Những điều cần biết về viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay đối với nhiều người là một cái tên khá xa lạ. Tuy nhiên, đây là một dạng bệnh lý khá phổ biến hay hay còn gọi là bệnh khuỷu tay quần vợt, hội chứng tennis elbow.
1. Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là gì?
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là khi ở chỗ bám của gân duỗi cổ tay quay bị tổn thương gây đau tại vùng lồi cầu ngoài cánh tay.
Đây là bệnh lý không gây nguy hiểm, đa phần các trường hợp đều có thể phục hồi, thậm chí có người không cần can thiệp các phương pháp điều trị mà chỉ cần nghỉ ngơi đã khỏi. Ngược lại, cũng có những trường hợp nặng, nghiêm trọng hơn, tái phát nhanh, kéo dài lâu gây ra khó khăn trong công việc lẫn hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Các bệnh nhân mắc bệnh tập trung ở độ tuổi trung niên, nhất là các phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi. Ngoài cái tên viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay, căn bệnh này còn có các tên gọi khác như viêm mỏm trên lồi cầu cánh tay, khuỷu tay người chơi tennis, khuỷu tay người chèo thuyền...
2. Nguyên nhân gây viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng của bệnh là do sự căng thẳng quá mức của nhóm cơ duỗi cổ tay và ngón tay hoặc tổn thương xảy ra ở vùng gân cơ duỗi và mang xương. Khi bạn lặp lại các động tác co duỗi nhóm cơ cẳng tay nhiều lần sẽ gây căng thẳng mô và hình thành nên một vết rách nhỏ ở các gân bám lồi cầu ngoài xương cánh tay. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài, ngay vị trí bám gân sẽ tăng sinh mạch, kích thích phản ứng viêm và gây phù nề các phần mềm ở xung quanh.
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần lưu ý là:
- Vận động quá mức nhóm cơ duỗi cổ tay và ngón tay: Tình trạng này thường xảy ra ở vận động viên thể thao phải sử dụng tay nhiều như vận động viên tennis, vận động viên cầu lông,… Chơi thể thao không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
- Tính chất công việc: Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay cũng rất dễ khởi phát ở thợ giết mổ gia súc, công nhân xây dựng, đầu bếp, họa sĩ,…
- Vận động cánh tay mạnh một cách đột ngột hoặc sai cách khiến cho gân cơ ở khu vực này bị tổn thương.
Xem thêm: Phương pháp phòng ngừa viêm điểm bám gân
3. Triệu chứng viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là bệnh lý không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh sẽ khiến bạn gặp phải một vài phiền toái trong đời sống hàng ngày. Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa xác định mức độ bệnh trạng để có biện pháp can thiệp sớm. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh bạn cần phải nắm rõ để sớm nhận biết ra bệnh:
- Khởi phát cơn đau ở khu vực bị tổn thương. Cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi bạn không làm gì và tăng dần lên khi thực hiện động tác duỗi cổ tay hoặc cẳng tay. Với những trường hợp nặng, cơn đau sẽ phát triển lan rộng xuống cả cẳng tay và cổ tay.
- Tình trạng viêm đau khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể. Lúc này, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác như duỗi bàn tay, ngửa bàn tay, cầm nắm đồ vật,…
- Ở một số trường hợp sẽ có thêm triệu chứng tê rần và nóng ran ở vùng khuỷu tay. Theo thời gian, tình trạng này sẽ bắt đầu lan rộng đến cánh tay và các ngón tay.
4. Chẩn đoán bệnh viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và hướng dẫn điều trị đúng cách. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng và kết quả của một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
Xét nghiệm hình ảnh sẽ được chỉ định thực hiện để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như thoái hóa khớp khuỷu, hội chứng đường hầm cổ tay, viêm túi thanh dịch ở khuỷu tay,… Khi xét nghiệm bilan và chụp x-quang sẽ cho ra kết quả bình thường.
Siêu âm gân cơ bằng đầu dò tần số cao sẽ cho ra kết quả gân to hơn bình thường, phát hiện đứt gân, lắng đọng canxi trong gân, vị trí bám gân không đều, tăng sinh mạch máu,…
Chụp cộng hưởng từ sẽ thấy được hình ảnh chi tiết về tổn thương tại gân cơ và dây chằng ở vùng khớp khuỷu tay.
5. Các phương pháp điều trị viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Có rất nhiều phương pháp có thể điều trị viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay dễ dàng, không hề phức tạp mà vẫn mang lại hiệu quả cao.
Một số lưu ý:
- Nếu nhẹ có thể cải thiện bằng các bài tập, phương pháp điều trị đau khớp cánh tay, nặng hơn thì cân nhắc phẫu thuật.
- Tránh vận động mạnh có thể làm nặng tình trạng bệnh.
a. Điều trị bằng vật lý trị liệu
Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thực hiện những phương pháp như xoa bóp, laser lạnh, điện phân, cho người bệnh tập các bài tập căng cơ để cải thiện gân và tăng sức chịu đựng. Khi phải lao động hãy đeo thun y tế ở cẳng tay để hỗ trợ.
b. Điều trị bằng thuốc
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng cải thiện sức khỏe, thuốc bổ cho gân cốt kết hợp với sử dụng đai nẹp khuỷu tay để cải thiện nhanh tình trạng bệnh. Nhưng đảm bảo những loại thuốc bạn sử dụng được bác sĩ cho lời khuyên, kê liều thích hợp.
c. Điều trị bằng phẫu thuật
Nếu như triệu chứng quá nặng, không thể cải thiện, lúc đó người bệnh sẽ cần phương pháp phẫu thuật can thiệp. Tuy vậy, người bệnh cũng không nên quá lo lắng vì đây là ca phẫu thuật đơn giản, tỷ lệ thành công cao, ít rủi ro.
Xem thêm: Viêm điểm bám gân: Chẩn đoán và các phương pháp điều trị
6. Phòng ngừa viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay nếu tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, khiến tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh chóng hơn. Để phòng ngừa tình trạng này khởi phát trở lại thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Cần chơi thể thao đúng kỹ thuật và sử dụng thiết bị chơi thể thao có kích thước phù hợp. Nên sử dụng thêm băng giảm chấn khi chơi thể thao để hạn chế tối đa nguy cơ bị chấn thương.
- Nên làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao hoặc tập luyện thể dục thể thao. Tiến hành cải thiện sức mạnh vùng cơ bắp xung quanh khớp khuỷu tay bằng một số bài tập đơn giản như tập cử tạ với trọng lượng vừa phải, bóp phanh nhỏ,…
- Nếu tính chất công việc yêu cầu phải thực hiện các động tác ở tay lặp lại nhiều lần, cần giãn cách thời gian hợp lý và tiến hành nghỉ ngơi giúp thư giãn gân cơ.
- Sau khi phục hồi chấn thương, nên chơi thể thao với tần suất và cường độ thấp để cơ thể quen dần rồi mới từng bước khôi phục lại khả năng tập luyện như lúc đầu.
- Chú ý nâng vật nặng đúng tư thế và đúng cách. Cần giữ cho cổ tay cứng và ổn định khi nâng vật nặng để hạn chế gây áp lực xuống vùng khuỷu tay. Không nên dùng khuỷu tay quá sức, nên tiến hành nghỉ ngơi khi có dấu hiệu đau.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình