Hotline 24/7
08983-08983

Tuyến thượng thận là gì? Các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận là một cơ quan tuy nhỏ nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hòa hoạt động sống.

1. Tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận là cơ quan đôi (có ở hai bên) tuy có kích thước nhỏ nhưng đóng vai trò sống còn với cơ thể của con người. Chúng nằm ở khoang sau phúc mạc, tức khu vực sau các tạng trong ổ bụng, gần về phía sau lưng hơn, sát với vị trì của hai thận.

Cụ thể, tuyến thượng thận trực tiếp sản xuất ra nhiều loại hormone (Hormone adrenaline, steroid aldosterone, catecholamine, cortisol...) tham gia vào các quá trình chuyển hóa phức tạp. Nhất là hormone tuyến thượng thận catecholamine có khả năng điều hoà huyết áp động mạch.

2. Vị trí của tuyến thượng thận trong cơ thể

Tuyến thượng thận nằm sâu sau phúc mạc. Hai tuyến thượng thận sẽ nằm ở phía trên đầu của mỗi quả thận, cụ thể hơn là chúng ở trên đầu của mỗi quả thận. Có hai tuyến thượng thận nằm ở phía trên mỗi thận. Kích thước mỗi tuyến tương đương với một quả óc chó và có một phần là vỏ thượng thận ở bên ngoài, một phần là tủy thượng thận ở bên trong.

Theo đó, các tế bào tại vùng khác nhau của tuyến thượng thận sẽ tạo ra những hormone cùng tác động không giống nhau lên hoạt động sống của cơ thể. Bất kỳ một sự tăng tiết nội tiết tố nào do u tuyến thượng thận đều có thể gây ra những hội chứng bệnh lý khó điều trị khỏi hẳn bằng biện pháp nội khoa (Uống thuốc).

Xem thêm: Bệnh suy tuyến thượng thận và những điều cần biết

3. Cấu tạo tuyến thượng thận

Cấu tạo tuyến thượng thận gồm 2 phần là phần vỏ và phần tủy với chức năng nội tiết riêng biệt.

a. Vỏ thượng thận

Vỏ thượng thận gồm lớp cầu, lớp sợi và lớp lưới. Giúp sản xuất Glucocorticoids, Mineralocorticoids, Androgens.

- Lớp ngoài (lớp cầu) Vùng ngoài cùng của vỏ thượng thận là lớp cầu. Nó nằm ngay dưới nang xơ của tuyến. Các tế bào trong lớp này tạo thành các nhóm hình bầu dục. Những nhóm này được ngăn cách bởi các sợi mô liên kết mỏng từ nang xơ của tuyến và mang mao mạch rộng.

Lớp cầu tiết hormon điều hòa các muối khoáng (các chất điện giải). Trong đó, quan trọng nhất là hormon aldosteron. Hormon này có tác dụng giữ các ion Na+ và K+ trong máu ổn định, giúp điều hòa huyết áp. Aldosterone đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp lâu dài.

- Lớp giữa (lớp sợi) à lớp lớn nhất trong ba lớp, chiếm gần 80% thể tích của vỏ thượng thận. Trong zona fasciculata, các tế bào được sắp xếp theo các cột hướng về phía tủy. Các tế bào chứa nhiều giọt lipid, ty thể dồi dào và mạng lưới nội chất trơn phức tạp.

Lớp sợi tiết hormon nhóm corticoid đường. Chúng đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa đường glucose. Ngoài ra chúng còn giúp ức chế quá trình viêm. Hormon chủ yếu của nhóm này là cortisol. Cortisol là hormon có tác dụng chuyển hóa glucose từ protein và lipit. Khi cơ thể cần, dưới tác dụng của Cortisol, glucose có thể được tổng hợp từ axit amin và axit béo do sự phân giải của protein và lipit.

- Lớp trong (lớp lưới) là lớp vỏ trong cùng, nằm liền kề với tủy. Các tế bào nhỏ của nó tạo thành các dây và cụm không đều. Chúng được cách nhau bởi các mao mạch và mô liên kết. Các tế bào chứa một lượng tương đối nhỏ tế bào chất và các giọt lipid.

Lớp lưới tiết hormon điều hòa sinh dục nam, trong đó chủ yếu là androgen. Ngoài ra còn có một lượng không đáng kể estrogen. Androgen có tác dụng lên sự phát triển các đặc tính nam. Trong quá trình phát triển phôi, sự phân hóa giới tính nam chủ yếu là do tác dụng của androgen.

Đến tuổi dậy thì, androgen cùng với hormon tinh hoàn (testosteron) kích thích cơ quan sinh dục phát triển. Tuyến trên thận ở nữ cũng tiết loại hormon này. Nếu tiết nhiều trong thời kì còn là thai nhi, có thể phát triển tính nam. Tức là thể hiện ở cơ quan sinh sản về bề ngoài giống nam giới.

b. Tủy thượng thận

Tủy thượng thận nằm ở trung tâm của tuyến thượng thận, và được bao quanh bởi vỏ thượng thận. Tủy thượng thận là nguồn hormon catecholamines chính của cơ thể. Khoảng 20% ​​noradrenaline (norepinephrine) và 80% adrenaline (epinephrine) được tiết ra ở đây.

Tủy thượng thận là bộ phần thuộc về hệ thần kinh giao cảm. Được coi như hạch giao cảm, bao gồm các noron sau hạch (đã bị biến đổi) chỉ có thân mà lại không có sợi nhánh, trong đó sợi trục được chi phối hoàn toàn bởi các sợi trước hạch của hệ thần kinh giao cảm. Có thể hiểu, tủy thượng thận tiết ra các nội tiết tố như epinephrine và norepinephrine. Đây là những amin có tác động chính của hệ thần kinh giao cảm, chịu trách nhiệm làm tăng co bóp ở tim, giãn phế quản, co mạch ngoại biên và nội tại bằng giãn cơ vân, tăng huyết áp, tăng đường huyết,...

4. Chức năng của tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận tiết ra một số hormone khác nhau. Những hormone này có liên quan đến một số chức năng sinh học thiết yếu.

a. Corticosteroid

Mineralocorticoids (như là aldosterone)

Có tác dụng giúp điều hòa huyết áp và cân bằng điện giải. Hormon điều hòa bằng cách quản lý sự cân bằng kali và natri trong cơ thể. Ở thận, aldosterone tác động tăng tái hấp thu natri và bài tiết cả ion kali và hydro. Lượng natri có trong cơ thể ảnh hưởng đến thể tích ngoại bào, từ đó ảnh hưởng đến huyết áp.

Glucocorticoids

Có nhiều tác dụng trong quá trình trao đổi chất. Chúng làm tăng mức độ lưu thông glucose. Đây là kết quả của sự gia tăng huy động acid amin từ protein. Glucocorticoid kích thích tổng hợp glucose từ các acid amin này trong gan. Ngoài ra, chúng còn tăng mức acid béo tự do mà tế bào có thể sử dụng thay thế cho glucose để thu được năng lượng. Glucocorticoids cũng có tác dụng liên quan đến sự điều chỉnh nồng độ đường trong máu.

Hormon này còn ức chế hệ thống miễn dịch và tác dụng chống viêm. Cortisol làm giảm khả năng của các nguyên bào xương để tạo ra mô xương mới. Ngoài ra nó còn làm giảm sự hấp thu canxi trong đường tiêu hoá. Điều này có nghĩa lượng Glucocorticoid quá nhiều có thể gây loãng xương.

