Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về: Ung thư gan, sỏi mật, tắc mật, viêm gan, xơ gan

2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Gia An 115 TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và ThS.BS Nguyễn Thế Toàn đã sẵn sàng để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi xung quanh vấn đề ung thư gan, sỏi mật, tắc mật, viêm gan và xơ gan. Chương trình hôm nay phát sóng muộn hơn thời gian dự định 30 phút do ThS Thế Toàn có ca cấp cứu đột xuất, mong quý bạn đọc thông cảm và tiếp tục theo dõi chương trình để lắng nghe nhiều kiến thức bổ ích.

Trong hệ tiêu hóa, gan - mật là đích tấn công của nhiều loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất độc hại. Khi gan, mật bị tổn thương sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, từ sỏi mật, tắc mật, viêm gan đến xơ gan, thậm chí là ung thư.

Trong chương trình hôm nay, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và ThS.BS Nguyễn Thế Toàn - 2 chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Bệnh viện Gia An 115 sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý vị độc giả, giúp gan và mật luôn khỏe mạnh.

PHẦN 1: TRÒ CHUYỆN CÙNG CHUYÊN GIA

Thưa BS, nói đến bệnh gan mật, nhiều người trong chúng ta có thể kể ra rất nhiều cái tên: viêm gan, xơ gan, ung thư gan, sỏi mật, tắc mật… Xin BS cho biết với đặc trưng dịch tễ của nước ta thì những bệnh gan, mật nào thường gặp nhất?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Ở xứ An Nam của chúng ta, bệnh thường gặp nhất là bệnh do ký sinh trùng. Trên hệ thống gan mật, sỏi mật do sán lải, trứng của các loại ký sinh trùng ở trên đường mật sinh ra.

Hơn nữa, Việt Nam là nơi có tỷ lệ viêm gan siêu vi B và C cao trên thế giới, do đó, bệnh lý thứ hai cần quan tâm là ung thư gan. Bên cạnh đó là những căn bệnh thời đại như ung thư tụy, ung thư đường mật và gần đây nhất là u Hopkins đang có xu hướng tăng và có những báo cáo từ phía Bắc báo cáo về vấn đề này.

Thưa TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, vấn đề quan trọng là làm sao biết những dấu hiệu nào để đi khám, phát hiện kịp thời. Mọi người thường nghĩ hễ có dấu hiệu vàng da, vàng mắt thì đó là biểu hiện rõ rệt của bệnh gan. Xin BS cho biết điều này có đúng không? Ngoài ra còn có những dấu hiệu nào nữa ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Có một câu slogan trong ngành gan mật - tiêu hóa hay nói với nhau rằng: Gan là kẻ giết người thầm lặng, bởi những bệnh nhân có triệu chứng của gan mật hay các bệnh lý như bác sĩ Toàn vừa nói, bệnh nhân giai đoạn đầu không có triệu chứng gì hết, thậm chí còn khỏe mạnh, cường tráng, triệu chứng âm thầm diễn tiến từ ngày này qua ngày khác, cho đến khi bệnh nhân có những triệu chứng bất thường như vàng da vàng mắt, bụng chướng, phù, sụt ký hoặc ói ra máu. Khi bệnh nhân có những triệu chứng như vậy tức là đã ở giai đoạn khá trễ, việc điều trị đối với đội ngũ y bác sĩ khá khó khăn.

Vì vậy, đối với ngành y, các bác sĩ như chúng tôi luôn mong muốn làm sao bệnh nhân nhận biết được bệnh của họ đang ở giai sớm, như vậy việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Như vậy không có cách nào khác ngoài việc cần tầm soát bệnh.

Giả sử như viêm gan siêu vi B, không thể nhìn bề ngoài mà nhận biết được, tuy nhiên, 20% dân số nước ta có nhiễm siêu vi B. Chính vì vậy việc tầm soát bệnh là vô cùng quan trọng. Một số cơ sở y tế như Bệnh viện Nhân dân 115, Gia An 115 có những gói khám sức khỏe không những tầm soát bệnh gan mật mà còn một số bệnh khác.

Do đó, theo tôi, chủ trương phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm hơn là để tới lúc quá trễ mới điều trị. Chúng ta nên có chương kế hoạch tầm soát bệnh hoặc thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe sớm, hoặc ở những đối tượng có nguy cơ cao hay hơn là đợi đến khi có những triệu chứng quá rõ ràng thì lúc đó bệnh nhân sẽ có tiên lượng xấu, bác sĩ điều trị cũng khó khăn, không hiệu quả.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Gan là một cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhận rất nhiều chức năng, sản phẩm của gan là dịch mật được tiết ra trong các dung mô gan thành mật quản, hợp lại thành những ống lớn. Nếu để hệ thống này có bệnh và biến chứng sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên sẽ có những biểu hiện sớm để phát hiện. Như đối với viêm gan siêu vi B, C và các loại khác có thể chích ngừa.

