Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia hướng dẫn giải pháp kết hợp điều trị đau thần kinh tọa

Nguyên nhân đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, trượt, xẹp đốt sống, do viêm nhiễm, ung thư,… Trong bài viết đây BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ đã chia sẻ đến bạn đọc các phương pháp xoa bóp trị liệu thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa (còn gọi là thần kinh hông to, hay thần kinh ngồi) là bệnh lý với biểu hiện đau vùng thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân, có khi lan đến gót và bàn chân. Cơn đau khiến cho người bệnh không thể cúi ngửa, xoay trở hoặc đi lại. Có thể kèm theo các tình trạng như tê, châm chích, dị cảm hoặc yếu liệt 2 chân. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30 - 60 tuổi.

Nguyên nhân của đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như thoái hóa cột sống, trượt, xẹp đốt sống, do viêm nhiễm, ung thư,…

Một số bệnh lý dễ nhầm lẫn với đau thần kinh tọa như: sỏi thận niệu, viêm khớp cùng chậu, viêm khớp háng, viêm dải chậu chày và các bệnh lý viêm gân cơ khác.

Đau thần kinh tọa có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?

Tùy vào nguyên nhân mà việc điều trị có khỏi hoàn toàn hay không. Các nguyên nhân thường gặp như thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm thường trị khỏi sau khi phẫu thuật. Còn các nguyên nhân khác, sẽ kéo dài dai dẳng, không thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Trong đợt cấp, cơn đau nặng làm người bệnh hạn chế xoay trở, hạn chế vận động. Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu là bất động và giảm đau, phối hợp dùng thuốc và các phương pháp: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu. Ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm người bệnh cần đeo đai lưng và tránh hoạt động sai tư thế.

Với Y học hiện đại, các thuốc đầu tay là thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ. Ưu điểm của các thuốc này là giúp người bệnh giảm nhanh triệu chứng, nhưng nhược điểm là không thể dùng lâu dài, vì tác dụng phụ của thuốc trên tim mạch, tiêu hoá, thận,…

Với Y học cổ truyền, trong giai đoạn đau cấp, các vị thuốc như Đào nhân, Hồng hoa, Đương quy, Xuyên khung, Mộc hương, Hương phụ, Bạch thược, Ngưu tất, Khương hoạt,… giúp hành khí, hoạt huyệt huyết, khử ứ,… giải quyết cơn đau cấp của bệnh. Các vị thuốc phối hợp nên bài thuốc Thân thống trục ứ thang, giúp giải quyết cơn đau cấp, có thể sử dụng cho những người nhạy cảm với thuốc kháng viêm giảm đau (kích ứng dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau), thuốc lỏng uống tác dụng nhanh.

Châm cứu và các phương pháp điều trị khác như cấy chỉ, laser châm, nhĩ châm, thuỷ châm, phối hợp cùng thuốc thang làm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Tuỳ theo tình hình bệnh, cũng như hoàn cảnh người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và an toàn, hiệu quả về chi phí.

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt với thủ thuật miết, day, bấm, bóp, chặt, vờn làm giãn cơ, lưu thông khí huyết, giảm đau.

Vật lý trị liệu, kéo cột sống bằng máy, siêu âm, sóng ngắn làm giảm chèn ép, tăng tuần hoàn, giãn cơ, giảm đau.

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định khi người bệnh được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm gây liệt chi dưới, teo cơ chi dưới, rối loạn chức năng tiểu tiện, đại tiện, chức năng sinh dục,…

Dự phòng đau thần kinh tọa như thế nào?

Để dự phòng đau thần kinh tọa nên lưu ý luôn giữ cột sống thẳng đứng, tránh cúi người bưng, bê, vác vật nặng, nếu không thể tránh được, cần phải tập luyện tư thế bưng vác đúng cách và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ngoài ra, tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ lưng và sự mềm mại cột sống. Điều trị kịp thời các bệnh lý thoái hóa, xẹp, trượt đốt sống, ung thư, viêm,…

Khi bị đau thần kinh tọa, điều quan trọng là phải tìm ra được nguyên nhân, từ đó đưa ra liệu trình điều trị phù hợp. Vì vậy người bệnh cần được thăm khám cẩn thận tại các cơ sở y tế.

Phương pháp xoa bóp trị liệu thần kinh tọa

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ phương pháp xoa bóp trị liệu thần kinh tọa. Xoa bóp vùng chi dưới bị bệnh: Bệnh nhân nằm sấp, thấy thuốc đứng cạnh bên. Tùy theo tổn thương L5 (mặt bên) hoặc S1 (mặt sau) mà xoa bóp bấm huyệt thích hợp.

- Xoa, day: Vùng thắt lưng, từ mông đến bàn chân bên đau.

- Phát chi dưới: Từ mông đến bàn chân.

- Lăn mông và chân: Từ mông đến bàn chân.

- Tìm điểm đau và day điểm đau: xem cự án hay thiện án mà có thủ thuật hợp lý

- Bóp và vờn chi dưới: Từ mông đến bàn chân.

- Phát Mệnh môn: 3 cái.

Xoa bóp chi dưới xem bị mặt sau hay mặt bên chi dưới cần chú ý làm từng phần, đủ và đúng kỹ thuật. Mỗi kỹ thuật tuỳ thời gian cho phép có thể làm từ 5 - 10 lần.

Trong khi làm luôn chú ý quan sát người bệnh, về độ mạnh nhẹ của kỹ thuật để điều chỉnh thao tác cho sát, hợp với sức chịu đựng người được xoa bóp.

Bấm tả các huyệt bên đau:

- Giáp tích L2 - 3, L5- S1 + Đại trường du + Thứ liêu

- Trật biên + Hoàn khiêu + Thừa phù

- Ân môn + Ủy trung + Thừa sơn

- Côn lôn + Khâu khư + Dương lăng tuyền + Huyền chung

Liệu trình điều trị: Xoa bóp 20 phút/lần/ngày,

Một liệu trình điều trị từ 7 - 14 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X