Phá thai bằng thuốc: Không đơn giản, dù thành công tới 95%
Nhiều chị em khi “lỡ” đã chọn phá thai bằng thuốc vì cho rằng biện pháp này không can thiệp lại kín đáo.
Cho dù đây là biện pháp có thể thành công tới 95% nhưng quy trình phá thai bằng thuốc cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt, nhất là các chống chỉ định để tránh các tác dụng không mong muốn và tránh gây ra những sang chấn tâm lý cho người bệnh.
Có thể bị tai biến gì?
Trước khi phá thai bằng thuốc, bác sĩ phải thăm khám, tư vấn cho thai phụ. Ưu điểm của phương pháp này là không phải đưa ống hút vào buồng tử cung nên ít dẫn đến các tai biến như: nhiễm trùng, chảy máu tử cung, thủng tử cung, hay biến chứng vô sinh...
Ngoài ra, đây là phương pháp được cho là tiện lợi, kín đáo. Tuy nhiên, nhược điểm là hiệu quả cũng không đạt được 100%, sau đó có thể sót thai hoặc sót rau; một số ca gây chảy máu nhiều và kéo dài, đau bụng nhiều trong quá trình sảy thai. Hoặc có thể bị tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, ớn lạnh, sốt…
Ngay cả khi bệnh nhân uống thuốc không đúng cách, rau thai cũng ra không hết, gây nhiễm trùng nặng. Phương pháp này cũng không thể áp dụng đối với những người đã sinh mổ, bị bệnh tim, thận, hen rối loạn đông máu, thiếu máu.
Do tưởng lầm là thuốc phá thai dễ sử dụng nên cũng không ít chị em đã suýt mất mạng sau khi uống thuốc. TS.BS Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Tôi đã điều trị cho một số ca tự ý dùng thuốc phá thai, nhất là các bạn trẻ. Mới đây nhất, một em học sinh đã tự ý mua thuốc về dùng, không may bị băng huyết, phải nhập viện và được cấp cứu kịp thời, nếu không đã nguy hiểm đến tính mạng.
Theo TS Hồng, những tai biến nặng dẫn đến tử vong chưa gặp nhưng bị các hậu quả như băng huyết, nhiễm trùng, mất máu… vẫn xảy ra. Cho nên, thuốc phải được BS kê đơn, hướng dẫn uống và theo dõi, quan trọng nhất là phải tránh mang thai ngoài ý muốn.
Bác sĩ sản phụ khoa phải tập huấn mới được làm
Năm 2004, Bộ Y tế đã đưa hướng dẫn phá thai nội khoa vào hệ thống quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Năm 2009 theo “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” đã quy định: Ở tuyến huyện chỉ được phép phá thai bằng thuốc khi thai dưới 7 tuần, ở tuyến tỉnh dưới 8 tuần và ở tuyến trung ương dưới 9 tuần.
Và không phải BS chuyên ngành sản - phụ khoa nào cũng được làm, họ phải được đào tạo về phá thai bằng thuốc mới được thực hiện phương pháp này.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 71 trên tổng số 103 Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, cơ sở sản phụ khoa và phòng khám đa khoa có chức năng làm dịch vụ sản phụ khoa đã được đào tạo về phương pháp này.
“Vì thế, để làm dịch vụ phá thai bằng thuốc bởi các BS được đào tạo, khách hàng cần tìm hiểu xem cơ sở đã có giấy chứng nhận chưa. Thậm chí, nên hỏi trực tiếp BS. Nhiều người thường ngại hỏi, cho rằng mình đang đi “nhờ”, lại muốn kín đáo, nhanh gọn mà còn đòi hỏi giấy tờ, trong khi có thể lúc đó phòng khám đông khách. Tuy nhiên, theo tôi đây là yêu cầu chính đáng, các BS cũng sẽ trả lời làm căn cứ cho khách hàng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình