Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật thoát vị bẹn, nên lựa chọn nội soi hay mổ mở?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú - Khoa Ngoại tiêu hóa - Bệnh viện Bình Dân TPHCM đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến thoát vị bẹn và giải pháp điều trị, trong đó có mổ mở, mổ nội soi.

1. Thoát vị bẹn thường gặp ở độ tuổi nào, nguyên nhân do đâu?

Trước tiên nhờ BS giải thích để khán thính giả hiểu rõ hơn: Thoát vị bẹn là gì, thường gặp ở độ tuổi nào?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Thoát vị bẹn là bệnh lý lành tính, thường gặp nhất trong số các thoát vị thành bụng. Tạng thoát vị xa chủ yếu thường gặp là ruột non, mạc nối lớn, đôi khi có gặp đại tràng, thậm chí buồng trứng, phần phụ.

Độ tuổi thường gặp tùy theo loại thoát vị. Nếu là thoát vị bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo thống kê, khoảng 30% trẻ nhỏ mới sinh có thoát vị bẹn và phần lớn trong số đó sẽ tự hết trong 3-6 tháng đầu sau khi sinh. Nếu là thoát vị mắc phải thì thường gặp ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi, phần lớn gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Nguyên nhân nào dẫn đến thoát bị bẹn ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thoát vị bẹn mắc phải thường là bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng, chẳng hạn như báng bụng; xơ gan; bệnh nhân ho kéo dài trong bệnh cảnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh nhân cần gồng bụng, gắng sức nhiều, đặc biệt là nam giới lao động và cần dùng lực bụng nhiều (người làm nghề bốc vác, người tập thể hình).

2. Thoát vị ở các vị trí khác nhau có làm thay đổi chiến lược điều trị?

Thoát vị bẹn thường xảy ra ở vị trí nào thưa BS? Có trường hợp nào ghi nhận thoát vị bẹn xảy ra ở nhiều vị trí trên cùng một người không ạ? Việc phát hiện ở các vị trí khác nhau có làm thay đổi chiến lược điều trị?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Vị trí của thoát vị thường gặp nhất là ở vùng bẹn và vùng bẹn-bìu, có thể một bên hoặc hai bên. Nếu thoát vị bẹn một bên có thể lựa chọn phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Nhưng đối với những trường hợp thoát vị bẹn hai bên hoặc thoát vị bẹn ở nữ thì ưu tiên phẫu thuật nội soi để phục hồi thành bụng cho bệnh nhân.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú - Khoa Ngoại tiêu hóa - Bệnh viện Bình Dân TPHCM giải đáp các thắc mắc liên quan đến thoát vị bẹn

3. Dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn là gì?

Nhận biết thoát vị bẹn qua những dấu hiệu nào thưa BS? Khi xuất hiện những triệu chứng này, người bệnh nên thăm khám ở khoa nào?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân thoát vị bẹn là có khối phồng ở vùng bẹn - bìu, xuất hiện khi đứng hoặc gắng sức và xẹp khi nằm nghỉ. Đây là trường hợp bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng. Một số triệu chứng mơ hồ hơn có thể gặp phải đó là có những cơn đau không giải thích được ở vùng bẹn hoặc đôi khi chỉ là cảm giác nóng, rát ở vùng bẹn.

4. Chẩn đoán thoát vị bẹn bằng xét nghiệm, kỹ thuật nào?

Người bệnh sẽ được làm những xét nghiệm, kỹ thuật nào để chẩn đoán thoát vị bẹn ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Để chẩn đoán thoát vị bẹn, quan trọng nhất là thăm khám ban đầu. Bác sĩ có thể sử dụng những nghiệm pháp như Valsalva, bệnh nhân sẽ gồng bụng, gắng sức để kiểm tra vùng bẹn-bìu có bị yếu không, có tạng xa thoát vị không. Nếu cần sẽ làm thêm siêu âm doppler bẹn bìu. Trong trường hợp khó chẩn đoán, để chẩn đoán phân biệt với bệnh lý khác có thể thực hiện thêm CT, MRI.

5. Hiện nay có các phương pháp điều trị thoát vị bẹn nào?

Hiện nay có những phương pháp nào điều trị thoát vị bẹn? Trong đó, trường hợp nào có thể điều trị nội khoa, trường hợp nào cần phẫu thuật thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Đến thời điểm hiện tại, với hầu hết các bệnh nhân bị thoát vị bẹn, bác sĩ đều khuyên nên phẫu thuật. Chỉ điều trị bảo tồn với một số ít trường hợp như trẻ nhỏ tuổi, khối thoát vị nhỏ, hoặc ở người quá lớn tuổi có nhiều bệnh nền không đảm bảo sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.

Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật để phục hồi thành bụng ở những bệnh nhân thoát vị bẹn. Thông dụng nhất là mổ mở và mổ nội soi có sử dụng mảnh ghép bằng vật liệu nhân tạo.

6. Làm sao nhận biết thoát vị bẹn bị nghẹt?

Như BS vừa chia sẻ, khi thoát vị bị kẹt hoặc bị nghẹt thì cần phẫu thuật. Xin hỏi BS, làm sao để nhận biết các tình huống này để đến bệnh viện ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Với những bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị bẹn hoặc nghi ngờ thoát vị bẹn mà chưa có điều kiện phẫu thuật, trong quá trình theo dõi và tự điều trị bảo tồn tại nhà cần chú ý những dấu hiệu: đau bụng, đau bụng quặn cơn, bụng chướng to, bí trung đại tiện kéo dài, đau tại vị trí khối phồng bẹn bìu hoặc phối phồng bẹn bìu sưng to và không đẩy lên được thì cần đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất, tránh trường hợp thoát bị nghẹt.

7. Ưu điểm - nhược điểm khi mổ thoát vị bẹn nội soi và mổ mở?

Giữa mổ mổ và mổ nội soi, người bệnh nên lựa chọn giải pháp nào thưa BS? Nhờ BS chia sẻ cụ thể về ưu điểm - nhược điểm của mỗi phương pháp ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Về mổ mở và mổ nội soi, tỷ lệ tai biến-biến chứng gần cũng như xa sau mổ gần như không có sự khác biệt. Ưu thế của mổ nội soi đó là:

- Sẹo mổ nhỏ, tính thẩm mỹ, bệnh nhân sẽ ít đau và nhanh hồi phục hơn.

- Đặc biệt với những trường hợp thoát vị bẹn hai bên hoặc thoát vị bẹn ở nữ có thể khảo sát được cả hai bên trong một lần mổ và những sang thương khác ngoài thoát vị bẹn bìu. Bởi vì ở nữ đôi khi có thể kèm theo những thoát vị khác, chẳng hạn như thoát vị đùi.

8. Quy trình phẫu thuật thoát vị bẹn diễn ra thế nào?

Quy trình phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn tại Bệnh viện Bình Dân diễn ra như thế nào ạ?

- Trước khi phẫu thuật nội soi, người bệnh cần chuẩn bị những gì?

- Sau khi phẫu thuật, bao lâu người bệnh có thể xuất viện?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Quy trình chuẩn bị phẫu thuật với bệnh nhân thoát vị bẹn nói chung và thoát vị bẹn nội soi nói riêng cũng tương đối đơn giản. Bệnh nhân chỉ cần nhịn ăn vào ngày nhập viện để kiểm tra các vấn đề về tim, phổi và các xét nghiệm trước mổ. Nếu tình trạng ổn định, bệnh nhân có thể mổ vào ngày hôm sau, không cần nhịn ăn nhiều, có thể uống nước cho đến trước khi mổ 2-3 tiếng. Sau mổ khoảng 24 tiếng, bệnh nhân có thể xuất viện nếu tình trạng ổn định.

- Nên lưu ý những gì sau phẫu thuật, xuất viện, thưa BS? Bao lâu người bệnh có thể sinh hoạt như bình thường ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Sau phẫu thuật, tùy theo độ hồi phục của bệnh nhân cũng như mức độ đau thì có thể tập vận động từ từ. Thông thường sau khoảng 5-7 ngày bệnh nhân có thể quay lại với cuộc sống, sinh hoạt. Sau khoảng 4-6 tuần, bệnh nhân có thể vận động nặng trở lại.

9. Những yếu tố thúc đẩy nguy cơ tái phát thoát vị bẹn sau phẫu thuật?

Nguy cơ tái phát sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn như thế nào? Đâu là những yếu tố thúc đẩy nguy cơ tái phát, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Nguy cơ tái phát thoát vị bẹn sau phẫu thuật chủ yếu là do bệnh nhân không kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên: tình trạng tăng áp lực ổ bụng, ho kéo dài trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn hoặc bệnh nhân có vấn đề về đường tiết niệu, táo bón lâu ngày. Sau mổ, nếu bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ, bác sĩ cần chú ý để hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh, tránh tái phát.

10. Tái phát thoát vị bẹn sau mổ hở, tiếp tục mổ nội soi được không?

Trong trường hợp lần đầu tiên người bệnh mổ mở và tái phát, sau đó có thể lựa chọn phương pháp mổ nội soi được không thưa BS? Như vậy có làm ảnh hưởng đến hiệu quả, tỷ lệ thành công không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Nếu bệnh nhân đã mổ mở và tái phát, theo khuyến cáo của y văn, lần sau khi mổ lại nên lựa chọn ngả tiếp cận khác đó là nội soi. Ở những bệnh nhân mổ nội soi lại sau khi mổ mở bị tái phát hầu như không khác biệt so với mổ nội soi lần đầu, tỷ lệ tái phát, tai biến-biến chứng sau mổ cũng như bệnh nhân mổ nội soi ngay từ lần đầu.

11. Chi phí phẫu thuật thoát vị bẹn có được BHYT chi trả?

Chi phí phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn khoảng bao nhiêu thưa BS? Phương pháp điều trị này có được BHYT thanh toán?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Phẫu thuật thoát vị bẹn vẫn được BHYT thanh toán theo danh mục. Nếu mổ nội soi một bên sẽ cao hơn mổ mở khoảng 10% về chi phí. Nếu mổ hai bên thì chi phí phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở ngang nhau.

12. Phòng ngừa thoát vị bẹn như thế nào?

Cần làm gì để phòng ngừa thoát vị bẹn thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thanh Lâm Phú trả lời: Chúng ta đã biết các yếu tố nguy cơ có thể gây ra thoát vị: táo bón kéo dài, nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến và rối loạn đường tiết niệu, hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Vì vậy, để phòng bệnh nên kiểm soát các bệnh nền, bỏ thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, chất xơ cải thiện tình trạng táo bón và điều trị tiền liệt luyến để tránh bị bí tiểu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X