Hotline 24/7
08983-08983

Những nguyên nhân gây biến chứng bàn chân đái tháo đường cần lưu ý

Biến chứng bàn chân đái tháo đường là một biến chứng tổng hợp bao gồm biến chứng mạch máu lớn (bệnh lý động mạch ngoại biên) và biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh lý thần kinh ngoại biên). Loét bàn chân do đái tháo đường có thể dẫn đến cắt cụt chi, đặc biệt là khi nhiễm trùng vết thương hoặc viêm tủy xương. Cần tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây biến chứng bàn chân đái tháo đường để từ đó có cách phòng ngừa và điều trị hợp lý.

1. Nguyên nhân gây biến chứng bàn chân đái tháo đường

a. Bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường được biểu hiện ở thần kinh vận động, tự chủ và cảm giác.

- Bệnh thần kinh tự chủ dẫn đến giảm tiết mồ hôi. Lớp da bên ngoài trở nên khô và ngày càng dễ bị nứt nẻ và phát triển nhiễm trùng sau đó.

- Ở thần kinh vận động, gây tổn thương các cơ bên trong của bàn chân, dẫn đến sự mất cân bằng giữa gập và duỗi của bàn chân. Điều này tạo ra các biến dạng giải phẫu bàn chân. Từ đó, tạo các điểm nhô ra và áp lực xương bất thường, dần dần gây các vết nứt và loét da.

- Việc mất cảm giác như một phần của bệnh thần kinh ngoại biên làm trầm trọng thêm sự phát triển của các vết loét. Khi dây thần kinh bị tổn thương sẽ dẫn đến tê ngoại vi chi dưới, khó cảm nhận được cảm giác ở ngón chi, khó chịu, đau nhức hoặc nhiễm trùng trên bàn chân. Rối loạn cảm giác này có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị lở loét và phồng rộp. Nếu người bệnh không được điều trị nhiễm trùng, các vết loét có thể phát triển thành hoại thư, dẫn đến việc phải cắt cụt chi. Nguy cơ loét bàn chân do đái tháo đường tăng gấp 7 lần ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường. Ước tính có khoảng 45 - 60% tất cả các vết loét ở bệnh nhân đái tháo đường chủ yếu do bệnh lý thần kinh.

b. Bệnh mạch máu ngoại vi (PAD)

Là một trong những nguyên nhân đa yếu tố dẫn đến bệnh đái tháo đường bàn chân. Chứng xơ vữa động mạch ở bệnh nhân đái tháo đường xảy ra sớm và tiến triển với tốc độ nhanh. 

- Bệnh mạch máu ngoại vi được tìm thấy ở tất cả các cấp độ của cây động mạch. Tuy nhiên, mảng xơ vữa có xu hướng tích tụ đối với một số vị trí nhất định. Cụ thể tại các chỗ phân đôi và khúc cua trong động mạch, nơi áp lực huyết động thấp hoặc xảy ra sự phân tách dòng chảy do phân chia mạch máu.

- Ở chi dưới, các vị trí thường gặp xơ vữa là đoạn động mạch chủ và động mạch đùi nông, chi phối động mạch lòng bàn chân.

- Sự hiện diện của bệnh mạch máu ngoại vi làm thay đổi phản ứng bình thường của cơ thể đối với các vết loét ở bàn chân và dẫn đến tình trạng loét chân dai dẳng không lành khi nhu cầu cung cấp máu tăng lên. Bệnh mạch máu ngoại vi dẫn đến sự tiến triển của nhiễm trùng, làm tăng sự phá vỡ mô, thiếu oxi, dinh dưỡng và kháng sinh. Những yếu tố này góp phần vào khả năng bị cắt cụt chân.

c. Vấn đề nhiễm trùng chân 

Nhiễm trùng ở bàn chân bệnh nhân đái tháo đường là tình trạng nguy hiểm. Hậu quả của nhiễm trùng sâu ở bàn chân bệnh nhân tiểu đường là nguy hại hơn những nơi khác chủ yếu do một số đặc thù giải phẫu.

Bàn chân có nhiều ngăn, các ngăn này thông với nhau và nhiễm trùng có thể lây lan từ vùng này sang vùng khác. Do tổn thương thần kinh cảm giác nên người bệnh không cảm thấy đau đớn. Chính vì vậy, bệnh nhân tiếp tục di chuyển, tạo điều kiện cho sự lây lan. 

Bàn chân cũng có các mô mềm, không thể chống lại nhiễm. Sự kết hợp của bệnh thần kinh, thiếu máu cục bộ và tăng đường huyết làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh do giảm khả năng đề kháng.

Xem thêm: Chăm sóc bàn chân đái tháo đường đúng cách

d. Các yếu tố nguy cơ khác

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây tổn thương trên bàn chân đái tháo đường như: 

- Ít vận động khớp.

- Dị tật bàn chân và có vết loét hoặc từng bị cắt cụt chi trước đó ở cùng một bên hoặc bên cạnh.

- Suy giảm thị lực.

- Bệnh nhân lớn tuổi.

- Bệnh thận mãn tính, bệnh đái tháo đường kéo dài và tăng đường huyết không kiểm soát được.

- Không chăm sóc vệ sinh bàn chân.

- Thói quen đi chân trần dễ giẫm đạp dị vật.

- Cắt móng chân, cắt da không đúng cách gây tổn thương ngón chân tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng.

- Mang giày dép chật, cứng dễ cọ sát, gây tổn thương chân.

- Thói quen hút thuốc lá.

- Thừa cân béo phì.

- Tình trạng suy giảm sức đề kháng, miễn dịch.

- Các can thiệp không đúng cách trên bàn chân như: bôi dầu nóng, ngâm nước nóng, sử dụng các thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau trên bàn chân đái tháo đường.

2. Điều trị bệnh lý bàn chân tiểu đường

a. Chăm sóc tại chỗ vết thương

Ngày nay qua các nghiên cứu, thực hành người ta đưa ra khái niệm các bước quan trọng trong chăm sóc vết thương như khái niệm TIME, MOIST. Các khái niệm này bao gồm các công việc cần thực hiện trong chăm sóc vết thương như kiểm soát tình trạng nhiễm trùng của vết thương, kiểm soát dịch tiết của vết thương, cắt lọc mô hoại tử, cung cấp oxy mô tại chỗ, kích thích quá trình lên mô hạt và lành thương.

Với các tiến bộ của khoa học có nhiều phương tiện giúp chăm sóc vết thương tại chỗ như: các dung dịch rửa - hypochlorite (HOCL), dung dịch Prontosan, Betadine…

Các loại băng gạc vết thương mới giúp kiểm soát dịch tiết, kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ như: các loại gạc Foam, Alginate, các loại gạc tẩm bạc hay mật ong giúp kiểm soát mùi hôi, nhiễm trùng. Các loại gạc giúp giữ môi trường ẩm cho vết thương  lành nhanh.

Các dụng cụ giúp kiểm soát dịch tiết, kích thích lên mô như: dụng cụ hút áp lực âm Vacuum assisted closure (VAC).

Các thuốc kích thích lên mô hạt và biểu bì hóa như: các yếu tố tăng trưởng, các chất cung cấp nguồn oxy tại chỗ vết thương giúp lành thương nhanh.

b. Chăm sóc toàn thân

Việc kiểm soát tình trạng nhiễm trùng bằng các loại kháng sinh đường uống hay đường tiêm mạch hạn chế tình trạng lan rộng nhiễm trùng, kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ.

Kháng sinh thường được sử dụng theo yếu tố dịch tễ tại các địa phương và đơn vị. Kháng sinh ban đầu, kháng sinh theo kháng sinh đồ cần tuân thủ các khuyến cáo tại địa phương. Việc cần chú ý các vi trùng thường gặp trong vết loét bàn chân đái tháo đường có thể có nhiều vi khuẩn cùng lúc.

Việc kiểm soát đường huyết tích cực và các bệnh nền của người bệnh là cần thiết, kịp thời

Xem thêm: 7 phương pháp chăm sóc mất cảm giác ở chân do bệnh đái tháo đường

3. Phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường. 

Người đái tháo đường cần điều trị tích cực, thường xuyên với mục tiêu kiểm soát được đường huyết, các yếu tố khác như: huyết áp, tình trạng lipid máu là điều cơ bản nhất trong việc phòng ngừa biến chứng chung và biến chứng bàn chân đái tháo đường. 

- Hợp tác với thầy thuốc, tuân thủ điều trị là điều quan trọng để thành công trong điều trị.

- Tránh tự điều trị hoặc bỏ trị sẽ thất bại trong việc điều trị.

- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của thầy thuốc để tầm soát phát hiện sớm, phòng ngừa sớm các biến chứng.

- Việc tầm soát sớm nên được quan tâm hơn: người bệnh đái tháo đường cần hiểu biết giá trị của tầm soát, phát hiện sớm.

Các biện pháp thông thường hỗ trợ cho người bệnh ngừa các biến chứng bàn chân đái tháo đường cũng như biến chứng chung.

Người đái tháo đường nên:

- Có chế độ ăn uống phù hợp với người đái tháo đường.

- Duy trì vận động thể dục đều đặn.

- Tuân thủ chế độ dùng thuốc, lịch khám.

- Theo dõi đường huyết hằng ngày.

- Thường xuyên giữ vệ sinh tay chân, tự theo dõi quan sát bàn chân để phát hiện các vết nứt da, phồng rộp da, vết chai mới phát hiện.

- Vệ sinh bàn chân với nước sạch, xà phòng, lau khô bằng khăn mềm bàn chân và các kẽ ngón chân, tránh gây tổn thương da ngay sau rửa chân. 

- Chọn giày dép phù hợp bảo vệ bàn chân. 

- Bỏ thuốc lá, các thói quen bất lợi cho sức khỏe.

- Khi có các triệu chứng tê nhức bàn chân nghi do biến chứng của đái tháo đường, cần đến thầy thuốc để khám ngày, tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc. 

Các điều lưu ý nên tránh:

- Không đi chân trần, mang giày dép chật, cắt móng không đúng phương pháp.

- Không tự cắt hay dùng thuốc xử lý các vết chai chân mà không có ý kiến của thầy thuốc.

- Không ngâm chân trong nước, nước nóng hay nước có sử dụng các cây lá  khi có triệu chứng đau nhức mà không được nghe khuyến cáo của thầy thuốc.

- Không sử dụng các biện pháp bảo vệ hay điều trị vấn đề bàn chân mà không được trao đổi, khuyến cáo của thầy thuốc.

Các vấn đề thường gặp trên bàn chân người đái tháo đường

- Các triệu chứng cơ năng: Đau nhức, đau cách hồi, tê buốt, cảm giác lạnh, nóng bàn chân, đi lại khó khăn.

- Các dấu hiệu có thể quan sát: Bất thường về da do biến chứng của bệnh, do nhiễm trùng, nấm. Bất thường về bàn chân do tổn thương, biến dạng xương.

Việc chăm sóc, phòng ngừa, điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường là một vấn đề phức tạp. Cần sự hợp tác của người đái tháo đường và thầy thuốc.

Ngày nay các tiến bộ y khoa có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc phòng ngừa, điều trị các biến chứng của nhiễm trùng vết loét bàn chân đái tháo đường, mang lại chất lượng cuộc sống cho người đái tháo đường.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X