Hệ thống gan mật khi bị bệnh sẽ biểu hiện tắc mạch, vàng da, ăn uống khó tiêu, ậm ạch, đầy bụng, mệt mỏi, ngủ không sâu, tuy nhiên rất mơ hồ. Những biến chứng còn có sốt, nhưng không nên đợi biến chứng xảy ra mà nên tầm soát càng sớm càng tốt.

Nếu một người nghi ngờ bản thân họ bị viêm gan, xơ gan, khi đến bệnh viện họ sẽ được thăm khám, làm những xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh gì ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Bệnh lý gan mật vô cùng rộng, có thể có những triệu chứng điển hình là bệnh gan mật và thật sự là bệnh gan mật.  Có những triệu chứng nhìn có vẻ như là bệnh gan mật nhưng lại là triệu chứng khác của bệnh lý khác. Cũng có những triệu chứng là của bệnh lý khác nhưng nguyên nhân lại từ gan mật. Bởi vậy, cúng tôi thường lưu ý đến:

- Nhóm đối tượng bệnh nhân có bệnh lý gan mật: Ở dân số Việt Nam, chủ yếu lưu ý các bệnh lý liên quan vi trùng, virus, đặc biệt là viêm gan siêu vi B. Viêm gan siêu vi B ở nước ta thường lây theo đường dọc, nghĩa là từ mẹ sang con. Do đó rất nhiều người nhiễm siêu vi B ngay từ lúc lọt lòng và bệnh diễn tiến theo thời gian, đến lúc có triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn tương đối muộn.

- Những người trong gia đình có người bị viêm gan

- Những người uống rượu nhiều

- Những người có rối loạn chuyển hóa

- Người béo phì.

Đây là những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh gan mật. Vì vậy nên có kế hoạch tầm soát sớm và định kỳ.

Khi tầm soát, bác sĩ đầu tiên sẽ thăm khám để định hướng người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh gì cao nhất. Sau đó sẽ chỉ định những cận lâm sàng hỗ trợ quá trình thăm khám. Hỗ trợ cận lâm sàng có thể là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu; hoặc chẩn đoán hình ảnh, đơn giản nhất là siêu âm, Xquang, hoặc cao cấp hơn là CT, MRI... Cụ thể phải làm gì - đó là vai trò và nhiệm vụ của bac sĩ gan mật. Khi bệnh nhân đến khám nên cung cấp thông tin càng chi tiết càng tốt để bác sĩ sàng lọc, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí mà vẫn cho kết quả bệnh sớm nhất và chính xác nhất.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Với bệnh viêm gan, phương pháp điều trị chủ yếu là nội khoa. Có khi nào phẫu thuật được chỉ định với bệnh viêm gan không thưa TS Phượng?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Xử lý ngoại khoa trong bệnh lý về gan sẽ dựa theo 3 vấn đề:

Thứ nhất, nguyên nhân gây viêm gan. Có những nguyên nhan gây viêm gan đơn thuần là bệnh lý nội khoa, như viêm gan do thuốc, viêm gan do siêu vi... Tuy nhiên có những viêm gan do nguyên nhân cần xử lý về ngoại khoa như viêm gan của bệnh lý tắc mật, hoặc viêm gan của bệnh lý có tắc nghẽn cơ học.

Thứ hai là các biến chứng của viêm gan, đôi khi viêm gan giai đoạn đầu xử lý nội khoa, nhưng khi có những biến chứng xảy ra thì vao trò của ngoại khoa rất quan trọng. Ví dụ trong bệnh viêm túi mật cấp, ở giai đoạn đầu có thể xử lý nội khoa, nhưng khi bệnh nhân có biến chứng thì cần xử lý ngoại khoa.

Thứ ba, những bệnh nhân viêm gan trên nền có suy gan hoặc có thuyên tắc tĩnh mạch hoặc một số trường hợp khác chúng tôi cũng cần phải phối hợp nội ngoại khoa.

Hầu hết mọi người biết gan làm nhiệm vụ lọc máu, thải độc cho cơ thể. Còn nhiệm vụ cụ thể của mật là gì, thưa BS? Nếu có trục trặc ở đường mật thì cơ thể có dấu hiệu nào cảnh báo cho chúng ta biết không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Mật là do gan tiết ra và có 3 chức năng chính: thứ nhất là hỗ trợ quá tình tiêu hóa, đặc biệt là tiêu hóa chất béo. Nếu không có mật các chất béo không được chuyển hóa, không được tiêu hóa và hấp thu. Một trong những vấn đề cần lưu ý là nếu không có chất béo, các vitamin chủ đạo không thể chuyển hóa. Nếu thiếu các vitamin này sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề.

Thứ hai, mật giúp kiềm hóa đường ruột. Nhờ sự kiềm hóa này giúp hạn chế tổn thương đường ruột và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai vào đường ruột.

Thứ ba, mật giúp chuyển hóa, tiêu thụ những thoái giáng hồng cầu. Hồng cầu chuyên chở oxy cung cấp mọi nơi trong cơ thể, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nó sẽ gìa và chết đi, lúc này có “cơ quan” khác dọn dẹp. “Cơ quan” đó chính là mật. Do đó mật vô cùng quan trọng.

Có những bệnh lý cấp tính, bán cấp và mạn tính. Đối với bệnh lý cấp tính, những tổn thương đường mật sẽ có các triệu chứng vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng, phân bạc màu diễn tiến cấp tình. Ở giai đoạn đầu, mật không thể chuyển hóa chất béo, do đó bệnh nhân có tình trạng đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, ậm ực trong bụng gây khó chịu.

Đến khi có triệu chứng nặng hơn, và xảy ra tình trạng tắc mật, không thông đường mật, bệnh nhân có biểu hiện vàng da vàng mắt rõ rệt, lúc này bẹnh đã tương đối trễ. Ngoài ra khi có những triệu chứng này và kèm theo các nguyên nhân khác, bệnh nhân có thể sốt, đau vùng gan...

Bệnh tắc mật và chít hẹp ống mật có giống nhau không, thưa BS? Những bệnh về mật và ống mật được điều trị như thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Xin nhắc lại với quý độc giả, gan nằm ở vị tri bên phải đối với người bình thường. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ, khoảng 1/10.000 người có gan nằm ở vị trí bên trái, đó là những người đảo ngược phủ tạng, lúc này tim nằm lệch về phải. Khi đường mật bị tắc, có thể do u, sỏi hoặc nguyên nhân tắc nghẽn khác mà mật sẽ ứ lại ở gan và làm đau hạ sườn bên phải, có thể nhiễm trùng, gây sốt. Khi mật bị tắc và trào ngược vào máu sẽ gây vàng da vàng mắt.

Hẹp đường mật có thể do nguyên nhân lành tính hoặc ác tính. Về lành tính có thể do viêm hoặc bệnh tự miễn gây viêm xơ, hẹp đường mật. về ác tính, thường nhất là ung thư đường mật hoặc ung thư các tạng khác liên quan đường mật có di căn làm bít tắc, chèn ép gây hẹp đường mật ác tính.

Khi mật bị tắc, nhiệm vụ của ngoại khoa là làm thông mật, có thể mổ, can thiệp đường mật ngược dòng, can thiệp đường mật xuyên da… tùy theo bệnh lý các bác sĩ ngoại khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất để  bảo đảm sự thông suốt đường mật và đưa đường mật xuống ruột bình thường và tiếp tục đảm nhiệm chức năng dịch mật như BS Phượng đã trình bày. Acid từ dạ dày đi xuống, thức ăn cũng từ dạ dày đi xuống, dịch mật sẽ trung hòa và hoạt hóa các men tiêu hóa, lúc đó cơ thể mới khỏe mạnh.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn

Bạn đọc AloBacsi có nêu trường hợp hẹp ống mật đã đặt stent 2-3 lần đều thất bại. Trường hợp này các BS sẽ làm gì tiếp theo ạ?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Từ khoảng hơn 20 năm trước, ở Việt Nam chỉ có phương pháp mổ mở, sau đó phát triển kỹ thuật mổ nội soi, tuy nhiên tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và bệnh lý vẫn có những hạn chế nhất định của các phương pháp phẫu thuật kinh điển.

2 thập niên lại đây nước ta phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn, như nội soi mật tụy ngược dòng, xuyên gan qua da, giúp bổ trợ cho những trường hợp khó như u đường mật vùng rốn gan, hẹp đường mật do ung thư tụy, ung thư dạ dày xâm lấn, ung thư đại tràng xâm lấn, ung thư gan chèn ép di căn hạch rốn gan. Bác sĩ ngoại khoa sẽ dựa vào bệnh lý và tình trạng cụ thể của bệnh nhâ, sức khỏe tổng trạng chung có thể áp dụng phương pháp nào thì sẽ sử dụng phương pháp đó.

Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào kỹ năng cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Gia An 115 có đủ khả năng để áp dụng tất cả phương pháp mà tôi vừa nói.

Để phòng tránh những bệnh về đường mật, chúng ta cần làm gì, thưa BS? Những món ăn nào sẽ giúp lợi mật ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Vấn đề dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong bệnh lý đường mật. Chúng ta biết rằng bệnh lý về đường mật, đặc biệt là sỏi mật, viêm nhiễm đường mật có 3 nhóm: thứ nhất là từ dưới ruột đi lên, đặc biệt như BS Toàn nhắc đến là nguyên nhân ký sinh trùng. Chính vì vậy, nếu như viêm nhiễm đường tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng và chúng đi lên tạo thành sỏi ở đường mật. Do đó, vai trò ăn uống vô cùng quan trọng.

Thứ hai là sỏi cholesterol. Cholesterol liên quan đến chất béo, mỡ, do đó dinh dưỡng cũng đóng vai trò thiết yếu.

Thứ ba là sự trộn lẫn giữa hai nhóm trên.

Quay lại vấn đề dinh dưỡng, là làm sao cho bệnh lý đường mật ít xảy ra, ít nguy cơ, đặc biệt là trên các nhóm có nguy cơ cao? Chúng ta phải lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, chúng ta phải ăn thực phẩm chính, thực phẩm sạch để tránh tính trạng nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm lý sinh trùng, hạn chế nguy cơ gây sỏi.

Sỏi cholesterol liên quan đến chất béo, vì vậy chúng ta nên hạn chế, không lạm dụng các chất béo, đặc biệt là chất béo động vật như mỡ heo, da gà, da vịt… đó là dinh dưỡng nói chung liên quan bệnh lý mật.

Tuy nhiên, về cơ bản, vấn đề dinh dưỡng cần đảm bảo chế độ ăn khoa học, đủ chất, đủ thành phần, hạn chế các chất gây hại như rượu bia, chất kích thích... Sức đề kháng là quan trọng nhất, do đó cần tập thể dục thường xuyên và có chế độ sinh hoạt lành mạnh để vượt qua các nguy cơ bệnh tật.

Về bệnh xơ gan, trước nay mọi người thường nghĩ đây là một tình trạng vô phương cứu chữa. Xin BS cho biết hiện tại chúng ta đã có những phương pháp nào điều trị bệnh này? Ghép gan có phải là phương án sau cùng và tối ưu không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Xơ gan hiện vẫn là bệnh nan y. Ngày nay, nhờ các kỹ thuật, sự quan tâm của các cấp và bản thân người bệnh biết tự chăm sóc, phát hiện bệnh sớm, nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn viêm gan, xơ hóa gan nên có thể cải thiện được. Thậm chí có một số bệnh nếu dừng lại ở giia đoạn xơ hóa có thể can thiệp tốt và đảo ngược tình trạng.

Tuy nhiên không nên để đến tình trạng xơ gan. Xơ gan giống như xơ mướp vậy, không thể làm gì được nữa. Vai trò của bác sĩ lúc này là làm cho các phần chưa xơ còn hoạt động được và đừng xơ thêm. Khi điều trị có nhiều bước khác nhau. Ở giai đoạn viêm, giai đoạn xơ, bên cạnh điều trị phải là sao đừng để bệnh tiến triển thêm. Nếu bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối, hoặc chỉ có thể điều trị kéo dài thời gian sống, lúc này vấn đề ghép gan được đặt ra.

Ghép gan được chỉ định trong các trường hợp:

- Bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên có 2 nguyên nhân được ưu tiên cho ghép gan, là xơ chít hẹp đường mật và viêm xơ hóa đường mật. Những bệnh nhân này nếu được ghép gan, tỷ lệ sống sau 5 năm rất cao. Những bệnh nhân xơ gan do viêm gan virus, hiệu quả sẽ không cao.

- Tình trạng suy gan cấp. Đôi khi nhiều bệnh nhân bình thường không có vấn đề gì, nhưng nghe lời người này người kia dùng thuốc nào đó được truyền miệng là bổ, do đó dẫn tới suy gan tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong giai đonạ này với tỷ lệ cao, vì vậy ghép gan là phương pháp duy nhất.

Việc ghép gan cũng có nhiều chống chỉ định. Quá tình sau ghép gan cũng là vấn đề như dùng các thuốc chống thải ghép. Tuy nhiên những thuốc này cũng là con dao 2 lưỡi với nhiều tác dụng phụ, đôi khi dễ dẫn đến một số bệnh lý do hệ miễn dịch giảm.

