Bệnh bướu giáp và những điều cần biết
Bướu giáp là bệnh lý tuyến giáp thường gặp phổ biến, bệnh gây vướng mắc cổ, khó thở, gây khó chịu và có cảm giác đau,... Nếu không hiểu rõ về bệnh lý này, vô tình thực hiện những điều ảnh hưởng đến bướu giáp sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là cẩm nang những điều cần biết về bệnh bướu giáp, giúp bạn hiểu và phòng tránh căn bệnh này.
I. Bệnh bướu giáp là gì?
Bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp, biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.
II. Những dấu hiệu nào cảnh báo bệnh bướu giáp?
Tùy từng loại bướu khác nhau mà triệu chứng bướu giáp có thể chỉ có các dấu hiệu tại chỗ hoặc có các biểu hiện tại chỗ kèm theo các dấu hiệu toàn thân khác.
Dấu hiệu toàn thân có thể có trong bệnh bướu giáp: Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh; cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân; lồi mắt; thay đổi giọng nói, thường gặp là khàn giọng.
Có khối ở cổ, dấu hiệu tại chỗ phụ thuộc vào kích thước của bướu. Khi bướu nhỏ hầu như người bệnh không có cảm nhận gì, khi bướu lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản, các dây thần kinh thì có thể có các biểu hiện sau: Cảm giác cổ họng luôn bị vướng hoặc đau cổ họng; nuốt khó, nuốt đau; khó thở, thường gặp ở tư thế nằm; hay ho và nghẹn, thở dốc.
III. Điều trị bệnh bướu giáp theo phương pháp nào?
Cách chữa bệnh bướu cổ như thế nào? Với các trường hợp cần phải điều trị, tùy thuộc vào phân loại và mức độ bệnh, bướu cổ sẽ điều trị bằng một trong ba cách sau: điều trị nội khoa bằng thuốc uống, xạ trị và phẫu thuật, cụ thể:
Điều trị nội khoa sử dụng các thuốc là hormone nhằm đưa lượng hormone tuyến giáp về mức độ bình thường hoặc điều trị các nhiễm trùng tại tuyến giáp. Điều trị nội khoa có thể được áp dụng đơn độc để điều trị các loại bướu giáp có rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc được áp dụng sau khi thực hiện phẫu thuật và xạ trị tuyến giáp. Điều trị thuốc phải tuân thủ, đúng chỉ định đều đặn hàng ngày và được kiểm tra định lượng hormone qua các lần kiểm tra định kì.
Xạ trị là phương pháp sử dụng iod phóng xạ có tác dụng làm giảm kích thước của tuyến giáp.
Phẫu thuật tùy từng trường hợp sẽ thực hiện cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp.
IV. Bệnh bướu giáp cần chú ý gì trong ăn uống
1. Nguyên tắc ăn uống đối với người bị bướu cổ
Bướu giáp thường do ăn uống thiếu iod gây nên, vì thế cần bổ sung thêm thức ăn có hàm lượng iod cao như hải sản, sò, ngao... và quan trọng nhất là muối iod cần dùng thường xuyên.
Chú ý:
Chế độ dinh dưỡng của bị người bệnh này cần giàu nhiệt lượng, giàu vitamin, đủ hydratcacbon và protein.
Tránh các loại thức ăn có tính kích thích, các loại rượu để không làm tăng thêm sự hưng phấn thần kinh của bệnh nhân.
Tránh buồn phiền giận dữ, giữ cho tình cảm được ổn định, lạc quan để không có phản ứng kích thích xấu, cho việc khôi phục sức khỏe.
Nếu chỉ là bướu giáp đơn thuần, kiêng ăn các loại rau như cải xanh, củ cải, vì ăn những thứ rau này sẽ sinh ra muối sunfoxianat có thể mau chóng chuyển thành axit sunfoxyanic là chất làm to tuyến giáp trạng.
Không nên ăn nhiều các loại quả có chứa sắc tố thực vật như cam, quít, táo, lê, nho, vì trong những hoa quả này có chứa chất flavon, sẽ bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành axit diglycerobenzoic và axit ferulic đều là những chất làm ức chế chức năng tuyến giáp trạng rất mạnh, làm cho bệnh bướu giáp nặng thêm.
2. Một số thực phẩm người bị bướu giáp nên ăn
Hải sản: Hải sản là loại thực phẩm cung cấp iod tự nhiên rất tuyệt vời. Các loại hải sản như tôm, cua, ngao, sò, hến,… vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon vừa là nguồn cung iod dồi dào.
Các loại cá biển: cá thu, cá ngừ, cá hồi... sẽ giúp tăng cường vitamin A, cải thiện chức năng tổng hợp hormon ở tuyến giáp hiệu quả.
Sữa chua, pho mát: Sữa chua, pho mát, váng sữa cũng như những chế phẩm khác từ sữa có hàm lượng iod, canxi, vitamin B và protein cao, rất tốt cho người bị bệnh bướu giáp cũng như người bình thường muốn phòng bệnh. Ngoài ra, nên bổ sung sữa chua mỗi ngày cho người bị bướu giáp để bổ sung các lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hóa. Người bị bướu giáp thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và khó tiêu. Sữa chua sẽ giúp họ tiêu hóa tốt hơn, ăn uống ngon miệng.
Rau củ quả: Ngoài cá biển, Vitamin A còn được cung cấp thông qua các loại rau củ quả có màu vàng và xanh đậm như cà rốt, bí đỏ, cà chua, rau diếp,… Rau củ quả luôn là nhóm thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe vì không chỉ giàu vitamin mà còn rất giàu chất xơ và ít chất béo. Đây cũng là một nguồn cung cấp vitamin A hết sức an toàn và không gây ra tác dụng phụ. Hãy chọn mua rau quả sạch, tươi ngon, ở những địa chỉ uy tín, chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình.
3. Thực phẩm không tốt cho người bị bướu giáp
Ngoài ra có một số thực phẩm không tốt mà người bị bướu giáp không nên ăn:
Rau họ cải: Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải ngọt, cải xoăn, củ cải, cải, bắp cải có chứa các hợp chất lưu huỳnh được gọi là glucosinolate. Khi các hợp chất này bị phá vỡ sẽ sinh ra isothiocyanates. Isothiocyanates lấy đi iod mà tuyến giáp cần và ngăn chặn sự hấp thụ iod của tuyến giáp. Đặc biệt, trong bắp cải trắng còn chứa goitrin, một hợp chất gây bất lợi cho bệnh bướu cổ. Nếu như bạn vẫn muốn cung cấp những loại rau này trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày thì bạn có thể lựa chọn cách thái nhỏ các loại rau kết hợp ngâm rửa kỹ. Khi đó isothiocyanates sẽ bị mất đi 75% và khi luộc sẽ mất đi 95%, goitrin trong bắp cải cũng sẽ bị phân hủy.
Đậu nành: Các loại đậu rất tốt cho người bị bệnh bướu cổ, trừ đậu nành. Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành rất tốt cho sức khỏe, nhất là phụ nữ. Tuy nhiên, nó lại không hề có lợi cho bệnh bướu cổ.
Đậu nành có đặc tính kháng giáp, đặc tính này sẽ tăng lên khi chế độ dinh dưỡng thiếu iod. Isoflavone trong sữa đậu nành có ảnh hưởng tiêu cực đến những bệnh nhân bướu giáp thường xuyên sử dụng sản phẩm này. Những sản phẩm đậu nành từ đậu nành cần kiêng như đậu phụ, sữa đậu nành, bao gồm cả một số mayonnaise và món salad. Tuy bệnh bướu giáp chủ yếu là do sự thiếu hụt iod gây ra nhưng nếu bổ sung iod quá nhiều, làm thừa iod cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Một chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng mới là tốt nhất cho người bị bệnh.
Xem thêm: 12 bác sĩ khám chữa bệnh bướu giáp giỏi, uy tín
V. Các biến chứng có thể xảy ra sau mổ bướu giáp
Chảy máu vùng cổ có thể gây ra khó thở sau mổ, thường 24-48 giờ sau mổ.
Thay đổi giọng nói, khàn tiếng tạm thời hay vĩnh viễn do tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản
Suy tuyến cận giáp có xuất hiện các triệu chứng của hạ canxi máu như: tê tay, tê chân sau mổ.
Suy giáp vĩnh viễn, thường có triệu chứng mệt mỏi, ù lì, thiếu sức sống.
Tụ dịch vết mổ thường xảy ra trễ hơn, có thể 5-7 ngày sau mổ.
Nhiễm trùng vết mổ.
VI. Lưu ý khi mổ bướu cổ trước 1 ngày
Người bệnh cởi bỏ tư trang, cần tháo răng giả (nếu có) để tránh trở ngại trong việc đặt nội khí quản, phòng trường hợp răng giả rớt vào khí quản.
Vệ sinh cùng cổ thật kỹ bằng xà bông sát khuẩn.
Buổi chiều trước ngày mổ, người bệnh ăn nhẹ, đồ loãng. Buổi tối trước mổ, người bệnh nhịn ăn hoàn toàn, tối thiểu 8 tiếng, ngưng uống nước tối thiểu trước 6 tiếng. Sáng ngày mổ, người bệnh được truyền dịch.
Người bệnh tránh lo âu căng thẳng trước khi mổ, gặp người nhà để được trấn an tinh thần, ngủ sớm, có thể sử dụng thuốc an thần trước đêm mổ nếu vẫn căng thẳng, khó ngủ.
VII. Những lưu ý sau khi mổ bướu giáp
Sau mổ, người bệnh không la hét, cần nói chuyện nhẹ nhàng do vùng cổ đang tổn thương, cứng và đau. Nếu không tuân thủ, điều này tác động lên vùng cổ, ảnh hưởng đến vết mổ.
Người bệnh tránh làm ẩm vết mổ hoặc tắm ướt lên vùng vết thương khi chưa khô, lành. Đặc biệt, không tắm bồn, không tắm dưới vòi hoa sen cho đến khi vết thương lành hẳn, tránh nhiễm trùng vết mổ. Người bệnh phải theo dõi vết mổ hàng ngày, cần khám ngay bác sĩ chuyên khoa Nội tiết nếu thấy các biểu hiện bất thường như: sưng tấy, thâm tím, chảy máu hoặc chảy dịch tiết.
Trong giai đoạn lành, khi vết mổ bắt đầu đóng vảy gây ngứa ngáy, người bệnh không gãi mà sử dụng kem dưỡng ẩm làm mềm da và bớt ngứa, có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống sẹo.
Kiêng ăn đồ cứng, khó tiêu, thức ăn cay nóng, thực phẩm từ nội tạng động vật, đậu nành, không ăn sống các loại rau họ cải. Mỗi bữa ăn cần đầy đủ dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh, điều độ, không bỏ bữa.
Không vận động mạnh, không mang vác vật nặng ít nhất hai tuần sau mổ, đặc biệt ở vùng cổ phải tránh gập duỗi, xoay đầu quá mức. Người bệnh chỉ cần đi lại nhẹ nhàng để lưu thông khí huyết, nghỉ ngơi thư giãn.
Uống thuốc và tái khám đầy đủ.
VIII. Sau khi mổ bướu giáp người bệnh nên ăn gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết gồm hai thùy thông nhau có vị trí nằm ở phía trước cổ. Khi hình thành u nang giáp có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để cắt bỏ.
Sau khi cuộc phẫu thuật cắt bỏ u nang giáp kết thúc, người bệnh cần được chăm sóc kỹ lưỡng để nhanh chóng hồi phục. Đặc biệt là vết thương ở vùng cổ, sẽ càng khiến bệnh nhân cảm thấy khó khăn và mệt mỏi hơn nhiều do vị trí này vẫn hoạt động thường xuyên.
Vậy, ăn gì sau khi mổ tuyến giáp? Các bác sĩ thường khuyên bạn rằng nên sử dụng các thực phẩm dạng lỏng như soup, nước ép,..., đặc biệt là không ăn thực phẩm quá nóng để tránh tổn hại lên vết mổ.
Sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật tuyến giáp, người bệnh sẽ rất dễ mắc các bệnh về họng đặc biệt là viêm họng. Do vậy, để ăn uống thuận tiện và giảm đau rát họng bạn có thể tham khảo một số thực phẩm sau: Khoai tây được nghiền mịn, nước súp rau củ, sinh tố rau củ, phô mai, yến mạch, trứng đã luộc chín, cháo loãng.
Xem thêm: 6 phòng khám điều trị bướu giáp uy tín tại Hà Nội
IX. Một số lưu ý cho người sau mổ bướu giáp
1. Iod
Iod được khuyến khích sử dụng để phòng ngừa bướu giáp nhưng lại không tốt đối với bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật mổ bướu giáp. Nếu không may ăn phải, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị tăng kích cỡ tuyến giáp gây nguy hiểm đến sức khỏe.
2. Sữa và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa
Sữa là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ thể tuy nhiên lại không được khuyến khích cho người bệnh sau phẫu thuật. Nguyên nhân là do chất béo cùng hàm lượng đường chứa trong sữa gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và hoạt động của tuyến giáp.
3. Nội tạng của động vật
Nội tạng động vật là nguồn cung cấp acid folic và nguyên tố vi lượng cần cho cơ thể, tuy nhiên lại có tác dụng ngược lại hoàn toàn nếu sử dụng cho bệnh nhân mổ bướu giáp. Đặc biệt là acid folic khiến quá trình hồi phục của tuyến giáp bị gián đoạn và chậm lại. Tệ hơn là khiến thuốc điều trị bị mất tác dụng.
4. Thức ăn chế biến sẵn
Thực phẩm ăn nhanh chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa luôn là mối đe dọa cho sức khỏe. Nếu sử dụng nhiều những thực phẩm này ban đầu có thể tiện lợi vì không gây mất nhiều thời gian nhưng về lâu dài chúng chính là nguyên nhân gây nên bệnh thừa cân béo phì, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và nặng hơn là sự phát triển của tế bào ung thư.
Do đó, bệnh nhân mới mổ tuyến giáp không nên ăn những thực phẩm này tránh gây nên diễn biến xấu ảnh hưởng đến vết mổ và khả năng hồi phục về sau.
X. Cách phòng ngừa bệnh bướu giáp
Các biện pháp phòng bệnh đưa ra nhằm hạn chế các trường hợp bướu giáp lành tính và phát hiện sớm các loại bướu giáp khác để nâng cao kết quả điều trị. Bao gồm các phương pháp sau:
Đảm bảo cung cấp đầy đủ iod cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu iod như: cá biển, mắm tôm, nước mắm. Sử dụng muối iod là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu iod.
Đối với các đối tượng mắc các bệnh lý tuyến giáp, sau điều trị các bệnh lý tâm thần, mắc các bệnh tiêu hóa và bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh bướu giáp cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
Khi có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh cần đến ngay các cở sở y tế gần nhất để được điều trị.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình