Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu biết về loãng xương: Từ dấu hiệu nhận diện, đến điều trị và phòng ngừa

Theo BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh lý loãng xương chưa được quan tâm đúng mức mặc dù có thể gây ra nhiều biến chứng và là gánh nặng về y tế. Chính vì vậy, bác sĩ đã có những chia sẻ để giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh loãng xương, từ đó nhận biết sớm và phòng ngừa bệnh tốt hơn.

1. Mỗi 3 giây sẽ có 1 người bị gãy xương do loãng xương

Mở đầu chương trình, xin BS Huyền Trân cho biết tình hình bệnh loãng xương trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay ra sao?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Nhiều người cho rằng bệnh lý loãng xương không nguy hiểm. Tuy nhiên, hàng năm bệnh loãng xương gây ra hơn 8,9 triệu trường hợp gãy xương. Trung bình mỗi 3 giây trôi qua sẽ có 1 người gãy xương do loãng xương.

Trung bình cứ 3 người nữ giới trên 50 tuổi bị loãng xương, sẽ có 1 người bị gãy xương do loãng xương. Trung bình cứ 5 người nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương, sẽ có 1 người bị gãy xương do loãng xương.

Tại Việt Nam có đến 3,6 triệu người bị loãng xương. Tỷ lệ loãng xương tại TPHCM là 17% và Hà Nội là 23%. Tỷ lệ loãng xương sẽ tăng dần theo tuổi: từ 50 - 70 có hơn 19% phụ nữ và 3% nam giới bị loãng xương; trên 70 tuổi sẽ có khoảng 59% phụ nữ và gần 20% nam giới bị loãng xương.

Vì thể tích xương sẽ giảm dần theo độ tuổi. Ở nam từ 20 - 70 tuổi thể tích xương sẽ mất khoảng 17% nhưng tỷ lệ này là 40% ở nữ. Tuy nhiên, khi qua 70 tuổi tỷ lệ này sẽ tăng rất nhanh có thể lên đến 2%/năm. Do đó, trên 70 tuổi tỷ lệ nam giới mắc bệnh loãng xương sẽ tăng cao hơn so với độ tuổi trước đó.

2. Loãng xương nguy hiểm thế nào và đưa đến gánh nặng gì cho xã hội?

Qua các con số thống kê nói trên, chúng ta có thể thấy tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng nhiều. Xin BS cho biết thêm căn bệnh này có nguy hiểm không, ảnh hưởng sức khỏe ra sao? Và điều này mang lại gánh nặng gì cho xã hội?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Người dân thường quan tâm đến những bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ hoặc các bệnh lý về tim mạch… Trong khi đó, loãng xương là một bệnh lý mãn tính thường bị bỏ qua nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:

- Biến chứng của loãng xương là gãy xương, từ đó bệnh nhân hạn chế vận động, nằm một chỗ làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt đối với trường hợp gãy cổ xương đùi sẽ làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, từ đó tăng tỷ lệ tử vong.

- Ngoài ra, khi đã có biến chứng bệnh nhân sẽ mang tâm lý và cảm xúc tiêu cực. Việc sống phụ thuộc vào người khác và đau nhức có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu và căng thẳng tâm lý.

Gánh nặng về chi phí y tế của bệnh loãng xương nặng đã có biến chứng:

- Theo Hiệp hội Loãng xương Quốc tế, tình trạng gãy xương do loãng xương khiến cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu tiêu tốn 400 tỷ USD và chiếm khoảng 3% chi phí chăm sóc sức khỏe.

- Nếu không được quan tâm đúng mức, đến năm 2050, chi phí cho gãy xương do loãng xương sẽ tăng gấp đôi.

- Gánh nặng tài chính gây ra loãng xương cao hơn so với nhiều bệnh khác. Ví dụ, tại châu Âu, năm 2015, chi phí chăm sóc sức khỏe do loãng xương là 37.4 tỷ euro, cao hơn chi phí cho các bệnh khác (20 tỷ euro cho đột quỵ, 19 tỷ euro cho bệnh tim mạch).

3. Phân loại loãng xương

Dựa vào các con số chi phí y tế mà BS vừa đề cập, Bệnh loãng xương không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người dân mà còn tác động đến hệ thống an sinh xã hội. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng loãng xương, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Nguyên nhân gây ra loãng xương có thể được phân chia thành hai loại là nguyên phát và thứ phát.

Loãng Xương nguyên phát:

- Tuổi tác: Khi con người già đi, mật độ xương tự nhiên giảm. Thiếu estrogen trên phụ nữ sau mãn kinh; nam giới sau 50 tuổi có nguy cơ bị loãng xương cao.

- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ cao hơn bị loãng xương so với nam giới, đặc biệt là sau mãn kinh.

- Di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc loãng xương có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Chế độ dinh dưỡng: Ngoài ra thói quen ăn uống cũng những chế độ sinh hoạt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương. Những người có chế độ ăn thiếu vitamin D, canxi hay lối sống sinh hoạt (ít hấp thụ ánh nắng, bữa ăn ít đa dạng) làm tăng nguy cơ loãng xương của người Việt.

- Lối sống: Thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức đều có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương.

 Loãng xương thứ phát:

- Bệnh lý: Cường giáp, cường cận giáp; Bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt trên những bệnh nhân cắt dạ dày khả năng hấp thu sẽ kém suy, bệnh nhân xơ gan; Một số bệnh lý ít gặp hơn và cần chẩn đoán chuyên khoa như đa u tủy, bệnh thận mạn; viêm khớp dạng thấp,…

-Sử dụng lâu dài các thuốc có thành phần như Glucocorticoid, Levothroxine, Phenobarbital, Phenytoin, Carbamazepine,..

4. Triệu chứng cảnh báo bệnh loãng xương

Thưa BS, người bệnh thường không nhận ra mình mắc loãng xương và họ cũng không phân biệt được các dấu hiệu nào rõ rệt. Vậy những triệu chứng nào giúp nhận biết tình trạng loãng xương?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Loãng xương là một bệnh cảnh diễn tiến rất âm thầm. Loãng xương thường chỉ biểu hiện những triệu chứng đầu tiên khi xuất hiện tình trạng gãy xương do loãng xương.

Vị trí gãy xương thường gặp như cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, đầu xương cẳng tay.

Khi thấy ông bà ở nhà từ từ giảm chiều cao, lưng còng xuống đó là gãy xương đốt sống do loãng xương. Nhưng đôi khi vì xảy ra cấp tính hoặc bán cấp tính nên người bệnh không có cảm giác đau quá mức, chỉ thấy cơ thể lùn dần đi và lưng còng hơn.

Vì vậy, có thể nói loãng xương nguy hiểm vì không có triệu chứng. Đây là lý do chúng ta cần quan tâm đến tình trạng loãng xương ở các độ tuổi nhất định.

5. Đo mật độ xương bằng DEXA để chẩn đoán loãng xương

Để biết chính xác có mắc bệnh loãng xương hay không, theo BS, bệnh nhân nên làm gì?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Để biết chính xác có bị loãng xương hay không, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có máy đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA để được chẩn đoán xác định loãng xương theo tiêu chuẩn của WHO.

Lưu ý rằng các máy siêu âm đo gót chân hoặc cổ tay thường được sử dụng để tầm soát trong cộng đồng, không mang ý nghĩa chẩn đoán xác định bệnh loãng xương.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác nếu cần thiết để chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

6. Ai cần tầm soát loãng xương?

Vậy những ai nên được tầm soát để chẩn đoán bệnh loãng xương, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Những nhóm người được khuyến nghị tầm soát loãng xương gồm:

- Phụ nữ sau mãn kinh khoảng 2 năm, nam giới trên 50 tuổi có yếu tố nguy cơ gãy xương hoặc đã gãy xương.

- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,…, những bệnh lý cần điều trị lâu dài phải sử dụng corticoid >5mg/ngày liên tục trên 3 tháng.

Nếu thuộc một trong các nhóm trên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được đánh giá và tư vấn tầm soát, chẩn đoán kịp thời.

7. Điều trị loãng xương cần lưu ý những gì?

Dựa trên chia sẻ vừa rồi của BS Trân, chúng ta có thể thấy rằng bệnh loãng xương thường bị bỏ qua do khó nhận biết. Vì vậy, bệnh nhân cần nâng cao ý thức về việc tầm soát để có thể chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời. Thưa BS, đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, thì việc điều trị nên cần chú ý gì?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, việc điều trị cần theo chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay, có nhiều thuốc điều trị loãng xương dưới nhiều dạng dùng đường uống 1 lần/tuần; đường uống 1 lần/tháng hoặc đường truyền tĩnh mạch 1 năm 1 lần thuận tiện cho bệnh nhân.

Lợi ích của thuốc đường uống: dễ thực hiện, bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà, chi phí thấp…

Việc lựa chọn phương thức dùng thuốc phù hợp sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân

Tuy nhiên khi sử dụng thuốc điều trị loãng xương, bệnh nhân cần bổ sung thêm canxi và vitamin D đầy đủ để hỗ trợ quá trình điều trị và khuyến khích hoạt động thể chất nhằm cải thiện tình trạng xương.

Hiện nay, có dạng thuốc điều trị loãng xương có sẵn vitamin D giúp đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vitamin D hằng ngày.

Trong quá trình điều trị, người bệnh nên đến bác sĩ để được theo dõi sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để đảm bảo chức năng thận tốt khi sử dụng thuốc, cũng như được hướng dẫn để phòng ngừa một số tác dụng phụ không mong muốn.

Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc nếu không có sự tư vấn và khám bệnh từ bác sĩ.

Cảm ơn BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

>>> Phần 2: Hiểu biết về loãng xương: Từ dấu hiệu nhận diện, đến điều trị và phòng ngừa

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt.

Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X