Hotline 24/7
08983-08983

Những câu hỏi thường gặp về đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là một trong những bệnh lý về xương khớp phổ biến hiện nay. Những bệnh lý về cột sống do sai tư thế, ít vận động ngày càng tăng trên nhóm đối tượng trẻ tuổi. Kéo theo đó là những tác động xấu tới sức khỏe, trong đó có đau thần kinh tọa.

1. Đau thần kinh tọa là tình trạng bệnh như thế nào?

Đau thần kinh tọa (hay còn gọi là đau dây thần kinh tọa) là hội chứng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.

Đây được coi là dây thần kinh dài nhất và quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta. Dây thần kinh tọa chạy dọc từ cột sống thắt lưng xuống tới các ngón chân. Do đó, cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng thắt lưng khu vực các đốt sống L4, L5 và S1, sau đó lan xuống hông, mông, đùi, bắp chân và lan xuống bàn chân.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thần kinh tọa là gì?

- Do thoát vị đĩa đệm: Các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 80% bệnh nhân bị đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm và các tổn thương ở vùng đĩa đệm như phình, lồi. Khối đĩa đệm bị thoát vị sẽ chèn ép lên dây thần kinh tọa và gây ra những cơn đau cho người bệnh.

- Do chấn thương: Những chấn thường trong quá trình làm việc có thể gây ra các tổn thương ở vùng cột sống và đĩa đệm, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

- Thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống: Tuổi tác càng cao thì nguy cơ bị thoái hóa đốt sống càng lớn. Cột sống bị thoái hóa sẽ hình thành những sai lệch hoặc các “gai” ở khớp đốt sống, gây chèn ép lên dây thần kinh tọa.

- Do các dị tật, khối u: Trường hợp các khối u chèn ép lên dây thần kinh khá hiếm gặp, tuy nhiên đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân đau thần kinh tọa.

3. Biểu hiện và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Đau thần kinh tọa xảy ra với mỗi nguyên nhân khác nhau sẽ xuất hiện những triệu chứng và dấu hiệu đau khác nhau. Với nhiều người, cơn đau xuất hiện dữ dội, có lúc đau như bị điện giật. Nhưng có nhiều người lại xuất hiện những cơn đau âm ỉ, đôi khi là cảm giác nóng rát, châm chích.

Tuy nhiên, triệu chứng đau thần kinh tọa thường gặp chủ yếu sẽ là:

-  Cơn đau bắt đầu xuất hiện ở vùng thắt lưng rồi lan ra xung quanh hoặc lan xuống phần mông. Cơn đau tiếp tục lan tới những bộ phận mà dây thần kinh tọa đi qua bao gồm phần sau đùi và bắp chân, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Thông thường, cơn đau sẽ chỉ xuất hiện ở một bên chân.

- Cơn đau sẽ có xu hướng tăng lên khi người bệnh ngồi quá lâu một tư thế, khi ho hoặc khi hắt hơi. Một vài trường hợp sẽ gây ngứa ở bàn chân và làm yếu các nhóm cơ ở chân.

Xem thêm: Đau thần kinh tọa: Phương pháp điều trị và phòng ngừa

4. Khi nào người bệnh cần đi khám bác sĩ?

Tất cả các trường hợp đau đều cần được thăm khám bác sỹ để xác định chính xác nguyên nhân. Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần đến bệnh viện ngay:

- Đau kèm tình trạng sốt

- Sưng, tấy đỏ cột sống, lưng

- Đau, tê yếu đùi trên, xương chậu hoặc xương cùng

- Nóng rát khi đi tiểu hoặc đi tiểu ra máu

- Mất kiểm soát bàng quang (đi tiểu rò rỉ không kiểm soát)

5. Đau thần kinh tọa có gây ra các biến chứng khi không được điều trị kịp thời?

Những cơn đau thường gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến tới các hoạt động sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Hơn thế nữa, nếu người bệnh để lâu không điều trị sớm sẽ dẫn tới một số biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:

a. Suy giảm chức năng vận động

Việc để lâu không điều trị sẽ gây ra hệ lụy là sức khỏe lao động bị giảm sút, các chi dần dần mất đi cảm giác dẫn tới các cơ xung quanh dây thần kinh bị teo đi và ảnh hưởng vô cùng lớn tới cuộc sống.

b. Rối loạn chức năng bàng quang và cơ vòng

Các chức năng ở bàng quang và cơ vòng bị ảnh hưởng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng là chức năng bài tiết và việc tiểu tiện của người bệnh sẽ bị mất kiểm soát.

c. Bại liệt vùng chi dưới

Đây được coi là biến chứng nguy hiểm nhất. Bại liệt toàn bộ vùng chi dưới khiến bệnh nhân mất khả năng đi lại, vùng chi dưới không thể vận động. Những sinh hoạt hằng ngày phải phụ thuộc vào những người xung quanh khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Khi tới gian đoạn cuối cùng, người bệnh gần như không còn khả năng phục hồi. Vì vậy, khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu đau thần kinh tọa, các bạn nhanh chóng tiến hành thăm khám để phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp.

6. Chẩn đoán đau thần kinh tọa bằng những phương pháp gì?

a. Thăm khám với bác sĩ

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý và các triệu chứng gần đây của bạn để sàng lọc các nguy cơ. Điều này giúp bác sĩ quyết định có cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác để xác định tình trạng bệnh lý chính xác hơn.

b. Kiểm tra khả năng vận động

Phương pháp kiểm tra này giúp xác định mức độ, vị trí và nguyên nhân khiến bạn bị đau. Các động tác kiểm tra có thể bao gồm:

- Đi kiễng gót chân để kiểm tra sức mạnh của cơ bắp chân.

- Nâng chân thẳng để xác định chính xác các dây thần kinh bị ảnh hưởng và xác định xem bạn có gặp vấn đề về đĩa đệm hay không.

- Các động tác kéo căng và chuyển động khác để xác định cơn đau và kiểm tra độ linh hoạt và sức mạnh của cơ.

c. Chẩn đoán hình ảnh

Để tăng mức độ tin cậy, nhất là với trường hợp đau thần kinh tọa mãn tính, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện thêm các kiểm tra hình ảnh như:

- Chụp X-quang cột sống để kiểm tra vị trí của các đốt sống, gai xương. Ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân nhưng kết quả này giúp định hướng tới các nguyên nhân xuất hiện do thoái hóa cột sống, trượt đốt sống. Tuy nhiên, chụp X-quang sẽ giúp loại trừ một số nguyên nhân như: viêm đĩa đệm, các dị tật, khối u,…

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kết quả sẽ cho thấy mức độ tổn thương cũng như vị trí khối thoát vị, mức độ chèn ép lên rễ thần kinh, đồng thời hình ảnh chụp MRI có thể phát hiện các nguyên nhân hiếm gặp khác như: viêm đĩa đệm, chèn ép do khối u,…

- Chụp CT - Scan: Được thực hiện khi bệnh nhân không có điều kiện hoặc không thể chụp cộng hưởng từ (MRI).

- Điện cơ đồ (EMG) để kiểm tra mức độ di chuyển của các xung điện qua dây thần kinh tọa và phản ứng của các cơ. 

- Chụp tủy đồ để xác định xem đốt sống hoặc đĩa đệm có gây chèn ép tủy, từ đó gây ra cơn đau hay không.

Xem thêm: Nguyên nhân và biểu hiệu của tình trạng đau thần kinh tọa

7. Đau thần kinh tọa có chữa khỏi được không?

Đau thần kinh tọa có thể trị dứt điểm. Tùy vào nguyên nhân gây đau để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Với cơn đau thần kinh tọa cấp tính, 90% người bệnh sẽ chữa khỏi sau thời gian điều trị. Trong đau thần kinh tọa mạn tính, thời gian điều trị kéo dài hơn và chỉ 10% số bệnh nhân có thể dứt điểm cơn đau.

8. Có nên tự ý uống thuốc giảm đau khi gặp tình trạng đau thần kinh tọa?

Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau chỉ giúp giảm triệu chứng của cơn đau chứ không khắc phục nguyên nhân gây đau, trừ khi viêm dây thần kinh là nguyên nhân. Nếu sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, và nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa…

Nên đi khám để xác định nguyên nhân và được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.

9. Làm thế nào để phòng ngừa đau thần kinh tọa?

Việc thực hiện các biện pháp giúp phòng tránh bệnh thần kinh tọa không thể giúp loại trừ 100% khả năng mắc bệnh, nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Thường xuyên áp dụng các biện pháp sau sẽ giúp giảm khả năng bị đau thần kinh tọa:

- Tập thể dục, thể thao đều đặn.

- Điều chỉnh tư thế ngồi phù hợp: lựa chọn ghế ngồi có hỗ trợ lưng dưới, tay vịn và chân đế chắc chắn, xoay được.

- Hạn chế mang vác vật nặng quá sức, giữ lưng thẳng, tránh gập lưng khi nhấc vật nặng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X