Vấn đề chọn gan để ghép cũng rất khó khăn. Ghép thận sẽ dễ hơn, bởi thận có 2 quả, hiến 1 quả thì quả còn lại vẫn thực hiện được các chức năng bình thường. Nhưng gan thường lấy từ người chết não. Sắp tới trong tương lai hướng đến ghép tế bào gan hy vọng sẽ cao hơn và những động vật cao cấp, có bộ gen gần con người. Nhưng lời khuyên là chúng ta nên tầm soát bệnh sớm, điều trị bệnh sớm. Vấn đề ghép gan ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư điều trị khó khăn. Hiện nay, chúng ta đã có những phương pháp nào điều trị bệnh này ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Hiện nay điều trị ung thư gan ở nước ta đã tiếp cận gần như toàn bộ phương pháp điều trị trên thế giới. Đầu tiên là vai trò của chẩn đoán, chẩn đoán càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Khi chẩn đoán sớm có thể điều trị triệt để. Hai phương pháp điều trị ngày nay lưu ý và có tiên lượng tốt là phẫu thuật là hủy u gan bằng các sóng như sóng cao tần… Nếu áp dụng hai phương pháp này, việc điều trị rất hiệu quả và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Nếu qua giai đoạn này sẽ không áp dụng được hai phương pháp trên mà sử dụng phương pháp khác là hóa trị phối hợp hóa dầu và tắc mạch trong trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật hay hủy u gan bằng sóng. Nếu bệnh nhân tiếp tục chống chỉ định thì có một vài loại thuốc điều trị toàn thân cho bệnh nhân ung thư như thuốc can thiệp mạch máu, hay sự sinh sôi của tế bào gan. Nếu các thuốc này không đáp ứng tình trạng bệnh thì lúc này chỉ có điều trị nâng chất lượng cho bệnh nhân.

Ghép gan là phương pháp điều trị lý tưởng cho bệnh nhân ung thư gan. Tuy nhiên, chỉ định, chống chỉ định và những khó khăn tìm kiếm gan… nên việc ghép gan vẫn còn hạn chế trong điều trị ung thư gan.

Xin BS cho biết thêm, với bệnh ung thư gan, khi nào có thể can thiệp nút mạch, khi nào có chỉ định phẫu thuật ạ?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Gan là cơ quan độc nhất, đảm nhiệm nhiều chức năng nhất của cơ thể. Vì nó quan trọng như vậy nên việc thay thế, ghép gan là cực kỳ phức tạp. Hiện ở Việt Nam việc này vẫn còn rất khó khăn.

Đối với ung thư gan nếu cắt bỏ được khối u thì đó là điều tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, gan là cơ quan quý giá của cơ thể nên không phải cắt là được. Thực tế, ở nước ta vẫn còn chưa có thói quen đi khám, tầm soát bệnh sớm nên thường phát hiện khi đã vào giai đoạn muộn. Trong khi triệu chứng ung thư gan không rõ rệt ở giai đoạn đầu mà chỉ xuất hiện khi đã có biến chứng. Một trong số các biến chứng đó là tắc mạch hoặc nhiễm trùng, biểu hiện sốt hoặc vàng da. Lúc này việc phẫu thuật đối với ung thư gan khó khăn chồng chất. Do đó, cần có biện pháp bổ trợ thêm cho phẫu thuật đó là nút mạch hóa dầu (tắc mạch hóa dầu TOCE hoặc đốt sóng cao tần) thêm hóa mô miễn dịch, thêm điều trị nhắm trúng đích, điều trị viêm gan siêu vi. Ung thư gan có thể do rượu, do viêm gan siêu vi B, C hoặc cả 2, hoặc do độc tố của nấm mốc aflatoxin.

Những khối u tuy nhỏ nhưng ở vị trí quan trọng như vùng rốn, gan thì không thể cắt được mà lại có gây biến chứng tắc mạch sớm chèn ép vào đường mạch chính hoặc di căn hạch ở vùng đầu tụy hoặc rốn gan làm tắc mạch thì lúc này việc giải áp đường mạch trở nên quan trọng hàng đầu, vì nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì biến chứng tắc mạch.

Gan và hệ thống đường mật không thể tách rời, để 2 cơ quan này khỏe mạnh thì cần uống nhiều nước, giữ cuộc sống lành mạnh, hạn chế chất béo có nguồn gốc động vật, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, C càng sớm càng tốt, xổ giun thường xuyên mỗi 6 tháng. Đồng thời nên khám định kỳ, bác sĩ sẽ tìm thấy những nguyên nhân để giải quyết từ sớm, vì để đến khi biến chứng thì mọi thứ đều rất khó khăn.

Trước đây BS từng chia sẻ về một bệnh nhân ung thư gan còn rất trẻ, đi thăm người nhà đang điều trị ở khoa Tiêu hóa BV 115, nhân tiện khám gan mới phát hiện chính mình bị ung thư gan. Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy, BS có thông điệp gửi đến cộng đồng?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Đây là câu chuyện tôi không thể quên được. Bệnh nhân là một cậu thanh niên trẻ, vô tình đi khám thì phát hiện ung thư gan, lúc này không thể gọi u trong gan nữa mà là gan trong u, vì khối u đã chiếm hết toàn bộ gan. Bệnh nhân tử vong chỉ sau một thời gian ngắn.

