Hotline 24/7
08983-08983

Các loại rau nào tốt cho người bệnh đái tháo đường?

Với hơn 3,5 triệu người Việt Nam đang bị bệnh đái tháo đường. Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát đường huyết, cải thiện sức khỏe.

1. Người bệnh đái tháo đường cần ăn kiêng thế nào cho tốt?

Người bệnh đái tháo không cần thiết ăn uống kiêng khem quá mức, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, gây khó khăn cho việc điều trị. Thay vào đó, người bệnh sống lạc quan, thay đổi chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng theo lời dặn của bác sĩ để vừa đảm bảo dinh dưỡng, đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày vừa kiểm soát lượng đường huyết, cân nặng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu cao.

Nguyên tắc cơ bản trong chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường:

- Hạn chế tinh bột: cơm, bún, phở,…

- Hạn chế thực phẩm chứa đường đơn: bánh, kẹo, nước ngọt

- Tăng cường nguồn acid béo không bão hòa: cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu đậu nành, dầu phộng,…

- Ăn nhiều rau xanh, nhiều chất xơ như rau cải, bầu, bí, mướp… và trái cây ít ngọt như sơ ri, mận, bưởi, cam,…

- Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường nên chia nhỏ bữa ăn: 5 – 6  bữa/ngày, để tránh tăng đường huyết sau mỗi bữa. Chia nhỏ bữa ăn cũng giúp người bệnh vừa đảm bảo cơ thể nhận đủ năng lượng mỗi ngày, giúp cơ thể không bị tăng đường huyết quá nhiều ngay sau bữa ăn hoặc không bị hạ đường huyết do ăn uống.

- Ngoài ra, với người bệnh đái tháo đường có kèm các bệnh nền khác nhau sẽ có chế độ ăn khác nhau. Cụ thể, người bệnh tiểu đường có bệnh gout nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purine (thịt bò, thịt dê, thịt cừu, tôm hùm, cá cơm, cá nục,…); hạn chế hoặc bỏ rượu; có bệnh tim mạch nên hạn chế muối, thức ăn nhiều cholesterol (mỡ heo, bò,…), nội tạng động vật, món chiên, xào, nướng, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.

Xem thêm: Người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì và nên kiêng gì?

2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn rau gì?

Chế độ ăn nhiều rau củ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết. Rau củ chứa nhiều chất xơ, giúp người bệnh tăng cường trao đổi chất, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu nên ngăn cản tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn. Người bệnh đái tháo đường nên ăn đa dạng các loại rau củ với nhiều màu sắc để vừa đảm bảo chất xơ vừa bổ dung đầy đủ các vitamin cần thiết cho cơ thể. Dưới đây là gợi ý một số loại rau củ tốt cho người bệnh đái tháo đường:

a. Rau diếp cá

Rau diếp cá cùng với húng lủi, ngò, xà lách, xà lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, rau mùi, kinh giới, rau đắng, rau tần ô (cải cúc), rau má, giá đỗ, húng, tía tô, húng quế,… là các loại rau giàu chất xơ, vitamin B tốt cho người bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, nguồn vitamin B trong các loại rau này có tác dụng giảm mức độ homocysteine, một loại axit amin nếu tiêu thụ nhiều có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim.

b. Cải bó xôi

Cải bó xôi (rau bina) là lựa chọn giàu dinh dưỡng, ít calo dành cho người bị đái tháo đường. Bên cạnh các vi chất vitmin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, vitamin K, loại rau này còn giàu sắt (thành phần quan trọng tạo ra máu). Cải bó xôi nấu canh tôm, thịt hoặc luộc, xào,… đều là các món ăn hấp dẫn cho bữa ăn hàng ngày.

c. Cà rốt

Cà rốt có vị ngọt nhẹ, chứa nhiều chất xơ được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên ăn thường xuyên. Nếu đường trong các loại củ khác (như khoai lang) có thể đi vào máu nhanh chóng thì đường trong cà rốt lại di chuyển chậm hơn nên sau khi ăn, người bệnh vừa no vừa không bị tăng đường huyết đột ngột. Loại củ này cũng giàu vitamin A, tăng khả năng miễn dịch và giúp đôi mắt sáng khỏe. Hầm với thịt heo, xào, luộc,… là những gợi ý chế biến món ăn đơn giản mà ngon miệng từ cà rốt.

d. Rau bắp cải

Rau bắp cải chứa nhiều vitamin C, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe tim mạch. Đặc biệt, bắp cải dồi dào chất xơ nên làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường vào máu. Thêm bắp cải vào bữa cơm hàng ngày giúp người bệnh đái tháo đường tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, bắp cải chứa nhiều iod nên không tốt cho người bệnh cường giáp, viêm giáp, bướu cổ,… . Do đó, người bệnh đái tháo đường có thêm các bệnh cường giáp, viêm giáp, bướu cổ… không nên ăn nhiều bắp cải.

e. Rau có hàm lượng nitrat cao

Bổ sung các loại rau giàu nitrat giúp người bị đái tháo đường cải thiện tình trạng cao huyết áp đột ngột và tăng cường sức khỏe tim mạch. Cụ thể, khi đi vào cơ thể nitrat được chuyển hóa thành oxit nitric có tác dụng làm giãn động mạch. Lúc này mạch máu giãn ra nên huyết áp giảm xuống. Các loại rau chứa nhiều nitrat gồm: rau diếp cá, rau cần tây, củ cải,…

f. Các loại rau giàu protein

Các loại rau chứa nhiều protein như các loại đậu, hạt bí đỏ, rau dền, đậu phụ,… rất cần thiết trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là người ăn chay. Những thực phẩm này giúp người bệnh no lâu hơn, giảm cảm giác muốn ăn vặt giữa các bữa ăn vừa tránh làm đường huyết tăng cao.

g. Rau giàu chất xơ

Rau là nhóm thực phẩm cung cấp nguồn chất xơ dồi dào. Chất xơ tuy không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng có nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Khi vào cơ thể, nhóm thực phẩm này sẽ cản trở quá trình hấp thụ đường ở niêm mạc ruột, nhờ đó làm chậm quá trình tăng đường huyết sau ăn. Đồng thời, ăn nhiều rau trong bữa ăn cũng giúp người bị đái tháo đường nhanh no, từ đó ăn ít hơn nên kiểm soát được đường huyết và cân nặng. Các loại rau đều giàu chất xơ, do đó, trong bữa ăn hàng ngày, người bệnh nên ăn các loại thịt cá cùng với rau, vừa ngon miệng, vừa bổ sung đủ dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe.

3. Chỉ số đường huyết một số loại rau phổ biến

Chỉ số đường huyết (GI) xác định một loại thức ăn khi vào cơ thể sẽ gây tăng đường huyết ít hay nhiều, được chia thành 3 nhóm gồm: thực phẩm chứa chỉ số GI thấp 55, trung bình 56-69, cao từ 70 trở lên. Dưới đây là chỉ số GI của một số loại rau phổ biến: Củ dền 65, măng tre 20, hành tây 15, bông atiso 20, cà rốt 30, bí đỏ 65.

4. Những loại rau có chỉ số đường huyết thấp an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường

Hầu hết các loại rau củ đều có chỉ số đường huyết thấp và trung bình, dưới đây là một số loại rau củ tốt cho người bệnh đái tháo đường: Đậu cô ve 30, xà lách 15, súp lơ 15, su hào 20, dưa leo 15, cải thảo 20, cà chua 30, ớt chuông 15, su su 50, cà tím 20, rau cần tây 15, cải bó xôi 15.

Xem thêm: Danh sách các phòng mạch, phòng khám chuyên điều trị Nội tiết - Tiểu đường uy tín tại TPHCM

5. Vì sao nên chọn rau cho người bệnh đái tháo đường?

Hầu hết các loại rau củ đều tốt cho người bị đái tháo đường. Tuy nhiên, cũng có một số loại chứa nhiều tinh bột, chỉ số GI cao như khoai tây, bí đỏ,... Do vậy, cần phải chọn rau cho người bệnh đái tháo đường để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn sức khỏe.

6. Chế độ ăn chay đối với người đái tháo đường có tốt không?

Người bị đái tháo đường vẫn có thể ăn chay như người bình thường, tuy nhiên vì món chay không có thịt, cá nên bữa ăn muốn đầy đủ dinh dưỡng phải đảm bảo các nhóm chất để đảm bảo năng lượng cho cơ thể mỗi ngày, gồm: nhóm bột đường (cơm gạo lứt, miến, bún…), nhóm chất đạm (các loại đậu, đậu hủ), nhóm chất béo (dầu ăn), nhóm vitamin và khoáng chất.

Các loại rau củ giàu protein, ít calo mà người bị đái tháo đường nên dùng: Đậu lăng, đậu xanh, đậu Hà Lan, hạt bí đỏ, rau dền, đậu nành và các sản phẩm từ đậu (sữa đậu nành, đậu hủ…).

Ở các bữa phụ, người bệnh có thể uống sữa ngũ cốc nguyên hạt. Đây là loại ngũ cốc chỉ loại bỏ các lớp vỏ trấu bên ngoài, giữ lại toàn bộ phần bên trong hạt nên chứa nhiều dinh dưỡng.

7. Thực đơn lý tưởng cho người bị đái tháo đường

Thực đơn lý tưởng cho người bệnh đái tháo đường là đa dạng thực phẩm và đảm bảo các nhóm chất dinh dưỡng tinh bột, chất xơ, đạm, béo, vitamin, khoáng chất,… Thể trạng của mỗi người khác nhau nên lượng thực phẩm cũng khác nhau. Bác sĩ khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Nội tiết - Đái tháo đường sẽ khai thác các thông tin cân nặng, chiều cao, tình trạng bệnh lý,… để xây dựng được thực đơn cụ thể cho từng người bệnh.

Tuy nhiên, về nguyên tắc chung, người bệnh đái tháo đường cần ổn định lượng tinh bột ở mỗi bữa ăn, phù hợp với hoạt động hàng ngày và lượng thuốc đang uống.

- Bữa ăn cần đủ lượng bột đường (cơm, bún…) cũng như các chất dinh dưỡng khác (thịt, cá, rau…) để không bị đường huyết tăng quá cao sau khi ăn. 

- Nếu ăn chưa đủ nhu cầu, người bệnh có thể thêm 1-3 bữa phụ xen kẽ 2 bữa chính. 

- Giờ giấc các bữa ăn phải ổn định, đúng giờ. 

- Sau khi ăn 1-2 giờ, người bệnh đo đường huyết, nếu ở mức 90 ml/dl đến dưới 180mg/dl là tốt.

Lưu ý, người bệnh cần tránh chế biến những món ăn hầm nhừ, xay nhuyễn hoặc nấu với nhiệt độ quá cao (chiên, nướng). Các món ăn này làm quá trình hấp thụ đường vào máu rất nhanh, khiến người bệnh dễ tăng đường huyết đột ngột. Đồng thời, không nên dùng quá nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn. Lượng muối của người bị đái tháo đường không cao huyết áp và không suy thận được khuyến cáo là dưới 6g (ít hơn 1 muỗng cafe). Trong bữa ăn nên hạn chế dùng thêm các gia vị chấm (nước mắm ớt, muối tiêu chanh,…).

benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X