Hotline 24/7
08983-08983

Phần 2 - Hiểu biết về loãng xương: Từ dấu hiệu nhận diện, đến điều trị và phòng ngừa

Theo BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng Khoa – Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh lý loãng xương chưa được quan tâm đúng mức mặc dù có thể gây ra nhiều biến chứng và là gánh nặng về y tế. Chính vì vậy, bác sĩ đã có những chia sẻ để giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh loãng xương, từ đó nhận biết sớm và phòng ngừa bệnh tốt hơn.

8. Bổ sung canxi và vitamin D cho người bệnh loãng xương bao nhiêu là đủ?

Như BS vừa đề cập, bệnh nhân cần bổ sung canxi và vitamin D để hỗ trợ điều trị. Mong bác sĩ cho biết nhu cầu canxi, vitamin D phù hợp với người bệnh và hiệu quả ra sao trong điều trị loãng xương ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Bổ sung vitamin D và canxi là một phần rất quan trọng trong liệu pháp điều trị loãng xương.

Do đó, bệnh nhân cần đảm bảo nhận đủ lượng canxi khoảng 1.000 - 1.200mg/ngày và vitamin D khoảng 800 - 1.000 IU/ngày.

Vitamin D có vai trò quan trọng trong điều trị loãng xương, giúp tăng hấp thu canxi từ hệ tiêu hóa và tăng đáp ứng với thuốc điều trị loãng xương. .

Người Việt Nam ở vùng nhiệt đới nhưng vẫn cần cung cấp thêm vitamin D vì vitamin D được sản xuất từ việc hấp thu ánh mặt trời qua da để chuyển hóa nhưng với thói quen che chắn quá kỹ, cũng như người lớn tuổi mức độ hoạt động tế bào để chuyển hóa vitamin D  không cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D.

9. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có đủ vitamin D để phòng ngừa loãng xương?

Theo thông tin BS chia sẻ, vitamin D rất quan trọng trong việc điều trị loãng xương. Việt Nam khí hậu nhiệt đới, mỗi ngày chỉ cần tiếp xúc ánh sáng mặt trời thì có đủ bổ sung vitamin D để phòng ngừa và điều trị bệnh này không, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Mặc dù tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể sản sinh vitamin D, nhưng lượng vitamin D tổng hợp phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, vị trí địa lý, màu da và mức độ che phủ của da.

Nhiều người thường không nhận đủ vitamin D từ ánh nắng, đặc biệt trong mùa đông hoặc thói quen ít sinh hoạt ngoài trời, che chắn kín khi đi ra ngoài.

Vì vậy, cần bổ sung vitamin D dạng uống hằng ngày, đặc biệt là người bị loãng xương. Hiện nay, có dạng thuốc điều trị loãng xương có sẵn vitamin D giúp cung cấp đủ nhu cầu vitamin D hằng ngày.

10. Thời gian điều trị loãng xương trung bình là bao lâu?

Một trong những mối bận tâm lớn nhất của bệnh nhân là thời gian điều trị. Xin BS cho biết, thời gian điều trị loãng xương trung bình là bao lâu? Sau thời gian đó, bệnh nhân cần thực hiện những bước gì tiếp theo? 

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Trung bình thời gian tối thiểu để bệnh nhân điều trị loãng xương là từ 3 - 5 năm. Cụ thể, điều trị thông thường là 5 năm đối với thuốc uống và 3 năm đối với thuốc truyền tĩnh mạch.

Bệnh nhân cần đo mật độ xương khi bắt đầu điều trị bằng phương pháp DEXA. Sau 1-2 năm, bác sĩ sẽ cho đo lại để đánh giá tình trạng hiện tại của bệnh nhân và đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

Trong quá trình điều trị sử dụng thuốc, nếu bệnh nhân có tác dụng phụ nên trở lại cơ sở y tế để được xác định và có hướng xử trí tiếp theo.

11. “Không nên để bước vào tuổi già mới quan tâm đến sức khỏe khung xương”

Với người trẻ cần có lối sống như thế nào để có khung xương khỏe mạnh nhằm phòng ngừa bệnh loãng xương? Và cần chú ý chế độ tập luyện thể thao ra sao để nâng cao sức khỏe bản thân?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh. Không nên đợi đến khi bước vào tuổi già mới quan tâm đến sức khỏe của khung xương, mà ngay từ lúc còn trẻ nên thực hiện những biện pháp sau:

- Duy trì chế độ dinh dưỡng: Tăng cường chế độ ăn giàu canxi và vitamin D.

- Xây dựng lối sống lành mạnh: Hạn chế thói quen xấu như hút thuốc lá vì làm giảm mật độ xương, không nên lạm dụng rượu bia quá mức sẽ làm tăng nguy cơ té ngã.

- Tập luyện thể thao: Nên tập những bài tập chịu sức nặng của cơ thể (weight bearing exercise) nhằm tăng cường sức mạnh của cơ, từ đó giúp tăng mật độ xương. Nghiên cứu đã cho thấy hoạt động thể lực thường xuyên có lợi cho vi cấu trúc xương. Tăng cường tập luyện những môn thể thao như gym, yoga giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tăng cường sức mạnh cơ và giảm nguy cơ té ngã (đặc biệt là đối với người cao tuổi).

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra mật độ xương và thăm khám cùng bác sĩ để tầm soát tình trạng sức khỏe xương, đặc biệt nếu bạn có yếu tố nguy cơ bệnh loãng xương sẽ có hướng điều trị và theo dõi sớm trước khi tình trạng loãng xương xảy ra.

12. Canxi, vitamin D và nhóm thuốc bisphosphonate - Bộ 3 đồng hành trong điều trị loãng xương

Xin phép nhờ bác sĩ tư vấn giúp em, bệnh nhân loãng xương chỉ cần uống canxi và vitamin D là được có đúng không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Khi đo mật độ xương sẽ dựa trên kết quả của T-score để đánh giá. Kết quả này có 3 mức: Bình thường - Thiếu xương - Loãng xương.

Canxi và vitamin D đơn thuần chỉ nên được sử dụng cho những bệnh nhân thiếu xương. Nghĩa là mật độ xương bắt đầu giảm nhưng chưa đến ngưỡng được chẩn đoán loãng xương.

Khi đã được chẩn đoán loãng xương, bên cạnh chỉ định uống canxi với vitamin D thì bắt buộc phải sử dụng nhóm thuốc điều trị loãng xương

13. Viên uống kết hợp thuốc điều trị và vitamin D có lợi cho người bệnh loãng xương

Khi uống thuốc điều trị loãng xương có sẵn vitamin D, có thể uống cùng lúc với viên canxi và viên vitamin D riêng nữa được không?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Điều này rất tốt, vì nghiên cứu cho thấy viên thuốc điều trị loãng xương có phối hợp thêm vitamin D sẽ giúp quá trình hấp thu vitamin D tốt hơn uống mỗi ngày.

Nồng độ gây ngộ độc vitamin D rất cao nên việc bổ sung vitamin D một ngày với liều từ 400 - 800 hoàn toàn có lợi cho người bệnh và không gây ra biến cố không mong muốn.

14. Đau nhức cổ tay và đau ngang thắt lưng có phải là loãng xương không?

Thưa BS, mẹ của tôi năm nay 64 tuổi, bà bị bệnh cao huyết áp và thiếu máu cơ tim, đã uống được 5 năm nay. Gần đây, bà thường đau nhức cổ tay và đau ngang thắt lưng nên ít đi lại và hạn chế làm việc nhà, tôi ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau cho mẹ uống cũng không đỡ. Xin BS cho biết có phải mẹ của tôi bị loãng xương không và tôi cần làm gì để mẹ của tôi hết bệnh?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Loãng xương không gây triệu chứng đau, trừ khi có biến cố gãy xương. Như vậy, nếu đau khớp cổ tay mà không bị biến dạng thì có thể liên quan đến vấn đề viêm gân quanh cổ tay dẫn đến đau nhiều khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi, do đó ảnh hưởng về mặt làm việc của bệnh nhân.

Đau ngang vùng thắt lưng, đa phần nếu không giảm chiều cao, không bị gù cột sống hoặc tính chất đau không cấp tính thì có thể loại nguyên nhân đau do gãy xương đốt sống liên quan đến loãng xương. Tình trạng đau này có thể liên quan đến thoái hóa cột sống hoặc tư thế làm việc.

Bạn nên đưa mẹ đến khám với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để được tư vấn cụ thể. Vì việc tự chẩn đoán sẽ gây hoang mang và dùng thuốc không đúng, tự ý mua thuốc giảm đau sẽ dễ tổn thương thận và tăng nguy cơ suy thận trên bệnh nhân có tăng huyết áp. Bên cạnh đó, nếu người bệnh không thể làm những công việc yêu thích hằng ngày sẽ gây ra stress, từ đó làm đáp ứng điều trị của thuốc kém hơn.

15. Khi nào người bệnh cần đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị loãng xương?

Thưa BS, bà của tôi năm nay 78 tuổi, 3 tháng trước sau khi trượt chân bà bị gãy cổ xương đùi và được chẩn đoán là gãy xương do loãng xương. Bác sĩ chỉnh hình đã phẫu thuật cho bà và khuyên bà nên đến bệnh viện khám lại để điều trị loãng xương sau khi xuất viện.

Hiện nay, bà đã ra viện, còn yếu và đang tập đi lại trong nhà nhưng bà không chịu đến bệnh viện để thăm khám bệnh loãng xương vì rất sợ tiêm chích, do lúc nằm viện bà bị viêm phổi nên đã chích kháng sinh nhiều. Nhờ BS góp ý giúp tôi làm thế nào để thuyết phục bà đến bệnh viện để điều trị loãng xương?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Bạn có thể thuyết phục bà là chỉ đến khám và ra về, không phải tiêm thuốc. Hoặc thuyết phục bà đến kiểm tra khớp đã phẫu thuật, nhân tiện đưa bà đến chuyên khoa Cơ xương khớp.

Bà chỉ cần đến khám bệnh lần đầu tiên để nghe bác sĩ tư vấn cụ thể và có toa thuốc. Những lần sau người nhà có thể tự mua theo toa nếu chức năng gan thận của bà bình thường. Chỉ cần gặp bác sĩ 1 - 3 lần/năm để thăm khám lại và đo mật độ xương để đánh giá hiệu quả của thuốc, bà sẽ dễ dàng hợp tác hơn.

16. Đau ở xương sống vùng thắt lưng có phải là thoát vị đĩa đệm hay loãng xương không?

Tôi năm nay 68 tuổi, bị tiểu đường hơn 8 năm và đang tiêm insulin hơn 2 năm nay. Khoảng 1 tháng trước tôi thấy đau ở xương sống vùng thắt lưng tôi nghĩ do mình khiêng đồ hơi nặng nên đau lưng, tôi đã mua thuốc uống giảm đau và thoa giảm đau ngoài da. Tôi nghĩ chắc mình bị đau cơ nhưng vẫn đau âm ỉ kéo dài làm tôi khó vận động, xoay trở dù vẫn đi lại được. Dược sĩ ở nhà thuốc gần chỗ tôi khuyên tôi đi khám xem có bị thoát vị đĩa đệm hay loãng xương không, mong BS cho tôi lời khuyên ạ.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Muốn chẩn đoán thoát vị đĩa đệm hay loãng xương cần hiểu rõ về triệu chứng.

Ví dụ đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm sẽ lan xuống vùng mông, mặt sau hoặc mặt bên của chân lan xuống cổ chân và gia tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

Nếu bệnh nhân chỉ đau đơn thuần ở vùng ngang thắt lưng thì có thể yên tâm đây không phải là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh đó, loãng xương không gây ra triệu chứng nên có thể loại được nguyên nhân này, tuy nhiên có thể gây triệu chứng đau lưng cấp nếu có xẹp đốt sống.

Vì vậy, nên đi khám để được chụp X-quang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng để đánh giá tình trạng cột sống vì đau lưng có thể gây trượt đốt sống, thoái hóa cột sống. Bên cạnh đó, với độ tuổi này cần đo mật độ xương để có câu trả lời chính xác.

Cảm ơn BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

>>> Phần 1: Hiểu biết về loãng xương: Từ dấu hiệu nhận diện, đến điều trị và phòng ngừa

>>> Xem lại chương trình đã phát

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt.

Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X