Hotline 24/7
08983-08983

Tổn thương khi viêm điểm bám gân

Viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp là một nhóm bệnh lý rất thường gặp.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, song gặp chủ yếu ở nữ, tuổi trung niên trở lên. Bệnh không nguy hiểm nhưng thường gây đau làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, lao động thường ngày của bệnh nhân.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay: Viêm khớp lồi cầu là do những cử động xoay quá mức lặp đi lặp lại của cẳng tay làm rạn, rách, viêm gân cơ duỗi và gân cơ gấp chung nơi bám vào xương ở các lồi cầu khuỷu tay. Người bị viêm lồi cầu cánh tay thường có cảm giác đau nhức, hạn chế vận động, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Nhìn bên ngoài ít thay đổi, nếu bệnh nhân xoa bóp nhiều có thể thấy sưng nề nhẹ, ấn nhẹ vào lồi cầu ngoài thấy đau nhói, giảm cơ lực bên tổn thương. Phần lớn kéo dài một thời gian rồi tự khỏi nhưng hay tái phát, đặc biệt là những trường hợp có canxi hóa phải can thiệp.

Tổn thương khi viêm điểm bám gân

Với chi trên ở các vị trí bám tận của gân vào đầu xương hay bị viêm và viêm mỏm trâm quay, mỏm trâm trụ, lồi cầu ngoài và trong cánh tay.

Viêm bao gân mỏm trâm xương quay (bệnh De quervain): Hội chứng De quervain ảnh hưởng đến hai gân chi phối vận động ngón cái, đó là gân cơ duỗi ngắn ngón cái và gân cơ dạng dài ngón cái.

Hai gân này chi phối hai động tác rất quan trọng của ngón cái là duỗi và dạng ngón cái. Khi thực hiện động tác, hai gân này trượt đi trượt lại dọc theo bờ bên của khớp cổ tay. Ở vùng cổ tay, cả hai gân trượt trong một đường hầm nằm sát đầu dưới của xương quay. Chính vì vậy, một số trường hợp chẩn đoán nhầm với viêm mỏm trâm quay.

Đường hầm này có tác dụng giữ cho gân và chuyển hướng lực thực hiện động tác. Hai gân trượt trong đường hầm được bao bọc bởi bao hoạt dịch gân, có tác dụng làm trơn để hai gân trượt được dễ dàng. Tình trạng viêm của bao hoạt dịch gân và gân dẫn đến hạn chế vận động của gân trong đường hầm gọi là hội chứng De quervain.

Bệnh hay gặp ở phụ nữ, do vận động ngón cái quá mức kéo dài như giặt, bế con, dệt... Các nguyên nhân khác có thể gặp như chấn thương dạng ngón cái quá mức, viêm khớp dạng thấp, lao, sẹo sau phẫu thuật hoặc không rõ nguyên nhân.

Ngón tay lò xo: Đau ngón tay, ngón tay cứng và dính khi nắm lại có thể là một vài biểu hiện của bệnh viêm bao gân gấp ngón tay, hay còn gọi là bệnh ngón tay lò xo, ngón tay bật hoặc ngón tay cò súng (trigger finger).

Là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở.

Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên, người bị bệnh đái tháo đường, gút, viêm khớp, người làm công việc vận động ngón tay liên tục là những đối tượng dễ mắc bệnh.

Hội chứng đường hầm cổ tay: Trong đường hầm cổ tay có gân cơ gấp ngón cái dài nằm trong bao hoạt dịch quay, gân các cơ duỗi nông và sâu các ngón nằm trong hoạt dịch trụ, giữa hai bao dịch này là thần kinh giữa. Khi các bao dịch này bị viêm sẽ gây sưng nề chèn ép thần kinh giữa gây ra các triệu chứng đường hầm cổ tay.

Khi mắc hội chứng này, bệnh nhân thường bị rối loạn cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối; tê và đau buốt ở các ngón tay cái và ngón 2, 3 và vùng gan bàn tay, đặc biệt là khi bệnh nhân làm động tác duỗi cổ tay, thường đau liên tục, tăng về đêm, nặng lên khi thời tiết lạnh.

Viêm gân gót: Viêm gân gót chân thường xảy do hoạt động quá mức bàn chân như nhảy, đi giày cao gót,... Bệnh cũng hay gặp ở các vận động viên do các chi ảnh hưởng phải hoạt động quá sức. Viêm gân phát triển tùy thuộc vào loại, mức độ thường xuyên và tính nặng nhọc của các bài tập hoặc các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày; ví dụ như các vận động viên leo núi thường bị viêm gân ngón tay, vận động viên bơi thường bị viêm gân ở vai.

Khi có các biểu hiện đau, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời. Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu để giảm triệu chứng như: xoa bóp, dùng túi chườm, đèn hồng ngoại...

Để phòng bệnh, không nên đi giày dép quá cao, khởi động tốt các khớp trước khi vận động. Hạn chế các chấn thương tác động lên vùng cổ tay, gót chân; xử lý tốt các trường hợp bong gân do chấn thương, do lao động... Khi có bệnh mạn tính, cần được điều trị tích cực và người bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉ định của thầy thuốc.

Theo ThS.BS Bùi Văn Hải - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X