Như vậy có thể thấy việc khám và tầm soát phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng nhất. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư gan, trong đó có 2 nhóm nguyên nhân mà người Việt có tỷ lệ mắc khá cao là viêm gan siêu vi B và những độc tố từ nấm mốc aflatoxin.

Thông thường do rượu, do viêm gan siêu vi C thì sẽ chuyển biến qua quá trình: viêm gan - xơ gan - ung thư gan. Trong trường hợp nhiễm siêu vi B hoặc aflatoxin có thể chuyển biến từ gan bình thường thành ung thư mà không qua giai đoạn xơ gan. Bệnh nhân đôi khi không có dấu hiệu nào báo trước.

Do đó, để có lá gan khỏe mạnh, chúng ta cần lưu ý:

Thứ nhất, tầm soát những nguyên nhân gây ra bệnh lý gan.

Nguyên nhân thường gặp nhất ở người Việt là viêm gan siêu vi B, chiếm 15 - 20% dân số và đặc biệt diễn tiến âm thầm, không có dấu hiệu báo trước.

Thứ nữa là rượu bia, như chúng ta đã biết Việt Nam nằm trong top đầu về tiêu thụ rượu bia trên thế giới. Rượu bia không chỉ gây tổn thương gan mà dần dần còn ở cả đường tiêu hóa, não bộ, cơ quan sinh dục nam và rất nhiều cơ quan khác, vì thế cần hạn chế đồ uống có cồn này.

Ba là những nguyên nhân khác như béo phì, gan nhiễm mỡ, mỡ máu… Hiện nay, tỷ lệ gan nhiễm mỡ không do rượu có xu hướng gia tăng. Theo một số thống kê ghi nhận chiếm đến 15-20% dân số gan nhiễm mỡ không do rượu. Đặc biệt, căn bệnh này còn xảy ra ở trẻ em, có những trẻ từ 10-13 tuổi mập mạp, trước đây con mũm mĩm thì nhiều cha mẹ vui mừng nhưng giờ thì đây là nhóm người cần được đi khám sớm. Tốt nhất là khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần để tầm soát những nguy cơ để xử lý ngay khi vừa chớm xuất hiện.

Thứ hai là ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc xin. Những ai chưa bị mắc bệnh thì nên chích ngừa viêm gan siêu vi B, C không chỉ bảo vệ cho chúng ta mà còn cho những người xung quanh.

Thứ ba là không dùng thuốc bừa bãi, đừng nghe lời truyền tai dùng thuốc này khỏe, dùng thuốc kia cường tráng, phong độ mà tự ý sử dụng. Vì khi sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng gan, nó có thể tác động ào ạt gây suy gan cấp, nhưng cũng có thể diễn tiến tổn thương gan từ từ.

Thứ tư là dinh dưỡng, cần đảm bảo an toàn, sạch sẽ và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

MC Ngọc Hương

Theo BS, việc khám gan định kỳ thì nên tiến hành bao lâu một lần, bắt đầu từ độ tuổi nào? Người có tiền sử bệnh gan, người thường xuyên uống ruợu bia… thì nên có lịch thăm khám gan như thế nào, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Những người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao như vậy bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi. Thường, những người có nguy cơ rình rập, sát mí giữa bệnh và không bệnh bác sĩ theo dõi sát sao, thậm chí là mỗi tháng. Nhưng trong những trường hợp khác thì thời gian trung bình cần theo dõi là mỗi 3-6 tháng một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường như sụt cân, người mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, da thay đổi thì cần kiểm tra thường xuyên hơn.

Được biết, Bệnh viện Gia An 115 là cơ sở y tế đầu tiên của thành phố thực hiện mô hình hợp tác công tư (PPP). Xin hỏi 2 chuyên gia, với mô hình này mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân và bác sĩ? Nhất là trong lĩnh vực gan - mật, hiện được đầu tư về trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ và ứng dụng các kỹ thuật điều trị ra sao ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Mô hình hợp tác công tư (PPP) giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là chương trình thí điểm của y tế. Đối với tôi là người hoạt động chuyên môn đơn thuần, khi nghe đến PPP làm tôi liên tưởng tới person - person - person, nghĩa là vai trò quan trọng của chúng ta là làm sao phục vụ cho con người (bệnh nhân) một cách tốt nhất.

Quay lại Bệnh viện Nhân dân 115, đây là cơ sở y tế hạng 1, tuyến cuối của thành phố, vừa kỉ niệm 30 năm thành lập nên có lợi thế về đội ngũ nhân sự được đào tạo, huấn luyện qua thời gian dài, thứ hai là chúng tôi có thể thực hiện được những kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, bệnh viện lại có tình trạng quá tải.

Như vậy, để phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn nữa thì PPP ở đây giúp bệnh viện giảm tải, dù bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 hay Bệnh viện Gia An 115 thì vẫn được hưởng các kỹ thuật chuyên sâu, được đội ngũ nhân sự nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị, hội chẩn để tìm ra giải pháp tốt nhất. Thứ nữa là trang thiết bị đều được đầu tư đồng đều, người bệnh đều được hưởng lợi từ các trang thiết bị này. Cuối cùng, tất cả những vấn đề này đều đem lại lợi ích cho người bệnh.

Tôi nghĩ đây là vấn đề nên được phát triển để đem lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Khi các bạn đến Bệnh viện Gia An 115 thì sẽ được chăm sóc sức khỏe với đầy đủ trang thiết bị, kỹ thuật, máy móc trình độ cao. Tại Bệnh viện Gia An 115 cũng đã quy tụ được đội ngũ y bác sĩ, đồng thời kết hợp với Bệnh viện Nhân dân 115 thì sẽ có lợi, chỉ cần ở một chỗ mà vẫn tận dụng được chất xám, kĩ năng của 2 cơ sở y tế hiện đại hàng đầu thành phố.

Toàn cảnh buổi livestream

PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CÙNG KHÁN THÍNH GIẢ

Tú Uyên - TPHCM

Thưa BS, bệnh xơ gan có mấy giai đoạn? Diễn tiến từ xơ gan đến ung thư gan như thế nào? Làm thế nào để ngăn ngừa diễn tiến đó xảy ra? Đã có trường hợp nào chỉ dừng ở xơ gan mà không tiến triển thành ung thư chưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Khi để diễn tiến thành xơ gan thì đã qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên có thể các tế bào gan bị viêm, sau đó thì xơ hóa rồi mới đến xơ gan.

Xơ gan thì có giai đoạn đầu, giữa và cuối, nếu như bệnh vẫn tiếp diễn nữa thì sẽ chuyển sang ung thư gan. Tuy nhiên, lưu ý rằng có những trường hợp diễn tiến thành ung thư mà không qua giai đoạn xơ gan, nhưng cũng có những trường hợp xơ gan nhưng được chặn đứng ở giai đoạn đầu hoặc xơ hóa gan thì có thể đảo ngược quy trình, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn, không diễn tiến đến ung thư.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải chẩn đoán ở giai đoạn sớm và can thiệp ở giai đoạn còn có thể can thiệp được thì hiệu quả can thiệp cao. Đã có những bệnh nhân xơ gan nhưng vẫn sống khỏe mạnh đến cuối đời, sống vui khỏe đến 80 - 90 tuổi.

Minh Châu - chauha87…@gmail.com

Bệnh về gan có di truyền sang cho con, trong các bệnh về gan bệnh nào có yếu tố di truyền, bệnh nào không? Làm sao để kiểm tra được có bị di truyền hay không để phòng ngừa? Trong gia đình nếu có người mắc bệnh gan thì bao lâu nên kiểm tra 1 lần? Làm xét nghiệm là cơ bản nhất thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Bạn thân mến,

Bệnh gan liên quan đến di truyền thì có nhưng hiếm gặp. Thường gặp nhất là ở 3 căn bệnh: ứ sắt ở gan (sắt không chuyển hóa và ứ lại ở gan gây xơ gan, đồng thời nó cũng ứ lại ở một số cơ quan khác), rối loạn chuyển hóa đồng và thiếu men alpha-1 antitrypsin.

Khi bệnh nhân đến với chúng tôi, trong một số trường hợp chúng tôi không biết tại sao bệnh nhân lại diễn tiến đến viêm gan, xơ gan thì lúc này phải đi tìm nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân thường gặp thì chúng tôi cũng để ý đến các nguyên nhân khác, đo nồng độ Ferritin trong máu để xem có tình trạng ứ sắt ở trong máu hay không, đo nồng độ đồng Caeruloplasmin trong máu, nước tiểu để kiểm tra có ứ đồng hay không, cũng như đo nồng độ men để kiểm tra các bệnh lý.

Hiện nay, nhiều người cho rằng bệnh Wilson và bệnh ứ sắc ít gặp nhưng trong thực tế chúng tôi gặp cũng khá nhiều. Vì thế, giả sử trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh này thì bạn cũng nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa gan mật để tầm soát và có câu trả lời cụ thể rõ ràng hơn, vì bệnh này có thể theo chúng ta suốt đời chứ cũng chưa thể chữa khỏi.

Nguyễn Trần Minh Nguyệt - hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Em có thai 33 tuần, bị ngứa khắp người. Em đi khám, xét nghiệm máu men gan tăng cao gấp 5 lần, bác sĩ cho biết em bị ứ mật trong gan. Xin hỏi bệnh này nguy hiểm gì cho mẹ và thai? Sau sinh em có hết bệnh này không? Nếu không phải điều trị như thế nào? Em cảm ơn BS.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Bạn thân mến,

Ở đây có sự nhầm lẫn tắc mật và tăng men gan. Tăng men gan biểu hiểu của hiện tượng hoại tử tế bào gan chứ chưa hẳn là tắc mật. Trong trường hợp tắc mật sẽ làm tăng bilirubin. Tắc mật chỉ chiếm 1/3 trong các nhóm nguyên nhân gây vàng da, vì có vàng da trước gan, vàng da tại gan và vàng da sau gan. Trên phương diện của ngoại khoa thì tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tắc mật tức là vàng da sau gan, TS Phượng sẽ lý giải rõ ràng hơn về vàng da tại gan.

Như vậy, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để phân biệt rõ ràng đây là tăng men gan, tắc mật hay là vàng da.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Trong trường hợp này tôi cũng đồng với ý kiến của BS Toàn, bạn không nên chần chừ mà hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra xem đây là bệnh gì. Với tình trạng bạn cung cấp cũng tương đối nguy hiểm, men gan đã tăng gấp 5 lần rồi mà còn kèm theo tắc mật, đặc biệt bạn lại đang mang trong mình một sinh linh nữa. Vì vậy theo tôi bạn cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để xác định, điều trị và bảo vệ cho thai nhi của mình.

Trần Thanh Huy - Q. Tân Bình, TPHCM

Tôi đang bị bệnh sỏi mật, siêu âm có vài viên 8, 9 ly. Xin bác sĩ tư vấn giùm tôi, sỏi túi mật điều trị như thế nào? Trường hợp nào phẫu thuật nội soi cắt túi mật? Tôi muốn cắt để phòng ngừa biến chứng sau này thì có nên không? Nếu cắt bỏ túi mật thì có ảnh hưởng về sau không thưa bác sĩ? Có cách nào lấy sỏi mà không phải cắt túi mật? Cảm ơn BS nhiều.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn trả lời:

Bạn thân mến,

Câu hỏi của bạn rất hay và tôi nghĩ đây cũng là vấn đề thắc mắc của khán thính giả. Bởi từ lâu người ta đã thấy rằng sỏi túi mật thường xuất hiện nhiều ở người từ 40 tuổi trở lên, gần đây thì độ tuổi còn trẻ hơn. Tôi đã từng mổ những trường hợp bệnh nhân có sỏi túi mật và biến chứng ở độ tuổi khoảng 21, 22, kích thước sỏi cũng lên đến 8 - 9mm, như vậy sỏi cũng hình thành được khoảng 2 năm.

Túi mật là đường mật phụ chứ không phải đường mật chính. Đường mật chính xuất phát từ trong gan và đổ theo các tiểu quản mật trở về ống mật chủ trước khi xuống tới tá tràng (đoạn đầu của ruột non). Do đó, khi cắt túi mật đi thì không gây ảnh hưởng đến đường mật chính, cũng không gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, vì thế chúng ta nên cắt túi mật khi sỏi túi mật đã có biến chứng hoặc cần dự phòng. Ví dụ như trong trường hợp cần đi công tác xa mà khó khăn trong việc tiếp cận cơ sở y tế, ra nước ngoài mà sợ rằng biến chứng sỏi túi mật sẽ xảy ra trong khoảng thời gian đó thì có thể chủ động; hoặc lớn tuổi, có bệnh cao huyết áp sợ rằng nhiều năm nữa bệnh lý đó sẽ gây cản trở phẫu thuật thì có thể chủ động cắt túi mật nội soi.

Hơn 20 năm qua, kỹ thuật cắt túi mật nội soi đã hoàn thiện ở Việt Nam, rất nhiều bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này. Như Bệnh viện Gia An 115 hoàn toàn có thể thực hiện tốt, tỷ lệ thành công lên đến 98%, 2% còn lại là thuộc về có một số vấn đề tùy thuộc vào bệnh lý liên quan của người bệnh. Mổ mở sẽ được đặt ra khi kỹ thuật nội soi không thể thực hiện được như bệnh nhân có sẹo mổ cũ dính, có bệnh lý về tim, phổi không cho mổ nội soi, chứ không phải lúc nào cũng mổ mở. Gần như tuyệt đối là chúng tôi sẽ bắt đầu bằng kỹ thuật nội soi.

Hai chuyên gia trong buổi phát sóng livestream

Trân trọng cảm ơn TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và ThS.BS Nguyễn Thế Toàn, Bệnh viện Gia An 115 đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X