Hotline 24/7
08983-08983

Những câu hỏi thường gặp về bệnh suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận khó chẩn đoán do triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và đặc hiệu, nguyên nhân suy tuyến thượng thận có thể là nguyên phát (do bệnh tại tuyến) hoặc thứ phát (do tiến triển từ bệnh lý khác). Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên người từ 30 - 50 tuổi dễ bị suy tuyến thượng thận hơn.

1. Tuyến thượng thận đóng vai trò như thế nào?

Tuyến thượng thận được chia làm 2 phần:

- Vỏ thượng thận

- Tủy thượng thận

Vỏ thượng thận được chia làm 3 lớp:

- Lớp cầu tiết mineralocorticoid (aldosteron) có tác dụng tăng giữ Na+, nước, tăng đào thải K+, H+ giúp cho việc điều hòa huyết áp.

- Lớp bó tiết ra glucocorticoid (cortison, hydrocortison) giúp điều hòa đường huyết, giảm hình thành các chất trung gian gây viêm như leucotrien, có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, ức chế miễn dịch.

- Lớp lưới tiết ra androgen (hormon sinh dục nam) có tác dụng phát triển các đặc tính thứ phát của nam như giọng nói trầm, đặc; dây thanh quản dài, vai lưng rộng….

Tủy thượng thận thuộc về thần kinh giao cảm tiết ra Adrenalin và Noradrenalin có tác dụng tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng huyết áp, tăng đường huyết,….

Suy tuyến thượng thận là loại rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận không hoạt động hiệu quả khiến chúng sản xuất quá ít cortison hoặc đôi khi là cả aldosteron dẫn đến hàng loạt rối loạn trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Phân loại suy thượng thận gồm:

- Suy thượng thận cấp

- Suy thượng thận mạn nguyên phát

- Suy thượng thận thứ phát.

2. Nguyên nhân gây bệnh tuyến thượng thận là gì?

a. Nguyên nhân suy thượng thận nguyên phát: do suy vỏ thượng thận (Addison)

- Tự miễn

- Lao

- Phá hủy tuyến thượng thận như: cắt bỏ tuyến thượng thận 2 bên, hoặc dùng các thuốc như: ketoconazol, aminogluthethimide, rifampicin,... hoặc hoại tử tuyến thượng thận như nhiễm nấm, giang mai, HIV,…

- Rối loạn đông máu, viêm tắc mạch máu

- Thoái triển tuyến thượng thận bẩm sinh, loạn dưỡng chất

- Rối loạn gen.

b. Nguyên nhân suy thượng thận thứ phát: do suy tuyến yên, giảm sản xuất ACTH làm giảm sản xuất corticoid

- Suy tuyến yên/vùng dưới đồi, bất thường tuyến yên do đột biến gen

- Nhồi máu não, chảy máu não, chấn thương sọ não

- Nhiễm khuẩn, thâm nhiễm: do lao, HIV, ung thư,…

- Dùng glucocorticoid kéo dài.

c. Nguyên nhân suy thượng thận cấp: biểu hiện trụy tim mạch, rối loạn điện giải, hạ đường huyết thường bắt nguồn từ suy thượng thận nguyên phát Addison.

- Do stress

- Do chảy máu, hoại tử tuyến thượng thận cấp

- Do hoại tử tuyến yến cấp

- Do suy thượng thận mạn bỏ điều trị hoặc có stress.

Xem thêm: Bệnh suy tuyến thượng thận và những điều cần biết

3. Những ai có thể mắc bệnh suy thượng thận?

- Bệnh nhân bị lao, AIDS, giang mai: sẽ gây viêm thượng thận, hoại tử thượng thân.

- Bệnh tự miễn: thường gây thâm nhiễm lymphocyte vào vỏ tuyến thượng thận làm cho tuyến thượng thận teo nhỏ.

- Người cắt bỏ tuyến thượng thận: sẽ không còn tuyến thượng thận để sản xuất các hormon glucocorticoid hoặc mineralocorticoid.

- Người bị suy tuyến yên: không sản xuất đủ hormon ACTH để điều hòa quá trình bài tiết hormon tuyến thượng thận gây suy thượng thận.

- Ung thư (phổi, tiêu hóa, vú, thận) di căn đến vỏ thượng thận, làm cho đáp ứng cortisol dưới mức bình thường đối với ACTH.

4. Bệnh suy thượng thận sẽ gặp các triệu chứng gì?

- Trên da: tăng sắc tố da, gây xạm da, da nâu (bệnh đồng đen).

- Trên cơ thể: thể trạng ốm, sụt cân, chán ăn.

- Trên tiêu hóa: buồn nôn, tiêu chảy, ói mửa, táo bón, đau bụng.

- Trên tim mạch: giảm co mạch máu, giảm thể tích tuần hoàn gây giảm huyết áp.

- Trên đường huyết: giảm tổng hợp glucose, gây hạ đường huyết.

- Trên thần kinh: chậm chạp, trầm cảm, vô cảm.

- Trên hệ tạo máu: giảm tạo hồng cầu gây thiếu máu.

5. Suy tuyến thượng thận có chữa khỏi được không?

Đây là căn bệnh khá nguy hiểm nếu như không được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cấp khó có thể điều trị, gây ra nguy cơ tử vong cao, bệnh có thể chữa được nếu như người bệnh tuân thủ đúng quy trình điều trị của các bác sĩ. 

Suy tuyến thượng thận không còn là tình trạng bệnh lý hiếm gặp nhưng hầu hết bệnh nhân hiện nay phải chấp nhận điều trị duy trì bằng thuốc suốt đời. Thuốc có tác dụng bổ sung lượng hormone suy tuyến thượng thận bị thiếu hụt. 

Bác sĩ thường dùng cortisol và aldosterone và các loại thuốc này có thể dùng liều cao mà không hề gây ra tác dụng phụ với sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên  lưu ý bổ sung thêm Canxi để phòng ngừa sự ảnh hưởng của thuốc trong thời gian dài, dùng thuốc an thần hỗ trợ mất ngủ.

Nhìn chung, liệu pháp điều trị suy thượng thận thường không gây tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc với liều lượng cao hơn so với chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài, bạn có nguy cơ gặp phải những vấn đề như:

- Xương yếu (loãng xương)

- Tâm trạng thay đổi liên tục

- Khó ngủ hay thậm chí là mất ngủ.

6. Khi nào cần điều chỉnh đơn thuốc điều trị suy thượng thận?

Thông thường, nên đi tái khám mỗi 6 - 12 tháng. Lúc này, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe hiện tại để điều chỉnh lại toa thuốc nếu cần thiết.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh có thể đột ngột phát sinh nếu người bệnh rơi vào bất kỳ trường hợp nào dưới đây:

- Nhiễm trùng, đặc biệt khi bạn sốt trên 38ºC

- Bất kỳ tai nạn nào, ví dụ như tai nạn xe cộ

- Thực hiện thủ thuật y tế, chẳng hạn như trám răng hay nội soi

- Không thường xuyên tập thể dục

Sự điều chỉnh này sẽ hỗ trợ cơ thể giải quyết những vấn đề đang xảy ra.

Xem thêm: Bệnh nhân suy tuyến thượng thận cần lưu ý chế độ dinh dưỡng ra sao?

7. Suy tuyến thượng thận ăn uống như thế nào?

Suy tuyến thượng thận nên ăn gì là điều mà rất nhiều người bệnh băn khoăn để giúp bệnh giảm thiểu các triệu chứng. Để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn khoa học và hợp lý, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên bổ sung những dưỡng chất sau:

a. Dùng đồ ăn có lượng đạm cao

Bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận sẽ khiến cho cơ thể bị thiếu hụt chất glucose. Vì vậy, thực đơn dùng cho người bệnh cần được bổ sung thêm protein và những loại chất béo tốt. Đây chính là nguồn năng lượng để giúp cho cơ thể chuyển hóa thành glucose, giúp cho cơ thể hoạt động bình thường. Một số thực phẩm nên chọn như  cá, thịt, trứng,... với hàm lượng protein cao.

b. Thực phẩm giàu vitamin C

Những người suy vùng thượng thận có những biểu hiện thường thấy như cơ thể mệt mỏi, đề kháng suy yếu. Trong khẩu phần ăn hằng ngày cần được bổ sung thêm những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C điển hình như cam, táo, đu đủ, ổi,…

Những dưỡng chất có trong thực phẩm này sẽ giúp tăng cường đề kháng, hệ miễn dịch đồng thời thúc đẩy sinh cortisol cho cơ thể.

c. Thực phẩm giàu vitamin B

Vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B5 và B6 là những dưỡng chất có vai trò quan trọng khi tham gia trực tiếp vào hoạt động của hormone tuyến yên. Bạn có thể chọn mua một số thực phẩm giàu vitamin này trong các loại đậu, yến mạch, bơ…

d. Uống đủ nước

Người bị suy tuyến thượng thận phải đảm bảo dùng đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày. Hoặc bổ sung thêm các loại nước khác như nước lá, râu ngô, trà, sinh tố,… cũng rất tốt cho hỗ trợ điều trị bệnh. 

8. Bệnh suy tuyến thượng thận sống được bao lâu?

Đây là một trong những điều mà người bệnh vô cùng băn khoăn và lo lắng bởi bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ. Thời gian sống của bệnh nhân mắc suy tuyến thượng thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, lối sống của bệnh nhân cũng như việc tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ. 

Người bệnh hoàn toàn có thể sống như người bình thường nếu như tuân thủ đúng theo yêu cầu của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần kết hợp với một lối sống lành mạnh để có hệ miễn dịch tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X