Những biến thể COVID-19 nào có ở Việt Nam?
Việt Nam đang có những biến thể nào? Biến thể Ấn Độ nguy hiểm như thế nào? TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam sẽ trả lời quý bạn đọc theo lời mời của AloBacsi trong chương trình giao lưu trực tuyến ngày 10/5/2021.
Kết quả giải trình tự gene virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ 8 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, cho thấy nhiễm biến chủng Ấn Độ - chủng đã đưa quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vào vực thẳm COVID-19 với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn và làm giảm tác dụng của vắc xin.
Nhà báo Hồng Tâm tặng hoa, cảm ơn TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã nhận lời mời của AloBacsi tham gia chương trình tư vấn về COVID-19 cho bạn đọc
Vậy:
- Biến chủng ở Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?
- Ở Việt Nam, ngoài biến chủng của Ấn Độ thì còn những biến chủng nào khác?
Tất cả những thắc mắc này đã được TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải đáp trong chương trình hôm nay. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn:
Mời tham xem nội dung tư vấn trước đó:
1. Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau?
2. Có nên tiêm vắc-xin COVID-19 sau ca tử vong do sốc phản vệ?
Việt Nam đang có những biến thể nào?
GS có thể khái quát lại hiện tại Việt Nam đang có những biến thể nào? Theo GS, tốc độ giải trình tự gen và xét nghiệm tại nước ta có bắt kịp tốc độ xuất hiện biến thể mới không ạ?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Virus Corona có 4 nhóm (nhóm A, B, C, D) thì nhóm B là nhóm có khả năng đột biến nhiều nhất. Trước đây Coronavirus có thể gây bệnh cảm lạnh, dân gian gọi là cảm cúm, người ta tưởng rằng bệnh này giống như cảm cúm nhưng thực ra nó là do căn nguyên khác, nó có tính đột biến cao. Năm 2002, nó đã đột biến thành chủng virus gây ra SARS và nguy cơ tử vong khá cao, từ 40%-60%. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được bệnh này.
Sau 10 năm, nó xuất hiện đầu tiên ở Trung Đông hay còn gọi là MERS-CoV, những virus này ẩn trong các động vật hoang dã, lây sang các động vật linh trưởng và lây sang cho con người khi chúng ăn thịt hoặc tiếp xúc với động vật đó. Nhưng cũng có thể lây lan từ người sang người và làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam
Khi đó, vật mang của MERS-CoV là con lạc đà và khu vực Trung Cận Đông thu hút rất nhiều khách du lịch, du khách rất thích thú khi cưỡi, vuốt ve chúng. Vô tình chúng ta lại dính nước bọt của lạc đà lên tay và đưa lên mặt lau mồ hôi thì hít phải mầm bệnh. Sau đó, du khách trở về quê hương thì gây ra dịch ở khắp nơi, ví dụ điển hình là Hàn Quốc. Năm 2012-2013, Hàn Quốc đã vô cùng vất vả để chiến đấu với MERS-CoV và may mắn là Việt Nam khi đó không ghi nhận ca nhiễm nào.
Đến năm 2019, Corona tiếp tục biến đổi thành nCoV, nó gắn kết với 85% gen corona cổ điển, 15% đột biến ra chủng mới. Những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lây lan ra khắp thế giới và trở thành đại dịch. Trong quá trình lây truyền giữa các quốc gia, các châu lục, giữa người với người thì nó tiếp tục đột biến, đây là sự khác lạ của SARS-CoV-2 (tên gọi mới theo Tổ chức Y tế thế giới).
Người ta ghi nhận những biến thể mới này dựa trên những giải trình gen trong phòng thí nghiệm và điều tra dịch tễ học cộng đồng. 2 yếu tố này kết hợp để chúng ta xem xét khả năng đột biến của virus. Có 3 khả năng đột biến: đột biến rất đáng quan tâm vì khi đột biến sẽ lan truyền rất nhiều nơi, đột biến lo ngại về nguy cơ tăng tốc độ lây nhiễm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như đột biến N501Y của Nhật, đang lan tràn và làm cho Nhật phải đóng cửa nhiều lần, hoặc đột biến N440K của Ấn Độ. Đột biến ấy tăng nguy cơ tử vong lên gấp 15 lần, nhưng đột biến này chỉ có tỷ lệ rất thấp. Hiện nay người ta ghi nhận rất nhiều biến thể mới và chia làm 3 nhóm chính.
Riêng Việt Nam, chúng ta đã có ghi nhận 5 biến chủng. Biến chủng đầu tiên là D164G, nó gây bệnh ở châu Âu và lan tràn vào Việt Nam vào giai đoạn đầu. Tiếp theo là biến thể B117, biến thể này xuất hiện ở Anh Quốc và chúng ta phát hiện được ở ổ dịch Hải Dương. Tiếp đến chúng ta ghi nhận biến thể B1351 từ Nam Phi do có người nhập cảnh vào Việt Nam, tiếp theo là đột biến A231 từ Rubanda. Hiện nay, chúng ta có biến thể kép từ Ấn Độ là B.1.617, có khả năng lây lan tương tự biến thể B117, nhưng tăng cao gấp 1,5 lần so với chủng ban đầu. Nguy cơ tử vong chưa ở mức nghiêm trọng nhưng biến chủng mới 440R ở Ấn Độ sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Nhưng biến thể này chưa xuất hiện ở Việt Nam.
Việt Nam có thể thực hiện được giải trình tự gen và theo dõi những biến đổi của chủng này. Ngay từ đầu, chính nhờ giải trình tự gen, đặc biệt là nuôi cấy virus - Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên nuôi cấy được coronavirus, cho nên chúng ta đã sản xuất ra bộ test-kit với độ nhạy và hiệu quả rất cao, phục vụ cho công tác xét nghiệm.
Bên cạnh đó, vẫn phải sử dụng những bộ test khác của thế giới đang sử dụng để test nhanh tại những nơi tụ tập đông người hoặc khi sàng lọc cộng đồng như hiện nay. Những cơ sở y tế ở tuyến cuối như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TPHCM, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đều có thể thực hiện giải trình tự gen này. Cho nên khi có những ca bệnh mới, chúng ta đều có thể xét nghiệm để phát hiện những biến chủng mới, để áp dụng biện pháp dự phòng và điều trị có hiệu quả.
Biến thể Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?
Biến thể Ấn Độ được bàn đến rất nhiều gần đây, được gọi là “biến thể kép”, có thông tin rằng biến thể mới có thể “cắm” vào bất cứ nơi nào trong cơ thể, lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, điều này có đúng không, thưa GS?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Thực tế, virus có lây lan được hay không là do hành vi của con người và do môi trường tạo cho virus khả năng lây lan nhanh hơn. Nhất là khi nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng, người ta khẳng định rằng virus còn có khả năng lây qua không khí. Trong bầu không khí chật hẹp như trong gia đình, vì trong gia đình chúng ta hầu như không đeo khẩu trang, nếu có một người nhiễm bệnh và không có triệu chứng thì có thể lây cho bố mẹ, anh chị em, con cái. Cho nên, tại Ấn Độ hoặc Việt Nam thì có trường hợp cả gia đình cùng bị nhiễm bệnh.
Ngay trong khu cách ly tập trung, khi ở phòng cách ly từ 2 người trở lên là phải đeo khẩu trang, bởi vì đó là môi trường mà virus có thể lây. Thứ hai, đó là hành vi của con người khi ra môi trường, ví dụ như 4 triệu người Ấn Độ cùng tắm sông Hằng trong 1 buổi sáng thì nguy cơ lây lan sẽ rất nhanh.
Còn bản chất của virus khi đột biến kép thì nó sẽ tăng nguy cơ lây lan lên 70 lần so với chủng gốc thì cùng 1 thời điểm nó sẽ lây lan rất nhanh. Với sự di chuyển của con người bằng các phương tiện khác nhau thì sẽ đưa mầm bệnh đến nhiều địa phương cùng lúc và gây bùng nhiều ổ dịch khác nhau. Do đó, lo ngại về biến chủng chỉ là một phần, còn lại là do hành vi của mỗi người và môi trường lây lan của virus. Đó là 2 yếu tố quan trọng mà chúng ta cần xem xét và xử lý. Như vậy mới ngăn được sự lây lan của virus này.
Trân trọng cảm ơn Tổng Hội Y học Việt Nam và TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Mời xem thêm các bài viết về chuyên đề COVID-19 TẠI ĐÂY!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình