Những điều cơ bản cần biết về hội chứng suy giáp
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ một số hormon. Nồng độ hormon tuyến giáp thấp có thể gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Nếu không nhận biết sớm và điều trị, suy giáp có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.
I. Suy giáp là gì?
Suy giáp hay suy chức năng tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu trao đổi, hoạt động của cơ thể.
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, gồm 2 thùy nối với nhau bởi eo tuyến giáp, di động khi nuốt. Các hormone tuyến giáp tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể và ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan, vì vậy nếu không đủ hormone tuyến giáp sẽ gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan và các rối loạn chuyển hóa.
II. Suy giáp có phổ biến?
Suy giáp là một tình trạng khá phổ biến, có thể xuất hiện sau khi sinh, trong thời kỳ trưởng thành và ở tuổi trưởng thành. Bệnh gặp ở 1 - 3% dân số, nữ giới nhiều hơn nam giới, tần suất tăng theo độ tuổi. Suy giáp dưới lâm sàng - hiện tượng suy giáp sớm với biểu hiện nhẹ, gặp ở 7,5% phụ nữ và 3% nam giới.
Ở trẻ em, tỷ lệ bị suy giáp bẩm sinh là 1/5000 trẻ sơ sinh.
III. Nguyên nhân dẫn đến suy giáp
Có nhiều hội chứng suy chức năng tuyến giáp có liên quan đến nguyên nhân suy giáp. Suy giáp tiên phát bắt nguồn từ tuyến giáp, chiếm 90 - 95% các trường hợp. Trong khi suy giáp thứ phát chỉ chiếm 5 - 10%.
Suy giáp tiên phát có thể xuất hiện do một số nguyên nhân:
- Sau khi bị bệnh Hashimoto - một tình trạng viêm tuyến giáp tự miễn.
- Viêm tuyến giáp bán cấp tái phát nhiều lần.
- Tuyến giáp teo ở phụ nữ mãn kinh.
- Khiếm khuyết bẩm sinh trong quá trình tổng hợp và bài tiết hormone giáp trạng.
- Rối loạn chuyển hóa Iod.
- Không có tuyến giáp, tuyến giáp lạc chỗ.
- Suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.
- Sau khi điều trị tuyến giáp bằng iod phóng xạ.
- Sau khi điều trị tuyến giáp bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp quá liều.
Suy giáp thứ phát có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:
- Khối u tuyến yên.
- Sau tổn thương hoặc phẫu thuật tuyến yên.
- Hội chứng Sheehan.
- Chiếu tia xạ điều trị tuyến yên.
- Rối loạn chức năng vùng dưới đồi.
Xem thêm: Bệnh bướu giáp và những điều cần biết
IV. Nhóm người nào có nguy cơ mắc hội chứng suy giáp?
Một số đối tượng có nhiều nguy cơ bị suy giáp hơn là: Phụ nữ; người trên 60 tuổi; tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp; đã từng bị bệnh tuyến giáp, ví dụ như bướu cổ; đã phẫu thuật hoặc điều trị iod phóng xạ để điều trị bệnh tuyến giáp, điều trị bức xạ tuyến giáp, cổ hoặc ngực, mang thai hoặc sinh con trong 6 tháng qua, mắc bệnh tự miễn: đái tháo đường type 1, viêm khớp dạng thấp, lupus, celiac, hội chứng Sjogren, Turner…
V. Suy giáp có những triệu chứng gì?
Các triệu chứng và dấu hiệu của suy giáp nguyên phát chủ yếu thường âm thầm và khó nhận biết. Các triệu chứng biểu hiện phổ biến nhất là giữ nước và sưng phồng, đặc biệt là xung quanh hốc mắt; mệt mỏi; không chịu được lạnh; tinh thần lờ đờ.
Các hệ thống cơ quan khác nhau có thể bị ảnh hưởng với nhiều dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra, bao gồm:
Biểu hiện chuyển hoá: Không chịu được lạnh, tăng cân nhẹ (do lưu giữ nước và giảm chuyển hóa), hạ thân nhiệt
Biểu hiện thần kinh: Hay quên, dị cảm đầu ngón tay và ngón chân (thường do hội chứng ống cổ tay gây ra bởi sự lắng đọng protein trong các dây chằng xung quanh cổ tay và mắt cá chân); làm chậm pha phục hồi của phản xạ gân sâu.
Các biểu hiện tâm thần: Thay đổi về nhân cách, mờ các nếp nhăn trên khuôn mặt, chứng mất trí hoặc loạn thần (chứng điên phù niêm)
Biểu hiện da: Mặt phù; phù niêm; lông thưa, thô và khô; tóc khô, thưa, dễ gãy; da dày, khô, bong vảy, caroten huyết, đặc biệt đáng chú ý trên lòng bàn tay và lòng bàn chân (gây ra bởi sự lắng đọng carotene trong lớp biểu bì da giàu lipid); lưỡi to do lắng đọng chất nền có protein trong lưỡi.
Các biểu hiện mắt: Sưng phù quanh mắt do thâm nhiễm mucopolysaccharides hyaluronic axit và chondroitin sulfat, mí mắt giảm vận động do giảm kích thích giao cảm
Biểu hiện đường tiêu hóa: Táo bón
Biểu hiện phụ khoa: Rong kinh hoặc vô kinh thứ phát
Các biểu hiện tim mạch: Nhịp tim chậm (giảm cả hormone tuyến giáp và kích thích giao cảm gây ra nhịp tim chậm), khám thấy tim to và trên chẩn đoán hình ảnh (một phần do giãn cơ nhưng chủ yếu do tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim tiến triển chậm và hiếm khi gây ảnh hưởng huyết động)
Các biểu hiện khác: Tràn dịch màng phổi hoặc ổ bụng (tràn dịch màng phổi tiến triển chậm và hiếm khi gây ra tình trạng suy hô hấp hoặc rối loạn huyết động), giọng khàn và nói chậm.
Phù niêm trong nhược giáp: Các triệu chứng có thể khác biệt đáng kể ở bệnh nhân cao tuổi.
Mặc dù suy tuyến giáp thứ phát không phổ biến, nguyên nhân của nó thường ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác được điều khiển bởi trục dưới đồi - tuyến yên. Ở phụ nữ bị suy giáp, các chỉ dẫn có suy giáp thứ phát là có tiền sử mất kinh hơn là rong kinh và một số khác biệt gợi ý khi khám thực thể.
Suy giáp thứ phát được đặc trưng bởi da và tóc khô nhưng không quá thô, da mất sắc tố, lưỡi chỉ to nhẹ, ngực không phát triển, và huyết áp thấp. Ngoài ra, tim nhỏ, và tràn dịch màng ngoài tim không xảy ra. Hay gặp hạ đường huyết vì suy thượng thận hoặc thiếu hụt hormone tăng trưởng phối hợp.
Hôn mê phù niêm:
Hôn mê phù niêm là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của tuyến giáp, thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử suy giáp kéo dài. Đặc trưng của nó bao gồm hôn mê với hạ thân nhiệt cực nhanh (nhiệt độ từ 24° đến 32,2° C), là mất phản xạ, co giật, và suy hô hấp với ứ carbon dioxide. Hạ nhiệt nặng có thể bị bỏ sót nếu không sử dụng nhiệt kế đọc thấp.
Chẩn đoán nhanh dựa trên đánh giá lâm sàng, khai thác tiền sử và khám lâm sàng là bắt buộc, bởi vì bệnh nhân có khả năng tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các yếu tố thúc đẩy bao gồm bệnh tật, nhiễm trùng, chấn thương, các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương và tiếp xúc với lạnh.
Xem thêm: Top 10 thắc mắc thường gặp về bệnh bướu giáp?
VI. Các biến chứng của suy giáp là gì?
Bệnh suy giáp có thể tiến triển ngày một nặng nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị dang dở.
Suy giáp thường gây ra các biến chứng tim mạch như các rối loạn nhịp, nhịp tim chậm, tốc độ tuần hoàn chậm, nặng hơn gây ra các cơn đau thắt ngực khi gắng sức, tràn dịch màng tim, suy tim. Cuối cùng có thể gây ra nhồi máu cơ tim, thậm chí là tử vong đột ngột.
Suy giáp làm tăng cholesterol, gây ra tình trạng rối loạn lipid máu.
Suy giáp cũng gây ra các biến chứng thần kinh mặc dù ít gặp hơn, với các triệu chứng chậm chạp, đờ đẫn, giảm trí nhớ, trầm uất.
Ngoài ra, suy giáp còn có thể gây ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác, dẫn đến đái tháo đường, hạ đường huyết, suy vỏ thượng thận, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh hoặc các bệnh tự miễn dịch.
Một số trường hợp hiếm gặp hơn, suy giáp gây hôn mê. Đây là tình trạng hôn mê yên tĩnh, từ từ, kết hợp với nhịp tim chậm, huyết áp giảm, tràn dịch màng tim, tăng CO2 máu, giảm O2, hạ Natri, tăng Clo, thở chậm cho đến ngừng thở… đe dọa đến tính mạng, cần được cấp cứu điều trị.
Suy giáp trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé. Ở người mẹ, suy giáp có thể gây tăng huyết áp, thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, sẩy thai. Đối với thai nhi, hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong phát triển não của bào thai và trẻ trong vài năm đầu sau sinh. Vì vậy mà suy giáp bấm sinh làm chậm sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ. Nếu điều trị muộn có thể không hồi phục được.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình