Tham khảo bảng giá các loại xét nghiệm tiểu đường
Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh tiểu đường. Đối với những người đang mắc bệnh nên chủ động xét nghiệm đường huyết thường xuyên để theo dõi lượng đường trong máu và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt.
1. Các xét nghiệm cho bệnh tiểu đường loại 1, loại 2 và tiền tiểu đường
a. Xét nghiệm đường niệu (Glucose nước tiểu)
Thông thường ngưỡng của thận với glucose là 1,6 - 1,8 g/L (160 - 180 mg/dL) hay 8,9-10 mmol/L. Khi lượng đường trong máu vượt quá giá trị này, thận sẽ không hấp thu được hết và sẽ xuất hiện glucose trong nước tiểu.
Trước kia glucose niệu là một xét nghiệm dùng để sàng lọc đái tháo đường. Tuy nhiên hiện nay vai trò của nó đã bị giảm vì:
- Một số người có ngưỡng thận thấp (<1,7 g/L), tức là khả năng tái hấp thu của thận kém, đường máu chưa cao nhưng đã xuất hiện đường trong nước tiểu.
- Trong một số bệnh lý về rối loạn enzym bẩm sinh sẽ xuất hiện một số đường khác như fructose, galactose và cũng sẽ cho xét nghiệm dương tính.
- Hiện nay các máy đo đường huyết cá nhân khá phổ biến nên cũng tiện lợi cho việc sàng lọc tại nhà mà không cần phải đi xét nghiệm.
- Xét nghiệm glucose niệu được thực hiện bằng 2 cách là định tính với thuốc thử Fehling và định lượng bằng máy xét nghiệm nước tiểu. Ngày nay phần lớn đều xét nghiệm glucose niệu bằng máy xét nghiệm nước tiểu 10 hoặc 11 thông số. Nước tiểu sẽ được phản ứng với hoá chất trên thanh test thử tạo màu. Đậm độ màu tỉ lệ thuận với nồng độ glucose trong nước tiểu và được đo bằng máy hoặc mắt thường. Xét nghiệm tương đối đơn giản và nhanh.
Chi phí thực hiện xét nghiệm: Khoảng 40.000 đồng.
b. Định lượng glucose máu ngẫu nhiên
Theo WHO, 1 trong các tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường là xét nghiệm đường máu tại thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dl (≥ 11,1 mmol/l) với huyết tương hoặc ≥ 180 mg/dl (≥ 10,0 mmol/l) với máu toàn phần. Như vậy, có thể tiến hành xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường tại thời điểm bất kỳ mà không cần phải quan tâm đến bệnh nhân đã ăn hay chưa, đã ăn được bao lâu. Nếu thấy đường máu ≥ 11,1 mmol/l thì kết luận đái tháo đường. Tuy nhiên nếu kết quả đường máu ở thời điểm bất kỳ mà < 7,8mmol/L thì cần làm thêm nghiệm pháp tăng đường huyết để khẳng định.
Việc định lượng đường máu có 2 cách:
- Cách 1: Lấy máu ly tâm tách huyết tương và xét nghiệm trên các hệ thống máy hóa sinh bán tự động hoặc tự động.
- Cách 2: Sử dụng các máy đo đường huyết các nhân để đo ngay máu toàn phần từ mao mạch.
Để đảm bảo tính chính xác nên dùng cách 1.
Chi phí thực hiện xét nghiệm: Khoảng 40.000 - 100.000 đồng.
c. Định lượng glucose máu lúc đói
Đây là xét nghiệm phổ biến hay dùng nhất hiện nay để chẩn đoán đái tháo đường. Bình thường glucose huyết tương khi đói khoảng 4,4 - 5,0 mmol/L. Nếu như xét nghiệm thấy đường máu lúc đói (sau ăn 8 tiếng) ≥ 126 mg/dl (≥ 7,0 mmol/l) ở 2 lần xét nghiệm gần nhau thì được coi là đái tháo đường. Lưu ý là đường máu trong huyết tương cao hơn trong máu toàn phần khoảng 10 - 15%.
Như vậy:
- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương < 5,6 mmol/L (< 100mg/dL) hoặc < 4,4mmol/L (< 79mg/dL) trong máu toàn phần thì kết luận không bị đái tháo đường.
- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương 5,6 - 6,4 mmol/L (100 - 116 mg/dL) hoặc 4,4 - 5,5 mmol/L (79-99 mg/dL) trong máu toàn phần thì nguy cơ bị đái tháo đường là ít và không cần làm nghiệm pháp tăng đường huyết.
- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương 6,5 - 7,0 mmol/L (117 - 126 mg/dL) hoặc 5,6 - 6,6 mmol/L (100 - 119 mg/dL) trong máu toàn phần thì nguy cơ bị đái tháo đường là cao và cần làm nghiệm pháp tăng đường huyết.
- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương ≥ 7,0 mmol/L (≥ 126mg/dL) hoặc ≥ 6,7mmol/L (≥ 120mg/dL) trong máu toàn phần thì kết luận bị đái tháo đường.
Chi phí thực hiện xét nghiệm: Đây là loại xét nghiệm đơn giản nhất và ít tốn chi phí nhất, khoảng 40.000 - 100.000 đồng.
d. Xét nghiệm glucose máu sau ăn 2 giờ
Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy máu bệnh nhân sau khi bệnh nhân ăn được 2 giờ. Bữa ăn của bệnh nhân sẽ có khoảng 100g carbonhydrat và các chất dinh dưỡng khác. Nếu xét nghiệm đường máu sau ăn của bệnh nhân 2 giờ thấy kết quả nồng độ glucose trong huyết tương ≥ 11,1 mmol/l thì sẽ được coi là chỉ điểm của bệnh đái tháo đường. Còn nếu nồng độ glucose < 6,7 mmol/L được coi là bình thường. Tuy nhiên xét nghiệm này hiện nay ít được sử dụng mặc dù khá đơn giản bởi vì:
- Khó kiểm soát được thành phần bữa ăn của bệnh nhân. Có người ăn nhiều glucid (cơm), có người ăn nhiều rau, nhiều thịt,… thì nồng độ glucose cũng sẽ khác nhau.
- Khó kiểm soát chính xác thời gian của bữa ăn.
- Khó kiểm soát sự hấp thu thức ăn. Có những bệnh nhân khả năng hấp thu nhanh, có những bệnh nhân khả năng hấp thu chậm vì vậy lượng đường trong máu sẽ khác nhau.
Chi phí thực hiện xét nghiệm: Khoảng 40.000 - 100.000 đồng.
Xem thêm: Các địa chỉ xét nghiệm nội tiết - tiểu đường uy tín tại TPHCM
e. Nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống
Nghiệm pháp này rất có giá trị và được dùng để khẳng định ở những bệnh nhân có nồng độ glucose huyết tương > 6,4 mmol/L nhưng < 7,0 mmol/L. Nghiệm pháp được tiến hành như sau:
- Lấy máu để định lượng glucose trước uống (lúc đói).
- Cho bệnh nhân uống 75g glucose hòa trong nước trong vòng 5 phút. Trẻ em uống 1,75g/kg cân nặng.
- Lấy máu bệnh nhân định lượng lại nồng độ glucose tại các thời điểm 30, 60, 90 và 120 phút sau uống. Nếu kết quả định lượng glucose ở thời điểm 120 phút và một thời điểm nào đó trong các thời điểm 30, 60 và 90 phút mà ≥ 11,1 mmol/L thì được chẩn đoán là đái tháo đường. Vì ở người bình thường sau khi uống glucose máu sẽ tăng lên đạt khoảng 8,3 mmol/L (150gm/dL) sau đó hạ xuống dần và trở về bình thường sau 3 giờ. Còn ở người đái tháo đường thì nồng độ glucose máu sẽ tăng cao ≥ 11,1 mmol/L (200 mg/dL) và hạ xuống một cách chậm chạp.
Tuy nhiên để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác cần lưu ý những điểm sau:
- Bệnh nhân không đang sử dụng các loại thuốc nhóm glucocorticoid, thuốc lợi tiểu,…
- Bệnh nhân ăn uống, hoạt động bình thường 3 ngày trước khi tiến hành thử nghiệm
- Nghiệm pháp được tiến hành sau khi bệnh nhân đã nhịn ăn được tối thiểu 8 – -10 tiếng.
- Trong quá trình tiến hành thử nghiệm bệnh nhân nghỉ ngơi tại chỗ, tránh vận động.
Chi phí thực hiện xét nghiệm: Đây cũng là loại xét nghiệm có chi phí cao nhất, khoảng 130.000 - 170.000 đồng.
f. Nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường tiêm tĩnh mạch
Nghiệm pháp này không phổ biến và ít dùng vì gây cảm giác sợ cho bệnh nhân.
Nghiệm pháp được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân kém hấp thu hoặc không có khả năng dung nạp glucose bằng đường uống.
Nghiệm pháp được tiến hành bằng cách tiêm glucose tĩnh mạch với liều lượng 0,5g/kg thể trọng. Sau khi tiêm tiến hành lấy máu và định lượng lại glucose 10 phút/lần, trong vòng 60 phút.
Chi phí thực hiện xét nghiệm: khoảng 130.000 - 170.000 đồng.
g. Xét nghiệm định lượng HbA1C
Xét nghiệm định lượng HbA1C (bắt buộc phải thực hiện ở phòng thí nghiệm chuẩn hóa quốc tế) nhằm mục đích xác định hàm lượng đường trung bình trong máu khoảng 3 tháng. Đối với cơ thể, HbA1C có chức năng đánh giá nồng độ Glucose liên kết với hồng cầu. Do đó, khi thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ có cơ sở để chẩn đoán và khảo sát khả năng đáp ứng chữa trị ở những đối tượng mắc bệnh tiểu đường type 2.
Đây là một trong những cách xét nghiệm phổ biến nhất vì kết quả ước tính lượng đường trong máu theo thời gian và bạn không cần phải nhịn ăn. Xét nghiệm chỉ yêu cầu thu thập một lượng máu nhỏ, kết quả đo được tính bằng phần trăm:
- Kết quả dưới 5,7%: đây là chỉ số của người bình thường
- Kết quả từ 5,7 đến 6,4%: bệnh nhân đang trong giai đoạn tiền tiểu đường
- Kết quả bằng hoặc lớn hơn 6,5%: bệnh nhân đã bị mắc tiểu đường
Chi phí thực hiện xét nghiệm: Để định lượng được HbA1C sẽ cần đến máy móc chuyên dụng nên chi phí cao hơn, khoảng 100.000 – 200.000 đồng.
2. Các xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ
Trong giai đoạn mang thai, thai phụ rất dễ gặp phải tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này thường khó phát hiện và biến mất sau khi sinh 6 tuần. Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho cả mẹ và bé nếu không được phát hiện kịp thời. Những phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc tiểu đường cao nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường tại lần khám thai đầu tiên và những thai phụ không được chẩn đoán tiểu đường thường được xét nghiệm ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ thực hiện 1 trong 2 phương pháp sau:
a. Xét nghiệm 1 bước
Thai phụ cần làm nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống bằng cách uống 75g Glucose sau đó nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch đo nồng độ Glucose vào các mốc thời điểm: 1 giờ và 2 giờ sau khi thai phụ uống đường. Nghiệm pháp này chủ yếu thực hiện với thai phụ trước đó không được chẩn đoán đái tháo đường.
Thời điểm để làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng, khi sản phụ đã nhịn đói qua 1 đêm trong tối thiểu 8 giờ. Kết quả xét nghiệm được chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ khi 1 trong 3 chỉ số dưới đây bất thường:
- Đường huyết khi đói ≥ 92 mg/dL (5.1 mmol/L).
- Vào mốc 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10.0 mmol/L).
- Vào mốc 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8.5 mmol/L).
Nếu cả 3 chỉ số đều nhỏ hơn các giá trị trên thì thai phụ không mắc tiểu đường thai kỳ.
b. Xét nghiệm 2 bước
Quy trình test tiểu đường thai kỳ chủ yếu thực hiện với thai phụ trước đó không được chẩn đoán đái tháo đường.
- Bước 1: Thai phụ uống Glucose 50g và đợi 1 giờ sau tiến hành đo đường huyết (trước đó thai phụ không cần nhịn đói). Nếu ở mốc thời gian này, mức Glucose huyết tương đo được vượt ngưỡng 130 mg/dL (7.2mmol/L) thì thai phụ tiếp tục thực hiện nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống 100g.
- Bước 2: Thai phụ tiến hành nghiệm pháp uống Glucose 100g nhưng vào thời điểm đang đói. Thai phụ sẽ uống 100g Glucose pha cùng 250 - 300ml nước rồi đo Glucose huyết khi đói và mốc 1, 2, 3 giờ sau khi uống Glucose. Cứ mỗi 1 giờ bác sĩ sẽ chích máu từ ngón tay của thai phụ để lấy mẫu kiểm tra đường huyết và xác định cách mà cơ thể chuyển hóa đường.
Xét nghiệm đường huyết được xem là có kết quả bất thường nếu sau khi uống dung dịch 100g Glucose trong 3 giờ thu được các chỉ số:
+ Đường huyết khi đói: 95mg/dl (5.3mmol/l).
+ Đường huyết đo được sau 1 giờ: > 180mg/dl (10.0mmol/l).
+ Đường huyết đo được sau 2 giờ: > 155mg/dl (8,6mmol/l).
+ Đường huyết đo được sau 3 giờ: > 140mg/dl (7.8mmol/l).
c. Một số điều cần lưu ý khi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Để quy trình test tiểu đường thai kỳ diễn ra thuận lợi, không ảnh hưởng đến kết quả, thai phụ nên lưu ý:
- Thời gian cần nhịn đói để làm xét nghiệm tương đối dài, trước khi đi làm xét nghiệm thai phụ nên mang theo đồ ăn để ăn ngay sau lần lấy máu cuối cùng.
- Mang theo sách, truyện hay bất cứ thứ gì có thể giải trí được để thư giãn trong lúc chờ đợi các lần lấy mẫu xét nghiệm.
- Không cần phải thay đổi chế độ ăn ngủ trước khi làm xét nghiệm.
Chi phí thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: Dao động từ 150.000 – 300.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí thực tế có thể tăng hoặc giảm vì phục thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thông thường, các gói khám sàng lọc trước sinh cũng sẽ bao gồm cả xét nghiệm này.
Xem thêm: Top 14 bệnh viện, phòng khám Nội tiết - Tiểu đường tốt, giàu kinh nghiệm tại TPHCM
3. Lựa chọn xét nghiệm riêng lẻ hay xét nghiệm theo gói
Tại một số phòng khám tư hoặc trung tâm xét nghiệm hiện nay, bệnh nhân có thể lựa chọn xét nghiệm tiểu đường theo gói cơ bản hoặc nâng cao để phát hiện ra bệnh.
Theo khảo sát, gói xét nghiệm tiểu đường cơ bản có giá khoảng 300.000 đồng, gói xét nghiệm tổng quát nâng cao dao động từ 800.000đ đến 2.000.000 đồng.
4. Một số lưu ý chung khi thực hiện xét nghiệm tiểu đường
a. Trước kỳ kiểm tra
- Xác định địa điểm mà bạn sắp làm xét nghiệm để việc di chuyển thuận lợi, đúng giờ.
- Khi đi xét nghiệm nên mặc áo ngắn để việc lấy máu dễ dàng. Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái phù hợp với việc thăm khám cũng như di chuyển.
- Thi thoảng uống một ngụm nước nhỏ, lưu ý không uống một ly đầy, uống quá nhiều nước.
- Mang theo thẻ bảo hiểm, giấy tờ tùy thân và các giấy tờ mà bác sĩ yêu cầu, tránh để việc tìm giấy tờ làm gián đoạn quá trình làm xét nghiệm.
- Một số người cảm thấy buồn nôn sau khi lấy máu do nhịn ăn một thời gian khá dài. Vì vậy tốt nhất nên mang theo đồ ăn nhẹ để ăn sau khi kết thúc bài kiểm tra.
b. Trong quá trình kiểm tra
- Người đi làm xét nghiệm nên cung cấp về các tiền sử ngất xỉu hoặc dị ứng mà bản thân đã gặp phải trước đó để kỹ thuật viên lưu ý.
- Giữ tinh thần thoải mái khi được lấy máu.
- Cố gắng không bắt chéo chân hoặc gồng người vì căng thẳng có thể làm tăng lượng đường trong cơ thể và cũng gây khó khăn cho việc lấy máu.
c. Sau khi xét nghiệm
- Sau khi lấy máu người bệnh có thể tự do rời đi và chờ kết quả, nếu cảm thấy chóng mặt, bạn nên ngồi trong phòng chờ vài phút.
- Đây sẽ là lúc ăn nhẹ để bổ sung lượng đường trong máu thấp do nhịn ăn.
- Đợi kết quả và tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình