Chăm sóc bàn chân đái tháo đường đúng cách
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở bàn chân. Do đó cách chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường là vô cùng quan trọng. Chăm sóc tốt có thể hạn chế các biến chứng tiểu đường ở bàn chân, ngược lại có thể khiến các biến chứng đến nhanh và nghiêm trọng hơn.
I. Những yếu tố nguy cơ tổn thương bàn chân ở người bị tiểu đường
Theo thống kê, có 5 - 7% số bệnh nhân tiểu đường có biến chứng loét bàn chân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi 30 giây trôi qua, thế giới có thêm một người đái tháo đường bị cắt cụt chân. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến chứng ở người bệnh tiểu đường:
- Giới tính: Nam giới có biến chứng đái tháo đường ở bàn chân nhiều hơn nữ giới.
- Tuổi: Tuổi càng cao thì nguy cơ gặp biến chứng đái tháo đường như loét bàn chân càng cao.
- Thời gian mắc bệnh: Nguy cơ có bàn chân đái tháo đường (loét, hoại tử) cao hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài hơn.
- Lượng Glucose: Những bệnh nhân không kiểm soát tốt lượng đường máu có nguy cơ gặp các biến chứng bàn chân cao hơn.
- Cholesrerol: Bệnh nhân bị tăng cholesrerol cũng có tỷ lệ có biến chứng tiểu đường ở bàn chân cao hơn.
- Tình trạng bàn chân: Những bệnh nhân có biến dạng bàn chân như chai chân, khớp xương cứng, móng quặp,… có nhiều nguy cơ gặp biến chứng bàn chân đái tháo đường hơn so với người bình thường.
- Thói quen có hại: Người bệnh tiểu đường nếu có thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia cũng làm tăng nguy cơ có biến chứng bàn chân đái tháo đường.
- Giày dép: Lựa chọn giày dép không phù hợp như quá chật, cứng, rộng,… cũng là một yếu tố nguy cơ gây biến chứng đái tháo đường ở bàn chân do làm tăng nguy cơ tổn thương vùng bàn chân.
Xem thêm: Vết loét tiểu đường: Hiểu rõ để chăm sóc nhẹ nhàng hơn
II. Cách chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
1. Kiểm tra bàn chân hằng ngày
Thói quen kiểm tra bàn chân hằng ngày rất quan trọng khi chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường nên quy định một thời điểm cố định trong ngày để kiểm tra.
Thực hiện ở nơi có đủ ánh sáng giúp quan sát kỹ bàn chân và các ngón chân; tìm ra các vết tổn thương dù nhỏ nhất như xước, rộp, thâm, chai chân,… Qua đó có thể kịp thời xử lý tốt nhất cho các vết thương, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm theo sau.
2. Rửa chân hằng ngày
Vệ sinh chân sạch sẽ hằng ngày là phương pháp chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Nên rửa kỹ bàn chân và các kẽ ngón chân.
- Dùng bọt biển hoặc khăn mềm để lau, rửa thật nhẹ nhàng.
- Sử dụng nước ấm nếu dùng xà phòng nên chọn loại trung tính. Lưu ý không nên ngâm chân quá lâu (chỉ ngâm dưới 5 phút).
- Sau khi rửa sạch bàn chân cần lau khô da bàn chân và kẽ ngón giúp tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Có thể dùng kem dưỡng ẩm nếu da khô tuy nhiên, đừng bôi kem dưỡng ẩm vào các kẽ ngón chân.
3. Phòng tránh bỏng ở bàn chân
- Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa, có thể sử dụng mu bàn tay, khuỷu tay hoặc nhiệt kế. Nhiệt độ nước phù hợp nhất khoảng 40˚C, không quá nóng, không quá lạnh.
- Không sử dụng lò than, viên gạch nung,… để sưởi ấm. Nên bỏ các thói quen như xông hơi bàn chân bằng nước nóng, ngâm chân nước nóng hay đốt ngải hơ chân,... các hành động này có thể gây bỏng bàn chân.
- Khi ra ngoài nên bôi kem chống nắng hoặc che chắn. Nắng nóng có thể gây ra bỏng rát cho da.
4. Chăm sóc móng chân
Chăm sóc móng chân là vấn đề không thể thiếu trong chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường. Nên cắt móng thường xuyên, không để móng quá dài. Tuy nhiên, có một số điểm cần chú ý khi cắt móng chân:
- Nhờ người khác cắt nếu thị lực không tốt.
- Cắt móng chân sau khi tắm vì đây là thời điểm móng mềm và dễ cắt.
- Nên cắt móng chân theo chiều ngang, tránh cắt sâu vào thịt.
- Nên mài, dũa móng chân sau khi cắt để tránh móng sắc, nhọn làm tổn thương vùng da xung quanh.
- Không sử dụng vật sắc, nhọn đào sâu dưới móng chân hoặc quanh da móng tránh gây tổn thương.
Xem thêm: 7 phương pháp chăm sóc mất cảm giác ở chân do bệnh đái tháo đường
5. Lựa chọn tất, giày dép phù hợp
Cách chọn tất:
- Chất liệu mềm mại, thấm hút mồ hôi.
- Tốt nhất nên chọn tất có độn bông.
- Mũi tất không nên chật.
- Chọn loại tất không có đường may nổi, thô, ráp.
- Không nên dùng tất cao tới đầu gối.
Cách chọn giày:
- Nên chọn giày vừa chân, thử giày bằng cả 2 chân ở tư thế đứng.
- Chọn loại giày rộng và sâu phần mũi giày.
- Chọn giày có đế cao su dày.
- Không nên đi giày dép cao gót.
- Nên chọn loại giày dép có đệm gót chắc chắn.
- Lưu lý chọn giày có mặt trong (lót trong) nhẵn, mịn.
- Không chọn giày dép quá cứng, bí.
6. Giữ cho máu được lưu thông
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng bàn chân do máu không lưu thông. Một số hành động giúp lưu thông máu như sau:
- Khi ngồi xuống có thể đặt chân lên ghế.
- Không nên ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài.
- Không sử dụng tất chật, đai cao su bó quanh cổ chân.
- Cử động ngón chân khoảng 2 - 3 lần/ngày trong khoảng 5 phút.
- Chú ý tập các môn thể dụng nhẹ nhàng: đi bộ, đạp xe,…
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình