Những điều cần biết về tình trạng đau thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai
Tình trạng phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa diễn ra ngày càng nhiều, khi bào thai ngày một phát triển trong cổ tử cung. Chứng đau thần kinh tọa khi mang thai có thể gây ra những chèn ép đến các rễ dây thần kinh. Điều này sẽ hình thành nên những cơn đau nhức, tê bì, ngứa ran tại vùng mông và lưng dưới, sau đó là lan xuống hai chân.
1. Tình trạng đau thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai như thế nào?
Khi mang thai người mẹ thường có cảm giác đau ở vành thắt lưng khung xương chậu trong suốt quá trình thai kì. Nhiều ý kiến cho rằng khi thai nhi phát triển đè nặng xuống các dây thần kinh hông dẫn đến tình trạng đau dây thần kinh tọa
Trên thực tế, đây không phải là một bệnh lý riêng lẻ mà là biểu hiện triệu chứng của một bệnh lý nào đó. Thông thường, đau thần kinh tọa khi mang thai liên quan đến bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, hẹp ống sống và trượt đốt sống.
Đau thần kinh tọa khi mang thai có thể diễn biến dai dẳng trong vài tháng trở lên cho đến khi thai phụ sinh con. Các chuyên gia cho biết, nhìn chung, tình trạng này không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đây có thể là sự thay đổi bên trong cơ thể người mẹ trong thời gian mang thai hoặc là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm.
2. Triệu chứng của đau thần kinh tọa khi mang thai
Chứng đau thần kinh tọa khi mang thai thường bắt đầu với cảm giác đau nhức như điện giật dọc mông, đùi, chân và bàn chân. Triệu chứng này hầu như chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể và hiếm khi tác động cả hai bên. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dấu hiệu nhận biết của chứng đau thần kinh tọa khi mang thai bao gồm:
- Các cơn đau tại vùng lưng và thắt lưng vào đầu thai kỳ, sau đó tăng dần ở những tháng cuối thai kỳ.
- Cảm giác đau nhức có thể xuất hiện và biến mất đột ngột hoặc kéo dài liên tục nhiều giờ.
- Cơn đau dọc thắt lưng lan dần xuống phần hông, đùi, đầu gối đến tận gót chân.
- Khi bà bầu vận động mạnh, cúi người, gập người, hắt hơi, ho khan, thay đổi tư thế, leo cầu thang, tình trạng đau nhức càng trầm trọng hơn.
- Yếu cơ, tê chân và có cảm giác như đang bị côn trùng chân chích, bò cắn từ phần thắt lưng tới gót chân.
- Nếu bệnh tình chuyển nặng, thai phụ có thể bị mất cảm giác ở chân, không thể kiểm soát khi đại tiện, tiểu tiện. Đôi khi, cơ thể tê liệt hoàn toàn và không thể cử động vùng thắt lưng trở xuống.
- Đau mỏi thường xuyên và liên tục ở một bên chân hoặc mông.
- Dáng đi tập tễnh, gặp khó khăn khi đi lại, đứng lên hoặc ngồi xuống.
Xem thêm: Những thói quen xấu cần tránh khiến tình trạng đau thần kinh tọa không trở nặng thêm
3. Nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa khi mang thai
Dây thần kinh tọa là một trong những dây thần kinh lớn và quan trọng nhất của cơ thể, trải dài từ phần dưới thắt lưng, dọc theo mông, qua cẳng chân tới các ngón chân. Chức năng chính của dây thần kinh tọa là kiểm soát và điều khiển hoạt động của vùng lưng và hai chân, đảm bảo thực hiện các động tác duỗi, ngồi, gập bàn chân, gập đầu gối hay phối hợp di chuyển hai chân.
Đau thần kinh tọa khi mang thai có thể giới hạn khả năng vận động của mẹ bầu. Triệu chứng này thường xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ và ngày càng trở nên nghiêm trọng khi bào thai lớn dần theo thời gian. Hiện nay, có khoảng 1% phụ nữ bị đau thần kinh tọa khi mang thai. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Thay đổi hormone: Trong suốt thai kỳ, lượng hormone bên trong cơ thể người mẹ thay đổi rõ rệt nhằm nới lỏng và làm giãn dây chằng xung quanh xương chậu. Nhờ đó, thai phụ dễ dàng sinh con qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, sự thay đổi này đồng thời cũng khiến các đốt sống trở nên lỏng lẻo, kém linh hoạt và không thể bảo vệ tốt dây thần kinh tọa.
- Áp lực từ thai nhi: Khi thai nhi càng phát triển, sức ép lên dây thần kinh tọa càng tăng nhanh. Do đó, các mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đau nhức tại vùng lưng dưới, sau đó lan dần xuống phần mông và hai chân.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm có thể xuất hiện trước hoặc trong quá trình mang thai. Nếu chệch khỏi vị trí ban đầu và lồi hẳn ra ngoài thì đĩa đệm sẽ chèn ép các dây thần kinh tọa, sinh ra hiện tượng đau nhức vùng hông, thắt lưng, sau đó lan xuống chân và bàn chân.
- Ngực và bụng phát triển quá mức: Trong giai đoạn thứ 3 của thai kỳ, ngực và bụng phát triển nhanh chóng, trọng tâm của cả cơ thể được dồn về phía trước. Vì vậy, đường cong tự nhiên cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, áp lực lên các cơ tại vùng mông và xương chậu tăng lên đáng kể, gây chèn ép dây thần kinh.
- Tử cung nới rộng: Vào những tháng cuối thai kỳ, tử cung sẽ càng mở rộng để thích nghi với sự phát triển của em bé. Đau thần kinh tọa là hệ quả tất yếu của vấn đề này.
- Vị trí của thai nhi: Trong một số trường hợp, thai nhi có thể vô tình đè ép trực tiếp lên dây thần kinh tọa, dẫn đến những cơn đau nhức dọc hông, mông và hai chân.
Ngoài ra, đau thần kinh tọa khi mang thai còn liên quan đến một số yếu tố khác như: vận động sai tư thế, khuân vác vật nặng, táo bón, béo phì, tiểu đường, đau lưng mạn tính, chấn thương vùng chậu…
4. Đau thần kinh tọa khi mang thai có nguy hiểm không?
Đau thần kinh tọa khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến và hầu như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Khi đó, mẹ bầu sẽ bị những cơn đau nhức từ vùng thắt lưng trở xuống thường xuyên làm phiền. Điều này khiến người mẹ đi lại khó khăn, suy giảm khả năng vận động, đồng thời gặp phải nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Các chuyên gia nhận định, thông thường, những triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất ngay sau khi người mẹ sinh con. Nếu đang bị đau thần kinh tọa thể nhẹ, mẹ bầu có thể dễ dàng cải thiện vấn đề bằng cách chườm nóng - chườm lạnh, massage nhẹ nhàng, điều chỉnh chế độ ăn uống hay tập vật lý trị liệu vừa sức và điều độ.
Thế nhưng, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng hướng, chứng đau thần kinh tọa khi mang thai có thể gây ra nhiều bệnh lý xương khớp phức tạp như: thoái hóa khớp, gai cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, sự chèn ép quá mức của đĩa đệm lên rễ dây thần kinh có thể dẫn đến tình trạng tê liệt tạm thời, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động của người mẹ. Theo thời gian, bà bầu dễ bị teo cơ và rối loạn đại - tiểu tiện. Lúc này, bệnh nhân cần được tiến hành phẫu thuật để đẩy lùi triệu chứng, hạn chế biến chứng cũng như giảm thiểu nguy cơ sảy thai.
Do đó, các mẹ bầu không nên chủ quan, xem thường chứng đau thần kinh tọa khi mang thai. Lưu ý, bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức khi xuất hiện một trong các hiện tượng sau:
- Co thắt tử cung, chảy máu âm đạo và tê bì tại vùng xương chậu cùng phần dưới cơ thể: Đây có thể là dấu hiệu sinh con.
- Sốt cao đi kèm những cơn đau nhức âm ỉ tại vùng xương sườn, lưng dưới, hông và hai chân: Đây có thể dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng ở thận hoặc bàng quang.
- Những cơn đau nghiêm trọng diễn ra đột ngột, không rõ nguyên nhân: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh loãng xương, viêm khớp hoặc các rối loạn khác trong suốt thai kỳ.
5. Những phương pháp điều trị chứng đau thần kinh tọa khi mang thai
Đau thần kinh tọa khi mang thai có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Trong đa số trường hợp, các bác sĩ chuyên khoa sẽ kê một số loại thuốc Tây phù hợp để người bệnh sử dụng trong suốt thai kỳ. Bên cạnh đó, mẹo chườm nóng - chườm lạnh, massage nhẹ nhàng, tập vật lý trị liệu điều độ, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng giúp các mẹ bầu cải thiện tình trạng này vô cùng hiệu quả mà không cần dùng thuốc.
a. Sử dụng thuốc Tây
Thông thường, nhằm kiểm soát những cơn đau của thai phụ, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc Tây sau đây:
- Thuốc giảm đau acetaminophen có công dụng giảm đau an toàn, ít gây ra tác dụng phụ nhưng mang lại hiệu quả không cao. Trong quá trình sử dụng, thai phụ cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Thuốc kháng viêm, giảm đau không chứa steroid (ibuprofen, piroxicam) là một trong những loại thuốc thường được khuyên dùng. Tuy nhiên, tương tự thuốc giảm đau acetaminophen, các loại thuốc kháng viêm, giảm đau không chứa steroid có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, mẹ bầu cần thực sự cẩn trọng.
- Thuốc tiêm steroid giúp ức chế các cơn đau nhức dây thần kinh tọa nặng nề ở phụ nữ mang thai.
Lưu ý: Trước khi điều trị chứng bệnh này bằng thuốc Tây, các mẹ bầu nên chủ động đi thăm khám và tuân thủ nghiêm ngặt mọi hướng dẫn chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý chọn mua hay sử dụng thuốc Tây khi chưa tham vấn y khoa.
b. Đi bộ thường xuyên
Đi bộ một đoạn ngắn giúp cải thiện chức năng vận động cũng như nâng cao mức độ ổn định của vùng lưng dưới. Khi chúng ta đi bộ, các đĩa đệm của cột sống thắt lưng sẽ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất dạng lỏng. Điều này hỗ trợ làm giảm áp lực, đồng thời hạn chế tình trạng chèn ép dây thần kinh tọa. Thêm vào đó, thói quen đi bộ thường xuyên cũng góp phần tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt của vùng xương chậu. Vì vậy, quá trình sinh nở sẽ diễn ra dễ dàng, suôn sẻ hơn đáng kể.
Ban đầu, phụ nữ mang thai nên tập đi bộ 5 phút/ngày, sau đó tăng dần lên 15 - 30 phút/ngày trong 4 - 5 ngày/tuần. Chị em cần lưu ý uống nhiều nước, không để xảy ra hiện tượng đuối sức vì thiếu nước. Bên cạnh đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội, tập yoga, leo cầu thang, tập thể dục nhịp điệu… cũng là những hoạt động an toàn và lý tưởng dành cho thai phụ. Tuy nhiên, để phòng tránh rủi ro tối đa, phái đẹp hãy trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng.
Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp về đau thần kinh tọa
c. Nghỉ ngơi đúng cách
Nghỉ ngơi đúng cách khi cơn đau xuất hiện là vấn đề vô cùng quan trọng. Các mẹ bầu nên thư giãn trên một chiếc giường bằng phẳng, êm ái và nghiêng người về bên không đau. Tư thế này có thể giảm thiểu áp lực lên dây thần kinh tọa.
d. Chườm nóng - chườm lạnh
Các mẹ bầu có thể chườm nóng - chườm lạnh bằng cách áp một chai nước nóng hoặc một túi đá lạnh vào vùng da đau nhức để xoa dịu triệu chứng, áp dụng 15 - 20 phút/lần và 2 - 3 lần/ngày.
e. Massage giảm đau
Phương pháp massage không chỉ hỗ trợ thư giãn tinh thần, đánh bay căng thẳng - mệt mỏi trong thai kỳ mà còn kiểm soát hiệu quả chứng đau thần kinh tọa khi mang thai. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị này, các mẹ bầu nên lựa chọn những nhà trị liệu uy tín, có trình độ chuyên môn cao và đã được cấp giấy phép hoạt động chuyên sâu trong ngành massage trước khi sinh nở.
Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng có thể nhờ người thân massage nhẹ nhàng ở phần dưới của lưng nhằm xoa dịu cảm giác đau mỏi khó chịu xung quanh dây thần kinh tọa. Hãy thực hiện các động tác xoa bóp một cách khéo léo, liên tục và chỉ nên dừng lại khi thai phụ bị đau.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể nằm trên sàn nhà, sau đó kê trái bóng tennis dưới lưng và lăn trở nhẹ nhàng. Trong 2 giai đoạn còn lại, thai phụ có thể tự massage bằng cách ngồi hoặc đứng tựa lưng vào tường, đặt dưới lưng trái bóng tennis và lăn trở nhẹ nhàng tương tự cách làm trong giai đoạn đầu.
f. Tập yoga chữa đau thần kinh tọa khi mang thai
Hiện nay, với hàng loạt lợi ích tuyệt vời về mặt sức khỏe, bộ môn yoga đang được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Hoạt động này có thể tái sắp xếp cơ thể chúng ta cũng như giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý rằng, thói quen luyện tập yoga không đúng cách có thể dẫn đến hiện tượng lỏng lẻo dây chằng. Do đó, nên luyện tập vừa sức với sự hướng dẫn trực tiếp từ huấn luyện viên hoặc chuyên gia.
g. Tập vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm nhiều liệu pháp như: điện trị liệu, nhiệt trị liệu, kéo giãn cột sống cùng nhiều bài tập tại nhà. Bằng cách giảm viêm, sắp xếp lại sụn khớp và cơ bắp cũng như cải thiện lưu lượng máu, phương pháp này có thể hạn chế cảm giác đau nhức đây thần kinh tọa vô cùng hiệu quả. Căn cứ vào cơ địa và tình trạng bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách luyện tập phù hợp nhất.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình