Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và triệu chứng của viêm điểm bám gân

Viêm điểm bám gân có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Khi bệnh khởi phát, bạn phải đối mặt với triệu chứng đau nhức rất khó chịu, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày.

1. Viêm điểm bám gân là gì?

Gân là cấu trúc kết nối cơ và xương, hỗ trợ các khớp chuyển động linh hoạt. Viêm điểm bám gân là tình trạng viêm tại vị trí gân bám vào xương, thường xảy ra ở vai, bắp tay, khuỷu tay, bàn tay, cổ tay, các ngón tay, bắp chân, đầu gối và mắt cá chân.

Mặc dù tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, tuy nhiên bệnh thường phổ biến ở những người trên 40 tuổi, vận động viên hoặc người có cường độ hoạt động thể chất cao.

Một số loại viêm điểm bám gân phổ biến, gồm:

- Viêm điểm bám gân gót chân hay viêm điểm bám gân Achilles có thể gây đau và sưng ở phía sau gót chân. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy có khối u ở phía sau khớp cổ chân. Cơn đau ở gót chân thường được giảm bớt khi hoạt động nhẹ nhàng nhưng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi các hoạt động tăng lên. Nếu không được điều trị phù hợp, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đứt gân gót chân.

- Viêm điểm bám gân bánh chè: Thường xảy ra ở vận động viên nhảy cao, nhảy xa, bóng rổ, bóng chuyền hoặc người thường xuyên thực hiện các động tác nhảy lặp lại. Tình trạng này thường gây đau đớn, sưng ngay bên dưới xương bánh chè.

- Viêm điểm bám gân chày sau: Tình trạng này thường gây đau ở mặt trong của mắt cá chân, dẫn đến khó khăn khi đi lại và có thể khiến người bệnh không thể đứng vững trên các ngón chân.

- Viêm điểm bám gân lồi cầu trong/ ngoài xương cánh tay: Tình trạng này là nguyên nhân chính dẫn đến đau khuỷu tay, thường xảy ra ở những người chơi quần vợt hoặc tập luyện các môn thể thao khác yêu cầu các động tác lặp lại liên tục ở cổ tay. Dấu hiệu phổ biến của tình trạng này là đau nhức âm ỉ ở cổ tay và khuỷu tay.

- Viêm điểm bám gân đùi: Tình trạng này dẫn đến đau đớn âm ỉ ở vùng đầu dưới đùi, tại khu vực gần khớp gối, cơn đau tăng lên khi ấn vào.

Viêm điểm bám gân là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất cứ gân nào trên cơ thể. Điều quan trọng là có kế hoạch chẩn đoán, điều trị phù hợp và kịp lúc.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm điểm bám gân thường do những nguyên nhân dưới đây:

- Chấn thương: Viêm điểm bám gân có thể tiến triển sau một chấn thương, thường gặp ở những người chơi thể thao.

- Lạm dụng: Tổn thương điểm bám gân thường do căng thẳng kéo dài trên các khớp. Tình trạng này liên quan đến các hoạt động thể thao, sử dụng cơ bắp quá mức, chuyển động lặp đi lặp lại và thừa cân béo phì.

- Bệnh lý: Tổn thương có thể liên quan đến một số rối loạn tự miễn dịch hoặc bệnh viêm nhiễm tiềm ẩn. Chẳng hạn như:

+ Bệnh gút

+ Viêm khớp dạng thấp

+ Viêm cột sống dính khớp

+ Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên

+ Một số rối loạn chuyển hóa như tiểu đường.

- Tư thế xấu: Đột ngột ngừng và chuyển hướng, chạy/ đi bộ không đúng cách, duy trì tư thế xấu có thể gây áp lực và khiến các gân bị tổn thương.

Xem thêm: Những thắc mắc thường gặp về tình trạng đau cổ vai gáy

3. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm điểm bám gân

Khi bị viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp, người bệnh thường có các biểu hiện lâm sàng dễ nhận biết như sau:

- Vùng gân vị viêm gây đau liên tục hoặc tăng mạnh mỗi khi người bệnh cử động. Có thể đau tại một chỗ hoặc lan ra vùng cơ có gân cũng bị viêm khiến việc vận động trở nên khó khăn.

- Vùng gân viêm và phần mềm quanh khớp có thể bị sưng hoặc không, nóng đỏ, khi ấn vào thì thấy rất đau, nếu sờ vào có thể thấy cục u nhỏ nổi trên gân.

- Tay hoặc chân có gân bị viêm thường bị đau mạnh khi co duỗi, lực cơ cũng giảm so với bên không bị viêm.

- Nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn hoặc bệnh lý khác thì sẽ kèm theo những triệu chứng của bệnh đó.

4. Viêm điểm bám gân có nguy hiểm không?

Viêm điểm bám gân có thể gây đau đớn, nhức nhối, khó chịu kéo dài từ vài tháng đến vài tuần. Tuy nhiên trong trường hợp viêm gân mãn tính, các triệu chứng có thể trở thành mãn tính cũng như tăng nguy cơ hình thành các biến chứng nghiêm trọng.

Viêm điểm bám gân mãn tính cần được điều trị lâu dài, từ ba tháng đến một năm. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ đứt, rách gân. Một gân bị  rách hoàn toàn có thể cần phải phẫu thuật để chữa lành.

Khi được kết luận bị viêm điểm bám gân, ban đầu, người bệnh cần áp dụng phương pháp điều trị không dùng thuốc. Cụ thể là nghỉ ngơi, hạn chế vận động vùng gân bị viêm. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định cố định tạm thời gân bị viêm bằng máng bột hay nẹp. Nếu người bệnh bị đau quá mức thì có thể chườm lạnh. Nếu có kèm theo triệu chứng sưng, nóng đỏ thì có thể chiếu tia hồng ngoại.

Theo thời gian, các triệu chứng không thuyên giảm thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc. Một số loại thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau (acetaminophen, diclofenac), thuốc chống viêm không steroid, thuốc tiêm corticoid… Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X