Hotline 24/7
08983-08983

Phải làm gì khi có polyp đường tiêu hóa?

Polyp ống tiêu hóa là những "nhú thịt dư" xuất hiện ở đường tiêu hóa trên và dưới, vị trí thường gặp nhất là dạ dày và đại tràng. AloBacsi nhận được rất nhiều thắc mắc của bạn đọc xung quanh căn bệnh này. ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng Đơn vị Tiêu hóa Gan mật - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giải đáp giúp mọi người.

I. Phân loại polyp đường tiêu hóa

Polyp đường tiêu hóa được phân loại như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Trong công việc hàng ngày cũng như thư từ bạn đọc gửi về AloBacsi, tôi đã gặp rất nhiều thắc mắc và lo lắng của bệnh nhân về polyp đường tiêu hóa.

Từ “polyp” này là từ nước ngoài, dịch ra tiếng Việt nghĩa là nhú thịt dư hoặc u lành. Nhú thịt dư này nằm trong ống tiêu hóa. Ở đường tiêu hóa trên là polyp dạ dày, polyp ruột non (hoặc còn gọi là polyp tá tràng); ở đường tiêu hóa dưới là polyp ruột già (hay còn gọi là polyp đại tràng).

Polyp dạ dày

Polyp đại tràng

Có 2 loại polyp: lành tính và ác tính, tức là từ lành tính chuyển sang ung thư giai đạn sớm và có thể diễn tiến thành ung thư giai đoạn muộn.

Ngoài ra còn có giả polyp hay polyp tăng sản, có nghĩa là quá trình viêm nhiễm ở đường tiêu hóa lâu ngày. Bạn có thể hiểu đơn giản là bề mặt đường tiêu hóa do viêm loét ruột, viêm loét dạ dày… lâu ngày làm chai sạn và hình thành những cục sần sùi, đây là những polyp tăng sản.

II. Cách điều trị polyp đường tiêu hóa

Việc điều trị polyp đường tiêu hóa trên và polyp đường tiêu hóa dưới có khác nhau không? Các bác sĩ sẽ xử trí như thế nào khi tìm thấy polyp trong quá trình nội soi tiêu hóa?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Polyp đường tiêu hóa trên, nói đơn giản là polyp dạ dày và một số ít ở ruột non, đã được nghiên cứu và chứng minh có khả năng chuyển sang ung thư thấp hơn hẳn so với polyp tiêu hóa dưới. Do đó, nếu bạn đã được bác sĩ chẩn đoán là polyp dạ dày thì nên an tâm, bởi thống kê cho thấy tỷ lệ polyp ở dạ dày chuyển sang ung thư rất thấp.

Polyp ở đại tràng (hay polyp đường tiêu hóa dưới) về lâu dài có tỷ lệ cao chuyển thành ung thư.

Việc điều trị không có gì khác nhau. Cách đơn giản nhất là cắt bỏ polyp. Với những polyp nhỏ, đơn giản, các bác sĩ sẽ đưa những dụng cụ qua máy nội soi như kèm, kéo, và thực hiện cắt tại chỗ. Với những polyp to hơn, phức tạp hơn, bác sĩ phải đưa thòng lọng, đốt điện, thậm chí sau khi cắt xong phải kẹp lại, may vá lại vết cắt qua nội soi.

Sau đó, những mẫu polyp đã cắt ra sẽ được mang đi phân tích dưới kính hiển vi (sinh thiết) để đảm bảo bệnh nhân không mắc ung thư.

Có những trường hợp giả polyp, hay còn gọi là polyp tăng sản, bằng mắt thường, máy nội soi hiện đại và kinh nghiệm của bác sĩ nội soi, chỉ cần nhìn qua có thể dự đoán mà không cần cắt trọn.

Polyp tăng sản là những polyp do tổn thương dạ dày hoặc ruột lâu ngày và sần lên, hoàn toàn không có nguy cơ ung thư. Do đó, kinh nghiệm bác sĩ là rất quan trọng, họ sẽ nhận định lúc khám bệnh và nội soi để biết đó là polyp thật hay polyp tăng sản.

Khi nhận định polyp cần phải cắt, tức là không phải những con tim chai sạn trong tình yêu, đối với những polyp nhỏ, đơn giản, chúng tôi có thể cắt trực tiếp bằng kềm, kéo. Nhưng đối với những trường hợp polyp to, phức tạp, thông thường chúng tôi sẽ hẹn bệnh nhân để họ có sự chuẩn bị tốt hơn như ngưng thuốc tim mạch, thuốc điều trị khớp, bởi những loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến việc lành sẹo sau khi cắt polyp.

Quan trọng hơn, trước khi cắt polyp, chúng tôi sẽ thử lại máu cho bệnh nhân một lần nữa, đảm bảo máu không quá loãng hoặc không quá đặc. Sự chuẩn bị này đảm bảo việc thực hiện cắt được diễn ra thuận lợi.

III. Những polyp nào có khả năng chuyển thành ung thư?

Theo kinh nghiệm của BS, polyp có hình dáng như thế nào là nguy hiểm, có khả năng cao chuyển thành ung thư?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Khi nghe nói đến thịt dư hay polyp trong dạ dày hoặc ruột, ai cũng nghĩ đó là ung thư. Đầu tiên, khi bác sĩ chẩn đoán polyp, nghĩa là lành tính (u lành, thịt dư lành tính), lẽ đương nhiên, với kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ bởi những thiết bị nội soi tiên tiến, từ hình ảnh nội soi bác sĩ sẽ chẩn đoán về khả năng ung thư của polyp thấp hay cao, tức là lành tính hay không rất cao, 80-95% mà không cần sinh thiết.

Sinh thiết là lấy mẫu polyp và thực hiện phân tích dưới kính hiển vi, phóng đại lên hàng trăm ngàn lần để xem polyp đó có thực sự có khả năng hóa thành ác tính hay không.

Đối với bác sĩ nội soi có nhiều kinh nghiệm và hệ thống nội soi hiện đại, những polyp to, trên 10 mm, polyp bề mặt xấu, hình dạng cứng thì có thể dự đoán polyp đó có khả năng chuyển thành ung thư. Tuy nhiên, chính xác nhất vẫn là sinh thiết.

IV. Biến chứng sau khi cắt bỏ polyp

Sau khi cắt bỏ polyp, tình trạng đi cầu ra máu có thường gặp không, thường bao lâu sẽ hết chảy máu? Nếu đi cầu ra máu đen và máu đỏ thì có ý nghĩa gì ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Cắt polyp đương nhiên sẽ có biến chứng. Con người chẳng ai muốn đụng dao kéo vào cơ thể. Nhưng một khi đã đụng vào người là có khả năng biến chứng. Dù bác sĩ nội soi giỏi nhất thế giới vẫn có khả năng xảy ra tai biến. Bởi vì, đối với một con người đang nguyên vẹn, khi đưa dụng cụ vào cơ thể luôn có tỷ lệ biến chứng nhất định không thể tránh khỏi. Bác sĩ càng giỏi thì tỷ lệ xuất hiện biến chứng càng thấp chứ không phải là không bao giờ xảy ra.

Biến chứng thường gặp nhất là chảy máu, nghĩa là mặc dù bác sĩ đã cắt polyp, đốt, cầm máu rất kỹ, cũng như đã may vá lại cẩn thận, nhưng đôi khi có thể xảy ra hiện tượng rỉ máu, với biểu hiện là đi cầu ra máu đỏ hoặc đen.

Biến chứng thứ hai là thủng, tức là khi đưa dao, kéo, kềm vào ống tiêu hóa để cắt và đốt điện “cục thịt dư”, đôi khi quá trình lành sẹo không tốt, vết cắt không khép miệng hoàn toàn và rỉ dịch ra ngoài ổ bụng. Chúng tôi gọi trường hợp này là thủng. Những ca này bắt buộc phải phẫu thuật, có thể là phẫu thuật mở hoặc nội soi để bịt “lỗ thủng” này lại.

V. Sau cắt polyp kiêng cữ những gì?

Nhờ BS hướng dẫn sau nội soi cắt polyp bệnh nhân nên lưu ý gì khi ăn uống ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Sau cắt polyp, thông thường trong 72 giờ đầu kể từ lúc cắt polyp là thời gian cực kỳ quan trọng để vết thương mau lành, không xảy ra chảy máu hay xì rò vết thủng. Bênh nhân cần ăn nhẹ, thức ăn mềm, không hoạt động nặng để cho vết cắt lành tốt. Đặc biệt, không uống một số loại thuốc tim mạch hay khớp vì có thể làm chảy máu và khó lành vết thương.

Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn đồ nhuyễn, dễ tiêu hóa. Chú ý các dấu hiệu như đi cầu ra máu đỏ hoặc đen; bụng chướng, căng lên, đau bụng dữ dội, đau bụng không thể xì hơi; sốt 38.5 - 39 độ C… cần đến bệnh viện ngay lập tức. Liên hệ lại nơi nội soi và cắt polyp để có khuyến cáo tốt nhất.

Những hoạt động nặng như đá bóng, bóng chuyền nên kiêng cữ ít nhất 2 tuần, bởi đây là thời gian mô hạt lành. Sau 2 tuần bệnh nhân có thể hoạt động thể thao nhẹ nhàng.

Có phải sau khi loại bỏ polyp rồi, bệnh nhân hoàn toàn yên tâm sẽ không bị ung thư tiêu hóa?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Khi cắt polyp thành công, lẽ đương nhiên ở thời điểm đó không có nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, đặc điểm của polyp là có khuynh hướng tái phát, do đó phải kiêng cữ một số nguyên nhân làm tái phát polyp. Ăn đồ nướng và thịt quá nhiều (nhất là thịt đỏ), hút thuốc, uống bia rượu, ăn ít trái cây và rau xanh, thừa cân, ít tập thể dục… rất dễ tái phát polyp.

Thông thường trong vòng 1 năm bệnh nhân nên đi nội soi, kiểm tra xem polyp có tái phát không. Nếu có sẽ tiếp tục cắt. Nếu không có thì 3 năm sau kiểm tra lại.

Quan trọng nhất, nếu trong gia đình có người bị polyp, những người thân ruột thịt, đặc biệt là những đối tượng ở độ tuổi 40 nên tầm soát nội soi đường tiêu hóa trên và dưới để kiểm tra liệu có di truyền cho những người cùng huyết thống hay không.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X