Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và biểu hiệu của tình trạng đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là một tình trạng bệnh cơ xương khớp thường gặp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 30 - 50. Nếu không được điều trị tận gốc, đau thần kinh tọa có thể làm người bệnh bị suy giảm các chức năng vận động một cách nghiêm trọng.

1. Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa, hay đau dây thần kinh tọa, là thuật ngữ mô tả tình trạng đau lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, từ phía thắt lưng qua hông, mông và xuống mỗi bên chân. Thông thường, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.

Cơn đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm gây ra. Khi đó, các đĩa đệm thoát vị sang bên, gây chèn ép một phần hoặc hoàn toàn dây thần kinh tọa, từ đó gây ra tình trạng viêm, đau và tê dọc xuống bên chân có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Mặc dù cơn đau này có thể gây khó chịu, đau đớn nhiều nhưng trong hầu hết các trường hợp, bệnh có xu hướng tự thuyên giảm trong vòng vài tuần nhờ vào các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Những người bị đau thần kinh tọa nghiêm trọng khiến cho chân yếu đi đáng kể hoặc tạo ra những thay đổi ở ruột/bàng quang có thể cần phải phẫu thuật.

2. Nguyên nhân của tình trạng đau thần kinh tọa

Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép, thường là do thoát vị đĩa đệm ở cột sống hay sự phát triển quá mức của các gai xương trên đốt sống. Một số ít trường hợp, dây thần kinh này có thể bị chèn ép bởi một khối u hoặc bị tổn thương do một bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân thường gặp nhất là tổn thương rễ thần kinh, tiếp đến là tổn thương dây và đám rối thần kinh thắt lưng. Ngoài ra, đau thần kinh tọa có thể do nhiễm trùng hoặc do sự chèn ép từ các tổ chức lân cận. Các nguyên nhân cự thể như:

- Thoát vị đĩa đệm: là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chèn ép rễ thần kinh toạ (hay xuất hiện ở đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1) gây ra cơn đau.

- Hẹp ống sống: thường gặp ở người trên 60 tuổi, do thoái hóa cột sống thắt lưng dẫn đến sự thu hẹp của ống tủy sống, gây áp lực lên rễ dây thần kinh hông.

- Khối u cột sống: khối u có thể phát triển bên trong, dọc theo cột sống hoặc trên dây thần kinh, chèn ép vào dây thần kinh khiến người bệnh đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa.

- Viêm cơ, nhiễm trùng hoặc gãy xương chèn ép dây thần kinh tọa gây đau.

- Do làm việc trong tư thế không đúng, không thoải mái: thường rung sốc như lái xe hoặc mang vác nặng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa.

3. Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa

a. Thời điểm xuất hiện cơn đau

Đau thường đột ngột xuất hiện sau gắng sức hoặc sang chấn thương vùng thắt lưng. Có thể sau khi khuân vác đồ nặng hoặc cúi xuống không đúng tư thế dẫn đến vùng thắt lưng bị đau.

b. Vị trí đau

Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ cột sống thắt lưng lan tới hông, mông, vùng đùi, cẳng chân và tận ở các ngón chân. Cụ thể như:

- Tổn thương rễ L4: người bệnh sẽ đau đến khoeo chân (vị trí phía sau khớp gối).

- Tổn thương rễ L5: triệu chứng đau lan tới mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I).

- Tổn thương rễ S1: đau lan tới lòng bàn chân tận hết ở ngón V (ngón út).

- Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.

c. Tính chất đau thần kinh tọa

Có thể đau liên tục, kéo dài hoặc đau thành từng cơn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau hơn khi hoạt động mạnh như ho, hắt hơi,... và cơn đau sẽ giảm khi được nghỉ ngơi.

Triệu chứng kèm theo:

- Cứng và đau cột sống dẫn đến khó khăn khi cúi xuống, khó kiễng chân hay khó đứng trên đầu ngón chân.

- Tê bì, nóng hoặc cảm giác kiến bò, đau rát như dao đâm.

- Nếu bệnh nặng có thể mất cảm giác ở chân, teo cơ hoặc bí đại tiểu tiện,...

Xem thêm: Đau thần kinh tọa nên ăn gì kiêng gì?

4. Các biến chứng của đau thần kinh toạ

- Mất cảm giác ở chân: nếu đau kéo dài không được điều trị hoặc mức độ chèn ép dây thần kinh tọa nhiều có thể gây tổn thương sợi cảm giác của thần kinh tọa dẫn đến mất cảm giác hoàn toàn ở chân bên có chèn ép.

- Yếu liệt chân: đau thần kinh tọa làm giảm nuôi dưỡng các cơ vùng chân kèm theo sự hạn chế vận động để giảm đau. Lâu dần có thể dẫn đến teo cơ đùi, cẳng chân, bàn chân khiến việc đi lại yếu đi rõ rệt.

- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang: một số trường hợp đau thần kinh tọa nặng có thể gây rối loạn cơ vòng làm giảm nhu động ruột gây nên bụng chướng, ăn uống khó tiêu, táo bón hoặc giãn cơ bàng quang gây bí tiểu.

5. Chẩn đoán đau thần kinh tọa thế nào?

a. Các nghiệm pháp thăm khám

- Hệ thống điểm đau Valleix: bác sĩ sẽ thăm khám thông qua việc ấn vào các điểm trên đường đi của dây thần kinh tọa từ ngang mức điểm đau đến mông, đùi, cẳng chân và mắt cá ngoài.

- Dấu hiệu Lasegue dương tính: bác sĩ thực hiện động tác nhấc chân người bệnh về phía bụng. Bình thường, người bệnh có thể nhấc chân đến 90 độ mà không cảm thấy đau đớn, nếu thấy đau khi mới nhấc chân được dưới 70 độ chứng tỏ có tổn thương thần kinh tọa.

- Dấu hiệu gân xương: các phản xạ gân bánh chè hoặc gân gót cũng đem lại giá trị cho chẩn đoán bệnh. Đồng thời, giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác của thần kinh trung ương.

b. Cận lâm sàng chẩn đoán bệnh

- Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa thông thường: kết quả công thức máu, máu lắng và chỉ số CRP sẽ giúp loại trừ nguyên nhân đau thần kinh tọa do viêm nhiễm hoặc bệnh ác tính như ung thư.

- Chụp X-quang: thường sử dụng phim chụp X-quang cột sống thắt lưng để đánh giá các biến dạng của cột sống, mức độ thoái hóa hoặc chèn ép lên thần kinh tọa.

- Chụp cộng hưởng từ: là phương pháp cận lâm sàng giúp phát hiện thoát vị đĩa đệm cột sống, hẹp ống tủy, các khối u hoặc viêm nhiễm quanh dây thần kinh tọa,...

- Chụp CT: hay chụp cắt lớp vi tính đốt sống thắt lưng, thường có giá trị trong chẩn đoán đau thần kinh tọa do xẹp hoặc chấn thương đốt sống.

- Điện cơ đồ (EMG): đo các xung điện phát ra từ thần kinh tọa kích thích các cơ vùng chân bên tổn thương. Từ đó, giúp bác sĩ đánh giá được mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X