nhận tất cả các thông tin và xác định trong lòng đại tràng có polyp hay không.

Tuy nhiên, đây là phương pháp ảo, nếu phát hiện polyp bệnh nhân cần nội soi thực tế từ hậu môn đi lên và có cách xử lý triệt để tùy theo vị trí, kích thước của polyp.

3. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến polyp đại trực tràng

Đâu là nguyên nhân khiến người bệnh mắc polyp đại trực tràng? Ai có nguy cơ mắc cao hơn, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Đến hiện tại y học vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân xuất hiện của polyp. Tuy nhiên theo thống kê trong các nghiên cứu trên thế giới, nhóm người dễ mắc polyp đại trực tràng có các yếu tố nguy cơ như sau:

  • Tuổi: Tuổi càng lớn, nguy cơ polyp càng cao, đặc biệt là người từ 50 tuổi.
  • Các bệnh nhân béo phì, ít vận động; bệnh nhân tiểu đường; người dùng chất kích thích đường tiêu hóa như rượu bia, thuốc lá…
  • Quan hệ huyết thống: Đây là nhóm bệnh nhân cần chú ý cao nhất nếu người đó có người thân trực hệ bị polyp hoặc bị ung thư đại trực tràng. Ví dụ, bệnh nhân có anh, chị, em ruột, cha, mẹ hoặc ông bà nội, ngoại bị ung thư trực tràng hoặc bị polyp thì bệnh nhân sẽ nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Vì vậy phải theo dõi cùng bác sĩ tiêu hóa để được tầm soát tốt polyp cho bệnh nhân.

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu - Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân

4. Người có nguy cơ cao bao lâu nên tầm soát polyp và các bệnh tiêu hóa?

Với những người có các yếu tố nguy cơ trên, khi nào họ cần đi khám để tầm soát polyp đại tràng hoặc một số bệnh tiêu hóa phức tạp hơn, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Với những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, khuyến cáo bệnh nhân nên đến bác sĩ tiêu hóa để được tầm soát và xem mức độ nguy cơ cao hay thấp.

Đối với người trên 50 tuổi, bác sĩ sẽ nội soi tiêu hóa hoặc bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ khuyên bệnh nhân đi nội soi đại tràng, trực tràng để xác định có polyp hay không. Nếu bệnh nhân không có polyp, thời gian nội soi tầm soát có thể xa hơn khoảng 3-5 năm một lần.

Những bệnh nhân có triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa như đi cầu phân đen, thay đổi thói quen đi cầu. Ví dụ một ngày bệnh nhân đi cầu một lần là bình thường, tuy nhiên nếu 2 ngày bệnh nhân mới đi cầu một lần được gọi là táo bón, hoặc một ngày đi cầu 3-4 lần, phân loãng, nhiều đàm nhớt… những nhóm bệnh nhân này sẽ được bác sĩ khuyên đi nội soi đại trực tràng để tầm soát polyp và các bệnh lý khác của đại trực tràng.

5. Bốn loại polyp đại trực tràng hiện nay

Polyp đại trực tràng được chia thành mấy loại? Trong đó loại nào nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta? Liệu polyp đại trực tràng có hóa ung thư hay không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Polyp đại trực tràng có thể chia làm 4 loại lớn:

Polyp tuyến ống: Đây là polyp mà cấu trúc vẫn còn giữ như bình thường của đại tràng. Một điều may mắn là tần suất của polyp tuyến ống trong đại tràng, trực tràng chiếm đến 70%. Polyp tuyến ống có nguy cơ ác tính rất thấp.

Polyp dạng viêm: Một số trường hợp bị viêm nhiễm đại trực tràng lâu ngày làm tăng sinh thành polyp. Tuy nhiên loại polyp này nguy cơ ác tính thấp.

Polyp tăng sản và polyp loạn sản: Hai loại này có cấu trúc tế bào polyp thay đổi, bắt đầu có chuyển hóa bất thường tăng sản, loạn sản, một số trường hợp sẽ nghịch sản, đó là tổn thương tiền ung thư. Một số trường hợp khác sẽ chuyển thành ung thư tùy theo thời gian phát hiện và thời gian có polyp, nguy cơ ác tính càng lâu tỷ lệ ung thư càng cao.

6. Polyp không phát hiện sớm có thể chuyển biến thành ung thư

Nếu bệnh nhân không phát hiện polyp sớm và điều trị kịp thời, những di chứng về sau phải đối mặt là gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Nếu đã phát hiện polyp nhưng không điều trị hoặc không phát hiện polyp để nó phát triển to sẽ gây ra một số biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa; bệnh nhân bị ra máu nhiều; tắc đường ruột làm bệnh nhân đau bụng, chướng bụng, việc này khiến bệnh nhân phải được phẫu thuật cấp cứu.

Hoặc một polyp để nhiều năm sẽ sẽ chuyển thành ung thư đại trực tràng, trường hợp này điều trị rất khó khăn và ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Tùy theo ung thư phát hiện sớm hay muộn mà bệnh nhân được điều trị kết quả tốt hoặc không tốt.

7. Dựa vào kết quả nội soi bác sĩ sẽ chỉ định thời tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa

Để phát hiện sớm polyp, bệnh nhân cần tầm soát thế nào đối với các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có polyp đại trực tràng, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Đối với tầm soát polyp đại trực tràng, trước tiên bác sĩ tiêu hóa sẽ đánh giá bệnh nhân có thuộc nhóm nguy cơ cao bị polyp đại trực tràng hay không. Để đánh giá, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố gia đình, chế độ ăn uống, thói quen đi cầu, béo phì, tiểu đường… sau đó bác sĩ có một chiến lược tầm soát bằng cách nội soi đại tràng cho bệnh nhân.

Tùy vào kết quả bệnh nhân có polyp hay không để chỉ định nội soi lặp lại, có thể từ 1-5 năm. Vấn đề này sẽ tùy vào tình huống để bác sĩ tư vấn trực tiếp, cụ thể cho bệnh nhân.

8. Điều trị polyp đại trực tràng có những phương pháp nào?

Khi đã chẩn đoán được bệnh nhân có polyp đại trực tràng, hướng xử trí sẽ có những phương pháp nào để điều trị? Trong đó tại Bệnh viện Bình Dân, phương pháp nào được áp dụng chủ yếu và hiện đại nhất, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Khi nội soi phát hiện polyp đại trực tràng, kích thước polyp khoảng từ 5mm trở lên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân cắt polyp bằng nội soi. Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ vào và cắt polyp, sau đó bác sĩ tiến hành sinh thiết xem polyp lành tính hay ác tính.

Trường hợp polyp lành tính, việc điều trị đã hoàn thành, bệnh nhân được chỉ định tái khám định kỳ, tầm soát xem polyp có mọc lại hay không.

Một số trường hợp polyp quá to, không thể cắt nội soi qua đường tiêu hóa, hoặc sinh thiết polyp ra ung thư, bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân lên khoa ngoại tiêu hóa để phẫu thuật cắt một đoạn đại tràng hoặc trực tràng.

Hiện nay việc phẫu thuật có thể áp dụng một trong hai phương pháp là phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật robot để lấy hết ung thư và rễ ung thư. Đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân sẽ được cải thiện, nguy cơ tái phát giảm ở mức tối thiểu.

9. Polyp có thể mọc lại tại vị trí cắt hoặc vùng khác

Câu hỏi của bạn đọc gửi về AloBacsi: Gần đây em có đưa mẹ đi nội soi tiêu hóa và phát hiện polyp đường kính 2cm, khối polyp đã được loại bỏ khi nội soi, kết quả sinh thiết lành tính. BS cho em hỏi về sau polyp có tái phát hoặc xuất hiện mới hay không? Hiện tại em có thể làm gì cho mẹ ạ BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Phác đồ theo dõi sau khi cắt trọn polyp và kết quả sinh thiết lành tính, bác sĩ sẽ theo dõi 6 tháng, bệnh nhân được nội soi lại để kiểm tra polyp, chân polyp hoặc các vị trí khác có xuất hiện polyp hay không. Nếu sau 6 tháng nội soi lại tình trạng vẫn tốt thì thời gian nội soi lại có thể giãn ra khoảng 1-2 năm sau đó.

Bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao, polyp có thể mọc lại ở vị trí cắt hoặc những vị trí khác trên đại tràng, vì vậy cần theo dõi sát phác đồ của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

10 Hướng dẫn phòng ngừa polyp đại trực tràng

Bệnh nhân cần làm gì để giảm nguy cơ polyp đại trực tràng, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu trả lời: Phương pháp phòng ngừa polyp đại trực tràng như sau:

Thứ nhất, xem bản thân có thuộc nhóm nguy cơ cao hay không. Nếu nằm trong nhóm nguy cơ cao, nguyên nhân khách quan không là ngăn chặn được là nhóm trực hệ, anh chị em ruột, ba, mẹ, ông bà nội ngoại bị polyp, bệnh nhân cần theo dõi sát theo bác sĩ, đi nội soi tầm soát theo chỉ định của bác sĩ.

Một số nguy cơ cao khác có thể ngăn chặn được như rượu bia, thuốc lá, bệnh nhân cần hạn chế để giảm nguy cơ.

Thứ hai, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục, thể thao, hạn chế tăng cân quá mức so với mức bình thường. Nếu bị tiểu đường cần theo dõi với bác sĩ tiểu đường để kiểm soát tốt đường huyết… Đó là những yếu tố có thể kiểm soát giúp giảm nguy cơ bị polyp đại trực tràng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X