Hotline 24/7
08983-08983

Viêm điểm bám gân: Chẩn đoán và các phương pháp điều trị

Viêm điểm bám gân thường do chấn thương hoặc  lạm dụng cơ bắp quá mức. Tình trạng này gây đau đớn tăng dần, ảnh hưởng đến những chuyển động ở vùng ảnh hưởng.

1. Viêm điểm bám gân là gì?

Viêm điểm bám gân và các phần mềm quanh khớp là bệnh lý viêm ở gân, dây chằng, bao gân,… Tùy theo vị trí bị tổn thương mà viêm điểm bám gân bao gồm các bệnh như:

- Viêm gân: viêm tại một gân

- Viêm bao gân: viêm bao hoạt dịch quanh gân khiến gân bị cản trở hoạt động, gồm viêm bao gân đơn thuần (hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng đường hầm ống gót) và viêm bao gân co thắt (bệnh De Quervain).

- Viêm điểm bám tận của gân: viêm quanh khu vực bám của gân với xương, bao gồm các vùng gân khủy tay, háng, đầu gối, cổ chân.

- Viêm gân dạng nốt ở gân gấp ngón tay (chứng ngón tay lò xo).

2. Nguyên nhân gây viêm điểm bám gân

Khi nắm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng viêm điểm bám gân, có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa sao cho phù hợp. Một số nguyên nhân gây bệnh, gồm:

- Thói quen sinh hoạt: Vận động quá sức khi làm việc hoặc chơi thể thao, lặp lại một động tác trong thời gian dài do ảnh hưởng từ tính chất công việc,… là những thói quen xấu rất dễ kích thích khởi phát bệnh.

- Bệnh lý: Viêm điểm bám gân cũng có thể khởi phát khi bạn mắc phải một số bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp,…

- Nguyên nhân khác: Ngoài hai nguyên nhân thường gặp ở trên, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số dị tật bẩm sinh gây lệch trục của chi hoặc do nhiễm khuẩn.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm điểm bám gân

Những dấu hiệu viêm điểm bám gân bao gồm:

- Đau ở vị trí bị tổn thương, có thể đau liên tục, đau tăng nhiều hơn khi vận động, đau tại chỗ hoặc lan rộng ra vùng cơ có gân bị viêm, gây hạn chế vận động.

- Có thể sưng hoặc nóng, đỏ quanh vùng bị đau, hoặc sờ thấy cục u nhỏ nổi dọc trên gân.

- Tay, chân bị viêm điểm bám ở gân thường đau nhiều hơn khi vận động và cơ lực giảm so với bên khỏe mạnh.

- Trường hợp viêm gân do nhiễm khuẩn hoặc do các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,... thì sẽ có thêm triệu chứng của các bệnh đó.

Viêm điểm bám gân có thể làm giảm khả năng vận động, gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống và công việc của bệnh nhân. Vì vậy, khi phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời.

4. Phân loại viêm điểm bám gân

Viêm điểm bám gân được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào vị trí bám gân bị viêm. Chuyên gia cho biết, ở mỗi loại bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau nên sẽ gây ảnh hưởng khác nhau ở từng đối tượng. Dưới đây là các loại viêm điểm bám gân thường gặp:

- Viêm điểm bám gân cơ ở đùi: Bệnh lý này sẽ khởi phát khi bạn vận động khớp gối quá mức như đi bộ nhiều, tập thể dục quá sức, leo núi,… Đặc trưng của bệnh lý này là gây đau nhức ở vùng đầu dưới đùi và đoạn gần khớp gối. Cường độ đau nhức sẽ tăng lên khi người bệnh gập gối hoặc dùng tay ấn vào khu vực bị tổn thương. Tuy nhiên, vùng da bên ngoài vị trí bị tổn thương sẽ không có dấu hiệu sưng tấy hay nóng đỏ. 

- Viêm điểm bám gân gối: Bệnh lý này còn được gọi với cái tên khác là viêm điểm bám gân lồi cầu trong xương chày. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là gây sưng đau kèm theo nóng đỏ ở khu vực bị tổn thương. Khi thăm khám chuyên khoa, bệnh lý này cần được chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm và chụp cộng hưởng từ.

Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của viêm điểm bám gân

- Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương đùi: Bệnh lý này thường khởi phát ở những người chạy quá nhiều. Khi bị viêm ở vị trí này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức ở vùng mặt ngoài đầu dưới đùi. Nếu dùng tay ấn vào hoặc chạy sẽ gây ra cảm giác đau chói khá khó chịu. Khi tình trạng viêm xảy ra ở điểm bám gân lồi cầu ngoài xương đùi, rất ít khi gây sưng tấy hay nóng đỏ ở khu vực bị ảnh hưởng. 

- Viêm mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay: Khi mắc phải bệnh lý này, tình trạng viêm sẽ xảy ra tại điểm bám của nhóm gân duỗi cổ tay và duỗi chung các ngón. Ban đầu, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhẹ ở khuỷu tay và cổ tay. Cường độ đau sẽ tăng lên theo thời gian, đặc biệt là khi thực hiện động tác duỗi cổ tay. Những người chơi tennis là đối tượng rất dễ mắc phải bệnh lý này.

- Viêm điểm bám gân gót: Tình trạng này thường khởi phát do chấn thương, hoạt động quá mức hoặc bị thoái hóa sợi gân gót. Khi bệnh lý này khởi phát sẽ gây ra triệu chứng đau nhức kèm theo sưng phù ở gân gót, xương gót và hai bên gân gót. Các triệu chứng này biểu hiện rất rõ vào buổi sáng, đặc biệt là khi thực hiện những bước chân đầu tiên sau khi bước xuống giường.trí bị tổn thương sẽ không có dấu hiệu sưng tấy hay nóng đỏ.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm điểm bám gân

Khi có các dấu hiệu của bệnh viêm điểm bám gân, cần đến gặp bác sĩ để thăm khám chuyên khoa. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng mà bạn đang mắc phải, thăm hỏi về tiền sử bệnh lý trước đó cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nhưng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác như siêu âm, xét nghiệm hình ảnh,…

Sau khi đã có chẩn đoán xác định và biết được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất:

a. Điều trị không dùng thuốc

Với những trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần nẹp cố định vùng gân bị viêm mà không cần điều trị chuyên khoa. Nếu xuất hiện triệu chứng đau nhức, bạn có thể tiến hành chườm lạnh hoặc xoa bóp để cải thiện. Đồng thời, hạn chế vận động vùng gân bị viêm để quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn.

b. Dùng thuốc

Nếu triệu chứng đau nhức xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để cải thiện, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và có thể thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Dựa vào mức độ đau nhức mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc điều trị sao cho phù hợp. Thường dùng là thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ. Thông thường, các loại thuốc này sẽ được sử dụng bằng đường uống hoặc thoa ngoài. Còn thuốc tiêm chỉ được dùng khi tình trạng đau nhức xảy ra ở mức độ nặng.

c. Vật lý trị liệu

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cũng nên kết hợp điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu giúp tình trạng bệnh nhanh chóng chuyển biến tốt. Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là bất động bằng nẹp và vận động trị liệu. Với những trường hợp viêm mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng sóng ngắn hoặc sóng ngoài để điều trị.

d. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Trong suốt quá trình điều trị viêm điểm bám gân, người bệnh cần tránh xa các tác nhân gây đau nhức và căng cơ, tránh để cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho phù hợp. Chế độ ăn uống hàng ngày cần xây dựng theo một thực đơn khoa học giúp quá trình phục hồi tổn thương có thể diễn ra một cách tốt nhất.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X