Hotline 24/7
08983-08983

Những vấn đề bệnh lý xoay quanh thừa cân béo phì

Đừng xem thường tình trạng thừa cân béo phì vì nó không chỉ liên quan đến mỗi vấn đề ăn uống thường ngày. Thừa cân béo phì là tiền đề dẫn đến nhiều hệ lũy cho sức khỏe sau này mà bạn khó có thể ngờ trước được.

1. Thừa cân béo phì là gì?

Béo phì là một tình trạng bệnh mãn tính, xảy ra ở những đối tượng bị mất cân bằng giữa năng lượng đưa vào và năng lượng tiêu hao.

Là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật, tàn tật và thậm chí có thể gây tử vong sớm nếu không phòng ngừa và điều trị đúng phương pháp.

Vì sao dẫn đến tình trạng béo phì thì có rất nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố hành vi, kinh tế xã hội, di truyền, môi trường và tâm lý xã hội.

2. Mức độ béo phì theo chỉ số BMI

Ngày nay béo phì được xác định chủ yếu dựa trên chiều cao và cân nặng bằng cách tính chỉ số khối cơ thể (BMI). Đây là công cụ gián tiếp dùng để đo lường lượng mỡ trong cơ thể và xác định một người béo phì hay không. Vì vậy, các chỉ số BMI sẽ được áp dụng cho tất cả người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên, không phân biệt độ tuổi và giới tính.

Cách tính chỉ số BMI bằng cách lấy cân nặng (theo đơn vị kilogram) chia cho bình phương chiều cao (theo đơn vị mét).

- Chỉ số BMI từ 25,0 đến 29,9 tương đương với thừa cân.

- Chỉ số BMI từ 30,0 trở lên được chẩn đoán béo phì.

- Chỉ số BMI từ 40,0 trở lên được gọi là béo phì cực độ hoặc nghiêm trọng.

Xem thêm: Tuyến thượng thận là gì? Các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận

3. Nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì

Có nhiều nguyên nhân gây thừa cân béo phì. Trong đó, nguyên nhân chính do chế độ ăn không hợp lý, ăn nhiều chất béo, chất ngọt và ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể. Lối sống tĩnh tại, ít vận động hoặc không vận động cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ thừa cân- béo phì. Theo nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc - UNFPA, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Những người càng ít vận động thì càng có nhiều khả năng tăng cân vì họ tiêu hao ít năng lượng, không đốt cháy lượng thực phẩm và đồ uống mà họ đã sử dụng dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng.  Lối sống lười vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư ruột kết và các vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như môi trường, yếu tố kinh tế xã hội, yếu tố di truyền, tuổi tác… Một số vấn đề về nội tiết tố có thể gây thừa cân và béo phì, bao gồm suy giáp, hội chứng Cushing và hội chứng buồng trứng đa nang, ...

5 yếu tố ít được biết đến là nguyên nhân gây thừa cân béo phì

- Bệnh suy giáp: Đây là tình trạng tuyến giáp (vị trí ở cổ) sản xuất quá ít hormone tuyến giáp. Hormon này làm nhiệm vụ điều chỉnh sự trao đổi chất trong cơ thể. Vì vậy, nếu hàm lượng quá ít sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất và gây tăng cân. Để biết chính xác về nguyên nhân này có phải gây béo phì hay không, bạn cần phải tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp.

- Hội chứng Cushing (cường vỏ thượng thận): những ai bị căn bệnh này sẽ gặp vấn đề ở tuyến thượng thận (nằm trên đầu mỗi quả thận). Khi đó cơ thể sẽ sản xuất một lượng dư thừa hormone steroid gọi là cortisol gây tích tụ chất béo ở các vị trí đặc trưng như mặt, lưng trên và bụng.

- Suy nhược cơ thể: tưởng chừng như rất mâu thuẫn nhưng khi cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tâm lý dẫn đến trầm cảm, căng thẳng có thể làm bạn ăn nhiều hơn quá mức bình thường. Từ đó không kiểm soát được sẽ dẫn đến béo phì. Bên cạnh đó, những người đang trong tình trạng này sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc cao huyết áp và thuốc co giật cũng có thể gây tăng trọng lượng cơ thể.

- Đa nang buồng trứng: căn bệnh này thường rất hay gặp ở nhiều chị em phụ nữ khi ảnh hưởng là bị rối loạn kinh nguyệt, tăng huyết áp, tăng androgen, kháng insulin và béo phì đến hơn 50%.

- Ngoài ra còn có một số tình trạng di truyền và các bệnh khác của não, hội chứng phì sinh dục (Babinski - Froehlich) hay U tuỵ nội tiết cũng có thể gây tăng cân quá mức.

4. Các phương pháp phòng ngừa thừa cân béo phì

Có nhiều cách để phòng ngừa béo phì. Có thể liệt kê một số phương pháp như: chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và luyện tập cơ thể thường xuyên.

a. Chế độ sinh hoạt lành mạnh

Chúng ta có thể tăng tỷ lệ giảm cân thành công bằng cách thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống. Điều này có thể bao gồm:

- Đặt mục tiêu giảm cân thực tế. Chỉ cần giảm 3% trọng lượng cơ thể ban đầu có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến béo phì.

- Ăn chậm hơn và tập trung khi ăn, không bị phân tâm khi xem TV.

- Chủ động tránh bị lôi cuốn vào việc ăn quá nhiều.

- Kêu gọi gia đình và bạn bè cùng hỗ trợ giảm cân bằng cách tạo động lực cho bạn.

- Theo dõi sự tiến bộ của bản thân bằng cách cân thường xuyên và ghi chép lại.

- Nhận hỗ trợ tâm lý từ một chuyên gia y tế về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ chuyên môn sẽ giúp bạn thay đổi cách nghĩ về thực phẩm và cách ăn uống. Các kỹ thuật tâm lý trị liệu như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) sẽ có tác động tích cực đến người bệnh.

Xem thêm: Các biến chứng thần kinh nguy hiểm của bệnh tiểu đường

b. Chế độ ăn uống khoa học

Hầu hết mọi người nên giảm 600 calo nạp vào năng lượng mỗi ngày nếu muốn giảm từ 0,5 đến 1kg mỗi tuần. Với đàn ông điều này có nghĩa không tiêu thụ quá 1.900 calo mỗi ngày, còn phụ nữ không quá 1.400 calo mỗi ngày. Cách tốt nhất là thay các thực phẩm không lành mạnh và giàu năng lượng như thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn và đồ uống có đường (bao gồm cả rượu) bằng các thực phẩm tốt cho sức khỏe. Chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm:

- Nhiều trái cây và rau quả.

- Các thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống… (lý tưởng nhất là các loại ngũ cốc nguyên hạt và nhiều chất xơ).

- Sữa và chế phẩm từ sữa.

- Thịt, cá, trứng, đậu và các nguồn protein từ thực vật.

- Ăn ít thức ăn dầu mỡ và hạn chế đồ uống có đường.

c. Luyện tập thường xuyên

Ai cũng biết việc giảm lượng calo trong chế độ ăn uống sẽ giúp giảm cân nhưng để duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể sẽ cần hoạt động thể chất để đốt cháy năng lượng. Các hoạt động có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát đến hơn 20 bệnh, chẳng hạn như giảm 40% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tập thể dục còn làm tăng tiêu hao năng lượng và tăng tỷ lệ trao đổi chất cho cơ thể. Các lợi ích khác liên quan đến hoạt động thể lực bao gồm:

- Tăng độ nhạy cảm với insulin.

- Cải thiện lipid máu.

- Hạ huyết áp.

- Cơ thể săn chắc và khỏe mạnh hơn.

- Cải thiện sức khỏe tâm lý.

- Giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng.

- Tăng tuổi thọ trung bình.

Hãy tập những bài tập thú vị và thư giãn sẽ giúp bạn duy trì tập luyện tốt. Tập thể dục nhịp điệu và luyện tập sức bền sẽ tốt hơn nếu được kết hợp cùng nhau so với tách riêng. Hoạt động thể chất 150 phút/tuần sẽ tăng cường sức khỏe và 300 đến 360 phút/tuần sẽ giúp giảm và duy trì cân nặng. Phát triển lối sống song hành cùng hoạt động thể lực có thể giúp giảm cân và duy trì sự khỏe mạnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X