7 phương pháp chăm sóc mất cảm giác ở chân do bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt, sẽ gây tổn thương thần kinh, làm ngón chân và bàn chân mất cảm giác. Nếu không được chăm sóc kỹ, mất cảm giác lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm như loét hoặc hoại tử bàn chân.
I. Các nguyên nhân gây mất cảm giác ở chân của người bệnh đái tháo đường
Ở bệnh nhân đái tháo đường, mức chỉ số đường huyết cao có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng mất cảm giác, đặc biệt là ở ngón và bàn chân.
Mất cảm giác ở chân thể hiện qua việc bệnh nhân không cảm nhận được cơn đau và không có cảm giác nóng hoặc lạnh, hay phản ứng khi có một vật nào đó xúc tác vào chân. Khi đó, bệnh nhân có thể không biết bàn chân của mình bị chấn thương, dẫm phải dị vật hay bị bỏng,…
Hậu quả là những vết thương nhỏ bị bỏ qua và nhanh chóng tiến triển thành các vết loét lớn hay các ổ nhiễm trùng do không được chăm sóc kịp thời. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lan đến xương (gây viêm xương) hoặc hoại tử cả bàn chân. Khi đó, để cứu tính mạng các bác sĩ phải cắt bỏ bàn chân hoặc thậm chí cẳng chân của bệnh nhân.
II. Phương pháp chăm sóc mất cảm giác ở chân
1. Thăm khám bàn chân định kì mỗi năm tại các cơ sở y tế
Các biến chứng ở chân đều có thể ngăn ngừa nếu bệnh nhân được thăm khám biến chứng thần kinh do đái tháo đường nói chung và bàn chân nói riêng ít nhất mỗi năm/lần. Tuy nhiên, khi nghi ngờ bị mất cảm giác ở chân hoặc có các biểu hiện tê bì chân nhiều,… bệnh nhân cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được khám toàn diện.
2. Tập thói quen kiểm tra bàn chân mỗi ngày
Kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có vết cắt, mẩn đỏ, sưng tấy, vết loét, mụn nước, vết chai hoặc bất kỳ thay đổi nào khác trên da, trên móng chân hay không. Khi thấy có tổn thương ở chân, hãy rửa sạch vết thương để tránh nhiễm trùng. Đồng thời kiểm tra xem vết thương có dần lành lại sau vài ngày không. Nếu vết thương không lành hoặc chuyển biến xấu hơn, cần đến sơ sở y tế ngay lập tức để kiểm tra và xử lí vết thương.
Với những bệnh nhân đái tháo đường có chỉ số đường huyết cao hoặc có nhiều biến chứng khác (mắt, thận…) phải đi khám chuyên khoa nội tiết ngay khi phát hiện có vết loét ở bàn chân.
Xem thêm: Tại sao người bệnh tiểu đường bị chóng mặt thường xuyên?
3. Cắt móng chân cẩn thận
- Khi cắt móng chân cho bệnh nhân đái tháo đường, cần cắt móng thẳng ngang và nhẹ nhàng làm nhẵn các cạnh sắc nhọn bằng dũa móng.
- Không cắt móng chân quá sát vì dễ bị chảy máu, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây loét.
- Những trường hợp có móng dày sừng, móng quặp phải để bác sĩ chuyên về bàn chân xử lý.
4. Không tự mình loại bỏ các vết chai sần
- Chai chân có thể là một biểu hiện của biến chứng thần kinh do đái tháo đường. Nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn khi phát hiện những vết chai sần và muốn loại bỏ nó.
- Không tự ý sử dụng các sản phẩm để mài vết chai sần vì có thể làm bỏng vùng da và khó lành.
- Tuyệt đối không được tự cắt các vết chai chân.
5. Giữ chân sạch sẽ, khô ráo và lưu thông máu tốt
- Khi chăm sóc mất cảm giác ở chân, bệnh nhân không nên ngâm chân mà chỉ nên rửa chân hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ.
- Sau khi rửa chân, dùng khăn lau chân khô hoàn toàn và thoa kem dưỡng ẩm để giúp ngăn ngừa khô nứt. Tránh thoa kem dưỡng ở các khe ngón chân vì sẽ dễ gây nấm hoặc nhiễm trùng.
- Bạn cần đặc biệt lưu ý lưu thông máu khi chăm sóc mất cảm giác ở chân. Khi ngồi nên thả hai chân xuống và lắc lư chân/ngón chân trong vài phút và vài lần trong ngày.
- Ngoài ra, việc sử dụng giày dép và tất cần vừa vặn, thoải mái cũng như vận động nhẹ nhàng sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn đến chân.
Xem thêm: Tìm hiểu về các biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường
6. Không đi chân trần kể cả đi trong nhà
- Nên mang giày và tất hoặc loại dép bít ngón đi trong nhà, không để chân trần để hạn chế bị thương hay va chạm khi đang di chuyển.
- Trước khi mang giày, nên kiểm tra và đảm bảo rằng bên trong giày sạch và không chứa bất kì vật sắc nhọn nào.
- Việc sử dụng giày dép trị liệu chuyên dụng được khuyến nghị cho những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao bao gồm: dị dạng bàn chân, loét, hình thành vết chai, tuần hoàn ngoại biên kém hoặc tiền sử cắt cụt chi.
7. Chọn các hoạt động thân thiện với đôi chân
Tập thể dục thường xuyên và duy trì dinh dưỡng ổn định vừa giảm lượng đường trong máu vừa giúp lưu thông máu đến chân tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chọn các hoạt động thân thiện và an toàn với đôi chân như đi bộ, đạp xe đạp hay bơi lội và tránh các môn thể thao như chạy, quần vợt,…
Chăm sóc bàn chân bị mất cảm giác thường bị bệnh nhân đái tháo đường bỏ qua vì chủ quan. Do đó, việc đầu tiên cần làm khi bệnh nhân phát hiện hoặc nghi ngờ mất cảm giác ở chân là đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được kiểm tra toàn diện, tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời. Ngoài ra, cần quan tâm sức khỏe bàn chân nói riêng và kiểm soát lượng đường trong máu là điều trị gốc rễ để ngăn ngừa biến chứng về lâu dài.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình