Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về xét nghiệm hormone tăng trưởng (GH)

Hormone tăng trưởng GH là một hormone được sản xuất bởi tuyến yên, một tuyến có kích thước nhỏ nằm ở đáy não, sàn não thất ba, trong hố yên của thân xương bướm.

1. Xét nghiệm hormone tăng trưởng GH là gì?

Xét nghiệm hormone tăng trưởng (GH) là xét nghiệm đo nồng độ một loại hormone trong máu có tác dụng làm cho cơ thể lớn lên. Hormone tăng trưởng GH được sản xuất bởi tuyến yên. Hormone này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Lượng GH trong máu thay đổi trong ngày và bị thay đổi bởi các hoạt động luyện tập, ngủ, căng thẳng và chế độ ăn uống.

Lượng hormone tăng trưởng GH quá cao có thể khiến một đứa trẻ phát triển cao hơn so với bình thường (hội chứng người khổng lồ). Lượng GH quá thấp có thể khiến trẻ phát triển kém hơn so với bình thường (còi cọc - bệnh lùn). Cả hai bệnh lý này đều có thể được điều trị nếu phát hiện sớm.

Ở người lớn, lượng hormone tăng trưởng GH quá cao có thể là do khối u lành ở tuyến yên (u tuyến). Hậu quả của bệnh làm cho xương mặt, hàm, bàn tay và bàn chân phát triển lớn hơn bình thường (bệnh to đầu chi).

2. Vai trò của xét nghiệm hormone tăng trưởng GH

a. Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm kích thích GH

Nếu lượng hormone tăng trưởng GH không được kích thích một cách có ý nghĩa trong trình xét nghiệm kích thích GH (nghĩa là mức độ GH vẫn thấp hơn mức độ cần thiết) và người bệnh lại có dấu hiệu và triệu chứng thiếu hụt GH và có một mức độ IGF-1 thấp là do người bệnh bị thiếu hụt GH và cần phải được điều trị.

Nếu mức độ TSH và T4 của một người là bất thường, thì người đó có thể bị rối loạn chức năng tuyến giáp, bị suy tuyến yên hoặc suy giảm chức năng tuyến yên, các tình trạng này đều có thể gây nên các triệu chứng tương tự như thiếu hụt GH. Xét nghiệm hormone tăng trưởng GH cho sự thiếu hụt GH không nên được thực hiện trước khi chức năng tuyến giáp của một người được đánh giá. Một trẻ bị suy giáp cần được điều trị và tốc độ tăng trưởng của bé cần được đánh giá trước khi xét nghiệm hormone tăng trưởng GH được xem xét.

Nếu một người tập thể dục mạnh mẽ mà không có sự tăng mức độ GH, thì người đó có thể bị thiếu hụt GH. Phát hiện này sẽ cần phải được đánh giá thêm với các xét nghiệm khác.

Xem thêm: ACTH là gì? Khi nào cần làm xét nghiệm ACTH?

b. Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm kìm hãm GH

Nếu lượng hormone tăng trưởng GH của một người không bị kìm hãm một cách có ý nghĩa khi được xét nghiệm kìm hãm GH, nghĩa là vẫn cao mức độ cần thiết và người đó lại có các dấu hiệu và triệu chứng của sự dư thừa GH (như trong chứng khổng lồ hoặc bệnh to đầu chi) và có một mức độ IGF-1 cao thì có thể người đó sản xuất ra quá nhiều GH. Nếu một người có một khối u được phát hiện trên X-quang, CT scan hoặc MRI, thì có thể đó là một khối u tuyến yên (thường là lành tính). Ở một người đang được theo dõi một khối u đã biết từ trước, nếu mức độ GH tăng lên thì có thể có sự tái phát của khối u.

Các khối u tuyến yên là những nguyên nhân phổ biến nhất của sự sản xuất dư thừa GH, nhưng chúng cũng có thể gây ra thiếu hụt. Sự hiện diện của một khối u tuyến yên có thể ảnh hưởng đến không chỉ đến sự sản xuất GH mà còn có thể ảnh hưởng đến sản xuất các hormone tuyến yên khác, chẳng hạn như ACTH (tăng trong hội chứng Cushing) hoặc prolactin. Nếu khối u tương đối lớn, nó có thể ức chế sự sản xuất của tất cả các hormon tuyến yên và gây tổn thương các mô xung quanh.

3. Quy trình thực hiện xét nghiệm hormone tăng trưởng

Nồng độ hormone tăng trưởng (GH) trong máu có thể thay đổi một cách nhanh chóng, vì vậy có thể cần lấy mẫu máu nhiều lần vào những ngày khác nhau. Yếu tố tăng trưởng giống Insulin 1 (IGF-1) biến đổi chậm hơn và có thể được tiến hành xét nghiệm đầu tiên.

Xét nghiệm kích thích hormone tăng trưởng GH: Người bệnh sẽ được lấy máu lúc đói (sau 10-12 giờ nhịn ăn). Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm một loại dung dịch chứa các chất kích thích giải phóng GH. Sau khoảng 2 tiếng, người bệnh sẽ được lấy máu một lần nữa. Nồng độ GH sẽ được kiểm tra trong từng khoảng thời gian để xem liệu tuyến yên có được kích thích để tạo ra đủ hormone GH ​​hay không.

Xét nghiệm kìm hãm hormone GH: Người bệnh được lấy máu lúc đói (sau 10 - 12 giờ nhịn ăn). Sau đó, người bệnh sẽ uống dung dịch glucose. Sau khoảng 2 tiếng, sẽ được lấy máu một lần nữa. Nồng độ GH sẽ được kiểm tra trong từng khoảng thời gian để xem liệu tuyến yên có bị ức chế bởi glucose hay không.

Xem thêm: Những vấn đề bệnh lý xoay quanh thừa cân béo phì

4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm hormone tăng trưởng GH

a. Đối với xét nghiệm kìm hãm hormone tăng trưởng GH

Kết quả dưới 0,3 ng/mL được coi là bình thường. Nếu cao hơn, cơ thể có thể đang sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng.

Nồng độ GH cao có thể là do chứng bệnh khổng lồ hoặc bệnh to đầu chi. Những bệnh lý này gây ra bởi khối u lành trong tuyến yên (u tuyến). Trong trường hợp này, nồng độ yếu tố tăng trưởng giống Insulin 1 (IGF-1) cũng sẽ cao.

Nồng độ GH cao cũng có thể do bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc do nhịn đói. Tuy nhiên, những yếu tố này không làm nồng độ IGF-1 tăng cao.

b. Đối với xét nghiệm kích thích hormone tăng trưởng GH

Nồng độ trên 5 ng/mL ở trẻ em và trên 4 ng/mL ở người lớn thường được coi là bình thường. Nếu thấp hơn, bạn có thể đang bị thiếu hụt hormone GH.

Nồng độ hormone tăng trưởng thấp có thể chỉ ra tình trạng:

- Thiếu hụt hormone tăng trưởng.

- Suy tuyến yên (chức năng tuyến yên kém).

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X