Glucocorticoids chịu ảnh hưởng điều tiết của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA). Sự tổng hợp glucocorticoids được kích thích bởi hormon vỏ thượng thận (ACTH) - giải phóng từ tuyến yên trước. Đổi lại, việc sản xuất ACTH được kích thích bởi sự hiện diện của hormone corticotropin (CRH) - được giải phóng bởi các tế bào thần kinh của vùng dưới đồi.

b. Catecholamines

Các tuyến thượng thận sẽ chịu trách nhiệm cho hầu hết các adrenaline lưu thông trong cơ thể, nhưng chỉ có một lượng noradrenaline lưu hành. Những hormone này được giải phóng bởi tủy thượng thận, nơi chứa một mạng lưới mạch máu dày đặc.

Adrenaline và noradrenaline hoạt động toàn cơ thể, với các tác dụng bao gồm tăng huyết áp và nhịp tim. Ngoài ra, nó còn chịu trách nhiệm cho phản ứng đấu tranh chống tác nhân có hại. Hoạt động này được đặc trưng bởi việc thở nhanh và nhịp tim, tăng huyết áp và co thắt mạch máu ở nhiều bộ phận của cơ thể.

c. Androgens

Androgens được sản xuất bởi lớp trong cùng của vỏ thượng thận. Hormon này được chuyển đổi thành hormon giới tính với đầy đủ chức năng trong tuyến sinh dục và các cơ quan đích khác.

Xem thêm: Suy thượng thận do dùng glucocorticoid (Hội chứng giả Cushing)

5. Các bệnh có liên quan đến tuyến thượng thận

Cũng giống như bất kỳ cơ quan bộ phận nào trong cơ thể, tuyến thượng thận khi không hoạt động hoặc hoạt động bất thường sẽ gây ra những vấn đề cho sức khỏe. Và dưới đây là một số bệnh liên quan đến tuyến thượng thận phổ biến mà bạn cần biết. 

a. Bệnh Addison

Bệnh Addison còn được gọi là bệnh suy tuyến thượng thận là một trong những bệnh lý rối loạn hiếm gặp nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới bất kỳ giới tính hay lứa tuổi nào. Nguyên nhân bắt nguồn do vỏ thượng thân không sản xuất đủ cortisol và aldosterone. Bệnh thường tiến triển thầm lặng khiến vỏ thận ngày càng suy giảm chức năng.

Triệu chứng của bệnh lý suy tuyến thượng thận (Addison) như: sạm da, mệt mỏi, tụt huyết áp, có thể thấy chóng mặt và ngất thường xuyên, thậm chí nghiêm trọng hơn là những cơn suy thượng thận cấp dẫn tới biến cố nặng về tim mạch.

b. Ung thư tuyến thượng thận

Ung thư tuyến thượng thận cũng là bệnh liên quan đến tuyến thượng thận hiếm gặp. Bản chất là một loại ung thư xâm lấn, nghĩa là khi các khối u tuyến thượng thận xuất hiện sẽ có xu hướng nhanh chóng lan sang các cơ quan khác, đồng nghĩa với việc lượng hormone do chúng sản xuất ra dư thừa gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, người trung niên khoảng 40 đến 50 tuổi. Bệnh rất ít biểu hiện ra bên ngoài cho đến khi khối u phát triển lớn sẽ ép vào các cơ quan khác khiến bệnh nhân bị đau ở bụng, đau lưng hoặc cảm thấy nặng nề vô cùng ngay sau ăn.

c. Hội chứng Cushing

Đây là một bệnh lý rối loạn không phổ biến. So với bệnh Addison thì hội chứng Cushing trái ngược hoàn toàn. Bởi nó bắt nguồn bởi sự tăng mạn tính hormone cortisol không kìm hãm được do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp là do khối u ở tuyến thượng thận hoặc u tại tuyến yên. 

Hội chứng này gây ra nhiều triệu chứng như: bụng phệ nhưng cánh tay, chân lại mỏng; da có các vết rạn đỏ, xuất hiện cục mỡ giữa vai; cơ bắp và xương rất yếu, có nhiều mụn trứng cá; cao huyết áp; ở phụ nữ có thể thêm dấu hiệu kinh nguyệt không đều, nhiều tóc. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X