Những nguyên nhân gây đau bụng và các biện pháp điều trị
Đau bụng là hiện tượng rất phổ biến, hầu như ai cũng từng đã trải qua. Có rất nhiều lý do gây đau bụng cũng như các biện pháp điều trị. ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng Đơn vị Tiêu hóa Gan mật - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.
Đau bụng xảy ra ở mọi lứa tuổi
Đau bụng là triệu chứng của nhiều nguyên nhân, những nguyên nhân nào thường gặp nhất, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:
Đau bụng là hiện tượng thường gặp, ai trong đời ít nhất cũng một lần bị đau bụng. Đau bụng có 2 thể: đau bụng cấp và đau bụng mạn. Đau bụng cấp thường xảy ra trong 1-2 tuần. Đau bụng mạn là đau bụng tái đi tái lại, tuần nào cũng gặp, kéo dài ít nhất 3 tháng.
Đau bụng báo hiệu nhiều nguyên nhân. Trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan, như ruột, gan, bao tử, lá lách, thận, buồng trứng, tử cung (phụ nữ), bọng đái, niệu quản, động mạch, tĩnh mạch, ống mật… Ổ bụng như khung nhà ổ chuột, tức là 4-5 thế hệ, thế hệ nào cũng đông thành viên cùng chen chúc trong một ngôi nhà, do đó chuyện va chạm nhau là không tránh khỏi. Vì vậy, chỉ một triệu chứng đau bụng đã báo hiệu rất nhiều nguyên nhân.
Thí dụ, những loại đau bụng thường gặp nhất là đau bụng do viêm loét dạ dày gây đau bụng trên dữ dội, đau nhói lên vai và ra sau lưng.
Thứ hai, đau bụng do sỏi mật, thường đau lệch về bên phải, nước tiểu vàng.
Thứ ba, đau bụng lan ra sau lưng, hông lưng bên phải hoặc bên trái của sỏi thận.
Thứ tư, đau phía dưới bụng phải là đau ruột thừa hoặc tử cung, buồng trứng.
Thứ năm, đau quanh rốn hoặc đau không rõ là do ruột non hoặc ruột già. Hoặc đau dọc bụng theo chiều chữ U úp ngược cũng do ruột già.
Như vậy, đau bụng do rất nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân thần kinh trung ương trên bộ não, như viêm não, viêm màng não đôi khi cũng thể hiện bằng đau bụng, hay u nang buồng trứng cũng thể hiện bằng đau bụng, hoặc sỏi mật gây nghẹt cũng gây đau bụng…
Khi nhận điện thoại của một bệnh nhân bị đau bụng, BS sẽ quan tâm đến những vấn đề gì?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:
Khi nhận điện thoại của bệnh nhân bị đau bụng, đầu tiên tôi sẽ hỏi vị trí đau, hướng lan và những triệu chứng kèm theo, từ ói, ợ, đi ngoài, tính chất phân (cứng, mềm, có máu hay không), triệu chứng sốt, nước tiểu.
Trong đào tạo, chúng tôi luôn dạy cho mọi sinh viên là, khi đau bụng phải khám bụng, nhìn, sờ, ngó, nghe bụng để biết có những dấu hiệu đau bụng nguy hiểm hay ngoại khoa hay không.
Do đó, gần như đau bụng, phần hỏi diễn tiến bệnh, yếu tố khởi phát… đều chiếm 50% là tối đa. Theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của Bộ Y tế, bác sĩ không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh.
Vì vậy, đau bụng, đặc biệt là đau bụng cấp, tức là mới diễn ra trong vòng 1 tuần tất cả bác sĩ phải phải khám, nhìn, sờ bụng bệnh nhân nhân mới kê thuốc. Tất cả những trường hợp đau bụng cấp tính, đặc biệt là đau bụng kèm sốt trên 38 độ, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy có máu, chướng bụng, không đi cầu được, vã mồ hôi, mặt xanh tái, rối loạn kinh nguyệt, tiểu vàng sậm, khó thở… cần bắt buộc phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không được tự ý dùng thuốc.
Cách phân biệt những kiểu đau bụng nào có thể xử trí hoặc theo dõi tại nhà? Kiểu đau bụng nào buộc phải đến cơ sở y tế?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:
Những trường hợp đau bụng cấp tính cần đi đến cơ sở y tế để được thăm khám. Sau khi khám bụng, nếu nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm, chụp Xquang, thậm chí chụp CT để kết luận là không có vấn đề gì mới có thể kê thuốc hoặc phải nhập viện.
Các thuốc thông dụng để chữa đau bụng tại nhà là những thuốc gì, cách dùng như thế nào?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:
Một trong những đau bụng thường gặp là đau bụng do ngộ độ thức ăn, viêm dạ dày ruột cấp. Yếu tố khởi phát rất rõ, sau một đợt nhiễm siêu vi hay ăn thức ăn lạ, thường kèm sốt nhẹ 38 độ, nôn ói, đi cầu phân sệt có thể uống orezol hoặc thuốc giảm đau thông thường với sự tư vấn của nhân viên y tế như dược sĩ.
Các phương pháp dân gian chữa đau bụng như: uống nước gừng, uống nước gạo rang, ăn rau mơ, chườm nóng… nên áp dụng với những triệu chứng đau bụng như thế nào?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:
Phương pháp uống nước gạo rang, ăn rau mơ tôi không có ý kiến, có điều nước ấm pha gừng có thể giúp ích trong những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày cấp, dị ứng ngộ độc thức ăn cấp tính kèm theo chế độ ăn cháo, uống nước ấm, nước ấm pha nghệ hoặc gừng tươi là những biện pháp có thể giúp dịu bớt những cơn đau do kích ứng dạ dày ruột cấp tính.
Đừng quên phải uống nước để bù do mất nước và muối ở đường tiêu hóa do đau bụng cấp kèm ngộ độc thức ăn. Chườm ấm cũng là biện pháp giảm đau tạm thời trong điều kiện khó đến cơ sở y tế.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình